Trẻ em thời nay không còn được coi như những người lớn nhỏ con (miniature adults), như trước thế kỷ trước 20. Jean Piaget, Benjamin McLane Spock, Thomas Berry Brazelton, và rất nhiều các chuyên gia khác đã nghiên cứu và chỉ vẽ cho chúng ta hiểu biết đường lối suy nghĩ và phát triển trí khôn cuả các thiếu nhi và hài nhi. Họ đã đem đến cho những người có trách nhiệm giáo dục thiếu nhi những dụng cụ để duy trì kỷ luật hữu hiệu hơn và kém bạo hành hơn.

Bắt theo kỷ luật có nghĩa là dậy dỗ. Nhu cầu áp dụng kỷ luật thường xẩy ra trong một tình trạng xã hội khi đưa trẻ đang học về quyền hành và sự tự do của nó liên quan đối với người khác. Đứa trẻ phải được dạy cách thương lượng, những cách giải quyết các vấn đề hằng ngày - như phải chia sẻ một đồ chơi - và tuân theo luật lệ và truyền thống của mỗi xã hội khiến cho đời sống hằng ngày có thể diễn tiến tốt đẹp. (một thí dụ tốt là chờ đến lượt mình chơi đu hay cầu tuột tại sân chơi)

Khi xem xét những lý luận liên quan đến vấn đề kỷ luật, đánh một đứa trẻ không làm cái điều nó được người lớn bảo, thực ra lại dậy cho đứa trẻ điều trái ngược lại với bài học mà một phụ huynh hay thầy cô muốn dậy. Thí dụ: có một đứa trẻ 2 tuổi rưỡi đang phát triển ý thức về bản ngã, nó đã thấy một cái máy bay mà nó cảm thấy phải lấy cho kỳ được. Rất tiếc là chiếc máy bay này lại nằm trong tay của một đứa bé 2 tuổi khác bên láng giềng (cả hai đều chưa đạt đến giai đoạn phát triển khả năng hợp tác và chia sẻ, và luật lệ chưa có nghĩa gì đối với chúng). Người mẹ của đứa trẻ lớn hơn đã ngạc nhiên và xấu hổ khi thấy con mình giật lấy chiếc máy bay và xô đứa bé kia vào bụi rậm và làm cho nó không thể tự bảo vệ. Nếu người mẹ này giằng lấy món đồ chơi và tát hay đánh con mình, bà sẽ dậy cho nó rằng: “Này, nếu mày đã lấy được cái máy bay đó bằng vũ lực, thì bây giờ vì tao lớn hơn, tao sẽ làm với mày y hệt như thế” - một thí dụ điển hình của châm ngôn “ai mạnh hơn là có lẽ phải”.

Người mẹ trong trường hợp này phải chú ý đến tình trạng phát triển về trí khôn và bản ngã của con mình. Một đứa trẻ 2 tuổi rưỡi có thể ý thức được những cảm xúc của người khác; ý thức về sự hợp tác hãy còn sơ sài nhưng đang được phát triển; và đứa trẻ có nhu cầu phát biểu cá tính của nó.

Người mẹ phải dỗ đứa trẻ bị đẩy vào bụi rậm và hỏi nó có sao không, chỉ cho con mình biết là đứa trẻ kia đang đau buồn, lấy chiếc máy bay và trả lại cho đứa bé (có thể cần phải cò keo một chút), và nói với con mình về sự kiện nó sẽ nghĩ sao khi tình trạng này bị đổi ngược. Bây giờ đứa con đã có thời giờ để suy nghĩ về điều mẹ nó nói. Một người mẹ giảng dậy cho 10 lần hay 50 lần về điều hay lẽ phải sẽ có lúc đứa trẻ hiểu biết. Nếu một đứa trẻ bị đánh đòn 10 lần hay 50 lần, nó sẽ chỉ ghi nhận một bài học về bạo hành.

Các phụ huynh có uy quyền thường dùng sức mạnh để giữ kỷ luật. Các bậc cha mẹ thường tạo nên những đứa con thiếu sáng kiến để đối phó với một hoàn cảnh mới lạ. Trẻ em bị đánh đập thường xuyên có cảm tưởng chúng có ít phương tiện để đạt đến mục tiêu. Đường lối duy nhất chúng biết là dùng sức mạnh y như cách thức cha mẹ chúng đã áp dụng đối với chúng.

Trên đây chỉ là một thí dụ điển hình về đường lối giáo dục mới của thế kỷ 20. Là người Việt di cư, chúng ta đa số rất ưu tư về vấn đề giáo dục con cái trên đất Hoa Kỳ, vì một mặt chúng ta muốn duy trì truyền thống giáo dục Việt nam, một mặt con cái chúng ta lại quen thuộc với nếp sống mới, do đó có sự dị biệt về văn hóa giữa cha mẹ và con cái. Trường học dậy cho chúng biết cách xử dụng quyền cá nhân và đòi hỏi quyền này phải được tôn trọng. Ở nhà chúng ta lại quen lối dậy con phải biết vâng lời tuyệt đối và thi hành các bổn phận mà chúng ta cắt đặt. Vì có sự xung đột văn hóa này mà đã xẩy ra nhiều vụ ngỡ ngàng và đau thương cho các bậc phụ huynh trong việc răn dậy con cái. Cha mẹ đánh đập con cái lại bị kết tội bạo hành trẻ em.

Mục đích của bài này là trình bầy sơ lược vài ý niệm về việc bạo hành trẻ em và phác họa các phương pháp giáo dục chúng để xóa bớt sự dị biệt văn hóa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và nêu lên những đề nghị để khiến cho việc giáo dục con em được hữu hiệu tại miền đất mới này.

Bạo hành trẻ em (child abuse) bao gồm việc gây thương tích về vật chất tinh thần và tình cảm cho con trẻ. Lạm hành khác với bạo hành ở chỗ lạm dụng quyền hành để bắt trẻ em làm việc như người lớn, khai thác con trẻ nhưng không gây thương tích một cách trực tiếp.

Bạo hành trẻ em gồm có:

1. Gây thương tích nặng nề về thể xác (physical abuse), như đánh đòn quá mạnh.

2. Chểnh mảng trong việc chăm sóc (physical neglect): bỏ đói, không cho mặc đủ ấm, không tắm rửa, bẩn thỉu, quần áo rách rưới, bệnh tật không được chữa trị.

3. Xâm phạm tiết hạnh (sexual abuse): hiếp dâm, loạn luân (incest), khiêu dâm, dụ dỗ vào đường dâm dục (promoting prostitution by minors), cho xem các phim ảnh đồi truỵ.

4. Bạo hành về tình cảm (emotional abuse): bỏ rơi, không âu yếm vỗ về, nâng niu (failure to provide warmth), không chú ý, chăm sóc, hay chửi mắng la rầy quá mức, đe dọa, gây gỗ, có sự xung khắc triền miên giữa cha mẹ và con cái, (con cái là mục tiêu để cha mẹ trút lên đầu những nỗi bực dọc, những khi gây gỗ bất hòa).

Thực trạng xã hội thời nay đã thúc đẩy sự ra đời của đạo luật ngăn ngừa việc bạo hành trẻ em, vì trong rất nhiều gia đình bình dân đã xẩy ra những vụ bạo hành trẻ em cực kỳ tàn nhẫn. Ở Olympia, Washington, Israel Marquez, một đứa trẻ 1 tuổi đã kể lại là cha ghẻ của nó, một võ sư Thái Cực Đạo thường đấm vào ngực nó và đánh vào đầu nó. Khi nó còn hhỏ tuổi thường dái dầm và mỗi lần như vậy thì bị đánh bằng một cái đai lưng bằng da rộng bản. Ở San Diego một em bé Việt Nam đã bị thương tích đầy mình về những vết thương do các tàn thuốc lá dụi trên người. Donna Marie ở Texas bị người cha trói tay lại và cột vào ghế ngồi rồi lấy củi liệng vào người. Ông còn sờ mó nó, đập nó vào tường và đánh đá trên đầu túi bụi. Ông cũng đánh mẹ nó bất tỉnh rồi thảy nó ra ngoài đường. Mark Martone ở Massachusetts bị treo lủng lẳng trên sà nhà dưới hầm tối đen nó nói nó sợ ma. Khi chín tuổi, bố nó để tay nó trên một cái lò ga nóng bỏng vì đã lấy hộp quẹt trên bàn viết của ông. Ngoài ra còn có những hành động dã man khác khiến cho đứa trẻ bị tàn tật suốt đời, như nhúng đứa trẻ vào chậu nước sôi cho phỏng tuột mình mẩy vì khóc dai không để cho cha mẹ nó ngủ yên. Hoặc dùng bàn ủi để lên trên lưng cho cháy nguyên một mảng da thịt.

Ở xứ này cá nhân chủ nghĩa được đề cao, những tiện nghi vật chất trở nên cứu cánh của đời sống, khó tránh được sự dồn nén nên lâu ngày làm cho tinh thần căng thẳng. Con người không được thoả mãn những nhu cầu vật chất đâm ra cáu kỉnh, điên khùng, và xẩy ra những vụ xô sát, đánh đập, bạo hành, và ngay cả giết người nữa. Cha mẹ thì đánh đập con cái quá đáng, y như với kẻ tư thù. Để đối phó, con cái nếu không gọi được cảnh sát can thiệp, thì đi kiếm súng hay dao và giết cha mẹ. Trong trường hợp của ba thí dụ nêu ở trên, ba đứa trẻ Israel, Donna Marie và Mark đã phản ứng mạnh bằng cách giết bố và cha ghẻ. Chính vì lý do này mà các bậc phụ huynh không nên đánh đập con cái.

Ngược lại, trong cộng đồng Việt Nam lại xẩy ra những vụ trái ngược. Đó là các bậc cha mẹ bị bỏ tù oan vì bác sĩ, thầy cô, bạn bè hay hàng xóm thưa đã hành hạ đánh đập con cái của mình. Trong khi những vết lằn trên mình, trên cổ con cái là do việc cạo gió gây nên. Luật Hoa Kỳ đòi hỏi những ai thấy có dấu vết của sự bạo hành phải báo cáo cho giới hữu trách biết, nếu không sẽ mắc tội che dấu.

Nguyên Nhân có sự Bạo Hành Trẻ Em.

• Cha mẹ còn ít tuổi, chưa có kinh nghiệm giáo dục con cái. Những người này lấy nhau khi chưa đầy 20 tuổi, chưa ý thức trách nhiệm và bổn phận làm cha mẹ. Họ cũng còn quá say mê hưởng thụ, ích kỷ, không muốn những đứa bé làm cản trở sự tự do của họ.

• Cha mẹ không ý thức được rằng đứa bé chưa hiểu biết, chưa biết cách cư xử như người lớn.

• Hoàn cảnh đơn chiếc của cha mẹ, không có sự giúp đỡ của thân bằng quyến thuộc nội ngoại trong việc chăm sóc và dậy dỗ con cái.

• Những khủng hoảng về tài chánh, những khó khăn trong công ăn việc làm, những sự xung đột giữa vợ chồng, những tình trạng bệnh tật nan y dai dẳng khiến cho cha mẹ hay cáu kỉnh bực tức.

• Môi trường chung quanh: khu xóm có thể ảnh hưởng đến lối sống của gia đình. Những gương xấu về những hành vi phi đạo đức, phi luân lý, và về lối ăn nói cục cằn thô lỗ và tục tĩu là những điều nên tránh.

• Cha mẹ nghiện ngập rượu chè, ma tuý, đàng điếm, cờ bạc dễ nổi nóng và hành động không suy nghĩ đến hậu quả. Người cờ bạc thường mất trí khôn khi thua đám về nhà bị vợ con làm phiền nhiễu.

Hậu Quả của sự Bạo Hành:

Thống kê cho biết có khoảng 12 triệu vụ bạo hành xẩy ra hằng năm tại Hoa Kỳ. Việc bạo hành gây nên những hậu quả như sau:

• Về vật chất: các thương tích có thể làm cho đứa trẻ trở nên tật nguyền suốt đời và trở nên gánh nặng của xã hội.

• Về tình cảm: việc bạo hành có thể khiến cho đứa trẻ trở nên một con người bất thường trong xã hội, không biết thương yêu và tin tưởng người khác. Nó cũng có thể trở nên một thành phần tai hại cho xã hội và cho chính bản thân của nó.

• Tội sát nhân: như đã nói ở trên những đứa trẻ bị bạo hành có thể quẫn chí mà giết cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ khi đánh đập con cái có thể lỡ tay đánh vào chỗ hiểm mà giết con cái.

• Anh hưởng dây chuyền: sự bạo hành trẻ em là một cái luẩn quẩn có tính cách gia truyền. Nếu cha met dậy dỗ con cái bằng cách đánh đập, chửi mắng, la hét và dùng những danh từ tục tĩu, thì con cái lúc lớn lên cũng sẽ bắt chước cha mẹ mà sử sự y hệt như vậy đối với con cái của chúng. Những hành vi và đã in sâu vào trí óc con cái, và khi phản ứng xong họ mới biết là họ đã làm và đã nói y như cha mẹ họ khi xưa.

Phương pháp dậy dỗ và uốn nắn cho con cái có kỷ luật:

Để tránh cho cha mẹ khỏi phiền hà về những hành vi của con cái, và tránh cho việc cha mẹ nổi nóng đi đến bạo hành, chúng ta phải giáo dục con cái những đức tính tốt trong đời. Mục tiêu của việc dậy dỗ con cái có phương pháp là:

1. Khuyến khích việc trau dồi hạnh kiểm tốt cho con trẻ.

2. Giúp ngăn ngừa những khó khăn gặp phải khi con cái càng ngày càng khôn lớn và đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn.

3. Cung cấp cho con trẻ tinh thần kỷ luật tự giác khiến cho chúng có thể trở thành những người tốt trong xã hội.

4. Giúp phát triển tinh thần tự chủ (self-control): cha mẹ phải dậy dỗ con cái không được nóng giận ném đồ đạc, lăn ra sàn nhà nằm ray rưa, la hét và khóc lóc khi không vừa ý. Cha mẹ phải ôn tồn khuyên nhủ và hướng dẫn

5. Dậy cho con biết tôn trọng quyền lợi của người khác: Phải dậy cho chúng biết tôn trọng quyền sở hữu và tự do của người khác. Dậy cho chúng biết lễ phép, biết gõ cửa trước khi bước vào...

6. Dậy cho con trẻ biết nói xin lỗi (I am sorry): Khi có sự xung đột, cãi cọ thì nói lên hai tiếng xin lỗi có thể khó khăn, vì vấn đề tự ái. Tuy nhiên nếu nói luôn miệng thì những lời này sẽ phát ra dễ dàng khi cần đến, và có thể giải tỏa nhanh chóng những hiểu lầm, hay xoa dịu cấp thời sự nóng giận của người khác.

7. Xây dựng tinh thần tự trọng: Trẻ em rất thích được chú ý, được khen, được khyến khích khi chúng làm điều giỏi và tốt. Người lớn không nên hà tiện lời khen. Chúng ta có thói quen chỉ trích nhiều hơn là khuyến khích.

8. Tập cho con trẻ lòng tự tin: bản tính của trẻ em thích bắt chước, thích làm những gì người lớn làm. Nên tập cho chúng tự ăn mặc, tắm rửa, dọn dẹp, lau quét. Nên chấp nhận sự vụng về đừng la hét và giận dữ khi phải dọn dẹp tiếp. Vì chính người lớn cũng nhiều khi vô ý làm đổ bể như thường. Làm được như vậy chúng ta sẽ giúp cho trẻ em phát triển được khả năng và lòng tự tin.

9. Tập cho trẻ em biết giữ trật tự: Cần dậy cho chúng có thói quen tốt là dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, cất mỗi vật về chỗ cũ ở trường cũng như ở nhà. Không nên nhắm mắt bỏ qua khi thấytrẻ con bừa bãi, hoặc suốt ngày đi theo dọn dẹp thay cho chúng. Làm được như vậy là chúng ta đã giúp cho chúng có sẵn một đức tính tốt để thành công trên đường đời.

Tại sao trẻ em lại lỳ lợm hay nhõng nhẽo?

Trẻ em khóc là muốn diễn tả tình trạng nội tâm của chúng hoặc ước muốn của chúng. Chúng khóc khi bất bình, khi đói, khát, khi đau yếu, khi sợ hãi bóng tối, sợ người lạ, sợ bị bỏ ngồi một mình,... Chúng cũng có thể khóc vì nhõng nhẽo, đòi bế, vòi quà... Nếu cha mẹ la hét và tỏ ra giận dữ thì chúng sẽ cũng học la hét y như vậy trong tương lai. Nếu mỗi phút mỗi la rầy hay đánh đập, đứa trẻ sẽ trở nên lỳ lợm.

Dậy dỗ con cái cách nào để tránh việc bạo hành?

Nếu con trẻ vi phạm kỷ luật chúng ta phải hành động cho đứng đắn đối với từng đứa trẻ và tùy theo từng trường hợp. Khi áp dụng kỷ luật phải công bằng, hợp lý, cương quyết và chắc chắn. Không nên thiên vị, hay để cho tình cảm chi phối. Nếu hãy còn nóng giận thì nên chờ cho nguội đi trước khi định hình phạt. Sau đây là vài đề nghị về cách thức răn dậy:

1. Thỏa thuận về con cái với một sự kết ước (agreement): Con cái có thói hư tật xấu, cha mẹ nên thỏa ước với con cái diệt trừ tật xấu đó. Việc kết ước phải nhắm vào việc tu sửa tính nết đã được đề ra. Để khuyến khích cha mẹ có thể hứa sẽ có những phần thưởng nếu tật xấu được chừa bỏ hay đã có tiến bộ. Khi đã thấy có tiến bộ thì phải ghi nhận ngay và phải có lời khen thưởng.

2. Đền bù sự thiệt hại: Trẻ con phải tập thói quen biết sửa chữa những đồ vật chúng làm hư hại, hay biết dọn dẹp sau khi bầy bừa. Nếu đồ vật bị hư hại hoàn toàn, chúng phải tập nhận trách nhiệm và biết bồi thường bằng tiền để dành hoặc xin lỗi khổ chủ.

3. La rầy: Không nên la rầy bằng những tiếng cộc lốc, như: “câm mồm, thôi đi không có ăn đòn bây giờ!” sẽ có hiệu quả cấp thời. Tuy nhiên lâu dần sẽ không còn ảnh hưởng nữa vì con trẻ sẽ lớn, và không thèm nghe nữa.

4. Không nên dọa suông: Nếu đã nói ra hình phạt thì phải áp dụng đến nơi đến chốn. Thí dụ: cấm không cho xem TiVi một tuần, không cho tiền bỏ túi một tuần, nhưng sau đó lại đổi ý.

5. Đừng dùng những tên xấu để đặt và gọi con trẻ: thằng lùn, con hô, thằng đầu bò, con đỏng đảnh... Những danh hiệu này sẽ làm cho con trẻ mất tính tự tin và tự trọng.

6. Giới hạn các hình phạt: nên nói rõ hình phạt có hiệu lực từ bao giờ đến bao giờ. Thí dụ: không được xem TiVi một tuần, không được ra khỏi nhà cuối tuần.

7. Không nên la rầy trước mặt bạn bè, anh em hay người khác: Nên tránh không để cho chúng bị mất mặt trước công chúng. Nên đem vào phòng riêng mà dậy dỗ.

8. Cô lập đứa trẻ: Cố gắng dành cho con trẻ có thời giờ để bớt quạu cọ và trầm tĩnh lại bằng cách bắt ở một mình trong phòng riêng. Thời gian cô lập có thể đuợc kéo dài thêm nếu tái phạm. Sau đó phải giải thích nguyên do về hình phạt một cách âu yếm và ôn hòa.

9. Đánh đòn: nên tránh đánh bằng roi, gậy hay vật dụng và ngay cả bằng tay vì có thể lỡ tay và tạo gương xấu cho con trẻ đánh em nó. Nên vỗ vai nó mà khuyên bảo và giải thích.

10. Nhờ đến những chuyên viên giúp đỡ: khi cần có thể liên lạc với các cơ quan xã hội để được giúp đỡ về việc dậy dỗ con cái (social workers, family counselors). Hãy mạnh dạn đừng do dự liên lạc với các cơ quan này. Họ sẽ mổ xẻ vấn đề và chỉ dẫn cách đối phó với con cái.

Theo phong tục tập quán xưa chúng ta đã được hướng dẫn bởi những câu phong dao như: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, tuy nhiên “nhập gia tuỳ tục”, ở đất Mỹ này chúng ta nên tránh việc đánh đập để khỏi mắc tội bạo hành khi hàng xóm, thầy giáo, hay bác sĩ bá cáo với giới công quyền. Những điều đề nghị trên đây cũng nhằm giúp cho các bậc cha mẹ duy trì được hạnh phúc gia đình và giúp cho cái phát triển những đức tính tốt để trở thành những công dân gương mẫu trong xã hội.

Tài liệu Tham khảo:

1. Anastasia Toufexis, “When Kids Kill Abusive Parents”, Time, November 23, 1992, pp.60-61.

2. Katherine Schlaert, M.D., “Adults should never hit kids”, U.S. Catholic, Jan 93, pp. 24-26.

3. Diocese of Arlington, “Recognizing and Reporting Suspected Child Abuse or Neglect”, pamphlet 1993.

4. Fairfax County, “Child Abuse - A Comprehensive Guide in Fairfax County”, booklet, 1993.

5. Nguyễn Nghiệp Thu Vân, “Tội Bạo Hành Thiếu Nhi”, Người Việt Yearbook 1990,t. 47-50