Một vài suy tư về công tác Mục Vụ cho Kiều Bào
Theo thông báo của Văn Phòng Phối Kết Tông Ðồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại được đăng trên mạng VietcatholicNews ngày 12.02.2007, Tòa Thánh đã ra Văn Thư số 5530/06, ngày 16.12.2006, chấm dứt nhiệm vụ của Văn Phòng, với lý do: “các tín hữu Việt Nam tại hải ngoại đã ổn định và hội nhập vào đời sống tại các quốc gia cư ngụ và được các Giám Mục địa phương tận tình lo lắng cho các nhu cầu Mục Vụ.” Ðây là một quyết định rất xác đáng của Tòa Thánh và lý do Tòa Thánh đưa ra cũng hoàn toàn sát cụ thể. Vì trên thực tế, ngay từ khi người Việt Nam đến định cư tại các quốc gia trên thế giới đều đã được các Giáo phận và các cơ quan ban ngành liên hệ của các Giáo phận địa phương đó lo lắng hoàn toàn về phương diện Mục Vụ và cả tài chánh nữa. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp của Văn Phòng Phối Kết có lẽ chỉ giới hạn ở Roma hay ở Ý, chứ đại đa số giáo dân tại các quốc gia khác biết rất ít về sự hiện hữu và các hoạt động của Văn Phòng. Dĩ nhiên, nếu người công giáo Việt Nam ở hải ngoại có được một Văn Phòng như thế để thỉnh thoảng làm chỗ liên lạc khi cần thiết thì vẫn rất hay, nhưng nếu Văn Phòng là một gánh nặng tài chánh cho Tòa Thánh thì hoàn toàn không cần thiết.
Nhưng đây không phải là vấn đề chúng ta muốn đưa ra bàn luận. Trái lại, chúng ta muốn nhân dịp này để cùng nhau suy tư về công tác Mục Vụ cụ thể hiện tại cho kiều bào nói chung và cho người công giáo Việt Nam nói riêng.
Có lẽ ngoại trừ hoàn cảnh đặc thù của các cộng đoàn người công giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ, vì đại đa số người Việt Nam ở hải ngoại đều tập trung tại nước này, nên số giáo dân ở các giáo xứ Việt Nam ở đây rất đông, từ 2,3 ngàn cho 7,8 ngàn nhân danh, nếu không nói là có giáo xứ còn có trên cả chục ngàn giáo dân. Trong khi đó ở các nước khác, người Việt Nam nói chung và người công giáo Viêt Nam nói riêng, là một thiểu số không đáng kể. Chẳng những thế, lại còn ở phân tán nhỏ từng vài ba gia đình trong một thành phố của nước sở tại.
Thêm vào đó, công tác Mục Vụ của chúng ta cũng không giống như công tác Mục Vụ của các vị Tuyên Úy của các sắc dân khác như Tây Ban Nha, Bồ Ðáo Nha, Ý, Pháp, Croaite, Ba Lan, v.v… vì kiều bào của họ là những người thợ thuyền đến tạm cư để kiếm công ăn việc làm và khi cần họ lại trở về cố quốc của mình. Hơn nữa, chương trình Mục Vụ của họ được chỉ đạo trực tiếp bởi Ðấng Bản Quyền tại quê nhà họ. Trái lại, đối với người Việt Nam chúng ta, dù muốn hay không, chúng ta cũng đang phải đối mặt với một tình trạng cụ thể hoàn toàn khác hẳn. Ðó là đại đa số các đối tượng của chương trình Mục Vụ của chúng ta hiện nay không phải là người Việt Nam, nhưng là người Pháp, người Ðức, người Bỉ, người Ý, người Thụy Sỹ, v.v… gốc Việt. Nói cách khác, chúng ta không làm Mục Vụ cho người Việt Nam thuần túy, nhưng cho những người ngoại quốc gốc Việt Nam, vì trên 90% giáo dân của chúng ta đều mang quốc tịch của quốc gia họ định cư, của quốc gia họ đang sinh sống và rồi sẽ chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng. Do đó, chương trình Mục Vụ của chúng ta dành cho họ cũng phải được “ngoại quốc hóa” để cốt giúp cho kiều bào chúng ta hội nhập vào cuộc sống xứ đạo của các Giáo Hội địa phương liên hệ, chứ không thể giữ yên cách hành xử “cây nhà lá vườn” hay “thổ sản” Việt Nam thuần túy mãi được. Hầu chúng ta có thể tránh khỏi hiện tượng thiếu hợp lý: “Ghetto” hay “Diaspora” - một cộng đoàn trong một cộng đoàn giữa kiều bào và các cộng đoàn giáo xứ địa phương.
Ðó là điều bức xúc mà các vị phụ trách công tác Mục Vụ cho kiều bào cần đưa ra suy tư và bàn thảo. Ngoài ra hoàn cảnh thực tế của các kiều bào Việt Nam càng đòi chúng ta cần phải khẩn trương tìm một giải pháp hợp lý cho vấn đế. Những hoàn cảnh thực tế đó là:
I. Vấn đề ngôn ngữ
Ðây phải kể là vấn đề quan trọng vào hàng đầu. Vì nếu ngôn ngữ là một phương tiện thiết yếu, bất khả thiếu trong công tác Mục Vụ, hầu có thể chuyển đạt Lời Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội đến các tín hữu, thì ngược lại, lý do ngôn ngữ bất đồng lại là một cản trở cho công cuộc đó và cầm chân tất cả mọi vấn đề.
Thế nhưng, vấn đề ngôn ngữ bất đồng đang là một thách đố thực tiễn của chúng ta trong công tác Mục Vụ cho kiều bào. Thực vậy, từ năm 1975 tới nay, một số lớn trong thế hệ thứ nhất của kiều bào đã giã từ cuộc đời ra đi; còn thế hệ thứ hai thì quá lắm chỉ còn 50% là còn hiểu được tiếng Việt, chứ nói thông thạo, viết được đầy đủ và đúng văn phạm thì rất ít; trong khi đó, thế hệ thứ ba thì một số rất ít nhờ có cha mẹ biết quan tâm để ý “kèm” và săn sóc đặc biệt, nên còn biết nói qua loa, còn đại đa số là mù tịt.
Ở đây, tôi xin trích một câu chuyện có thật mà tôi đã được một vị Linh mục bạn kể cho nghe. Số là lần kia có hai vị Linh mục đến thăm một gia đình người Việt Kiều thân quen. Khi vào nhà hai ngài được cả gia đình nồng nhiệt đón tiếp: Cả cha mẹ con cái đều ra chào thăm hai cha. Các con cái lần lượt, đứa thì chào: ‘cong tcháo tcha ạ’, đứa thì: ‘còng tchảo tcha ạ’. Cuối cùng chỉ còn thằng út mới lên 7 lên 8 gì đó cứ khoanh tay đứng nhìn hết cha này lại nhìn cha kia mà chẳng chịu nói gì cả. Thấy con không chịu chào hai cha, bà mẹ mới bảo nó: ‘Út chào hai cha đi con’. Bấy giờ thằng bé mới bủng bỉu nói: ‘Nhưng hai thằng thì chào thằng nào trước?’
Ðó là một trong những ví dụ điển hình nói lên tình trạng khó khăn nghèo nàn cụ thể về tiếng Việt của lớp trẻ, con cái các kiều bào Việt Nam chúng ta ở nước ngoài, đặc biệt ở các thế hệ thứ hai và thứ ba hiện nay.
Như vậy, câu kết luận đương nhiên là cần phải dạy tiếng Việt cho con em chúng ta ngay lập tức. Nghe thật hợp lý và thật đơn giản ! Thế nhưng trên thực tế, vấn đề lại không đơn giản như thế, trái lại còn đèo bòng thêm bao nhiêu vấn đề lòng thòng rắc rối khác nữa.
Trước hết, như đã nói trên, các kiều bào vừa ít lại vừa ở rải rác khắp nơi, chứ không tập trung đông ở một chỗ, như trường hợp ở Mỹ chẳng hạn. Do đó vấn đề di chuyển, vấn đề đưa đón con cái, còn cha mẹ thì hoặc đi làm cả hai, hoặc bố đi làm, mẹ ở nhà coi em bé. Thêm vào đó kiếm đâu ra thầy cô tự nguyện dạy cho các em. Còn chuyện trả lương cho thầy cô thì đào đâu ra tiền. Tiếp đến là chuyện phòng ốc làm nơi sinh hoạt. Ở Âu Châu, việc xử dụng phòng ốc cũng có nghĩa là phải trả chi phí, như: tiền điện, nước, tiền bảo hiểm, tiền hư hao, v.v.., chứ không ai cho không ai bao giờ, đặc biệt trong thời kinh tế khủng hoảng này, tình huống càng thêm khó khăn. Ðó là chưa nói đến chuyện liệu các bậc phụ huynh có đồng ý cho con cái họ đến học nữa hay không !
Vâng, có lẽ vấn đề rào cản trọng yếu ở đây là thiện chí của các bậc cha mẹ. Ðại đa số những gia đình Việt kiều thường thuộc tầng lớp bình dân ít văn hóa, vì thế họ thường đặt nặng vấn đề kinh tế, vấn đề kiếm tiền, vấn đề làm giàu - vừa để sống thoải mái, vừa đề gửi về giúp gia đình ở Việt Nam - chứ vấn đề văn hóa hay tình trạng nói và viết tiếng Việt của con cái ra sao, họ không đặt thành vấn đề, họ ít khi quan tâm tới. Chẳng những vậy, trong nhiều gia đình cha mẹ còn chủ trương chỉ trao đổi với con cái bằng tiếng ngoại quốc, chứ không nói tiếng Việt, lấy lý do là muốn con cái học hành tốt ở nhà trường. Họ quên rằng, theo tâm lý, trẻ con từ mẫu giáo đã có thể học một lần được ba thứ tiếng. Dĩ nhiên, ở đây vẫn không loại trừ lý do nội tại khác nơi những bậc cha mẹ Việt Nam này, đó là quan niệm “vọng ngoại” còn bám sâu trong tâm khảm họ và nhất là họ thiếu hẳn sự hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa dân tộc và thiếu lòng tự trọng dân tộc.
Vậy, chúng ta thấy rằng tình trạng nói tiếng Việt yếu kém của các thanh thiếu niên kiều bào phát xuất từ hai lý do chính: Thứ nhất là do thiếu sự nâng đỡ trong gia đình, các bậc cha mẹ không tạo điều kiện thuận lợi cho con cái học nói và viết tiếng quê hương. Thứ hai là phần lớn thời gian sống trong ngày - từ vườn trẻ cho tới lúc bước chân đến trường học - con cái chỉ tiếp xúc với người ngoại quốc, còn thời gian gần gủi với cha mẹ trong gia đình lại rất ít.
Còn các phương tiên truyền thông bằng tiếng Việt, như đài phát thanh, đài truyền hình lại không có. Chỉ có đài Tiếng Nói Người Hải Ngoại, phát thanh từ Hoa Kỳ, lại không đủ mạnh, nên nơi bắt được nơi lại không. Hơn nữa, đối với tầng lớp trẻ, chỉ nghe mà thôi thì rất thiếu hấp dẫn. Thêm vào đó, các chương trình lại quá “sê-ri-ơ”, không hợp với thanh thiếu niên.
Trong khi đó đài truyền hình VTV4 của nhà nước Việt Nam - nhờ có vệ tinh tiếp vận, nên có thể xem được dễ dàng. Dĩ nhiên khi nhắc tới đài VTV4 thì có nhiều tranh luận, một số lớn kiều bào tẩy chay, không cho con cái xem, vì họ cho rằng đài Việt Cộng chỉ tuyên truyền khoác lác. Ở đây, chúng tôi không dám động đến quan điểm chính trị. Ðó là vấn đề tế nhị và tư riêng của mỗi người. Nhưng chúng tôi chỉ nói về phương điện văn hóa học tiếng Việt Nam mà thôi. Đài VTV4 với các chương trình tương đối linh động dành cho mọi thành phần, là một dịp cho con em chúng ta nghe và làm quen với tiếng Việt, biết được tin tức và nếp sống của đồng bào ở quê hương, và để chúng không bị mất gốc.
Nếu chúng ta cứ chấp nhận là trong đài VTV4 có tuyên truyền ít nhiều đi nữa, thì khi nhà nước tuyên truyền những cái hay cái đẹp của quê hương thì cũng là điều hay. Chúng ta sẽ phản đối khi họ tuyên truyền những điều đồi tuỵ xấu xa. Do đó, xét về phương diện luân lý hay xã hội, thiết tưởng không có gì có thể gọi là làm hại cho con cái chúng ta cả.
Ðàng khác trong thời mở cửa và đổi mới này của đất nước, cả thế giới: từ các nước tư bản Âu Mỹ và các nước khác trên thế giới đang đổ xô giao thương kinh tế và văn hóa với Việt Nam; đặc biệt nhất là Tòa Thánh Vatican cũng đang mong muốn quan hệ bình thường với Việt Nam. Lẽ đâu chính chúng ta là những con dân nước Việt da vàng mủi tẹt lại tỏ ra kỳ thị hay dửng dưng với vận mệnh quê hương yêu quý của chúng ta! Dĩ nhiên, sự xác tín về chính kiến, không ai đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cả, nhưng sự đối thoại cần có tinh thần khoan dung và thông thoáng. Hơn nữa, định kiến cũng như thái độ quá khích và một chiều sẽ khó am hạp với tinh thần bác ái và hòa giải của Phúc Âm.
Tuy nhiên, vấn đề ngôn ngữ chưa phải vấn đề quan trọng duy nhất. Bên cạnh đó chúng ta còn phải đối mặt với các vấn đề khác cũng quan trọng không kém. Đó là vấn đề:
II. Sự thay đổi về nhân văn
Vâng, sự thay đổi về nhân văn có thể nói được là một vấn đề khó khăn trọng yếu, bởi vì nó mang tính cách nội tại, chứ không hoàn toàn ngoại tại như vấn đề ngôn ngữ. Sự thay đổi đó gồm hai yếu tố:
1. Thay đổi não trạng
Trong mấy năm đầu khi vừa bỏ quê hương ra đi, mỗi người Việt Nam chúng ta còn mang đầy trong mình “tính cách Việt”, từ lời ăn tiếng nói, cách cư xử, tiếp xúc, ý nghĩ, v.v… đều còn thấm đậm màu sắc quê hương, như: hăng hái, vui vẻ, hòa đồng, biết san sẻ và đoàn kết với nhau. Ví dụ: Khi có việc chung cần đến sự cộng tác của mọi thành phần trong cộng đoàn, thì cha Tuyên Úy hay cộng đoàn trưởng chỉ hô một lời là bà con đến đông đủ. Ai nấy tay bắt mặt mừng làm đủ mọi công việc to nhỏ, chứ không kỳ kèo, phiền hà gì cả
Nhưng nay, sau hơn 30 năm sống ở ngoại quốc, khi đã an cư lạc nghiệp rồi, ai nấy đều có miếng ăn miếng để, đã mua tạu được nhà cửa vườn tược, con cái ăn học và có nghề nghiệp đâu vào đó cả, nhiều người đã may mắn trở nên ông này bà nọ, v.v…, nên nơi một số rất lớn kiều bào “tính chất Việt” đã bị phôi phai biến dạng rất nhiều, nếu không nói là đã “lai căng” rồi. Bên ngoài vẫn da vàng mũi tẹt, nhưng tính tình và tư tưởng đã bị Âu hóa, Mỹ hóa hết rồi, nghĩa là: Cũng yêu sách đòi hỏi, sĩ diện, dễ chạm tự ái, dửng dưng, bất cần, v.v…, chứ không còn “đơn sơ, dễ thương”, không còn khiêm tốn hay biết nhường nhịn, không còn “chín bỏ làm mười” như trước kia nữa. Nhất là tinh thần chung đã biến mất, không còn nữa. Trong mọi sự phải sòng phẳng theo kiểu “tiền trao cháo múc” của Tây phương, làm được chút gì cho cộng đoàn cũng kể công, cũng tính hơn tính thiệt, chứ tuyệt đối không còn vấn đế “làm vì Chúa” nữa !
Từ chỗ thay đổi não trạng như thế, chắc chắn sẽ kèm theo một sự thay đổi khác như hậu quả tất nhiên không thể tránh được, đó là:
2. Thay đổi cách thức sống đạo
Nếu như tâm tư ý nghĩ con người đã bị Âu hóa, đã biến chất như thế, thì đương nhiên cách thức sống đạo của họ cũng bị thay đổi theo.
Trước hết, vì hằng ngày sống, làm việc và chung đụng với người Tây phương nên họ bị ảnh hưởng rất nặng cách sống thả trôi của một số lớn ngưới Tây phương: Chuyện đi nhà thờ đọc kinh xem lễ chỉ qua loa, coi thường việc lần hạt Mân Côi, ít quan tâm đến vấn đề giáo dục dạy dỗ con cái về đức tin, không còn lấy làm quan trọng bí tích hôn nhân và tình trung thủy vợ chồng, nên “chồng ăn chả thì vợ ăn nem”, không ai nhường ai, không ai nhịn ai, và một hậu quả tai hại là con trai con gái vừa đến tuổi dậy thì là tự do quan hệ tình dục. Vì cổ nhân đã nói không sai: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” - Cha mẹ mà không đàng hoàng tử tế thì con cái sẽ sa đọa hư hỏng !
Bởi vì, khi còn ở Việt Nam, họ thường sống chung trong các xứ đạo to lớn, nên đạo của họ chỉ là thứ “đạo theo”, chỉ là thứ “đạo gốc”, tức thấy đa số các người khác trong xứ đi nhà đọc kinh xem lễ thì cũng bắt chước làm theo, chứ không có sự thâm tín cá nhân, vì lý do vốn liếng giáo lý quá nông cạn, và rồi có đi nhà thờ thì cũng không vào nhà thờ, nhưng ngồi dựa lưng vào gốc các cây dừa cây đa ở sân nhà thờ, đề vừa xem lễ vừa tán chuyện với nhau hay vừa hút thuốc lá. Ðó là chưa nói đến một số người khác, bản chất vốn khô khan nguôi lạnh kinh niên.
Do đó, bây giờ sống trong một môi trường hoàn toàn tự do thong thả và tục hóa như ở Tây phương, chẳng những họ sống đạo một cách hời hợt và lỏng lẻo như thế, mà nhiều khi còn coi thái độ lạnh nhạt đối với đức tin và cách sống xa lạ đối với cộng đoàn và với Giáo Hội như thế là cái “mốt”, là tỏ ra tân tiến, là Âu hóa. Chứ họ có biết đâu rằng ở Âu Châu ngoài số người vô đạo và có cuộc sống phóng túng, còn có bao gia đình và bao người khác sống rất đạo đức, sống gắn bó với đức tin và sống một cuộc sống rất kỷ cương đàng hoàng !
III. Thái độ thực tiễn
Ðứng trước những tình huống cụ thể như thế của các kiều bào nói chúng vả của người công Giáo nói riêng, người làm công tác Mục Vụ cũng cần phải có được cái nhìn và những thái độ thực tiễn, hầu cho công tác Mục Vụ mang lại được hiệu quả cụ thể cho kiều bào chúng ta.
Dĩ nhiên, vị Tuyên Úy hay Linh hướng không phải là lá cờ chỉ biết bay theo chiều gió, nhưng là người cố vấn tâm linh, là người hướng dẫn tinh thần, nên cần có một sự xác tín chắc chắn và một đường hướng rõ ràng, hoàn toàn phù hợp với Phúc Âm và các giáo huấn của Giáo Hội. Tuy nhiên, người ta cũng phải xác tín rằng Phúc Âm không phải là một mớ ý thức hệ khô cứng, một chiều và quá khích, nhưng là một Tin Mừng Cứu Rỗi cho mọi người qua mọi thời gian và giai đoạn, do Ðức Kitô loan báo, Ðấng đã đến trong thế gian không để được phục vụ, nhưng là để phục vụ kẻ khác. Tiếp đến Giáo Hội của Người cũng không phải là một tháp ngà khép kín, nhưng là ngôi Nhà Chung luôn luôn mở rộng cửa đón tiếp mọi người không phân biệt chủng tộc, văn hóa, chính kiến hay tôn giáo.
Do đó, người tông đồ của Tin Mừng và của Giáo Hội cũng cần phải có tâm hồn hài hòa, bao dung và đầy yêu thương cũng như phải có thái độ linh động, mềm dẽo và thích thời đối với mọi người như thế, chứ không cứng nhắc, quan liêu, phân biệt hay kỳ thị. Ðược thế, Tin Mừng Cứu Rỗi của Ðức Kitô mới có thể được loan báo cho mọi người và mới được mọi người đón nhận. Vâng, “Ðức bác ái là dây ràng buộc mọi sự” và thiếu đức ái thì mọi toan tính và mọi công khó của chúng ta chỉ vô ích, đúng như sự nhận xét của thánh Phaolô (x.1Cr 13,1-13).
Hơn nữa, hoàn cảnh cụ thể của công tác Mục Vụ cho kiều bào của chúng ta càng đòi chúng ta phải có thái độ linh động và mềm dẽo thích ứng hơn nữa. Bởi vì, ngoại trừ một vài nơi có luật trừ nhất định, còn đại đao số người công giáo Việt Nam ở hải ngoại không có qui chế “giáo xứ” riêng, đúng theo Giáo luật (x. các khoản khoản từ 515 đến 519). Các giáo dân Việt Nam trực thuộc vào các giáo xứ địa phương, nơi họ cư trú, và thuộc quyền “Cura animarum” của các Linh mục Quản Xứ ở nơi đó. Còn các Linh mục Tuyên Úy Việt Nam không phải là Cha Quản Xứ của các kiều bào, nhưng là Cha Tuyên Úy hay Cha Linh Hướng, nghĩa là chỉ để giúp họ về vấn đề thuần túy tâm linh - vì lý do khó khăn ngôn ngữ - chứ chúng ta không có “quyền cai trị” (Administration). Cũng vì thế, mỗi lần một vị Tuyên Uý Việt Nam đến làm các Phép Bí tích Rửa Tội hay Hôn Phối, v.v… cho người kiều bào ở bất cứ đâu đó, thì theo Giáo luật, đều phải xin phép hay ít ra phải trình vị Linh mục Quản Xứ ở nơi đó biết trước.
Vậy, như đã nói trên, sứ mệnh người phục trách Mục Vụ cho kiều bào - dù Linh mục, Tu sĩ nam nữ hay giáo dân - đều có bổn phận phải tổ chức và điều hành công tác Mục Vụ cho kiều bào thế nào để giúp họ hội nhập vào đời sống cộng đoàn giáo xứ địa phương, nơi họ cu ngụ, chứ không phải tách rời họ ra khỏi các giáo xứ đó và như thế tránh cho các kiều bào cái tâm trạng dùng dằng bên Tây bên Việt, bên lý bên tình.
Dĩ nhiên để hiện thực được điều cần thiết đó, vị Tuyên Úy của kiều bào cần có được tâm tình khiêm tốn đầy can đảm của Tiền hô Gioan Tẩy Giả: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi !” (Ga 3,30) và nhất là sự thâm tín nội tâm: Tất cả mọi sự chỉ để “Ad majorem Dei gloriam” - chỉ để làm vinh danh Thiên Chúa mà thôi !