THƯ CHÚC TẾT CỦA ĐỨC CHA TÔMA NGUYỄN VĂN TÂN - GIÁM MỤC VĨNH LONG

Tòa Giám Mục Vĩnh Long
103 đường 3 tháng 2
Vĩnh Long – Việt Nam
Tel. (070) 824016


Vĩnh Long, ngày 02.02. 2007


Kính gởi : Quí Cha,

Quí Tu Sĩ Nam Nữ,
Anh Chị Em Giáo Dân Giáo Phận Vĩnh Long,
Anh Chị Em thân mến,

Năm Bính Tuất sắp qua đi, nhường chỗ cho Năm Đinh Hợi. Tôi hân hạnh gởi đến Anh Chị Em Lời Chào Thân Ái và Chúc Mừng Năm Mới: Nguyện xin Ân Sủng Và Bình An của Thiên Chúa Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng tất cả Anh Chị Em (Col 1,3).

Chúng ta đang nghĩ đến Tết Nguyên Đán. Mỗi người cảm thấy cần làm một điều gì, để chuẩn bị đón Xuân. Trong chúng ta, Ai không có người thân nào để gặp gỡ, thăm viếng, chúc mừng? Ai không có Ông Bà Tổ Tiên để kính nhớ ? Những Ngày Đầu Xuân là Lễ Tiết Tìm Về Cội Nguồn, Sum Họp.

‘Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

Anh Em được sống vui vầy bên nhau! (TV 132,1).

Những lời Thánh Kinh trên đây thật là thích hợp để diễn tả việc Tìm Về Cội Nguồn, Sum Họp; diễn tả Niềm Vui của chúng ta được gặp lại nhau, được sống bên nhau, trong một vài ngày, hoặc có thể trong khoảnh khắc thôi.

Suối có nguồn, chim có tổ, con người có Gốc có Nguồn. Nếu như suối có thể quên nguồn, chim quên tổ, thì con người, trái lại, không thể quên Nguồn Gốc, giống như người mất trí, quên đi quá khứ của mình, lạc lõng giữa dòng đời, xa lạ với những người chung quanh, với những nơi mình sinh sống.

Chúng ta có cha có mẹ, có anh chị em, có họ hàng, có Tổ Tiên. Gia Đình là nguồn gốc của những tương quan luôn nối kết chúng ta lại với nhau. Đó là những gì đã ảnh hưởng sâu đậm trên mỗi người chúng ta.

Thiên Chúa là Tình Yêu, và, vì yêu thương, Chúa đã tạo nên con người giống hình ảnh Chúa, để sống hiệp thông yêu thương với Ngài. Và không chỉ hiệp thông với Ngài, mà còn hiệp thông với nhau. Chúa tạo nên con người có nam có nữ (St 1,27), có đôi có bạn, để họ sống hiệp thông yêu thương nhau: Không tốt, nếu người chỉ có một mình’(St 2,18).

1. Gia Đình là một ơn huệ, một trong những điều thiện hảo quí giá mà Thiên Chúa ban cho con người (Gioan Phaolô II, TH về Gia Đình, số 1, 3). Xã hội loài người bắt đầu với một người Nam và một người Nữ mà Thiên Chúa đã ban cho người Nam để làm bạn tri kỷ. Rồi đôi bạn nầy trở thành cha mẹ của đàn con. Tình yêu vợ chồng làm phát sinh tình yêu gia đình, trước tiên giữa cha mẹ với con cái, rồi giữa anh chị em với nhau, và còn rộng mở ra bên ngoài, với bà con họ hàng, bên nội bên ngoại.

‘Tình yêu là ơn gọi căn bản, ơn gọi bẩm sinh của mọi người’(Gioan Phaolô II, FC 11);‘con người không thể sống mà không có tình yêu’(F C 18), Chính nơi gia đình mà chúng ta học sống hiệp thông, sống ơn gọi làm người.

Gia đình nào thiếu bầu khí yêu thương, thiếu hiệp thông, thì sẽ trở thành môi trường ô nhiễm chẳng những ngăn cản con người phát triển bình thường, mà còn tạo nên những con người bất hạnh, dễ sa vào những tệ đoan.

Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô bắt đầu từ Mái Ấm Nadarét, khi Con Một Thiên Chúa làm Người, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, vâng lời Thánh Giuse và Mẹ Maria, nêu gương đời sống gia đình, ‘sự hiệp thông trong tình yêu, vẻ đẹp cao quí và trong sáng, tính cách bất khả xâm phạm của sự hiệp thông nầy. Hãy học lấy ở Nadaret để biết rằng việc đào luyện mà ta nhận được nơi gia đình thật êm ái và không tài nào thay thế được’(Phaolô VI, Bài giảng ngày 5.1.1964 tại Nadarét).

2. Gia Đình là Trường dạy Đức Tin. Cha mẹ đạo đức sẽ là những người đầu tiên truyền đạt đức tin cho con cái. Điều tốt nhất cha mẹ phải làm cho con cái là lo cho chúng nó biết Chúa, tôn thờ Chúa và yêu mến tha nhân, để chúng có thể sống đẹp và sống hạnh phúc. Phải giáo dục và làm gương sáng cho con cái, theo gương Thánh Giuse và Mẹ Maria luôn tuân giữ Lề Luật : ‘khi Trẻ Giêsu được 40 ngày, hai Ông Bà đem Người lên Đền Thờ để tiến dâng theo Lề Luật’ (Lc 2,22tt); ‘ Hàng năm hai Ông Bà lên Jerusalem,đểdự lễ Vượt Qua của người Do Thái, theo Luật dạy, có Trẻ Giêsu cùng đi’ (Lc 2,41).

Cha mẹ đạo đức sẽ dạy cho con những lời kinh của người Công Giáo và cầu nguyện với các con trong gia đình; nhắc nhở và lo cho các con cùng đi lễ Chúa Nhật với mình. Cha mẹ sống thuận hòa, cùng nhau lo cho gia đình, đó là một gương sáng về tình gia đình: Nếu có tình thương thì phải biết đón nhận nhau và hy sinh cho nhau.

Khi phải chuẩn bị hôn nhân cho con cái, cha mẹ còn phải quan tâm đặc biệt đến đức tin Công Giáo, vì đó là lẽ sống của con người. Hôn nhân vội vã, hôn nhân khác đạo, thiếu chuẩn bị, rất có thể gặp nguy cơ mất Đức Tin, dễ điù đến bất hòa, bất hạnh sau nầy.

Sau cùng, mỗi gia đình Kitô hữu phải trở thành chứng nhân của Chúa Kitô ‘cho đến tận cùng trái đất’(Tđcv 1,8), thành những vị thừa sai đích thực của tình yêu và sự sống. Bằng gương sáng và lời chứng, họ trở nên dấu hiệu cho thấy Chúa Kitô hiện diện và yêu thương mọi người, những người chưa tin cũng như những người đã từ bỏ đức tin (Gioan Phaolô II, FC 54). Ngoài ra, gia đình Kitô hữu được mời gọi góp phần đặc biệt cho sứ mạng của Hội Thánh, bằng cách vun trồng Ơn Gọi nơi con cái. Gia đình có người làm Linh mục hay Tu sĩ, được xem là Gia đình đạo đức, không những biết đón nhận sự chăm sóc mục vụ của Hội Thánh, nhưng còn đóng góp cho nguồn nhân lực của Hội Thánh được dồi dào để có thể chu toàn sứ mạng phục vụ của mình.

Anh chị em thân mến,

Con đường hạnh phúc là con đường sống cho tình yêu, mà Con Thiên Chúa làm Người đã mở ra cho chúng ta. Lịch sử ‘Tình yêu xinh đẹp ‘ bắt đầu lúc Truyền Tin, với những lời tuyệt diệu mà Sứ Thần Gabriel nói với Đức Maria được gọi làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Bởi tiếng ‘ xin vâng’ của Đức Maria, Đấng là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Aùnh Sáng bởi Ánh Sáng, đã làm người. Đức Maria là Mẹ Ngài, mà không ngừng là Trinh Nữ ‘ không biết đến người nam’ (Lc 1,34). Làm Mẹ khiết trinh, Đức Mẹ là Mẹ của tình yêu xinh đẹp (Gioan Phaolô II. Thư gởi cho các Gia đình, 2.2.1994, số 20).

Bước sang Năm Mới, tôi xin ký thác gia đình anh chị em trong tay Mẹ Maria, xin Mẹ nâng đỡ và dẫn dắt anh chị em trên Con Đường của Tình Yêu Xinh Đẹp, nhờ đó anh chị em sẽ có Hạnh Phúc và Bình An chân thật.

Thân ái trong Chúa Kitô,

Tôma Nguyễn Văn Tân,
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long