VÀI TÂM TÌNH ĐẦU NĂM MỚI



Cùng với Mẹ Maria, xin được suy đi nghĩ lại trong lòng những dữ kiện, những sự kiện đã qua. Không dám bàn đến những sự kiện xa xôi của những thế kỷ trước. Không dám lạm bàn đến những sự kiện lịch sử của thế kỷ XX như cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), lần thứ hai (1939-1945), những cuộc chiến tranh đó đây ở các quốc gia trên thế giới hay tại quê nhà Việt Nam chúng ta ròng rã mấy chục năm qua. Cũng không dám có suy tư trên những biến cố lịch sử thiên nhiên như sóng thần, động đất, dịch bệnh hay các biến cố lịch sử xã hội như chuyện Việt Nam ta gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO)… Chỉ xin suy đi nghĩ lại trong lòng hai sự kiện xảy ra vài ngày cuối năm 2006: Ông Saddam Hussein bị treo cổ (30-12), cả nước chúng ta nô nức “nối vòng tay lớn” vì người nghèo (31-12).

Bước vào năm mới cùng với niềm khát khao của cả nhân loại trên thế giới, Hội Thánh mời gọi đoàn tín hữu cầu nguyện cho sự hòa bình. Đã là người thì cứ vào dịp đầu năm mới không ai lại không ước nguyện, thầm xin một điều gì đó. Một trong những điều chính đáng và phải đạo nhất ta cần thầm xin và nguyện ước đó là hòa bình: sự bình an trong tâm hồn, trong gia đạo, xóm giềng, hòa bình cho quê hương đất nước và cho cả thế giới này. Nhớ lại lời của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “sẽ không có hòa bình nếu không có công lý”. Như thế muốn xây dựng hòa bình thì cần phải nổ lực thiết lập và gìn giữ công lý giữa người với người, giữa tập thể với tập thể, giữa từng người với tập thể và giữa tập thể với từng người. Mẹ Hội Thánh Việt Nam qua Hội Đồng Giám Mục cũng đã mời gọi đoàn tín hữu Công giáo Việt Nam thể hiện tình yêu thương – phục vụ trong năm 2007 này bằng nhiều cách thế mà một trong những cách thế ấy là “góp phần xây dựng một xã hội công bằng” (Thư chung 2006 số 7).

Xây dựng một xã hội công bằng: Nói đến hai chữ công bằng người ta rất dễ nghĩ ngay đến sự sòng phẳng kiểu theo khái niệm phổ biến đó là trả cho ai cái phần của họ. Tuy nhiên cái khái niệm phổ biến này thường chỉ dừng lại ở mức thực hiện sự công bằng giao hoán nghĩa là trả cho người ta cái phần họ đã làm. Hễ người ta có công thì thưởng và ngược lại nếu có tội thì phải phạt. Và như thế phải chăng việc treo cổ ông Saddam Hussein là thực thi công bằng? Theo cái nhìn của Kitô giáo thì ai ai trong chúng ta cũng đều là người có tội. Thánh Gioan Tông đồ quả quyết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8-10). Theo nhãn quan này và cứ theo logich “công bằng giao hoán” thì chẳng lẽ phải treo cổ tất cả mọi nguời ! Mà mọi người đều là kẻ có tội thì chọn lấy ai để treo cổ kẻ khác hay là phải tự treo cổ chính mình?

Thiên Chúa là Đấng công bình vô cùng thế mà Người lại không muốn cho kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống. Người là Cha giàu lòng xót thương, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Người kiên nhẫn chờ đợi cho đến mùa gặt chứ không nhổ phăng ngay cỏ lùng đang mọc lẩn với lúa. Cây lau bị dập Người không bẻ gẫy và cái tim đèn còn khói Người cũng không nỡ dập tắt. Là Đấng công bình vô cùng và cũng là Đấng thấu suốt mọi tâm can bí ẩn của con người thế mà Nguời hành xử thật khoan dung. Còn chúng ta là loài chỉ biết xem mặt mà bắt hình dong, chỉ biết xem xét cái bên ngoài, có thể dò được sông sâu nhưng không dò được lòng người, thế mà ta lại hành xử như chỉ có mình mới có khả năng nắm giữ cán cân công lý, chỉ có mình mới có khả năng thẩm định đúng sai, tốt xấu ! Chúng ta đừng quên khi Saddam Hussein bị treo cổ thì bên cạnh nhiều người vui mừng phấn khởi cũng vẫn có đó nhiều người căm giận, phản đối. Và cả thế giới như đang chờ đợi những hậu quả kéo theo cái án treo cổ ấy, đặc biệt khi mà đoạn băng ghi hình cảnh treo cổ ông Saddam Husein đang được phát tán trên mạng internet.

Dĩ nhiên chúng ta không thể a tòng, toa rập với sự dữ, sự xấu. Chúng ta không thể dung dưỡng các hành vi xấu xa, tội ác. Tích cực khử trừ sự dữ là nghĩa vụ của người có lương tri và cách riêng của Kitô hữu chúng ta. Còn với người phạm lỗi, người có tội, cần phải sửa sai, cảm hóa họ luôn mãi trong tình yêu tha thứ đến bảy mươi lần bảy (x. Mt 18,21-22). Các quốc gia trên thế giới đang dần dà hoàn thiện luật pháp với việc bỏ án tử hình. Đây là một nét tiến bộ của loài người phù hợp với Tin Mừng. Quả thật nếu cứ chăm chăm kiếm tìm kẻ có tội để treo cổ thì chính chúng ta một lúc nào đó sẽ tự biến mình thành kẻ tội đồ đáng treo cổ.

Khi mạc khải đức công bình của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã cho chúng ta dụ ngôn thật ý vị: người làm vườn nho giờ thứ 11 (17 giờ chiều). Tin mừng tường thuật rằng đến lúc trả tiền công cho những người làm vườn nho thì ông chủ đã làm chưng hửng những người vào làm từ sáng sớm (6 giờ). Họ cũng lãnh được một đồng như những nguời làm vẻn vẹn có một giờ (x. Mt 20,1-16). Thiên Chúa, qua hình ảnh ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn, đối xử với chúng ta không theo như những gì chúng ta đã làm được gì mà theo như chúng ta là ai. Đây chính là sự công bằng đích thực của tình yêu. Chúng ta có thể nhận ra điều này ngay chính trong đời sống gia đình. Đứa bé đang nằm trong nôi đã làm được sự gì? Thế mà cả bố lẫn mẹ, cả anh đến chị, tất thảy đều hết lòng hết sức cho bé. Chỉ vì một lẽ mà thôi: bé là con, là em của họ. Giả như họ không chu toàn bổn phận đó thì đã làm điều bất công và lắm khi đáng bị lên án.

Rất cám ơn đài truyền hình Việt Nam đã góp phần khá lớn cho chuơng trình “nối vòng tay lớn” đêm 31/12 vừa qua thành công mỹ mãn. Không phải vì con số gần 500 ngàn bản tin nhắn qua số 8733 và đang dần tăng lên, cũng không phải bởi con số 7 tỉ đồng, 8 tỉ đồng ở đầu cầu truyền hình Hà Nội hay thành phố Sài Gòn nói lên sự thành công của chương trình, nhưng chính những tấm lòng vàng của những con người của các cơ quan, đoàn thể, các doanh nhân, xí nghiệp, các công ty đó đây mới thực sự nói lên ý nghĩa của chương trình. Tình tương thân tương ái mãi luôn xinh đẹp. Cái đẹp ở đây khiến chúng ta phải suy đi nghĩ lại đó là người ta đã biết yêu nhau cách hiện sinh. Cái tính hiện sinh này phần nào xóa đi chước cám dỗ háo danh, tự phô trương ngay cả trong những hành vi được gọi là cao thượng. Hai trăm phụ nữ miền Trung đang được công ty XQ tạo công ăn việc làm; ước mơ của một em bé tại một trường học nghèo nay được hiện thực với tủ sách và hai dàn máy vi tính; những con người chưa hoặc không thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời nay lại có cơ hội được nhìn đời, nhìn tha nhân… Phải chăng các tấm lòng vàng ấy đã thấy nơi bà con nghèo chính là đồng bào, là người cùng một mẹ với mình?

Tích cực sống tình tương thân tương ái, nổ lực làm việc thiện chính là một trong những mục đích mà Hoàng Tử Bình An khi đến thế gian tặng ban cho nhân trần cái lẽ sống của kiếp làm người. Lời Thánh Tông đồ dân ngoại mà Hội Thánh trích đọc trong đêm Lễ Giáng Sinh khẳng đinh với chúng ta điều này: “ Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2,14).

Để xây dựng hòa bình thì phải biết lo chuẩn bị chiến tranh hay để xây dựng xây dựng hòa bình thì phải tiêu diệt chiến tranh? Để xây dựng hòa bình thì phải triệt để tiêu diệt sự bất công hay phải khử trừ những ai làm điều bất chính? Những cái nhìn này tuy có phần hữu lý nhưng chỉ với một góc độ nào đó. Tuy nhiên sự hòa bình mà chúng đem lại thì nhất thời và phiếm diện. Chỉ có tình yêu đích thật cùng với các động thái tương thân tương ái mới có thể dệt xây nền hòa bình chính hiệu trên trái đất này. Khi cây đã xanh tốt, đã giao cành thì cỏ dại hẳn sẽ úa vàng. Để viễn ảnh này sớm thành hiện thực thì các tấm lòng son cần được nâng đỡ bằng một niềm tin. Và niềm tin ấy lại được dệt xây bằng một lời kinh duy mà Đấng cứu độ truyền dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”(Mt 6,7-15; Lc 11,2-4). Chính khi mọi người chân nhận nhau là đồng loại, đồng bào, là anh chị em thì chữ nghĩa, chữ nhân, chữ tình sẽ nở hoa.

(Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột)