Ông James Baker (trái) và ông Lee Hamilton (phải) |
Đồng Chủ Tịch của Ủy ban Nghiên cứu tình hình Iraq, ông Lee Hamilton, nói rằng cách tiếp cận của chính phủ Hoa Kỳ hiện nay tại Iraq không thành công, và năng lực của Hoa Kỳ để gây ảnh hưởng tại đó đang giảm dần.
Tình hình tại Iraq nghiêm trọng và xuống cấp. Bạo động gia tăng về mức độ và số người chết. Các vụ tấn công nhắm vào lực lượng Hoa Kỳ và các thiệt hại của Hoa Kỳ tiếp tục với cái mức đáng báo động. Nhân dân Iraq đang gặp nhiều khó khăn.
Phúc trình của Ủy ban Nghiên cứu tình hình Iraq đề nghị thay đổi trong nhiệm vụ quan trọng của binh sĩ Hoa Kỳ, từ tác chiến, chuyển sang vai trò yểm trợ cho các lực lượng an ninh Iraq.
Ông Hamilton nói rằng sự thay đổi này sẽ giúp Hoa Kỳ bắt đầu chuyện rút quân ra khỏi Iraq một ngày gần đây.
Hạn chót là vào quý 1 của năm 2008, nếu không có diễn biến bất ngờ nào xảy ra tại đó, tất cả các lực lượng tác chiến của Hoa Kỳ, không cần thiết để bảo vệ lực lượng, có thể rút khỏi Iraq.
Ủy ban cũng kêu gọi gia tăng số lượng binh sĩ Hoa Kỳ hoạt động chung với binh sĩ Iraq, từ 4 ngàn lên đến mức 20 ngàn.
Phúc trình của Ủy ban nghiên cứu về tình hình Iraq
Về phía vị đồng Chủ Tịch của Ủy ban là cựu Ngoại Trưởng James Baker, thì ông này nói rằng cần có những thay đổi quan trọng về ngoại giao để cải thiện tình hình tại Iraq.
Hoa Kỳ nên nhanh chóng đưa ra kế hoạch phản công mới về mặt ngoại giao, hợp tác với chính phủ Iraq, lập ra một nhóm quốc tế yểm trợ Iraq để giải quyết một cách toàn diện về chính trị, kinh tế và quân sự cần thiết để mang lại ổn định tại Iraq. Nhóm quốc tế yểm trợ Iraq chẳng những phải có mặt Iraq, mà còn phải có cả các nước láng giềng Iraq, kể cả Iran và Syria.
Lập trường của chính phủ Hoa Kỳ hiện nay là không thảo luận trực tiếp với Iran và Syria, vì cho rằng 2 nước này yểm trợ cho quân nổi dậy tại Iraq và có liên hệ với các nhóm khủng bố quốc tế.
Ủy ban Nghiên cứu tình hình Iraq cũng nói rằng Hoa Kỳ không thể hoàn thành các mục tiêu tại Trung Đông nếu không trực tiếp giải quyết cuộc tranh chấp giữa người Ả Rập và người Israel, và nếu không trực tiếp giải quyết tình hình ổn định khu vực.
Uûy ban kêu gọi chính phủ của Tổng Thống Bush tung ra một chiến dịch ngoại giao mới mẻ và bền bỉ để tìm một giải pháp cho cuộc tranh chấp đó.
Phúc trình của ủy ban cũng đề cập đến chính phủ Iraq hiện nay, cho rằng chính phủ này không giải quyết thỏa đáng các vấn đề quan trọng như hòa giải quốc gia, tạo một khung cảnh an ninh cơ bản, hoặc cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho người dân.
Ông Lee Hamilton, đồng Chủ Tịch của ủy ban nói rằng chính phủ Iraq phải đạt những tiêu chí cụ thể trong các lĩnh vực đó, nếu không, họ có thể mất viện trợ của Hoa Kỳ.
Nếu chính phủ Iraq không đạt tiến bộ đáng kể, tiến đến những thành quả có tính cách dấu mốc, thì Hoa Kỳ có thể giảm bớt sự ủng hộ về chính trị, quân sự và kinh tế cho chính phủ này.
Sau khi nhận được phúc trình của ủy ban, Tổng Thống Bush nói rằng ủy ban đã đưa ra những đánh giá hết sức mạnh mẽ đối với tình hình tại Iraq. Ngoài ra, Tổng Thống Hoa Kỳ còn nói rằng phúc trình chứa đựng những đề xuất đáng chú ý, và ông hứa sẽ hành động một cách thích đáng.
(VOA, Meredith Buel, 07/12/2006)