HIỆN TÌNH TRUNG TÂM MAI THÔN CỦA CÁC SƯ HUYNH CÔNG GIÁO

1975-2002

Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả

Tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn (Tv)

Các sư huynh Công Giáo Việt Nam tại Mai Thôn
Sau biến cố 75, cùng chung số phận với đồng bào miền Nam Việt Nam, các Sư Huynh già trẻ ít nhiều bị giao động có lúc đến khủng hoảng tinh thần, nhất là sau khi Tỉnh Dòng bị ép buộc phải “dâng hiến” tất cả các cơ sở giáo dục cho chính quyền mới.

Các Sư Huynh cao niên từ khắp miền Nam Việt Nam, đa số tập trung về Mai Thôn - trên 30 Sư Huynh, hoặc nhập vào các cộng đoàn vùng Saigon như Taberd, Đức Minh, Hiền Vương, Mossard Thủ Đức.

Trong một buổi họp “hội đồng cố vấn mở rộng” sáng ngày 5/5/75, khi đề cập đến việc “chăm sóc” các Sư Huynh cao niên ở Mai Thôn cũng như ở các cộng đoàn, một Sư Huynh trẻ khẳng khái nhưng cảm xúc lên tiếng: “chúng con, đàn em, hoàn toàn ghi ơn quí vị đàn anh, và nhất quyết làm hết mọi chuyện để chăm sóc quí vị đàn anh như những người cha, ông nội, ông ngoại của chúng con...”

Trong vòng gần 20 năm, các Sư Huynh hầu như bị “cô lập” với thế giới bên ngoài. Các vị đàn anh lần lượt âm thầm “ra đi”. Nhiều vị đã có thể sống với đàn em, con cháu tới 100 tuổi hay hơn nữa, như ông nội Paul Bường “bị bắt cóc” từ Huế vào Mai Thôn. Mỗi lần gặp ông nội, lúc đó đã hơn 99 tuổi, câu hỏi đầu tiên luôn luôn là : “chừng mô về lại trường Pellerin?”, và câu trả lời - luôn luôn nghẹn ngào trong nước mắt, là “gần rồi, ôn nội! Ôn nội cố gắng lên hỉ!” “Gần rồi!”... và ông nội đã ra đi, còn thiếu vài ngày nữa là đầy 100 tuổi.

Sư Huynh Đặng văn Hinh là con người năng động và luôn luôn đổi mới. Ngoài việc chăm sóc người ốm đau, SH cũng quan tâm đến tinh thần và thể xác cho người những người còn sức đi lại được sống trong một bầu khí thoải mái, thanh thản, giúp cầu nguyện.

Mảnh vườn rau muống được biến thành núi Đức Mẹ. Ban đầu chỉ đặt một tượng Đức Mẹ cao chừng 8 tấc, sau đó Đức Mẹ “lớn dần lên” và nay đã cao hơn hai thước! Hùng vĩ vươn lên giữa bầu trời Thanh Đa. Bức tượng Đức Mẹ ban ơn nầy được các Dì Nữ Tử Bác ái thuộc cộng đoàn MAI HOÀ trao tặng.

Cách nhà Hưu dưỡng độ 500 thước, nơi an nghỉ của các SH qua đời từ sau tháng 4/75. Ngày nay không còn là một nghĩa trang bùn sình, lầy lội vào mùa nước lên,

nhưng đã được chỉnh trang đẹp không khác gì một công viên.

Hằng năm, đến đầu tháng 11, thay vì các Freres và Anh Chị Em LaSan đến "Đất Thánh Tây" thăm viếng và đọc kinh cho các vị đàn anh đi trước hoặc cho thầy cũ, Tỉnh Dòng đã dời mộ các Freres về Mai Thôn để Anh Em thực hiện lời khấn "cùng chung và liên kết", dù còn sống hay đã qua đời. Một công trình liên quan đến người quá cố không kém phần vĩ đại vừa được khánh thành vào ngày 29/06/2002: nhà tưởng niệm các SH có công xây dựng Tỉnh Dòng La San VN từ năm 1866. Tất cả các SH đã đặt chân đến VN và đã qua đời đều có tên nơi đài tưởng niệm. Các SH qua đời có hài cốt tại VN một ngày kia cũng sẽ an nghỉ nơi đây.

Một công trình dành cho người sống cũng dần dần thành hình: khu vực tĩnh tâm, sinh hoạt cho giới trẻ và các đoàn thể hay cá nhân, được xây dựng trên mảnh đất xưa kia là ruộng, sau đó lên bờ trồng dừa và bây giờ là nơi dành cho những người muốn tìm sự yên tĩnh để hướng lòng lên cùng Chúa.

Nơi đây có những nhà chòi, có 16 chặng đàng thánh giá, có ao hồ cá lượn tung tăng, có vườn cây bóng mát, có cả nhà bếp và trong tương lai sẽ có phòng ngủ cho những ai muốn một mình với Chúa dài ngày. Giáo dân láng giềng ngày nay không còn lạ gì với nhà nguyện Hưu Dưỡng Mai Thôn, nên đi lễ ngày một đông. Vì vậy, nhà nguyện trở nên quá nhỏ bé, nhất là vào những ngày Chúa Nhật và dịp lễ lớn.

Một công trình đang dở dang: tu bổ, nới rộng hai bên nhà nguyện. Việc sửa sang nầy làm tăng kích thước nhà nguyện gấp đôi. Nhà nguyện sẽ được sử dụng, phục vụ nhu cầu thiêng liêng cho giáo dân vùng Thanh Đa.

Vài Chi tiết về biến cố Mai Thôn năm 1989.

Nhà Mai Thôn đã từng được sử dụng làm nhà hưu dưỡng cho các sư huynh lớn tuổi, rồi làm nơi ăn ở học tập cho các sư huynh trẻ cần tu nghiệp hay theo học tại đại học Sài Gòn, rồi trở lại đơn thuần là nhà hưu dưỡng, rồi lại được biến thành học viện …

Trước năm 1995, Mai Thôn bao gồm ba (3) dãy nhà :

1. Dãy thứ nhất hai tầng, nằm dọc theo sông Sài Gòn, và gồm các phòng của các sư huynh hưu dưỡng.

2. Dãy thứ hai cũng hai tầng, có thêm một tầng ở hai đầu nhà, hơi nằm sâu phía trong (30 m) và gồm nhà nguyện, phòng khách, phòng họp, nhà ăn …

3. Dãy thứ ba một lầu, nằm thẳng góc với dãy thứ hai, gồm nhà bếp, nhà kho, phòng ở cho Sư Huynh quản lý, máy móc, xe cộ …6 Sư Huynh trú ngụ trong dãy nhà thứ nhất; 9 Sư Huynh chia nhau ở hai dãy còn lại.

Thứ tư 24 tháng 5 năm 1989, có người phát hiện ra những đường nứt ở trên sàn nhà. Các Sư Huynh được báo cáo đưa ý kiến là thôi hãy đợi quyết định của Sư Huynh giám tỉnh (Lucien Hoàng Gia Quảng) vì ngày hôm sau Sư Huynh sẽ đến chủ trì kỳ tĩnh tâm tháng.

Nhưng than ôi ! Ngay đêm hôm đó, đêm định mệnh 24 rạng 25 tháng 5, tai họa đã đổ ập xuống trên cộng đoàn các Sư Huynh.

Nửa đêm, có lẽ tiếp theo tiếng tàu chạy ngang qua trên dòng sông rộng chăng (?), người ta nghe những tiếng gầm gừ như tiếng sấm vang lên từ xa, đoạn một tiếng nổ gãy ầm. Trong dãy nhà thứ hai, một Sư Huynh lớn tuổi nhưng còn lực lưỡng, Sư Huynh Honorat, bật đèn lên : kinh ngạc tột cùng vì cả dãy nhà thứ nhất đã biến mất ! Nhà cửa không còn, cây cối xung quanh cũng không còn. Sư Huynh báo động, có người gọi điện cho chính quyền địa phương, cho sở cứu hỏa…

Mọi cố gắng đều tỏ ra vô hiệu. Cả một khu đất đã chạy chùi xuống sông, mang theo cây cối và dãy nhà dài khoảng 20 m. Một Sư Huynh trẻ, Sư Huynh Pierre Long, bỗng thấy có cái gì đó đang ngọ nguậy trong làn sóng gần bờ sông, dưới ánh trăng mờ nhạt. Sư Huynh Long nhảy ào xuống và kéo lên được Sư Huynh Augustin Ấc, 71 tuổi. Đây là nạn nhân duy nhất (trong 6 người) được cứu thoát.

Ngay ngày hôm ấy và các ngày sau đó, xác 5 Sư Huynh bị kẹt trong ngôi nhà chìm dưới sông, lần lượt được đưa lên.Tai nạn này đã làm rúng động dân chúng (dù phương tiện truyền thông còn hạn chế), và tạo nên một luồng dư luận thông cảm sâu sắc đối với các Sư Huynh. Rất đông dân chúng đã đến viếng thăm và đưa đám 5 Sư Huynh Chrysologue - Amédée - Médard - Léonard - Samuel gặp nạn !

Nguyên do tai nạn.

Trước 1975, bờ sông nơi đây được bảo vệ kỹ bằng công trình che chắn,

một loại bờ đê bằng đá xanh Biên Hòa, và những đê chắn sóng de ra

sông cùng những căn nhà sàn để hứng gió. Thường xuyên có người đi

kiểm tra nhà và đê, và mỗi năm các Sư Huynh đều cho người sửa chữa,

đắp vá xi-măng những nơi nứt nẻ. Nhưng sau năm 1975, do đê chắn sóng bị xà lan nhà nước va phải vỡ toang và vì không chi phí sửa chữa (kinh tế đất nước và của nhà dòng quá yếu) nên nước xâm nhập, đào khoét bờ sông, nền nhà. Và đến một lúc nào đó, chỉ cần một chấn động nhỏ nào đó, cả vùng đất trên có ngôi nhà trượt ùm xuống giòng sông!

Sau tai họa này, các Sư Huynh đã tìm cách củng cố bờ sông với những cọc gỗ, nhưng ai cũng biết rằng đấy chỉ là giải pháp tạm bợ nhất thời để phần nào cứu vãn và kéo dài tuổi thọ của dãy nhà thứ hai.

Ban cố vấn tỉnh dòng Sài Gòn cũng vừa đồng ý tìm nguồn tài trợ để tiến hành việc xây dựng dọc theo đường xuyên trung tâm bán đảo, một khu nhà bảo đảm hơn cho các Sư Huynh nhà hưu và đồng thời những phòng ốc cho các hoạt động của các nhóm trẻ : huấn luyện đời tu, sinh hoạt nhóm, học hỏi giáo lý, tĩnh tâm, suy tư … Dự án này cũng phù hợp với đường hướng của Tổng Công Hội mong muốn rằng các Sư Huynh có tuổi được tiếp tục sống giữa sự kính trọng và những chăm sóc thân tình của giới trẻ vì họ đáng được hưởng ân huệ này từ nhà Dòng.

Mai Thôn Hôm Nay và Ngày Mai

Sau biến cố 1989, Bề trên giám tỉnh và hội đồng cố vấn, cũng như tất cả Anh Em già trẻ, đã nhiều lần mong ước xây một ngôi nhà mới sâu vào trong đất liền, để vừa có nơi tôn thờ Vua cả trời đất, vừa có nơi an dưỡng cho các vị đàn anh đã "bỏ hết mọi sự mà theo Thầy chí thánh" để "sống trọn đời cho, vì, và với tuổi trẻ".

Mô Hình đã có. Mộng Ước đã nhiều.

NHƯNG... bao giờ mới đủ khả năng thực hiện?

Ngôi nhà thờ - tuy nhỏ bé nhưng luôn luôn sinh động vẳng tiếng cầu kinh trầm ấm của các vị đàn anh còn sống sót, hòa điệu với nhịp sống chan chứa niềm vui mừng và hy vọng của nhiều thế hệ đàn em - cũng gần bờ sông, xem ra không còn an toàn...

Trong vài năm sau đây, có nhiều "tin đồn" không mấy sáng sủa cho sự an tâm của các vị đàn anh trong nhà hưu dưỡng. Hội đồng cố vấn quyết tâm tìm mọi phương án khả dĩ tận dụng những gì đang có = "dời" toàn bộ ngôi nhà gần bờ sông, gồm cả nhà thờ với gần 10 phòng ngủ trên lầu hai đến nơi an toàn hơn!

Nói chơi hay nói giỡn ? - Hãy đến mà xem! Ban thiết kế cho biết tổn phí di chuyển toàn bộ ngôi nhà, trên đoạn đường dài 150 mét, khoảng 50k. Tuy nhiên nếu xây mới một ngôi nhà như vậy, không dưới 200k!

Sau nhiều ngày tháng “đẩy/kéo” ngôi nhà di chuyển từng centimét một, cuối cùng ngôi nhà cũng đã đến nơi “an nghĩ”. Và ngày 15 tháng 8 năm 2006, tất cả Anh Chị Em La San vùng Saigon đến tạ ơn Thiên Chúa, cảm tạ Mẹ Maria cùng thánh La San và các Thánh&Chân phước Đàn Anh, tại ngôi nhà thờ vừa hoàn chỉnh cuộc lưu hành gian truân...

Trước 1975, mỗi cơ sở giáo dục của La San đều có ít nhất là một sân bóng rổ và bóng chuyền. Một vài trường như Bình Linh, Mossard, Cần Thơ,v.v... còn có thêm sân bóng tròn - sau này gọi là bóng đá, hoặc hồ bơi thích hợp cho các bộ môn thể thao, thể dục.

Sau 1975, trường ốc không còn thì nói gì đến các phương tiện thể dục thể thao ?

Riêng cơ sở Mai Thôn, tuy nguyên thủy là “trang trại”, nghĩa là vùng đất sản xuất nông nghiệp, nhưng vì sát bờ sông nên có những phương tiện thể dục thể thao trên nước như bơi lội tắm sông, chèo thuyền.

Sau 1975, trang trại gần 12 mẫu tây bị “người ta” xâm chiếm, “cắm dùi”. Thậm chí vào đầu năm 1978, trong chương trình “càn quét các dòng tu... phản động” tại Thủ Đức, toàn bộ cơ sở La San Mossard bị tịch thu đã đành, riêng cơ sở APHV thay vì bị tịch thu lại “được trao đổi” bằng một khoảng đất khác, mà oái oăm thay, mảnh đất đó lại là của La San Mai Thôn!

Và cứ “cắm dùi, trao đổi” dài dài như vậy, cho nên mãi đến cuối thập niên 90, các Sư Huynh đành dè sẻn bóp bụng hơn để xây một bức tường ngăn lại phần đất “hy vọng” còn lại của nhà dòng : vỏn vẹn trên dưới 2 mẩu tây!

- Khi nào “người ta” sẽ trả lại ?

- “Gần rồi ôn nội! Ôn nội cố gắng ‘chờ đợi’ hỉ!”

“Thay vì ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối,

Hãy trỗi dậy khêu sáng ngọn đèn lên!”

Bầu không khí tương đối “dễ thở” hơn đôi chút cho Anh Chị Em La San tại Việt Nam - kể từ ngày “ba chìm bảy nổi chín cái long đong” đó, Mai Thôn là nơi

được Anh Chị Em và Thân Hữu La San trong và nhất là ngoài nước chú tâm đặc biệt. Nói cho ngay, ngoài lòng tri ân cảm mến các vị đàn Anh đã tận tụy hy sinh suốt đời cho giới trẻ Việt nam, cho dân tộc Việt Nam nói chung, về mọi phương diện giáo dục lẫn xã hội, và trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử chính trị nào của đất nước, quí vị Mạnh Thường Quân, Anh Chị Em cựu học sinh và Thân Hữu La San còn nung nấu và mong ước “Thắp Sáng Mãi Ngọn Đuốc Giáo Dục La San Trên Quê Hương” - Ngọn Đuốc đã đem lại cho dân tộc Việt nhiều hoa quả tốt lành, trải qua bao nhiêu thế hệ... trong hơn 140 năm qua. Và nhìn kỹ lại, chỉ còn Mai Thôn là mảnh đất duy nhất “còn lại” của La San tại vùng Saigon và phụ cận, dù cho mảnh đất đó đã bị “cắm dùi, trao đổi”, đã bị chia năm sẻ bảy, chỉ còn lại trên dưới hai mẫu tây.

Khoảng giữa thập niên 90, với tài trợ đầy thiện cảm của Anh Chị Em và Thân Hữu La San trong cũng như ngoài nước, khuôn mặt Mai Thôn được dần dần trang điểm tươi sáng hơn.

Để khởi sự cho một chương trình “Mai Thôn Ngày Mai”, nhóm cựu Đệ Tử Lasan Mossard đã huy động Anh Chị Em tặng giới trẻ Việt Nam vùng Saigon một sân bóng rổ theo tinh thần “một tinh thần minh mẫn trong một thân xác cường tráng”.

Sân bóng rổ đã được khai trương tại Mai Thôn ngày 24 tháng 7 năm 2006 bằng một cuộc đấu giao hữu giữa “đội tuyển Lasan hải ngoại” với “đội tuyển Lasan trong nước”, do Sư Huynh giám tỉnh Tân thảy bóng giao hữu.

Khu Vực Tĩnh Tâm

Chương trình kế tiếp là thành lập một khu vực yên tĩnh để giới trẻ có thể trầm tư suy nghĩ, một mình hay đoàn thể, dưới sự hướng dẫn của một vị đàn anh. Nhiều “căn nhà chòi” sẽ được xây dựng trong khu vực “rừng cây bóng mát”, bên cạnh “Đài Tưởng Niệm”. Cá nhân hoặc đoàn thể có thể trú ngụ qua đêm (hay nhiều đêm) trong khung cảnh yên tĩnh để cầu nguyện, suy tư...

Dự Án “Trường La San Mai Thôn”

Phải chăng “giờ đã đến” để Anh Chị Em La San nghĩ tới việc xây dựng một ngôi trường La San “chính hiệu” tại Mai Thôn ?

Như trên đã đề cập đến việc cơ sở Mai Thôn đã bị “cắm dùi”, “trao đổi”, hiện nay chỉ còn khoảng trên dưới hai mẫu tây, và có thể nói Mai Thôn là mảnh đất duy nhất còn lại của La San trong vùng Saigon.

Theo dự án “Mai Thôn Hôm Nay và Ngày Mai”, một ngôi trường trung tiểu học La San ngay trong khuôn viên còn lại của Mai Thôn vẫn còn chỗ đứng.

Mô hình đã có. Mộng ước đã nhiều. Liệu sự thao thức mong ước đó của các vị đàn anh, của anh chị em cựu học & học sinh và thân hữu La San có thể thành hiện thực ?