GIỚI THIỆU NĂM TẤM BIA TỬ ĐẠO TẠI PHÚC NHẠC

Năm 1999, trong một lần về thăm xứ đạo Phúc Nhạc, xã Khánh Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình, thuộc giáo phận Phát Diệm, tôi may mắn phát hiện được năm tấm bia chữ Hán được lưu giữ trong phòng thánh của nhà thờ xứ. Sau khi dành thời gian tìm hiểu tôi được biết đó là năm tấm bia vốn đặt trên những ngôi mộ của các vị tử đạo trong một nghĩa trang riêng tại xứ Phúc Nhạc. Thế sự thăng trầm nên vì một lý do nào đó, có thể ít nhiều liên quan đến việc phong chân phước cho các vị tử đạo Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, mà những ngôi mộ được đào lên và một số tấm bia trên các mộ đó còn được lưu giữ đến ngày nay. [1]

Tôi vốn không phải chuyên viên nghiên cứu lịch sử, cũng không phải một nhà nghiên cứu Hán – Nôm, nên không dám lạm bàn nhiều về chuyện chữ nghĩa hay lịch sử, chỉ xin bằng tấm lòng thiết tha với vốn văn hóa cổ, đặc biệt là văn hóa Hán – Nôm Công giáo, giới thiệu sơ qua về năm tấm bia kể trên.

Về niên đại

Các tấm bia không có cùng niên đại. Bia cổ nhất được dựng dưới triều Tây Sơn, vào năm 1798. Bốn tấm bia còn lại đều được dựng dưới triều Tự Đức, gồm một bia năm Tự Đức thứ mười một (1858), một bia năm Tự Đức thứ mười ba (1860), hai bia năm Tự Đức thứ mười bốn (1861). Niên hiệu theo dương lịch được ghi bằng chữ số Ả-rập ở chính giữa bia, bên dưới đường gờ dưới trán bia.

Về hình thức

Cả năm tấm bia đều có hình dáng và kích thước tương tự như nhau, rộng 29 cm, dài 51 cm, đỉnh hình vòng cung như thường thấy ở các bia cổ, xung quanh bia có đường gờ rộng 3 cm, cách đường gờ 1,5 cm có đường chỉ. Trán bia mang hình thập giá, bên dưới có một đường gờ rộng 1,5 cm (riêng tấm bia năm 1798 không có đường gờ này), bên dưới đường gờ là niên hiệu theo dương lịch và nội dung bia bằng chữ Hán. Các tấm bia đều được làm bằng loại đá xanh, chữ Hán được khắc theo lối chữ chân khá đẹp và chỉ được khắc ở một mặt.

Về ngôn ngữ

Ngôn ngữ viết trên các tấm bia là chữ Hán, có xen lẫn chữ Nôm khi ghi danh Thiên Chúa (天主), khi ghi các tên riêng của các vị thánh: Gio-an (樞峰),Gio-an Bao-ti-xi-ta (樞峰包卑吹些), Mát-thi-a (沫施亞), Tôma (須眉). Đặc biệt, chữ ‘quán’ với nghĩa là quê quán được viết theo hai dạng: 缶官 và 土貫, chứ không phải là chữ 貫, nên có lẽ cũng phải coi chữ này là chữ Nôm.

Về bố cục và nội dung

Chữ Hán trên các tấm bia được sắp xếp theo hàng dọc từ phải qua trái. Tấm bia năm 1798 có ba hàng chữ, hàng ngắn nhất có năm chữ, hai hàng còn lại một hàng mười một chữ, một hàng mười hai chữ. Bốn tấm bia thời Tự Đức mỗi bia có bốn hàng, mỗi hàng có từ sáu đến mười hai chữ. Những hàng có chữ ‘Thiên Chúa’ (天主) đều được đưa lên cao hơn các hàng khác một chữ [2].

Các tấm bia đều mang nội dung gần giống nhau gồm:

- Hàng đầu tiên ghi chức vị và danh tính, gồm tên thánh và tên gọi của người chịu tử đạo.

- Hàng thứ hai ghi quê quán, gồm tên tỉnh, tên huyện, tên xã hoặc thôn của người chịu tử đạo.

- Hàng thứ ba và thứ tư ghi niên hiệu triều đại, năm, tháng, ngày, lý do, hình thức chịu án và địa điểm chịu án của vị tử đạo. Riêng tấm bia năm 1798 chỉ có ba hàng, hàng thứ ba ghi: “Tây Sơn niên gian vị Chúa thụ trảm tại Thanh Hóa tỉnh”.

Dưới đây xin được ghi lại phần phiên âm và dịch nghĩa của hai trong năm tấm bia kể trên:

Phiên âm:

“1798

Linh mục Gio-an Đạt,

Quán tại Nam Định tỉnh, Thiên Bản huyện, Bạch Câu xã,

Tây Sơn niên gian vị Chúa thụ trảm tại Thanh Hóa tỉnh”.

Dịch nghĩa:

“1798

Linh mục Gio-an Đạt,

Quê tại xã Bạch Câu, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định,

Chịu chém đầu vì Chúa thời Tây Sơn tại tỉnh Thanh Hóa”.

Xét theo danh tính, quê quán, thời gian và nơi chịu tử đạo cũng như nơi chôn cất như vẫn được ghi trong các tài liệu về các thánh tử đạo Việt Nam thì có thể khẳng định rằng đây chính là bia mộ của linh mục Gio-an Đạt, chịu tử đạo ngày 28-10-1798, được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô

II phong hiển thánh ngày 19-6-1988 [3].

Phiên âm:

“1860

Linh mục Mát-thi-a Cẩn,

Quán tại Hà Nội tỉnh, Thanh Liêm huyện, Cẩm Bối Non thôn,

Tự Đức thập tam niên, lục nguyệt nhị thập nhị nhật vị

Thiên Chúa thụ trảm tại Ninh Bình tỉnh”.

Dịch nghĩa:

“1860

Linh mục Mát-thi-a Cẩn,

Quê tại thôn Cẩm Bối Non, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nội,

Ngày hai mươi hai, tháng sáu, năm Tự Đức thứ mười ba vì

Thiên Chúa chịu chém tại tỉnh Ninh Bình”.

Kết luận:

Năm tấm bia kể trên chứa đựng thông tin không nhiều, nhưng lại mang lại mang nhiều giá trị về lịch sử và ngôn ngữ.

Về mặt lịch sử, những tấm bia này là chứng tích hiếm hoi của một giai đoạn đạo Công giáo bị các triều đạo phong kiến bách hại chỉ vì lý do thuần tuý tôn giáo. Đặc biệt, một trong số năm tấm bia kể trên là bia mộ của linh mục Gio-an Đạt, một trong 117 thánh tử đạo Việt Nam.

Về mặt ngôn ngữ, những tấm bia này góp phần khẳng định thêm ý kiến từ khi đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam, người Công Giáo Việt Nam, bao gồm cả hàng giáo sĩ và giáo dân, đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát triển văn hoá Hán – Nôm qua việc sử dụng chữ Hán và chữ Nôm trong sinh hoạt thường nhật [4].

Hà Nội 17-11-2004

Kim Ân

-----

[1] Trong số năm tấm bia, hiện ba tấm vẫn còn được lưu giữ tại xứ Phúc Nhạc, hai tấm khác hiện được trưng bày tại Nhà Truyền Thống giáo phận Phát Diệm. Các bản dập của cả năm tấm bia này đều được lưu giữ tại Đại Chủng Viện Thánh Giu-se Hà Nội.

[2] Đây là cách biểu lộ sự tôn kính đặc biệt trong các văn bản Hán – Nôm xưa, thường chỉ được dùng khi nhắc đến nhà vua hoặc triều đại. Hai bức thư bằng chữ Hán của giáo dân Đàng Ngoài gửi tới Đức Giáo Hoàng Urbano VIII và Bề Trên Tổng Quyền dòng Tên vào năm 1630 cũng ghi hai chữ ‘Thiên Chúa’ theo cách tương tự.

[3] X. Linh mục Bùi Đức Sinh, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Trong Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, San Jose, California – USA 2002, tr. 38-42.

[4] Xin xem thêm bài Tam Giáo Chư Vọng (1752) – Một Cuốn Sách Viết Tay Bàn Về Tôn Giáo Việt Nam của giáo sư Trần Văn Toàn, in trong tập Kỷ Yếu Trao Đổi Khoa Học Tư Liệu Hán Nôm Viết Về Công Giáo Việt Nam do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức sáng 25-5-2003, tr. 67-74; bài Chữ Nôm Công Giáo Qua Những Tác Phẩm Của Majorica của ông Vũ Văn Kính, in trong Toạ Đàm Một Số Vấn Đề Về Văn Hoá Việt Nam diễn ra tại Toà Tổng Giám Mục Huế từ 24 đến 27-10-2000, tr. 18-25; bài Sách Hán Nôm Công Giáo Việt Nam của linh mục Nguyễn Hưng, in trong Toạ Đàm Một Số Vấn Đề Về Văn Hoá Việt Nam diễn ra tại Toà Tổng Giám Mục Huế từ 24 đến 27-10-2000, tr. 12-17.

Nguồn: www. dunglac.net