Thư mục vụ tháng 11/2006


Luyện hình, nơi thanh luyện cần thiết,
hữu ích và đầy an ủi



Anh em linh mục, các Tu sĩ, chủng sinh
và anh chị em giáo dân thân mến,

Tôi vừa tham dự Đại Hội Truyền giáo Á châu lần thứ nhất tại Chiang Mai, Thái Lan, từ ngày 19-22 tháng 10 năm 2006. Đại Hội qui tụ hơn một ngàn thành viên từ khắp nơi, Phần lớn là đại diện của các Giáo Hội tại Châu Á, nhưng cũng có những người từ các châu lục khác nữa. Trong số những người tham dự có 5 Hồng y, 80 Tổng Giám mục và Giám mục, khoảng 300 linh mục và hơn 600 tu sĩ và giáo dân. Đức Thánh Cha đã phái Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, nguyên Tổng trưởng Bộ Phúc Am hóa các dân tộc và hiện là Tổng Giám mục Napôli làm đặc phái viên của Ngài. Ngoài ra còn có Đức Hồng y Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ Phúc Am hóa các dân tộc cũng tới tham dự.


Chúng ta cũng đã buớc vào tháng các linh hồn, tháng Giáo Hội cho ta nhiều cơ hội, ban nhiều ân xá để chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, đặc biệt là những người thân yêu của chúng ta. Trong tháng này chúng ta có thói quen viếng Đất Thánh để trước phần mộ của ông bà, cha mẹ và những người thân, nơi các ngài nằm nghỉ chờ ngày sống lại, chúng ta tưởng niệm và cầu nguyện cho các ngài. Tại phần mộ của các ngài, chúng ta cảm thấy gần các ngài hơn, nên cũng nhận ra rằng cần phải quan tâm tới số phận của các ngài, làm sao giúp các ngài mau được về hưởng tôn nhan Chúa.

Những bài Sách thánh chúng ta thường nghe trong các lễ cầu cho những người đã qua đời, nhắc cho chúng ta biết rằng Chúa rất thương các linh hồn còn đang phải giam nơi lửa luyện tội. Trong thư gởi tín hữu Roma, Thánh Phaolô giải thích cho chúng ta: Trong khi còn là kẻ có tội mà Chúa Kitô đã chết để đền tội cho chúng ta, thì khi đã được nên công chính, Chúa còn thương chúng ta như thế nào? (x. Rm 5, 6-10). Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nhắc cho chúng ta biết: Người đã lên trời để dọn chỗ cho mọi tín hữu, ngõ hầu Người ở đâu, các kẻ tin theo Người cũng sẽ được ở đấy với Người (x. Ga 14, 1-3).

Vậy các linh hồn nơi luyện tội, là những người đã tin theo Chúa khi còn ở đời này, và đã được chết trong ơn nghĩa Chúa, nên rất đuợc Chúa thương yêu, quý mến, tại sao Chúa còn giam họ nơi lửa luyện tội, mà không cho họ lên hưởng tôn nhan Chúa trên thiên đàng? Đây là thắc mắc chúng ta thường đặt ra, đặc biệt khi đang thương tiếc đứng bên mồ mả của những người thân tại nghĩa trang. Có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu ý nghĩa của luyện tội để biết tuân phục thánh ý Chúa và cũng tìm ra những phương cách hữu hiệu để giúp đỡ các người thân của chúng ta còn phải thanh tẩy trong luyện ngục.

Theo giáo lý công giáo, ai chết mà còn vương vấn vết nhơ tội lỗi, thì cần phải được thanh tẩy cho tới khi hoàn toàn trong sạch, mới được lên thiên đàng. Tại sao vậy?

Để trả lời, người ta thường nại tới đức công bình và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Hai ưu phẩm này không cho phép Thiên Chúa làm khác được. Theo đức công bình, đâu có tội thì đấy phải có hình phạt. Và để tôn trọng sự thánh thiêng của Thiên Chúa, con người phải hoàn toàn trong sạch mới có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã long trọng công bố: “Phúc cho những người có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”(Mt 5, 8). Còn thánh Gioan thì nói: “Không có gì nhơ bẩn sẽ được vào Nước Trời”.

Ngày nay, nhiều nhà thần học không trực tiếp nhìn vào sự uy nghi thánh thiện của Thiên Chúa, cho bằng để ý tới khả năng yếu kém bất toàn của con người. Với tội nguyên tổ, khả năng hướng thiện của con người đã bị suy yếu, cần phải có thời gian tập luyện để phục hồi tình trạng trong sạch nguyên thủy và phát triển khả năng siêu nhiên Chúa ban, hầu có thể chiêm ngắm Thiên Chúa, chia sẻ sự sống thần linh của Người. Khốn nỗi, khi còn sống, vì có tự do, con người dễ lạm dụng tự do để làm những điều không được làm và không nên làm. Sự tự do ấy, thay vì giúp con người được thanh luyện và phát triển mau lẹ, thì lại làm cho việc thanh luyện và phát triển bị chậm lại, hay tệ hơn, còn đi ngược chiều. Vì thế, sau khi chết, lúc không còn lạm dụng tự do được nữa, lúc linh hồn người công chính đã tới tình trạng cố định: luôn hướng thiện, gắn bó với Thiên Chúa, sẵn sàng thực hiện những điều Chúa muốn và truyền dạy, thì đó là thời gian thuận tiện để thanh luyện những dấu vết do tội lỗi để lại và phát triển khả năng tiếp nhận sự sống thần linh của Thiên Chúa.

Chính vì thế Joseph de Maistre khẳng định: “Tôi quả quyết luyện ngục là tín điều của lẽ phải”. Còn Jean Guitton thì giải thích: “Cái chết xảy đến với phần đông con người vào lúc họ còn lỗi lầm và sơ xuất vô kể. Sự phát triển về đạo đức của họ chưa được thành tòan. Khi sống trên đời, việc phát triển còn mang nhiều bất trắc vì tính tự do. Vì thế sau cái chết, cần phải khởi đầu một cuộc phát triển không có những bất trắc này nữa, nhờ vậy ta đạt được tầm vóc mong muốn. Đó là sự chuyển tiếp giữa tình trạng ta đang có và tình trạng ta sẽ được”. Nói khác đi, cần có một thời gian để cuộc sống bất toàn hiện nay thích ứng với sự vẹn toàn của Thiên quốc. Luyện ngục là nơi thực hiện công việc chuyển tiếp, thích ứng này.

Charles Lebrun nói thêm: “Ít ai trong chúng ta có thể tiến bước vào đời sau như một con người mới mẻ, trong trắng và vô tì tích được, nhưng thường bị nhơ nhớp, vấy bẩn, bị nhiễm độc vì đã sử dụng cách bất chính những sự vật trần gian. Chắc chắn vì thế, mà phần đông chúng ta, dưới ánh sáng của Chúa, sẽ khiếp sợ khi khám phá ra sự bất xứng, sự thiếu sót, tình trạng chưa thích hợp với sự sống trên trời của mình, và tự động mong ước được trải qua một cuộc biến đổi đớn đau trong luyện ngục”.

Phải chăng ở đây không thể áp dụng lời thánh Phaolô nói chung về sự biến đổi cần thiết của toàn thể tạo vật: “Chúng ta biết rằng, cho đến giờ, mọi tạo vật đều rên xiết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ các tạo vật, mà cả chúng ta cũng rên xiết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta” (Rm 8, 22-23).

Từ chỗ nhận thức được thời gian thanh luyện nơi luyện ngục là cần thiết và hữu ích, người ta còn cảm nhận được rằng luyện ngục cũng là một tín điều đầy an ủi cho sự yếu đuối của cả những người còn sống lẫn những người đã qua đời. Thật vậy, một đàng, khi nghĩ rằng không bao lâu nữa ta sẽ chết và cái chết có thể đến bất ngờ, đang khi ta còn bao nhiêu yếu đuối, bất toàn; Đàng khác, vì ý thức được sự thánh thiện và toàn hảo của Thiên Chúa, ta cảm thấy mình hoàn toàn bất xứng đến nỗi hầu như thất vọng về ơn cứu độ của ta. Chính vì thế, khi biết rằng ta còn được thời gian thanh luyện sau khi chết, ta sẽ bớt lo sợ hơn và sẽ thốt lên, như một người đang hấp hối đã kêu lên: “Ôi luyện ngục hồng phúc ! Nhờ ngươi ta còn có thời gian để thanh luyện, để sửa soạn cho Nước Trời”.Chính vì tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa khi lập ra luyện ngục, mà ta có thể phần nào bớt lo lắng về số phận của những người thân bị chết bất ngờ trong lúc những hoàn cảnh bên ngoài làm cho chúng ta hầu như thất vọng. Người ta kể có lần thánh Gioan Vienney nhìn thấy một người đàn bà đang khóc chồng vừa bị chết đuối, Người đã yên ủi bà rằng: “Bà hãy cứ khuây khỏa đi ! Giữa cây cầu và mặt nước, ông ấy đã thống hối. Hãy cầu nguyện cho ông. Ông đang ở trong luyện ngục đấy thôi!”.


Chắc chắn, Chúa không bắt ai phải giam hãm nơi luyện hình, nhưng chính những người quá cố, khi ý thức ơn gọi và tình trạng của mình chưa xứng đáng hưởng tôn nhan Chúa, đã tự ý đi vào đó để được thanh luyện, được sửa soạn cho thích hợp với tiệc cưới nước trời, giống như khi được mời đi dự tiệc cưới của những vị có chức quyền, những nhà giàu có, sang trọng, chúng ta cũng cần phải có thời gian để may sắm, để sửa soạn; nếu phải đi quá gấp, khi chưa kịp sửa soạn, chắc chúng ta sẽ không dám đi, sợ bị khinh khi, lạc lõng !

Anh chị em thân mến,

Tuy luyện ngục là nơi thanh luyện cần thiết và hữu ích, là tín điều làm cho chúng ta đỡ phải lo lắng mà vững lòng cậy tin vào tình yêu và lòng nhân từ Chúa hơn. Nhưng không phải vì thế mà những ai đang ở trong luyện ngục không mong chóng được ra khỏi đó. Vì yêu mến Chúa, mọi người đều ước mong chóng được chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa, muốn được kết hợp trọn vẹn với Người. Vì thế cũng mong được chúng ta giúp đỡ để mau được ra khỏi nơi này.

Vậy với lòng mến Chúa và thương các linh hồn, nhất là những người có liên hệ đặc biệt với chúng ta, như ông bà, cha mẹ, những người đã làm ơn hay đã giúp đỡ chúng ta cách này cách khác. Chúng ta hãy gia tăng những lời cầu, những thánh lễ, những hy sinh, đặc biệt trong tháng này, để giúp các ngài mau được thanh lyện hoàn toàn, hầu có khả năng hưởng tôn nhan Chúa. Chắc chắn Chúa và các linh hồn sẽ không quên

Chúng ta cũng đang sống trong năm “Thực hành Lời Chúa”. Vậy cầu nguyện cho các linh hồn nơi lửa luyện tội cũng là một cách sống Lời Chúa, vì trong 10 điều răn, Chúa đã dùng điều răn thứ bốn để dạy chúng ta phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ, ông bà khi còn sống cũng như lúc qua đời. Hơn thế Chúa còn quả quyết với chúng ta rằng, mỗi khi chúng ta làm cho người rốt hèn trong anh em điều gì là làm cho chính Chúa. Vì thế, cầu nguyện cho linh hồn ông bà cha mẹ, những người thân và mọi linh hồn trong lửa luyện tội là tôn trọng và sống Lời Chúa cách trọn hảo rồi đấy. Hãy cố gắng mà thực hiện.

Thân ái chào anh chị em.


+ Phêrô Trần Đình Tứ
Giám Mục Phú Cường