Thư mục vụ tháng 10 của Giáo Phận Phú Cường

ĐỌC KINH MÂN CÔI: Phương Thế Hữu Hiệu Để Sống Lời Chúa



Anh em linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh

và toàn thể anh chị em giáo dân thân mến,

Chúng ta đã bước vào tháng Mười, tháng Mân Côi Đức Mẹ. Lập ra tháng này, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta giá trị của kinh Mân Côi và khuyên chúng ta coi đó như là việc thực hành tốt hảo giúp nuôi dưỡng lòng đạo đức cũng như đời sống thân mật với Chúa và Đức Mẹ.

Năm nay cũng là năm sống Lời Chúa, chúng ta có thể khẳng định rằng: Đọc và suy gẫm những mầu nhiệm kinh Mân Côi là phương thế hữu hiệu giúp sống và thực hành Lời Chúa cách mau chóng nhất. Thật vậy, chiêm ngắm những nhân vật mà các mầu nhiệm kinh Mân Côi họa lại, chúng ta sẽ tìm được những gương rất sống động về việc sống và thực hành Lời Chúa. Nào chúng ta hãy cùng nhau theo dõi những lời nói, những việc làm những thái độ của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và những nhân vật khác trong cuộc.

1. Chiêm ngắm Chúa Giêsu vâng phục

và thực thi ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu rất coi trọng quan hệ máu thịt với Đức Mẹ và những bà con của Người. Lời tường thuật vắn vỏi của Thánh Luca sau biến cố Thánh gia trẩy hội đền thờ lúc Chúa 12 tuổi, nói lên cho chúng lòng tôn kính và vâng phục Người dành cho Đức Mẹ và Thánh Giuse: “Sau đó, cùng với cha mẹ, Người xuống đền trở về Nazarét và vâng phục các ngài” (Lc 2, 51).

Tuy nhiên Người coi trọng mối quan hệ thiêng liêng là tuân hành thánh ý Thiên Chúa nhiều hơn. Thánh Luca đã hai lần thuật lại: Khi ấy “Mẹ và anh em Đức Giêsu đến gặp Người, mà không sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết: Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy. Người đáp lại: Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”

(Lc 8, 19-21). Lần khác Thánh sử cho biết là sau khi chứng kiến Chúa Giêsu trừ tên quỉ câm, rồi giảng về cách thức hoạt động của ma quỉ, một người phụ nữ đã lên tiếng khen ngợi: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớn! Nhưng người đáp lại: “Đúng hơn phải nói: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28).

Đấy là mới nghe Chúa nói. Chúng ta hãy nhìn vào những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc đời của Chúa để xem Chúa đã cố gắng thực thi ý của cha Cha như thế nào. Tác giả thư Do Thái cho biết, khi nhập thể chào đời, Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: “Này con đây, con đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10, 9). Điều đó được Người xác định lại khi các môn đệ mời Người ăn: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4, 34). Lần khác, Người công khai tuyên bố không bao giờ tìm theo ý riêng, nhưng là ý của Chúa Cha: “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5, 30), “vì tôi từ trời xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 38). Tại vườn Cây Dầu, khi Người cầu nguyện và mướt máu, Người vẫn tỏ lòng thần phục trước thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Khi buồn phiền lên tới cực độ sau lần tha thiết xin các Tông đồ cùng canh thức với Người một giờ, nhưng các ông đã mê ngủ làm lơ. Cả trong lúc ấy, Người vẫn tiếp tục lặp lại lời nguyện xin: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh nổi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42).

Khi lần chuỗi và suy gẫm những mầu nhiệm mà mỗi chục kinh gợi lại, chúng ta được gương sáng của Chúa Giêsu lôi kéo buớc theo Người để sống lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Trong từng chục kinh, khi chiêm ngưỡng Ngôi Lời sẵn sàng từ bỏ vinh quang của Thiên Chúa, vui lòng giáng trần nhận lấy thân phận con người, sống kiếp phàm nhân, chịu khổ hình, vác thập giá và chịu chết trên núi Sọ, để hoàn tất công trình cứu chuộc của Chúa Cha, chúng ta cũng được mời gọi dấn bước theo Người, hoàn thành những nghĩa vụ Chúa trao phó cho ta để thánh hoá bản thân và đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Thực hành những điều đó là sống Lời Chúa rồi vậy.

2. Cùng Mẹ suy gẫm những mầu nhiệm Mân Côi

Qua chuỗi Mân Côi, chúng ta cảm thấy gần guĩ với Mẹ. Cùng Mẹ và nhờ Mẹ chúng ta có thể nhận ra những tâm tình của Chúa, những thái độ của Mẹ và những cách ứng xử của những người trong cuộc, khiến chúng ta có thể học theo và đem áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.

a) Năm sự Vui

Lần chuỗi và suy gẫm Năm sự Vui, chúng ta cùng Mẹ ôn lại mầu nhiệm nhập thể và cuộc đời ẩn dật của Chúa Kitô. Biến cố truyền tin gợi lại cho chúng ta tâm tình khiêm cung của Mẹ khi thưa lời “xin vâng” để sẵn sàng cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Chớ chi chúng ta cũng biết noi gương Mẹ thưa lời xin vâng trong tất cả những nhiệm vụ Chúa và Giáo Hội trao phó, mặc dầu phải khổ cực hy sinh, miễn sao Lời Chúa dạy bảo được thành sự.

Khi theo Mẹ đến thăm bà Isave, ngoài việc thực thi lòng bác ái thương người, như lời Chúa dạy (x. Nl 6, 5; Mt 22, 34-40;

Mc 12,28-34; Lc 20,39-40) chúng ta hãy học với Mẹ để biết cao rao những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi ta và những người, những sự việc chung quanh ta, và cùng Mẹ tung hô Chúa: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, vì Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Ngài thật chí thánh chí tôn. Ngài đã nhớ lại lòng thương xót dành cho Tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời (x. Lc 1, 39-56).

Khi cùng Mẹ chiêm ngắm Chúa sinh ra nơi máng cỏ, ta hãy xin Chúa cho ta biết yêu chuộng sự khó nghèo, vì chính Chúa đã chọn sinh ra trong cảnh túng cực: mượn máng cỏ bò lừa làm nôi, cánh đồng hoang vu làm nhà trú ngụ. Thật đúng như lời Người đã tuyên bố: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20; Lc 8, 58). Chớ chi, nhờ chiêm ngắm cảnh nghèo nàn của máng cỏ, chúng ta có thể cảm nghiệm được giá trị của mối phúc Chúa đề cao: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ!” (Mt 5, 3).

Trước sự ngỡ ngàng và niềm vui của ông già Simêon và và bà Anna khi được bồng ẵm Chúa trong ngày Đức Mẹ và Thánh Giuse dâng Chúa vào đền thánh như luật dạy, chúng ta hãy học cho biết tuân thủ những luật lệ của Chúa và Giáo Hội, cả khi xem ra không cần phải tuân giữ. Như ông già Simêon, khi gặp được Chúa rồi, đã sẵn sàng “ra đi”, chúng ta cũng hãy mau mắn lên đường để rao truyền Đấng chúng ta đã được phúc nhìn thấy với con mắt đức tin, để Người thực sự trở thành ánh sáng soi đường cho muôn dân tìm về cõi phúc (x. Lc 2, 22-38).

Hình dung lại biến cố lạc mất và tìm thấy Chúa trong đền thờ, chúng ta hãy thán phục giáo lý và cách ứng xử của Chúa Giêsu khi Người ở giữa những bậc thầy Do Thái, nhưng càng phải kính phục Người về thái độ của Người đối với những công việc của Chúa Cha, như Người đã trả lời cho Đức Mẹ và Thánh Giuse: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết con có bổn phận đối với những gì thuộc Cha con sao?” (Lc 2, 49). Rồi, sau đó, Chúa Giêsu đã cùng với cha mẹ trở về Nazaret. Ở đó Người vâng phục hai ông bà. Thật là một gương hết sức cao quí cho chúng ta về đức vâng lời.

Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu và làm như Người đã làm. Đó là sống Lời Chúa cách trọn hảo nhất.

b) Năm Sự Sáng

Với Năm sự Sáng chúng ta chiêm ngắm những biến cố trong đời công khai của Chúa, từ lúc Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện và chịu phép rửa cho tới khi Người lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc ly.

Ngoại trừ tại tiệc cưới Cana, Đức Mẹ đã không hiện diện trong những biến cố của Năm Sự Sáng. Tuy nhiên, vì “luôn ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19) những sự việc liên qua tới Chúa Giêsu, nên chắc rằng, Đức Mẹ đã thoi dõi cách xa xa, và một khi biết rồi thì Đức Mẹ không bao giờ quên, trái lại luôn gợi lại trong tâm trí để sống hiệp thông với Chúa cách trọn hảo. Vì thế, nếu chúng ta cùng Mẹ lần chuỗi và suy gẫm những mầu nhiệm chứa đựng trong đó, chắc chắn Đức Mẹ sẽ giúp ta có những tâm tình thích hợp và biết đem áp dụng vào cuộc sống.

Với biến cố Chúa chịu phép rửa, chúng ta xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết trân trọng bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, nhờ đó chúng ta đã trở thánh con Thiên Chúa, nên cũng phải cố gắng sống xứng đáng với địa vị cao quí của mình, xa lánh tội lỗi và luôn tỏ ra thảo hiếu với Cha trên trời.

Xác tín về vai trò trung gian các ơn của Đức Mẹ, khi suy gẫm mầu nhiệm thứ hai của Năm Sự Sáng, chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ, tin tưởng khẩn cầu Chúa Giêsu đến trợ giúp mỗi khi gặp bối rối lo âu, không biết phải giải quyết ra sao. Có Đức Mẹ chuyển cầu, chắc chắn Chúa Giêsu sẽ thương tình can thiệp để đem lại bình an cho chúng ta.

Tưởng niệm lại những ngày Chúa rong ruổi trên đường truyền giáo, rao giảng Tin Mừng, kêu gọi mọi người sám hối trở về để được cứu độ, chúng ta hãy tín thác vào lòng thương xót của Chúa, năng chạy đến tòa cáo giải để được giao hoà với Chúa. Đức Mẹ đã đứng dưới chân thánh giá, dâng hiến Con mình để giao hòa nhân loại với Chúa Cha, chắc chắn Đức Mẹ cũng sẽ giúp chúng ta biết thành tâm sám hối, tin tưởng vào lòng từ bi của Chúa để lại được Ngài thứ tha.

Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình trước mặt ba môn đệ yêu dấu, cùng với các ngài chúng ta hãy để ánh quang huy hoàng của Chúa chiếu soi vào con người chúng ta, biến đổi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người. Nhưng để được như vậy, chúng ta phải nghe lời Chúa Cha phán bảo: “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng, hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5).

Ôn lại quang cảnh bữa Tiệc ly, trong đó Chúa đã thực hiện hai việc đáng ghi nhớ, đó là rửa chân cho các môn đệ và thiết lập bí tích Thánh Thể. Cử chỉ yêu thương của Chúa đánh động tâm hồn chúng ta. Để đáp lại, Chúa cũng đòi chúng ta phải theo gương Chúa, khiêm nhường phục vụ anh em và sốt sắng làm lại hy lễ của Chúa để kéo ơn cứu độ xuống cho nhân loại, đồng thời cũng để hiệp thông nên một với Chúa khi rước Mình và Máu Người.

c) Năm Sự Thương

Lần chuỗi và suy gẫm Năm Sự Thương, chúng ta theo sát Chúa trên đường khổ nạn. Đức Mẹ đã theo Chúa vác Thánh giá lên núi Sọ, chia sẻ nỗi đau và tâm tình hiến tế của Người khi đứng dưới chân Thánh giá, sẽ giúp chúng ta hoàn tất những gì còn thiếu cho cuộc khổ nạn của Chúa nơi cộng đoàn Giáo Hội là Thân Thể của Người (x. Cl 1, 24).

Tại vườn Giệtsimani, Chúa cảm thấy hết sức buồn phiền đến nỗi máu đã rướm ra cùng với mồ hôi. Người buồn không chỉ vì tội lỗi của nhân loại quá nhiều và quá nặng, nhưng còn lo lắng vì sự hờ hững của các Tông đồ mê ngủ, không thức được với Người một hai giờ. Đó cũng là sự lãnh đạm của phần đông nhân loại ngày nay trước vấn đề tôn giáo. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta cảm thương với Chúa, thật lòng sám hối ăn năn để rồi sẵn sàng lên đường, vận dụng mọi phương thế dẫn đưa các dân tộc quay trở về với Chúa.

Chúa đã bị bắt và bị giải về dinh tổng trấn Philatô. Nơi đây Chúa bị đánh đòn nhừ tử. Cũng nơi đây, Chúa đã bị quân lính cho đội vòng gai, như triều thiên trên đầu, rồi quì gối cười nhạo. Là người vô tội mà Chúa đã thương chịu những cực hình như thế vì chúng ta. Chớ chi chúng ta cũng biết hy sinh hãm mình, vui lòng lãnh nhận bởi tay Chúa những tủi nhục đau thương trong cuộc sống hằng ngày để đền tội chúng ta và tội chung của cả nhân loại.

Thế rồi, theo dõi Chúa trên những chặng đường khổ giá để cùng chết với Chúa. Chết đây là chết cho tội lỗi, cho những đam mê xấu, chết cho những khuynh hướng trần tục, để sau đó cùng được sống lại với Chúa. Xin Mẹ thông cho chúng ta những tâm tình của Mẹ để chúng ta cũng được nên một với Chúa trong tâm tình dâng hiến tất cả cho Chúa Cha để mưu cầu ơn cứu độ cho muôn người.

Suy niệm những mầu nhiệm Năm Sự Thương, rồi cầu xin Chúa thực hiện những hoa trái của những mầu nhiệm này nơi chúng ta là chúng ta đang học tập sống Lời Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 24-25).

d) Năm Sự Mừng

Trải qua những kinh nghiệm sống, người ta đã đi đến một khẳng định hoàn toàn chính xác này: Kinh Mân Côi là bản tóm của Tin Mừng. Quả thực, khi đọc và suy gẫm những mầu nhiệm của kinh Mân Côi, chúng ta sẽ rảo qua mọi chặng đường đời của Chúa. Không những thế, kinh Mân Côi còn nhắc nhở cho chúng ta những biến cố đã xảy ra, những lời Chúa đã giảng dạy, những việc Người đã làm. Và vì cuộc đời của Chúa được gắn liền với cuộc đời của Đức Mẹ, nên kinh Mân Côi đồng lúc cũng cho chúng ta ôn lại những sự việc, những tâm tình, những cách ứng xử của Đức Mẹ trong những biến cố đó. Vì thế, đọc và suy gẫm kinh Mân Côi chúng ta vừa tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu vừa biểu lộ tâm tình sùng kính đối với Đức Mẹ.

Vì thế, suy gẫm Năm Sự Thương xong, chúng ta sẽ được đưa đến chiêm ngắm Chúa và Đức Mẹ trong vinh quang của Năm Sự Mừng.

Chúa đã chết, nhưng Người cũng đã phục sinh. Việc Người sống lại đã được chứng minh bằng ngôi mộ trống, bằng những lần hiện ra với các Tông đồ và những phép lạ kèm theo. Chắc chắn Chúa đã hiện ra với Đức Mẹ, cũng như Người đã thương hiện ra với mấy người phụ nữ đến viếng mộ. Suy gẫm mầu nhiệm phục sinh của Chúa, chúng ta cảm thấy đầy lòng tin tưởng cũng sẽ được thông phần vào sự phục sinh của Người, không phải chỉ nơi linh hồn, khi chúng ta được tha tội và trả lại sự sống siêu nhiên, nhưng cả nơi thân xác, trong ngày tận thế, như chính Chúa đã khẳng định: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).

Các Tông đồ được chiêm ngắm Chúa sống lại, thì cũng được chứng kiến Người lên trời trước mặt các ông. Lúc sinh thời, Người đã rõ ràng nói với các ông: “Thầy đi dọn chỗ cho các

con … để Thầy ở đâu, các các con cũng ở đó” (Ga 14, 2.4). Chúa lên trời dọn chỗ cho chúng ta, vì thế quê hương của chúng ta không phải ở thế gian này, nhưng là ở trên trời. Cuộc sống nơi trần thế chỉ là một cuộc lữ hành. Đừng bám víu vào những sự vật ở giữa đường, kẻo không bao giờ tới quê. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta đem lòng trí lên ước ao những sự trên trời.

Chúa về trời nhưng Người vẫn tiếp tục chăm sóc chúng ta đang còn tại thế. Hoàn tất công việc Chúa Cha trao phó, Người đã được Chúa Cha đã đưa về trời để thương công cho Người. Vì thế việc Người về trời không có hại mà có lợi cho chúng ta, như Người đã nói: “Thầy ra đi thì có lợi cho các con. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với các con. Nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ phái Đấng ấy đến với các con… Khi Ngài đến, Ngài sẽ dẫn các con tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 7.13). Vì thế, biến cố Ngũ Tuần hay ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống được coi như là ngày khai trương của Giáo Hội. Được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã lên đường và tiếng của các ngài đã vang cùng khắp trái đất. Xin Đức Mẹ cũng dọn lòng chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần, để cả chúng ta cũng được biết chân lý toàn vẹn và phấn khởi lên đường ra đi đốt nóng thế gian bằng ngọn lửa yêu mến Chúa.

Chúa Giêsu sống lại, lên trời và đã phái Chúa Thánh Thần xuống hướng dẫn Giáo Hội. Hoàn tất công trình cứu chuộc nơi bản thân, Người tiếp tục đem công ơn cứu chuộc đến cho mọi người. Người đầu tiên trong nhân loại được hưởng ơn cứu chuộc cách toàn vẹn là Đức Maria. Chúa đã đưa Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Đức Mẹ có chết hay không, điều đó chưa được xác định. Nhưng việc Người được đưa lên trời cả hồn lẫn xác là một tín điều buộc phải tin. Về trời, Đức Mẹ được phong làm Nữ Vương, làm Đấng Trung Gian các ơn bên cạnh Chúa Kitô. Vì thế, khi chiêm ngắm Đức Mẹ trong vinh quang thiên quốc, chúng ta tin tưởng khẩn cầu, đề nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ, chúng ta cũng biết sống xứng đáng người con của Chúa ở đời này để rồi cũng được thưởng công với Đức Mẹ trên trời.

Anh chị em thân mến,

Đọc và suy gẫm Kinh Mân Côi để rồi sống những mầu nhiệm chúng ta chiêm ngắm quả là sống và thực hành Lời Chúa cách đúng nghĩa. Vì Chúa Giêsu chính là Lời bản thể, là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Hoạ lại những tâm tình, những cách sống của Nguời là thực hành những điều Người dạy cách trọn vẹn nhất. Chớ chi bắt đầu từ tháng này, chúng ta biết chăm chỉ đọc kinh Mân Côi và suy gẫm những mầu nhiệm ẩn tàng trong đó cách sốt sắng hơn, để được hưởng nhiều ơn ích hơn củaviệc đạo đức bình dân rất phổ biến, rất dễ thực hiện và cũng rất hữu ích này.

Xin Đức Mẹ Mân Côi ban phúc lành cho toàn thể anh

chị em.

Thân ái chào anh chị em,

+ Phêrô Trần Đình Tứ

Giám Mục Giáo Phận Phú Cường