Con Đường Trước Mặt của Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo



Ngày 25.9.2006, tại Điện Castel Gandolfo, ĐGH Bênêdictô XVI đã tiếp kiến đông đảo đại sứ các nước có đa số dân theo Hồi Giáo và đại diện các cộng đoàn Hồi Giáo ở nước Ý, và đặc biệt ở Roma. Hiện diện trong buổi tiếp kiến có ĐHY Paul Poupard, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn, và một số viên chức của Hội Đồng.

Trong bài diễn văn bằng tiếng Pháp, ĐGH một lần nữa bày tỏ lòng quí mến và tôn trọng các tín hữu Hồi Giáo cũng như quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo trong nỗ lực đối thoại liên tôn và liên văn hóa với tín hữu các tôn giáo, đặc biệt là Hồi Giáo. Ngài nhấn mạnh sự đối thoại liên tôn và liên văn hóa là vấn đề sinh tử đối với tương lai của thế giới và nhân loại. Ngài nói:

“Cho dù trong lịch sử, có nhiều sự bất đồng và đố kỵ nảy sinh giữa các tín hữu Kitô Giáo và Hồi Giáo, Thánh Công Đồng Vaticanô khuyên nhủ tất cả mọi người quên quá khứ và chân thành thực thi sự cảm thông hiểu biết lẫn nhau, cũng như cùng nhau bảo vệ và thăng tiến công bằng xã hội, các thiện ích luân lý, hòa bình và tự do cho tất cả mọi người.”

Ngài nói tiếp: “Tiếp tục công trình mà vị tiền nhiệm của tôi, ĐGH Gioan Phaolô II đã thực hiện, tôi nồng nhiệt mong ước rằng các quan hệ tín nhiệm giữa các tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo từ nhiều năm nay, không những được tiếp tục, mà còn cần được phát triển trong tinh thần đối thoại chân thành và tôn trọng, dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng chân thực, vui mừng nhận biết các giá trị tôn giáo mà chúng ta cùng có chung với nhau, và thành thực tôn trọng những khác biệt. Cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hóa là điều cần thiết để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình và huynh đệ, đang được mọi người thiện chí mong ước... Trung thành với các giáo huấn của các truyền thống tôn giáo của mình, các tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo phải học cách cùng nhau hoạt động, như đã xảy ra trong nhiều kinh nghiệm chung, để tránh tất cả mọi hình thức bất bao dung, và chống lại mọi sự biểu lộ bạo lực; và chúng ta, các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, phải hướng dẫn và khuyến khích dân chúng trong chiều hướng đó...

Sau bài diễn văn dài độ 30 phút, ĐGH đã gặp gỡ, bắt tay và trao đổi ít lời với từng vị. Một số đại sứ cho biết rất hài lòng về cuộc gặp gỡ hôm nay. Ông Albert Yelda, Đại sứ Iraq tuyên bố: “Đây chính là thời điểm để bắt những chiếc cầu giữa các niềm tin. Và tôi nghĩ đây cũng là thời điểm hãy bỏ lại đằng sau những gì đã xẩy ra vừa qua. Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh lòng kính trọng sâu xa đối với tất cả các người Hồi Giáo trên thế giới. Đó là điều mà chúng tôi mong chờ, đó là điều mà chúng tôi đã có.”

Ông Mohamed Nour Dachan, Chủ Tịch các hiệp hội người Hồi giáo tại Italia, nhận định rằng “sứ điệp của Đức Giáo Hoàng “đã quá rõ ràng như pha-lê.” Ông cho biết đối với nhóm của ông, vụ việc xẩy ra về lời ĐGH ở Đức kể như đã đóng lại sau cuộc gặp mặt này và bây giờ “cuộc đối thoại quả thật là một ưu tiên cho người Hồi giáo cũng như người Kitô giáo.”

Ông Kouamé Benjamin Konan, đại sứ của Côte d’Ivoire tin tưởng rằng cuộc gặp gỡ này “dứt khoát” sẽ chấm dứt những cáo buộc là Đức Thánh Cha có tâm tình thù nghịch Hồi Giáo. Nói chuyện trên hệ thống truyền hình I Media, ông Ahmad Fahima, Đại sứ Iran cho biết ông rất vui khi thấy Đức Thánh Cha nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của chiều kích tôn giáo trong cuộc sống công cộng. Ông bày tỏ lạc quan và hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này sẽ là dấu chấm hết cho các cuộc biểu tình chống Đức Thánh Cha trong thế giới Hồi Giáo.

Ông Reuel Marc Gerecht, trong bài bình luận “Sự Khác Biệt về Tư Tưởng của ĐGH”, ngày 21/9/2006, trên nhật báo The Wall Street Journal, đã nhận định: “Từ sau ngày 11/9, bài diễn văn của ngài là một trong số rất ít của một nhân vật quan trọng của Tây Phương nhấn mạnh đến những vấn nạn trầm kha về tâm linh và văn hóa đang đè nặng trên thế giới Hồi Giáo. Hãy nghĩ đến nỗi kinh hoàng mà chúng ta chứng kiến trong những năm qua: khủng bố tự sát tại Âu Châu, Á Châu và Trung Đông, nhứt là sự chém giết theo kiểu thánh chiến tại Iraq, trong đó người Hồi Giáo cố chấp thuộc hệ phái Sunni tàn sát dã man phụ nữ và trẻ em Hồi Giáo Shiite. Rồi hãy nghĩ đến những cuộc thảo luận nhạt nhẽo, không phải lúc nào cũng có tính cách lên án, do những sự tàn bạo này gợi lên trong số những tín hữu Hồi Giáo nhiệt thành, nhứt là thành phần chính thống. Đáng l‎‎ý chúng ta đã nhìn thấy càng nhiều người Tây Phương và Hồi Giáo nêu lên những vấn nạn nhức nhối về tình trạng hạnh phúc của văn hóa và niềm tin Hồi Giáo… Chúng ta hãy thẳng thắn công nhận rằng: Tuyệt đối không có điều gì trong bài diễn văn của vị giáo hoàng này mà không thích hợp hoặc không đi thẳng vào một cuộc thảo luận đứng đắn của các tôn giáo và luân thường đạo l‎ý. Cho dù có người không tin vào bất kỳ tôn giáo nào đã được mặc khải, hay là còn bị ám ảnh bởi một sự xung đột nào đó, một sự tàn ác xảy ra hằng ngày và lệnh ép buộc theo đạo bằng bạo lực do các đại diện của các giám mục Roma đưa ra, hoặc có thái độ hoài nghi về sự Giáo Hội quyết tâm bảo vệ những tư tưởng giải phóng của Thời Đại Khai Sáng (Thế Kỷ 18), ta có thể nói rằng mình mang ơn ĐGH vì ngài nhìn thấy Kitô Giáo là một phương tiện truyền bá hòa bình và cố gắng giải thích tại sao ngài nghĩ như thế. Và giải thích thêm tại sao Hồi Giáo là niềm tin được thường xuyên truyền bá một cách ồn ào do những kẻ định nghĩa sự liên hệ của họ với Thiên Chúa qua bạo lực. Lời giải thích của Joseph Ratzinger, thích hợp với một cựu giáo sư thần học và triết học, là một giải thích trừu tượng, nhưng trong ‎ý nghĩa bao quát nhứt, thì đó là sự thật không thể chối cãi được.”

Với những biến cố xảy ra gần đây và những nhận định từ nhiều phía khác nhau nói trên, thế giới sẽ càng ngày càng hiều rõ hơn đường lối của Giáo Hội Công Giáo trong việc đối phó với những vấn nạn nhức nhối trên thế giới ngày nay.