WASHINGTON D.C.- Toàn thể Hạ Viện Hoa Kỳ, với 100% phiếu thuận, đồng loạt bỏ phiếu kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền tư hữu tài sản của dân chúng, hoàn trả tài sản đã cưỡng đoạt của người dân miền Nam sau năm 1975, và thiết lập một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương các chính sách trao trả tài sản cho sở hữu chủ hợp pháp trước đây, theo tin từ văn phòng dân biểu liên bang Loretta Sanchez cho báo Người Việt biết.

Tại cuộc họp ngày 19 tháng Chín, Hạ Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu đồng nhất thông qua nghị quyết HR 415, do hai dân biểu Dân Chủ và Cộng Hòa đồng đệ trình, với sự đồng bảo trợ của 26 dân biểu khác.

Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh VNCR, Dân Biểu Sanchez, tác giả nghị quyết này,cho biết: “HR 415 là một thử thách đối với chính quyền Việt Nam trên con đường gia nhập WTO và để được ban quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR.”

Bản dự thảo nghị quyết HR 415, do haiDân Biểu Sanchez và Dân Biểu Dan Burton (đảng Cộng Hòa, đại diện Indiana)đệ trình lên Hạ Viện vào ngày 28 Tháng Bảy, 2005, có tiêu đề “Thể hiện quan điểm của Hạ Viện Hoa Kỳ về những công việc mà chính quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cần làm để giải quyết các tranh chấp tài sản riêng và tài sản đã bị cưỡng đoạt.”

Dân Biểu Sanchez cho biết thêm rằng bà “rất hạnh phúc với kết quả bỏ phiếu tại Hạ Viên hôm nay, vì toàn thể Hạ Viện đã đồng thuận ủng hộ nghị quyết này.” Dân Biểu Sanchez cũng không quên bày tỏ sự cảm ơn đến một đồng viện của mình, Dân Biểu Dan Burton, người đã từng đưa ra một nghị quyết tương tự đối với Cuba và tài sản của người Cuba lưu vong. Chính Dân Biểu Burton là người đã hướng dẫn, ủng hộ, và là đồng tác giả của HR 415.

Bản dự thảo nghị quyết nêu rõ sự mâu thuẫn giữa hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đối với các chính sách được thực hiện trên thực tế tại Việt Nam. HR 415 nêu rõ rằng, trong khi điều khoản 23 của Hiến Pháp Việt Nam ghi rằng “tài sản hợp pháp của cá nhân và tổ chức sẽ không bị quốc hữu hóa,” những hành xử trên thực tế tại địa phương hoàn toàn trái ngược. Cụ thể, “trong khi thành lập nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam như một quốc gia đảng trị, sự cưỡng đoạt tài sản riêng của công dân Việt Nam xảy ra liên tục.”

Bên cạnh đó, một điều khoản của HR 415 nêu rõ rằng “chính quyền Việt Nam vẫn sử dụng phương cách cưỡng đoạt đất đai để đàn áp các sắc tộc thiểu số, chẳng hạn sắc tộc Thượng tại vùng cao nguyên Trung phần.”

HR 415 cũng trích dẫn quan điểm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, rằng “Việt Nam còn cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ quyền sở hữu tài sản” và “người dân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục, một cách mạnh mẽ, hỗ trợ tự do, dân chủ và nhân quyền cho công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Bản nghị quyết kêu gọi chính quyền Việt Nam cần mở rộng quyền sở hữu đất đai đến toàn thể dân chúng Việt Nam, và không nên giới hạn quyền này đến một thiểu số dân chúng nằm trong hệ thống đảng Cộng Sản.

Bên cạnh việc thừa nhận quyền tư hữu, được chính quyền trung ương thừa nhận, nghị quyết HR 415 kêu gọi một tiến trình pháp lý thực tế hơn và cụ thể hơn nữa. HR 415 nêu rằng “Hạ Viện Hoa Kỳ cổ võ những chính sách bảo vệ quyền tư hữu đất đai mà chính quyền Việt Nam gần đây ban cho một thành phần dân chúng, Hạ Viện hy vọng rằng những quyền này sẽ được mở rộng cho toàn thể người dân Việt Nam.” Bên cạnh đó, chính quyền trung ương Việt Nam cần thừa nhận toàn bộ trách nhiệm đối với việc bảo đảm một sự hoàn trả công bằng, chính xác đối với các tài sản đã bị chính quyền cưỡng đoạt trước đây. Bản nghị quyết kêu gọi “Chính quyền Việt Nam hướng dẫn các cơ quan hành pháp địa phương, đặc biệt khu vực cao nguyên Trung phần, điều tra chi tiết, công bằng và giải quyết các mâu thuẫn trong các tranh tụng về đất đai bị cưỡng đoạt.”

Liên quan đến vấn đề quyền tư hữu đất đai, một bài báo đăng trên Người Việt trước đây đã dẫn lời Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết một nghị quyết do cựu Thủ Tướng Phan Văn Khải ký hồi còn đương chức nêu rõ địa phương “tạm dừng xem xét giải quyết đối với khiếu nại đòi lại nhà đất do nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất...”

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với đài BBC, ông Bùi Kiến Thành, một kinh tế gia gốc Việt đang làm việc tại Việt Nam, đã chỉ trích nghị quyết “1037” do Quốc Hội Việt Nam ký ban hành ngày 27 Tháng Bảy, 2006. Phát biểu với BBC, ông Thành nói rằng nghị quyết 1037 là sự “vận dụng thuật ngữ để xác lập quyền sở hữu nhà cho cán bộ đang chiếm hữu nhà của bà con Việt kiều bị nhà nước tiếp quản” và rằng “chủ đích tối hậu của 1037 là tạo cơ sở pháp lý để hợp thức hóa quyền sở hữu của những người ‘quản lý’ được nhà nước phân cho sử dụng tài sản của bà con xa xứ, xác lập quyền sở hữu nhà cho cán bộ được nhà nước phân cho nhà ‘vắng chủ,’ chứ không phải là tạo điều kiện cho ‘Việt kiều được lấy lại nhà’ như thuật ngữ hành văn có thể làm cho người đọc nhầm tưởng.”

Về vấn đề khi nào HR 415 sẽ được đưa vào chương trình nghị luận của Thượng Viện Hoa Kỳ, Dân Biểu Sanchez cho biết bà chưa thể tiên đoán được thời điểm chính xác vì “bây giờ đang là mùa tranh cử, các thượng nghị sĩ cực kỳ bận rộn với công việc tranh cử và những ‘project’ liên quan trực tiếp đến các vấn đề tiền bạc của cử tri.” Có lẽ, phải đến sau khi tranh cử vào Tháng Mười Một, một thời điểm khả thi cho HR 415 sẽ được xác định trên Thượng Viện.

(Người Việt)