Đức Kitô, Ngài là ai?
Có lẽ danh từ Kitô đã trở nên quá quen thuộc, cho nên nhiều người tín hữu đã quên mất đi ý nghĩa của danh xưng này. Kitô là chữ Việt Nam hay Kristós trong tiếng cổ Hy Lạp, hay Mýh, Mêsia, trong tiếng cổ Do Thái có nghĩa là Đấng [được] Xức Dầu. Vua Saolê và vua Đavít, hai vị vua đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu độ cũng có thể được gọi là kitô và mêsia, bởi họ đã từng được Thiên Chúa xức dầu qua bàn tay của ngôn sứ Samuel (1Samuel 9:26-27; 10:1; 16:12-13). Cho nên, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô hay Đấng Mêsia, chúng ta đang muốn nói tôi tin rằng Đức Giêsu chính là Vua [được] Xức Dầu. Bàn về danh từ thần học Kitô, câu hỏi được đặt ra trong bài tiểu luận này là, Đức Kitô, Ngài là ai?Do Thái vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên nằm dưới ách thống trị của đế quốc La Mã. Sống trong tình trạng nô lệ, bị kìm kẹp bởi người ngoại bang, dân Do Thái cầu nguyện và chờ đợi Giavê Thiên Chúa sẽ ra tay can thiệp, gửi tới một Đấng Thiên Sai, hay là Đấng Kitô, hay là Đấng Mêsia. Đấng Thiên Sai này sẽ lãnh đạo dân chúng đánh đuổi người La Mã ra khỏi đất của sữa và mật ong—tương tự như trong thời Cựu Ước, Giavê Thiên Chúa đã từng xức dầu phong vương cho Vua Saolê và Vua Đavít, hai vị vua này đã đánh đuổi người Philistine ra khỏi đất hứa. Sau đó cả hai đã thống nhất và xây dựng nước Do Thái, biến vùng Đất Hứa trở thành một cường quốc trong vùng Trung Đông vào thế kỷ thứ 10 và thứ 9 trước Công Nguyên.
Vào một ngày kia, trong vùng đất của dân ngoại, kế cận thành Cêsarê Phêlípphê, nằm phía đông bắc của Galilê, Đức Giêsu hỏi các môn đệ một câu hỏi bất ngờ,
— Người ta nói Thầy là ai?
Các môn đệ tranh nhau nhắc lại tên của những vị ngôn sứ trong thời Cựu Ước,
— Người ta nói Thầy là Êlia.
— Có người nói Thầy là tiên tri Giêrêmia,
— Có người nói Thầy là Gioan Tẩy Giả.
Sau khi lắng nghe các môn đệ tranh nhau tường thuật lại những điều người dân đương thời đồn đại về căn tính của mình, Đức Giêsu một lần nữa lại cất tiếng hỏi,
— Vậy [riêng các con], các con nghĩ Thầy là ai?
Phêrô khẳng khái trả lời,
— Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16:13-20).
Qua câu nói này, Phêrô tuyên xưng hai điều,
(1). Ông tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng Xức Dầu bởi Thiên Chúa, và nhiệm vụ của Ngài là lãnh đạo dân Do Thái, đánh đuổi người La Mã, giải cứu dân chúng thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang;
(2). Điều này khá mới lạ, Phêrô tin rằng Đức Giêsu chính là Con của Thiên Chúa.
Không giống như các dân tộc lân bang thờ phượng đa thần, người Do Thái chỉ thờ phượng một Giavê Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, “Hỡi Israel, Giavê là Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa duy nhất” (Đệ Nhị Luật 6:4). Nhưng từ cửa miệng của Phêrô, một tư tưởng thần học mới đã hé nụ, đó là, Đức Giêsu Kitô chính là Con Thiên Chúa.
Phêrô là một trong những Kitô hữu đầu tiên, theo như thánh Matthêu, đã tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là, Giavê Thiên Chúa có ba bản thể (essence): Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Linh. Tín điều này loài người không bao giờ hiểu được, nên được gọi là một Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Cho nên, sau lời tuyên xưng của Phêrô, Đức Giêsu đã cất tiếng khen ngợi người thủ lãnh của nhóm Mười Hai là ông đã được Thiên Chúa chúc lành, bởi chính Thiên Chúa đã mạc khải cho Phêrô biết mầu nhiệm của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Sau đó, Đức Giêsu đổi tên Simon sang Phêrô, Kêphas, nghĩa là đá. Bắt đầu từ giây phút đó, Phêrô trở thành nền đá vững chắc trường tồn của Giáo Hội Kitô. Sau cùng, người ngư phủ Biển Hồ cũng được trao ban chìa khóa Nước Trời. Điều gì Phêrô cầm buộc, trên trời cũng sẽ cầm buộc. Điều gì Phêrô tháo cởi, trên trời cũng sẽ tháo cởi (Matt 16:19).
Một vị tu sĩ kể lại, ngày kia trong khi đang dạo chơi trên những con đường tấp nập người của kinh thành Nữu Ước, ông gặp lại một người bạn cố tri từ hồi bên Việt Nam. Sau một vài câu chuyện hàn huyên tâm sự, người bạn nhìn vị tu sĩ e dè hỏi,
— Ông vẫn tin vào Thượng Đế?
Vị tu sĩ đáp,
— Vâng, tôi vẫn tin vào Thiên Chúa.
Tới phiên vị tu sĩ, ông hỏi lại người bạn,
— Còn ông thì sao, ông tin vào ai?
Người bạn móc ví, lôi ra tờ giấy 20$ đô la xanh lè, cười đáp,
— Tôi, tôi tin vào tấm hình này.
Bạn thân,
Ngày xưa, Đức Giêsu đã hỏi các người thân của mình, “Các con nghĩ Thầy là ai?”. Câu hỏi đó, ngày hôm nay, Chúa không hỏi các môn đệ của Ngài nữa, nhưng Ngài đang hỏi chúng ta,
— Con nghĩ Thầy là ai?
Sống trong một xã hội, tiền bạc là trên hết, có tiền mới có nhà, có bồ, có xe hơi BMW, Mercedez, có, gần như rất nhiều, chúng ta rất dễ dàng quên đi sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi thế, trước câu hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?”, có thể bạn và tôi bắt đầu gãi đầu, xoa trán, lúng túng tìm kiếm câu trả lời,
— Hình như… Hình như Thầy không còn là nơi con ẩn náu! Hình như Thầy không còn phải là Đấng con kiếm tìm. Hình như Thầy không phải là Thiên Chúa của con nữa, nhưng là tiền, như người bạn của vị tu sĩ trong câu chuyện đã từng khẳng định. Ngày hôm nay, trong một cuộc sống ngập tràn những tiện nghi vật chất, Laptop mỏng dính, iPod nhẹ tênh, hình như con không còn cảm thấy nhu cầu cần phải có sự hiện hữu của Thầy trong đời sống nữa. Trong một cuộc sống siêu hành tinh, siêu liên mạng, siêu điện tử, và siêu xa lộ, Thầy, Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã được con hạ bệ.
Lạy Chúa, một lần nữa, con lại xin lỗi Chúa bởi con đang lúng túng với chính con khi Chúa đang hỏi con, “Con nghĩ Thầy là ai?” Lạy Chúa, xin ban lại cho con một quả tim trong sạch. Lạy Chúa, xin ban lại cho con một niềm tin quyết liệt để con không còn phải lúng túng với niềm tin, với chính con trong ngày hôm nay, ngày mai và vào ngày cuối đời khi con đang đứng trước mặt Chúa.
www.nguyentrungtay.com