TINH THẦN TRUYỀN GIÁO CỦA TÍN HỮU CÔNG GIÁO NAM HÀN

Theo thống kê chính thức của Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn vào cuối năm 2001 thì con số tín hữu Công Giáo là 4.288.488 trong tổng số hơn 48 triệu dân Nam Triều Tiên, tức chiếm 8,8%. Đây là con số kỷ lục. Bởi lẽ, chỉ trong vòng 30 năm, số tín hữu tăng gấp đôi. Được như vậy là nhờ sức sinh động và tinh thần truyền giáo của toàn thể Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn. Chẳng hạn, thời gian trước lễ tôn phong hiển thánh 113 vị Tử Đạo Đại Hàn ngày 6-5-1984, Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn tung ra chiến dịch:

- Mỗi tín hữu Công Giáo đưa một người ngoài gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Sau đây là chứng từ của Linh Mục Phaolo Lee Pombae, Cha sở giáo xứ Sinbangdong thuộc Tổng Giáo Phận Séoul, thủ đô Nam Triều Tiên.

Tại Nam Hàn, Giáo Hội Công Giáo hiện diện bên cạnh các Giáo Hội Kitô và tôn giáo khác. Thế nhưng, trong khi tín hữu Tin Lành giảm sút thì tín hữu Công Giáo lại tăng nhanh kể từ thập niên 1970.

Lý do chính - vào thời điểm ấy - Hiệp Hội Công Lý và Dấn Thân của Linh Mục các Giáo Phận toàn quốc Nam Hàn nắm giữ vai trò chủ chốt trong việc phá đổ cơ chế độc tài và bất công xã hội. Mỗi lần có cuộc biểu dương nào của Hiệp Hội đều có sự tham gia đông đảo của giới trí thức, sinh viên, thợ thuyền và nông dân. Sau mỗi lần như thế lại có rất nhiều người xin theo Đạo Công Giáo.

Thêm vào đó, mỗi giáo phận Nam Hàn tổ chức kỹ lưỡng các dịch vụ xã hội để trợ giúp người nghèo, bậc cao niên, phụ nữ và các trẻ em bị bỏ rơi hoặc kém may mắn. Hoạt động bác ái của Giáo Hội Công Giáo thu hút cảm tình và lòng tin tưởng của dân chúng. Đối lại, các tổ chức công cộng của chính quyền thường bị tố cáo gian lận và tham nhũng. Như thế, Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn sớm giữ vai trò chính yếu trong các công tác xã hội.

Tôi hỏi các người dự tòng lý do nào thôi thúc họ xin học giáo lý chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong Giáo Hội Công Giáo thì đa số trả lời:

- Một người thân hoặc một người bạn là tín hữu Công Giáo mời họ ghi tên theo học các lớp giáo lý.

Nhìn chung, sở dĩ người ngoài Công Giáo quyết định xin học giáo lý Đạo Công Giáo là vì Đức Tin và cuộc sống chân thật của các tín hữu Công Giáo trong đời sống thường nhật. Chính nhờ tiếp xúc với các tín hữu Công Giáo trong môi trường xã hội mà người không Công Giáo ngưỡng mộ cung cách sống đạo giữa đời của các tín hữu Công Giáo. Họ tìm hiểu thêm về Giáo Hội Công Giáo. Ngoài ra, chương trình truyền hình của chính phủ thường giới thiệu cách đầy thiện cảm gương mặt của các Linh Mục Công Giáo hoặc các sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực từ thiện bác ái.

Cũng cần nhấn mạnh đến các cuộc viếng thăm người đau ốm, gia đình tang chế của các tín hữu Công Giáo trong cùng khu phố thường gây cảm tình nơi các gia đình không Công Giáo. Rồi các buổi đọc kinh chung, cầu nguyện chung nơi các gia đình Công Giáo gặp khó khăn cũng khiến người ngoài Công Giáo thắc mắc. Họ muốn tìm hiểu lý do bởi đâu có các thứ tình liên đới này? Sau cùng, mối liên hệ thân hữu giữa một người không Công Giáo với một tín hữu Công Giáo cũng đóng vai trò không kém quan trọng trong việc thúc đẩy một người ngoài Công Giáo tìm đến với Giáo Hội Công Giáo.

Giáo Hội Công Giáo Nam Triều Tiên trình bày một bộ mặt thật khả ái và tích cực trong môi trường xã hội Đại Hàn vốn in đậm dấu vết của Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Mối quan hệ đại kết của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo bạn cũng thật trang trọng và tốt đẹp. Truyền thống và các buổi cử hành Phụng Vụ Công Giáo mang đầy nét thánh thiêng và đạo đức. Đây cũng còn là một lý do khác lôi cuốn sự chú ý của người muốn tìm hiểu về cuộc sống của Giáo Hội Công Giáo.

Nét lôi cuốn của Giáo Hội Công Giáo tại Nam Triều Tiên khiến tôi liên tưởng đến sức thu hút lạ thường của Đức Chúa GIÊSU đối với đám đông dân chúng Do Thái. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Marcô nhấn mạnh:

- Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giordan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđon, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. . (3,7-9).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.391, Septembre-Octobre/2004, trang 233-236).(Radio Vatican)