CHÚA GIÊSU PHỤC SINH



Chôn cất Chúa xong, thế là hết ! Không một ai nghĩ rằng Chúa sẽ sống lại. Các chức sắc Do-thái sợ các môn đệ của Chúa đến trộm xác, họ đến xin Philatô cho lính canh mồ. Các Tông đồ thì sợ chức quyền Do-thái truy nã, bắt giam, nên các ngài ẩn kín trong nhà. Lễ Vượt Qua Do-thái năm ấy mang sắc thái nghịch thường : dân chúng Do-thái vui mừng ăn mừng lễ, các Thượng tế, Kỳ lão, Luật sĩ hả hê vì gặt thắng lợi lớn, còn các môn đệ Chúa Giêsu buồn rầu chán nản, chỉ cầu mong hết ngày Hưu lễ, trở về quê quán cho yên thân. Các bà Maria Mađalêna, bà Salomê, Bà Giona, thì phản ứng như nữ giới đã quen : than khóc, sụt sùi một lúc, rồi nghĩ ngay tới công việc mình phải làm : chuẩn bị thuốc thơm để sáng ngày thứ nhất ra mồ, Đàn bà ai mà bắt bớ, sợ gì !

Nhưng lúc ra mồ, các bà không còn dịp xức thuốc cho Chúa nữa, các bà chỉ thấy mồ trống : VÌ CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI.

Bốn Phúc âm thuật lại biến cố mồ trống theo mỗi cách khác nhau :

- SỐ CÁC BÀ ĐẾN MỘ

Thánh Gioan chỉ đề cập đến Maria Mađalêna; thánh Mathêu kể thêm bà Maria, thánh Marcô kể thêm bà thứ ba : Salômê; thánh Luca kể rõ có bà Maria Mađalêna, Maria mẹ ông Giacôbê, Giona và các bà khác.

- THỜI GIAN VIẾNG MỒ

Thánh Luca nói “sáng sớm ngày thứ nhất”; thánh Gioan nói “đến mồ lúc sáng sớm, trời vẫn còn tối”; thánh Marcô “Sáng sớm tinh sương, ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trờ hé mọc”; thánh Mathêu nói về thời gian ấy, bản La tinh dịch là “chiều ngày thứ bảy” (vespere autem sabbati).

- CÁC BÀ THẤY GÌ

Thánh Marcô nói “các bà thấy một thanh niên ngồi bên phải, mình mặc áo trắng”; thánh Luca : “Có hai người bỗng hiện ra cùng các bà, áo trắng sáng như chớp”; thánh Gioan : “Thấy hai thiên thần, y phục trắng xóa, ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một người phía đầu, một người phía chân”; thánh Mathêu : “Thiên thần Chúa từ trời xuống, tiến lại lăn viên đá ra, rồi ngồi ở trên đó”.

Những việc liên quan tới sự kiện Chúa sống lại, Phúc âm đã viết ra khác nhau. Trước tiên, nói về bản dịch La tinh “chiều thứ bảy”. Tiếng “chiều” (vespere) trong bản La tinh dịch từ tiếng “opsé” trong nguyên bản Hy-lạp. Trong ngôn ngữ Hy-lạp, tiếng “opsé” có ba nghĩa : buổi chiều (vespere), đã muộn (sero) và sau (post). Đọc cả câu “Vespere autem sabbati, quae lucescit in prima sabbati”, ta phải hiểu “opsé” là “sau” (sau ngày thứ bảy, chứ không phải là chiều ngày thứ bảy).

Nhìn vào “phái đoàn” các bà đi viếng mồ, ta không thể biết rõ con số chính xác bao nhiêu, nhưng chắc chắn ngoài các bà “trưởng đoàn” Maria Mađalêna, Maria mẹ ông Giacôbê, bà Salômê, bà Giona, còn một số bà khác, thế mà thánh Gioan chỉ nói tới một mình bà Maria Mađalêna “đi viếng mồ lúc sáng sớm trời vẫn còn tối, và bà thấy viên đá đã cất khỏi mồ; bà chạy đi gặp Simon Phêrô và người môn đệ được Chúa Giêsu yêu dấu” (Gioan 20, 1-2) hẳn thánh Gioan có một dụng ý gì đây, muốn truyền một sứ điệp gì đây ?

Số các thiên thần và vị trí đứng ngồi của các ngài, các Phúc âm cũng mô tả khác nhau, phải chăng Phúc âm muốn truyền cho ta một “mầu nhiệm gì” hơn là mô tả một sự kiện ?

Chúng ta biết bốn sách Phúc âm viết lịch sử Chúa Giêsu chỉ là những bản tóm tắt lời nói, việc làm và đời sống trần gian của Ngài hướng về nhóm độc giả khác nhau để phục vụ sứ mệnh rao giảng. Có lẽ “Bài giảng Tám Mối Phúc thật”, Chúa giảng thành nhiều bài và ở nhiều nơi, thánh Mathêu tóm lại cho độc giả dễ nhớ, dễ học thuộc. Tường thuật “chữa người bất toại”, thánh Marcô tả “họ rỡ mái chỗ có Ngài, khoét một lỗ”, (Mc 2,4), còn thánh Luca viết “họ trèo lên sân thượng, và ngang qua mái ngói, họ chuyền người và cả chõng xuống” (Lc 5,19); thánh Marcô đã mô tả đúng lối kiến trúc nhà cửa người Do-thái (qua cầu thang bên ngoài, người ta đưa lên mái sân thượng, khoét một lỗ hổng bằng cách hất các thanh que, rơm rạ đất trét), thánh Luca lấy lại các yếu tố của thánh Marcô nhưng đã thích nghi với lối kiến trúc Hy-lạp bằng cách thay thế sân thượng trét đất trộn rơm bằng một mái ngói. Như vậy, một sự kiện có thực trong lịch sử Chúa Giêsu, qua ngòi bút các Tông đồ có thể được các Ngài gọt dũa, biến đổi một phần nếu cần để phục vụ sứ mệnh rao giảng, làm như thế không có nghĩa là bóp méo, xuyên tạc lịch sử, trái lại đó là cách thế linh động do Chúa Thánh Thần hướng dẫn khiến các Ngài truyền sứ điệp cứu rỗi đến độc giả của mình một cách thành công.

Trở lại các bài Phúc âm mô tả sự kiện Chúa phục sinh, thì việc mồ trống, các bà tới thăm mồ vào sáng ngày thứ nhất, Chúa hiện ra cho các môn đệ, cho hai môn đệ đi về làng Emmau là những sự kiện có thật. Còn hai hoặc một thiên thần hiện ra báo tin cho các bà biết Chúa sống lại và dặn các bà đi báo lại cho các Tông đồ, một số nhà chú giải nghĩ rằng “là cách diễn tả văn chương” nhấn mạnh tới việc biết Chúa sống lại là do Thiên Chúa mạc khải, chứ trí tuệ con người không thể biết được. Việc thánh Gioan dành cho một mình Bà Maria Mađalêna, người được thánh nhân ghi rõ tên tuổi đứng bên Thánh giá, buồn khổ nhìn Chúa bị treo “cũng sẽ hết sức vui mừng khi biết Chúa sống lại”, thánh nhân đã cho bà đóng vai “Hội Thánh” hết sức vui mừng gặp Chúa sống lại và được Ngài ủy thác loan Tin Mừng Chúa sống lại cho người khác.

Có lẽ bốn bài tường thuật của bốn Phúc âm về Chúa sống lại, không có giọng hùng hồn bằng các lời sau đây của thánh Phaolô :

“Quả vậy, mọi sự tôi đã truyền cho anh em, điều mà chính tôi nhận lấy : là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh, Ngài đã bị chôn cất, Ngài đã sống lại ngày thứ ba theo lời Kinh Thánh, và Ngài đã hiện ra cho Kêpha, rồi cho nhóm Mười Hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm người một lần, trong số đó phần đông vẫn còn sống, nhưng cũng có người đã qua đời; rồi Ngài hiện ra cho Giacôbê, rồi cho các Tông đồ hết thảy” (1 Corintô 15, 5-7).

Trưng bằng chứng Chúa hiện ra cho các Tông đồ đã đành, còn hiện ra cho một số đông “trên năm trăm người” phần đông hiện còn sống lúc Ngài viết bức thư, nếu thánh nhân “nói dối” thì niềm tin Chúa sống lại bị sụp đổ ngay, kéo theo sự tan rã của các giáo đoàn.

Thánh nhân còn nhấn mạnh những câu liên quan tới sự nghiệp của Ngài : “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi thành hư không, và niềm tin của anh em cũng thành ảo tưởng. Và chúng tôi hóa thành chứng gian cho Thiên Chúa vì đã dám chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Ngài đã cho Đức Kitô sống lại… Nếu Đức Kitô không sống lại thì lòng tin của anh em cũng hão huyền và hiện anh em cũng còn trong tội lỗi của anh em… Nếu ta chỉ đặt hy vọng vào lúc sinh thời mà thôi, thì quả ta là kẻ khốn nhất trong thiên hạ” (1 Corintô 15, 14-18).

Thật vậy, nếu Chúa Kitô không phục sinh mà ta cứ tin Ngài phục sinh, tôn thờ Ngài là Thiên-Chúa-Làm-Người, rao giảng Giáo lý của Ngài, thì chúng ta là kẻ khốn khổ nhất, đáng thương hại nhất, nhưng lịch sử Phúc âm đã chứng minh Chúa Kitô phục sinh, niềm tin của các giáo đoàn tiên khởi bành trướng tới nay ắt hẳn những nghịch thuyết, máu của bao nhiêu vị thánh tử đạo đã đổ ra làm chứng Chúa phục sinh không còn chối cãi được. Đức Kitô của lịch sử (có sinh ra thật, có sống, có chết, có sống lại thật) và Chúa Kitô của niềm tin (là Thiên Chúa làm người, hiện ngự bên hữu Đức Chúa Cha và ở lại trong Hội Thánh) là một, nhờ mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Ngài.

CHÍNH VÌ CHÚA KITÔ PHỤC SINH, ƠN CỨU ĐỘ MỚI BAN PHÁT CHO CHÚNG TA

Cuộc phục sinh nghĩa là vinh thăng của con người Giêsu, không phải chỉ là một phép lạ có tính cách minh giáo để củng cố đức tin của các Tông đồ mà thôi, cuộc phục sinh nầy không chỉ là tiêu biểu hoặc nguyên nhân kiểu mẫu sẽ đảm bảo sự phục sinh cho người Kitô hữu mà thôi, nhưng tự bản chất, cuộc phục sinh của Đức Kitô có giá trị cứu độ, nghĩa là có năng lực sinh ơn cứu độ, xét theo phục sinh là chấm dứt tình trạng “thấp hèn” (Kénosis), một tình trạng mà trong đó Đức Kitô bị thời gian và không gian hạn chế.

Chúng ta biết khi Nhập Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa kết hợp với bản tính nhân loại. Sự kết hiệp này là mầu nhiệm Ngôi Hiệp, làm cho nhân tính Chúa Kitô hết hiệp với Ngôi Hai đến mức độ tận cùng đến nỗi nơi Chúa Kitô chỉ có một Ngôi Vị là Ngôi Hai hoạt động trong hai bản tính, như thế nhân tính Chúa đã được nâng lên cao trở thành nguyên nhân dụng cụ trong việc Ngôi Hai nhập thể, cứu chuộc và thánh hóa các tâm hồn. Tuy nhiên, hoạt động thánh hóa bị hạn chế, chỉ ở tình trạng năng thể, bị hạn chế bởi xác thể “làm người như chúng ta”. Cuộc phục sinh đã chấm dứt mọi hạn chế do thời gian và không gian gây ra, Ngôi Hai nhờ nhân tính vinh thăng của mình, có đủ quyền năng ảnh hưởng tới mọi ý chí nhân loại trong mọi thời mọi nơi và làm cho mọi tâm hồn “nhạy cảm ơn thiêng”, làm cho muôn loài, và vũ trụ hưởng nhờ ơn cứu độ. Nhờ phục sinh, từ năng thể đi tới hiện thể, Chúa Kitô làm Vua làm Chúa vũ trụ, hoạt động thánh hóa loài người, lôi kéo cả vũ trụ lên với Ngài.

Đời sống kitô hữu chúng ta gắn chặt vào một Ngôi vị : Thiên-Chúa-Làm-Người, sống bằng sức sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, đúc khuôn mẫu theo Chúa Kitô, rao giảng tình yêu Thiên Chúa, thực hiện nơi Chúa Kitô và đặt niềm hy vọng duy nhất là được sống lại với Chúa Kitô. Sống như thế, người kitô hữu có thể sống bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh thử thách nào, nhưng… vì mức độ tin tưởng và kết hợp với Chúa nơi chúng ta còn “non kém”, sức mạnh của Thiên Chúa không thể hoạt động mạnh nơi chúng ta. TIN MẠNH SẼ CÓ SỨC MẠNH NHƯNG TA CHƯA TIN MẠNH.