HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG



[Marriage: the Mystery of Faithful Love]

Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press, Manchester, New Hampshire, 1991


PHẦN II TÌNH YÊU và HÔN NHÂN BÍ TÍCH

Bài 11

Hôn Nhân Bí Tích là một Nguồn Ân Sủng

Thế nhưng Chúa Giêsu đã ban cho hôn nhân một phẩm giá biểu hiện cho một cái gì rất mới so với những điều đến nay ta đã đề cập tới. Ngài nâng nó lên hàng Bí Tích. Ngài biến mối dây ràng buộc linh thánh này trở thành một nguồn ân sủng loại biệt. Ngài đã biến đổi hôn nhân--vốn tự thân là linh thánh--trở thành một điều mang tính chất thánh hóa. Trong khía cạnh này, hôn nhân đã vượt qua bậc tu trì, cho dù bậc tu trì vượt qua hôn nhân xét về tính chất thánh thiêng nội tại, như ta vừa đề cập đến.

Về mặt Bí Tích, Hôn Nhân giống y như Truyền Chức Thánh

Xét về mặt bí tích, hôn nhân phải được so sánh với Bí tích Truyền Chức. Nếu bỏ qua tính thánh thiêng nội tại của các chức vụ hàm chứa trong khái niệm về linh mục (vốn tự bản chất có khả năng kéo ơn trời xuống), thì chức linh mục--xét như một Bí Tích—chính là nguồn mạch các phúc ân chuyên biệt, là máng chuyển ân sủng. Áp dụng vào hôn nhân thì cũng thế.

Bí Tích Truyền Chức không chỉ mang theo ân sủng với mình, mà còn phát sinh ân sủng và là máng chuyển các ân sủng biệt loại. Cũng thế, hôn nhân được suy tôn vì đã trở thành một trong bẩy nguồn nhiệm mầu của việc thông phần vào đời sống thần linh.

Xét như là Bí Tích, có lẽ hôn nhân cho thấy mối quan hệ thân thuộc sâu sát nhất với Bí Tích Truyền Chức, bởi vì nó không tạo ra một cuộc tái sinh (như là Bí Tích Thánh Tẩy và Hoà Giải), cũng không kiện toàn sự tái sinh ấy và sự kết hợp với Chúa Kitô (như Bí Tích Thánh Thể). Tương tự với Bí Tích Truyền Chức, Bí Tích Hôn Nhân chỉ được dành cho một số người nhận được ơn gọi đặc biệt mà thôi.

Tính Bí Tích đã được Đặt Sẵn trong Bản Chất Hôn Nhân

Nhiệm vụ của chúng ta không phải là đào sâu thêm khía cạnh thần học trong vấn đề này, do đó, chỉ nên nhân mạnh một điểm. Tính bí tích đã được đặt sẵn, một cách biệt loại, vào trong bản chất hôn nhân. Nó không bắt nguồn từ phép lành của vị linh mục, nhưng khởi sự từ quyết định của đôi hôn phối. Chính đôi hôn phối là thừa tác viên của Bí Tích này. Sự kiện Bí Tích được thể hiện qua việc hai người ưng thuận phối hợp với nhau (vốn là hình ảnh kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh), và sự kiện đôi hôn phối hành động trong sự tương kính khi thừa hành Bí Tích, đã cho thấy, một cách kỳ diệu, cái ý nghĩa tiên khởi của hôn nhân như là một hiệp thông tình yêu.

Một nét đặc trưng khác của hôn nhân chính là Bí Tích được đặt sẵn vào trong chất thể của hôn nhân. Tính bí tích trong trường hợp này đã được đặt vào trong chính hôn nhân và được liên kết mật thiết với sự thánh thiện cố hữu của nó: điều này là một chứng cớ nữa cho thấy giá trị cao cả của hôn nhân.

Hôn Nhân Bất Khả Ly giả định sự Hiện Hữu của Thiên Chúa

Ở trên ta thấy, trong chính ý hướng của tình yêu vợ chồng đã bao hàm sự kéo dài và tính độc chiếm. Ta cũng đã thấy hôn nhân biểu hiện một cộng đồng mà khi bước vào, ta có hoàn toàn tự do, nhưng một khi đã thiết lập xong, nó không còn được phân ly một cách độc đoán nữa. Hiệu lực tính này vượt ra khỏi tầm quyết định độc đoán của lứa đôi; nó nhất thiết giả định việc Thiên Chúa hiện hữu và định mệnh vĩnh cửu của con người, cho dù nó không nhất thiết giả định một quy chiếu chủ quan về Thiên Chúa trong phần kết của hôn nhân. Nếu ta quan niệm thế giới chỉ là một động cơ không do Thiên Chúa là Đấng toàn năng và vô cùng tốt lành điều hành, một thế giới trong đó thân phận con người hoàn toàn chấm dứt với cái chết, thì tính khách quan vốn vượt xa quyết định độc đoán của đôi vợ chồng sẽ trở thành vô nghĩa.

Một khi đã công nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì ngay lập tức, sự ràng buộc của hôn nhân sẽ vượt quá sự quyết định của đôi lứa, cho dù, một cách chủ quan, họ không hề đả động gì đến Thiên Chúa cả.

Do đó, không một hôn nhân thực sự nào (kể cả hôn nhân ngoại đạo) có thể bị tiêu tan tùy theo ý muốn ngẫu hứng của lưá đôi. Tuy vậy tính bất khả ly này không tuyệt đối do bởi ‘đặc ân Phaolô.’ Chỉ duy hôn nhân bí tích xét như hình ảnh Thiên Chúa kết hợp với Hội Thánh mới có được hiệu lực tính trọn vẹn và một thực thể khiến nó trở thành bất khả ly.

Hôn Nhân Bí Tích là sự Kiện Toàn của Hôn Nhân

Tuy nhiên, tính bất khả ly của hôn nhân bí tích không chỉ là kết quả lề luật tích cực của Chúa, Đấng không hề dính dáng đến bản chất hôn nhân. Có thể nói đúng rằng, trong hôn nhân bí tích, hôn nhân tìm được sự kiện toàn ý nghĩa cao cả.

Yếu tố quyết định mà kết luận của hôn nhân bao hàm trong chính nó, và như đã thấy, cũng được hàm chứa trong tính chất duy nhất của phối hợp thể lý, tìm thấy được sự hiện hữu và mức phát triển toàn vẹn trong mối dây ràng buộc được kết thúc trong Chúa Kitô, được phó thác nơi Ngài, và biểu hiện việc Ngài kết hợp với Hội Thánh. Bởi vì Chúa Cứu Thế đã tái lập mối dây bất khả ly nghiêm nhặt này khi Ngài ám chỉ tình trạng nguyên thủy nơi vườn Điạ Đàng với những lời sau: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt. 19:6)

Hôn Nhân Bất Khả Ly Bắt Nguồn từ tính Cao Cả Nội Tại của nó

Trong Hội Thánh, có một vài điều đã gây ra nhiều xung khắc, nhiều cuộc ra đi và nhiều vụ bội giáo, tín điều hôn nhân bất khả ly là một trong những điều ấy. Đôi khi nó đòi hỏi những hy sinh lớn nhất: người đã kết hôn nhưng bất hạnh vẫn phải từ bỏ một hôn nhân hạnh phúc. Thật là diễu cợt và ti tiện, nếu thay vì đi tìm lý do của hôn nhân bất khả ly ở trong tính cao cả nội tại của nó, ta lại giả định rằng một điều quan trọng và mang nhiều hậu quả như thế lại được Thiên Chúa điều động chỉ bởi một lý do thứ yếu, tỉ như, vai trò của hôn nhân trong xã hội—đó là chưa nói đến một vài nhận định về khía cạnh sinh học. Thật là thiển cận nếu ta không nhìn thấy tính bất khả ly triệt để của hôn nhân xuất phát từ chính bản chất của nó xét như một hiệp thông thân mật của tình yêu, cũng như nếu ta cố công diễn dịch tính bất khả ly này từ một quan điểm duy lợi viện cớ là để phòng ngừa cho xã hội khỏi sa đọa, hoặc để bảo vệ việc giáo dục trẻ em, vân vân. Tất cả những nhận định trên đây chỉ liên quan gián tiếp đến tính bất khả ly mà thôi.

Cũng y như luận điệu cho rằng tính chất không phai mờ của chức linh mục là cần thiết để kiện cường niềm tin của giáo dân nơi vị linh mục, thay vì tìm hiểu lý lẽ trong chính bản chất của chức linh mục và trong tính cao cả nội tại của nó.

Không! Xét theo ý nghĩa là một hiệp thông tình yêu thân mật nhất đã được Chúa tạo thành, hôn nhân Kitô giáo, tự bản chất, rất cao cả và liên kết rất chặt chẽ với Chúa Kitô đến độ cho dù sự phối hợp có bất hạnh chăng nữa, nó vẫn mang tính bất khả ly.

(còn tiếp)