Vatican: Trong những thời gian này, có nhiều tin đồn đưa ra rằng, sớm lắm là vào Tháng Ba, Đức Giáo Hoàng Biển Đức sẽ tấn phong một số Hồng Y. Trong số đó có Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cai quản Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Những nhà quan sát, đặc biệt là các ký giả thường suy tính quá đáng khi nghe tin đến các tân hồng y. Từ mùa hè vừa qua, cũng đã có ít nhất 3 lần báo động sắp xảy ra cuộc triệu tập Hồng Y Đoàn nhưng đã không hề xảy ra.

Tin đồn hiện nay là Đức Giáo Hoàng Biển Đức đang sửa soạn để công bố danh sách tân Hồng Y vào cuối tháng Hai và sẽ tấn phong vào cuối tháng Ba. Triệu tập Hồng Y đoàn trong Mùa Chay là điều bất thường, thế nhưng không phải là đã không từng xảy ra; Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã triệu tập Hồng Y Đoàn 2 lần trong mùa Chay vào thập niên 1960.

Việc bổ nhiệm các tân Hồng Y vào Hồng Y Đoàn được coi là sự chỉ thị lãnh đạo trong bất kỳ triều giáo hoàng nào, nhưng điều quan trọng là bất cứ khi nào Đức Giáo Hoàng Biển Đức công bố danh sách theo sự chọn lựa của ngài, thì sẽ là một danh sách mà Ngài thừa kế rất nhiều từ đấng tiền nhiệm là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong số khoảng 20 vị mà thường được nhắc đến là sẽ trở nên Hồng Y, thì có 2 người đã được tuyển chọn bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Một trong số hai vị đó là Đức Tổng Giám Mục Ba Lan Stanislaw Dziwisz cai quản TGP Krakow, là vị thư ký riêng của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô.

Chỉ có Đức Tổng Giám Mục Hoa Kỳ William J. Levanda, Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, được coi là Đức Biển Đức XVI sẽ tuyển chọn trong danh sách tân Hồng Y, cũng là người kế nhiệm chức vụ của Đức Hồng Y Ratzinger trước khi lên ngôi Giáo Hoàng.

Đức Tổng Giám Mục Levada là một trong ba giáo sĩ trong Giáo Triều xét theo cương vị chắc chắn sẽ được vinh thăng hồng y. Hai vị khác là Đức Tổng Giám Mục Franc Rode người Slovenia, Bộ Trưởng Bộ Tu Sĩ, Bộ lo về Đời Sống Tận Hiến và các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ và Đức Tổng Giám Mục người Ý Agostino Vallini, Tổng Trưởng Tối Cao Pháp Viện.

Các vị khác trong Giáo Triều Roma cũng có thể được vinh thăng hồng y là Đức Tổng Giám Mục người Đức Paul Cordes, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm Cor Unum; Đức Tổng Giám Mục người Hoa Kỳ John P. Foley, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội; và Đức Tổng Giám Mục người Ba Lan Stanislaw Rylko, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân.

Từ các Tổng Giáo Phận khắp nơi trên thế giới phải kể đến những vị có triển vọng được vinh thăng Hồng Y là Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục Guadencio Rosales tại Manila, Phi Luật Tân; Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin tại Dublin, Ái Nhĩ Lan; Đức Tổng Giám Mục Andre Vingt-Trois tại Balê, Pháp; Đức Tổng Giám Mục Jean-Pierre Ricard tại Bordeaux, Đức Tổng Giám Mục Carlo Caffarra tại Bolgna, Italia; Đức tổng Giám Mục Sean P. O'Malley tại Boston, Hoa Kỳ; Đức Tổng Giám Mục Trần Minh Quân (Zen Ze-kiun) tại Hồng Kông, Đức Tổng Giám Mục Raphael Ndingi Mwanáa Nzeki tại Nairobi, Kenya và cuối cùng là Đức Tổng Giám Mục Antonio Canirare Llovera tại Toledo Tây Ban Nha.

Ngoài ra cũng có một số vị Tổng Giám Mục cũng có triển vọng từ Monterrey, Mexico; từ Dakar, Senegal; từ Brasilia, Brazil và từ Barcelona, Tây Ban Nha.

Theo danh sách thì một số điểm mà các nhà quan sát cũng như các ký giả chú ý tới là:

* Con số: hiện này có 178 vị trong Hồng Y Đoàn trong số có 110 vị dưới 80 tuổi được quyền bầu Giáo Hoàng trong Cơ Mật Viện. Hai vị Hồng Y sẽ đến tuổi 80 vào ngày thứ Bảy 25/3 và cũng là ngày có tin đồn sẽ là ngày Đức Thánh Cha sẽ tấn phong Hồng Y tại Roma.

Số Hồng Y được bầu trong Cơ Mật Viện theo giáo luật là 120 người. Nếu tính theo điều đó thì Đức Giáo Hoàng Biển Đức sẽ tuyển chọn thêm 12 tân Hồng Y. Thế nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi ra ngoài con số giới hạn này đã có lúc lên đến 135 vị dưới 80 tuổi. Đức Giáo Hoàng Biển Đức với quyền tối cao ngài cũng có thể quyết định để đình hoãn luật này và đi ra ngoài con số 120.

* Hòa hợp: Thật sự nếu Đức Biển Đức muốn, Ngài cũng có thể nâng số Hồng Y qua danh sách những vị đang cai quản trong Giáo Triều. Tuy nhiên dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài có khuynh hương vinh thăng Hồng Y Tổng Giám Mục cai quản các Tổng Giáo Phận. và không nhất thiết là nơi Tổng Giáo Phận mà thường có Đức Hồng Y cai quản. Trường hợp điển hình là đối với Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

Và mọi người cũng xem xét cẩn thận xét về mặt địa lý để xem Đức Giáo Hoàng Biển Đức có phong Hồng Y cho các vị ở trong Thế Giới Thứ Ba như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô không.

* Thăng chức Hồng Y cho vị ngoài 80 tuổi: xét về mặt nổi bật về phục vụ cho Giáo Hội, Đức Thánh Cha thường vinh thăng Hồng Y cho các vị ngoài 80 tuổi như một dấu chỉ của sự cảm kích và biết ơn. Thường các vị được vinh thăng là các vị thần học gia không phải là giám mục, thí dụ như Đức Hồng Y Dulles tại Hoa Kỳ trước khi lên Hồng Y ngài chỉ là Linh Mục Dòng Tên.

Theo tin đồn được đăng trên tờ Thời Báo tại London vào đầu tháng Giêng năm năn, vị Hồng Y trên 80 có thể được chọn đó là Đức Ông Graham Leonard, nguyên là Giám Mục Anh Giáo tại London đã theo đạo Công Giáo và được tấn phong Linh Mục Công Giáo vào năm 1994. Nếu điều này xảy ra thì Hồng Y Đoàn, qua rất nhiều thế kỷ đây sẽ là một vị Hồng Y đầu tiên đã lập gia đình.

Riêng đối với Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cai quản Tổng Giáo Phận Hà Nội nếu thật sự được vinh thăng Hồng Y kỳ này thì phải nói đó là con đường quá ngắn, điều này nói lên tinh thần mục vụ quá nổi bật của Ngài. Với một tinh thần rất khiêm tốn, tín thác tất cả lên Thiên Chúa quan phòng để lo cho dân Chúa, mở rộng cánh đồng truyền giáo bằng cách cổ võ và chăm chú huấn luyện ơn gọi lo cho tương lai của giáo hội nhưng đồng thời cũng chu đáo ân cần lo cho người bất hạnh.

Trong chuyến viếng thăm mục vụ vừa qua tại Úc Châu, 2 diều nổi bật mà Đức Tổng Giám Mục đã thực hiện là xin được 2 học bổng mỗi năm doTổng Giáo Phận Perth dành cho linh mục tu sĩ tại TGP Hà Nội tu học, và đồng tế trong Thánh Lễ Ngày Thế Giới Bịnh Nhân tại Adelaide Nam Úc, tại đây qua bài giảng của dặc sứ Đức Giáo Hoàng là Đức Hồng Y Javier Lozano Barragan, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng lo việc Mục Vụ Y Tế, cũng như tham dự các buổi thảo luận, Đức Tổng Giám Mục sẽ học và ấp ủ tâm tư để lo cho người đau ốm đặc biệt những người mắc bệnh tâm thần, người phong cùi, bệnh Siđa tại quê nhà.

Đức Tổng Kiệt sinh ngày 4/9/1952 tại Lạng Sơn và theo gia đình di cư vào Nam vào năm 1954. Cậu Ngô Quang Kiệt gia nhập Tiểu Chủng Viện lúc 11 tuổi và được đào tạo tại Đại Chủng Viện Long Xuyên và học xong vào năm 1975.

Khi cộng sản tiến chiếm miền Nam vào năm 1975, giữa lúc hoang mang sau cuộc chiến ly loạn, thầy Kiệt đã trải qua rất nhiều nghề từ người nuôi ong cho đến sửa dụng cụ điện. Sau khi chính quyền cộng sản Sô Viết sụp đổ, chính quyền cộng sản Việt Nam tỏ ra thư giản hơn và thầy Kiệt được thụ phong linh mục vào năm 1991.

Đến năm 1993, Cha Ngô Quang Kiệt đi tu học tại Pháp và trở về Việt Nam vào năm 1997. Đến năm 1999, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài lên làm Giám Mục Lạng Sơn, nơi mà không có Tòa Giám Mục và nhà thờ Chánh Tòa đã bị phá hủy cũng như hầu hết các nhà thờ trong giáo phận ở trong tình trạng suy sụp. Phần đất của Tòa Giám Mục đã được nữ tu Nguyễn Thị Mến đã 100 tuổi kiên trì giữ gìn. Đức Cha Kiệt đã xây nhà thờ Chánh Tòa Lạng Sơn và tái thiết xây phòng ốc cho Tòa Giám Mục để dạy giáo lý cũng như sửa sang lại tất cả các nhà thờ trong giáo phận.

Vào năm 2003, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Giám Mục Ngô Quang Kiệt lên làm Giám Quản Tông Tòa cho Tổng Giáo Phận Hà Nội và vào tháng 2/2005, 2 tháng trước khi Đức Thánh Cha qua đời, Ngài đã bổ nhiệm Đức Cha Ngô Quang Kiệt lên làm Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội cùng lúc phải tiếp tục cai quản điều hành Giáo Phận Lạng Sơn. Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã đến Roma nhận dây Palium biểu thị quyền Giám Mục vào Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ do Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI trao ban.

Khi về Tổng Giáo Phận Hà Nội, ngoài công việc mục vụ lo cho giáo dân và những người bị gạt ra ngoài xã hội, Đức Tổng cũng lo đến tương lai của Tổng Giáo Phận bằng cách chú tâm đào tạo các thầy đại chủng viện qua đội ngũ Ban Giám Đốc và Ban Giảng Sư có khả năng, uy tín và rất phong phú. Trong đội ngủ Giám Đốc Đại Chủng Viện Hà Nội rất xuất sắc, nếu chú ý thêm thì thấy có một sự lạ là 2 vị linh hướng là Cha Giuse Phan Thiện Ân và Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J. Trong khi đào tạo các Thầy, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt vừa nhắm tới phần học thức nhưng cũng đặt nặng tới mặt tâm linh, và Đức Tổng đã chiêu mộ rất khéo. Vị linh hướng trong Đại Chủng Viện có tầm rất quan trọng, ngoài việc giảng dạy còn lo về mặt tâm linh cho các Thầy, cha Giuse Phan Thiện Ân giảng sư tại Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang giảng dạy môn phụng vụ và Cha Cosma Hoàng Văn Đạt Dòng Tên giảng dạy môn tu đức. Nói chung từ trước tới nay, khó mà thấy Cha dòng nằm trong Ban Giám Đốc Đại Chủng Viện, và đối với Dòng Tên thì tuyệt nhiên lại càng không có. Cha Cosma Hoàng Văn Đạt nguyên giám đốc nhà ứng sinh Dòng Tên Thủ Đức, sau khi vừa mới tu học tại Pháp về vào năm 2005 thì Cha đã lên giảng dạy và làm Cha Linh Hướng cho Đại Chủng Viện Hà Nội, và ước nguyện của Dòng Tên là "cho được vinh danh Chúa hơn" (ẠM.D.G) cho nên phục vụ chỗ nào cũng thế. Đối với Dòng Tên, Cha Linh Hướng là người quyết định đối với các ứng sinh và các thầy có thích hợp ơn gọi của Dòng hay không.

Vào cuối năm 2005, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo Crescenzio Sepe đã truyền chức linh mục cho 57 thầy trong Tổng Giáo Phận Hà Nội. Đây là lễ truyền chức đông đảo và nổi bật nhất từ trước tới nay. Một chuyện kỳ lạ hơn nữa là chính quyền đã cho phép vào giờ phút chót.

Bất cứ khi nào được công bố danh sách, thì buổi triệu tập Hồng Y Đoàn đầu tiên, Đức Giáo Hoàng Biển Đức sẽ nói đến hướng đi và sự làm việc của Hồng Y Đoàn dưới triều giáo hoàng của ngài. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập Hồng Y Đoàn nhiều lần để cho ý kiến, bàn thảo những đề tài hóc búa như tài chánh giáo hội, phương sách chống phá thai và những mục đích mục vụ cho ngàn năm mới.

Dưới thời Đức Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Biển Đức lúc đó là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, đã giúp đưa ra chương trình và chủ sự nhiều công hội đặc biệt, thì đến giờ này đây nhiều người cũng hy vọng là Đức Thánh Cha sẽ duy trì sự cộng tác tham khảo ý kiến này.

Trong tiến trình và đóng ấn trên Hồng Y Đoàn đó là một tiến trình dài. Trong suốt 26 năm dưới triều Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha đã triệu tập 9 công nghị hồng y và tấn phong 231 vị hồng y. Cơ Mật Viện cuối cùng 2005 để bầu Đức Giáo Hoàng Biển Đức, tất cả là các vị Hồng Y đều được Đức Gioan Phaolô II tấn phong ngoại trừ duy nhất 2 vị là đã có mặt trong Cơ Mật Viện lần trước đã bầu cho Đức Gioan Phaolô II.