BÀI HỌC RÚT TỪ GƯƠNG CỦA ĐỨC HỒNG Y SEPE

Hôm nay là buổi đầu tiên trong năm 2006, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt huấn dụ chủng sinh Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Ngài nói lên tất cả sự vui mừng và hài lòng của mình về năm 2005 vừa qua, đặc biệt về việc đón tiếp Đức Hồng Y Sepe và Thánh Lễ truyền chức linh mục. Đức Hồng Y sang thăm Việt Nam 8 ngày. Trong 8 ngày, ngài đã thực hiện 30 cuộc gặp gỡ với mọi thành phần. Tất nhiên, ngài phải nói 30 bài giảng và phát biểu. Đây là một cường độ làm việc quá lớn, không phải ai cũng làm được.

Đức Tổng Giuse nói tiếp đến hôm nay tôi vẫn nhận được thư chúc mừng của các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Qua đó, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm qua hình ảnh của vị Tổng trưởng Bộ Truyền giáo sau đây:

1. Tinh thần hiệp thông

Toà Thánh rất quan tâm đến sự hiệp thông trong Giáo Hội. Càng những nơi nào khó khăn, Tòa Thánh lại càng quan tâm nhiều hơn. Vì thế, Đức Hồng Y sang thăm Việt Nam. Để thực hiện chuyến viếng thăm này, ngài đã phải chuẩn bị cả nửa năm trời: từ làm việc với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đến nhà nước Việt Nam. Tình hiệp thông trong Giáo Hội được ví như một gia đình.

Chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Hồng Y tại Việt Nam làm cho chúng ta cũng phải suy nghĩ, nếu chúng ta chỉ ngồi một chỗ thì đâu biết được giáo dân đang sống thế nào. Cho nên, các linh mục, nam nữ tu sĩ, chủng sinh và giáo lí viên phải đi tới những nơi nghèo khổ, những nơi khó khăn để cảm thông và rao giảng Lời Chúa.

Đức Tổng đã trích sách tiên tri Isaia: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó" để nói về sứ mạng của các môn đệ Chúa. Năm vừa qua, nhiều Thầy đã đến các trại phong để phục vụ. Người ta nói làm lạ lắm! Nhưng đáng lẽ là việc rất bình thường thì mới phải.

Tin mới nhất nhận được: Đức Cha Hưng Hóa, Antôn Vũ Huy Chương cũng vừa đi một chuyến mục vụ lịch sử đối với Giáo Phận Hưng Hóa và cũng là đối với ngài là đi thăm ba tỉnh miền Tây Bắc. Đó là tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Những tỉnh này nằm trong miền Thập Tỉnh mà từ khi thành lập Giáo Phận cho đến bây giờ mới có một Giám Mục đến thăm. Hi vọng sau chuyến viếng thăm này, một số nhà thờ được mọc lên và các linh mục được làm việc mục vụ tại những tỉnh này. Hiện nay còn tỉnh Hà Giang thuộc về ba Giáo Phận: Bắc Ninh, Lạng Sơn và Hưng Hóa cũng rất có thể sẽ được xây dựng những ngôi nhà thờ để bà con giáo dân có nơi thờ tự.

2. Tinh thần mục tử

Đức Hồng Y gặp hết mọi thành phần, hết mọi lớp người: Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo dân, đặc biệt với chính quyền các cấp nơi ngài đến. Các nơi ngài đến: Tòa Giám mục, nhà Dòng, Uỷ Ban Nhân Dân... Các giới ngài tiếp xúc: giới văn nghệ sĩ, người mắc bệnh HIV và người khiếm thị.

Trong cuộc sống, chúng ta đã quan tâm chưa đủ hay có quan tâm thì lại thiếu tinh thần mục tử. Bởi chúng ta thường làm việc theo cảm tính mà chưa đi sâu vào ơn gọi. Càng những con chiên lạc, chúng ta càng phải tìm kiếm và phục vụ.

3. Tinh thần đối thoại

Đức Hồng Y đối thoại với hết mọi người. Nét mặt vui tươi và nụ cười luôn nở trên môi đã nói lên tất cả. Ngài luôn nhìn mọi công việc với cái nhìn tích cực. Hơn nữa, ngài luôn tìm thấy điểm tốt của người khác để khen ngợi. Vì thế, bầu khí đối thoại rất thỏa mái nhưng rất hiệu quả.

4. Tinh thần phục vụ

Ngài phục vụ hết mọi người và thực hiện hết các chương trình Hội Đồng Giám Mục đặt ra. Với thời tiết không mấy giống bên Italia, nhưng ngài vẫn cố gắng làm việc. Trong những ngày tại Việt Nam, Đức Hồng Y thức dậy vào lúc 5 giờ sáng và đi ngủ lúc 12 giờ đêm. Đến đâu, ngài cũng cố gắng giảng dạy. Chúng ta thấy tinh thần phục vụ của ngài cao như thế nào!

Bài huấn đức của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã làm cho chủng sinh Đại Chủng Viện Hà Nội tán thưởng bằng những hồi vỗ tay dài. Những bài học được rút ra từ gương của Đức Hồng Y Sepe, đại diện Đức Giáo Hoàng sẽ làm cho tinh thần của chủng sinh tự tin hơn trong công cuộc đào tạo và tự đào tạo của mình.