HÔN NHÂN: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THỦY CHUNG

Dietrich von Hildebrand (1889-1977)

Sophia Institute Press

Manchester, New Hampshire, 1991


Mỗi mùa Giáng Sinh đến, ta hội mừng và cử hành mầu nhiệm Chúa Hài Đồng sinh xuống trần gian cứu độ nhân loại. Ta cũng đồng thời chiêm ngưỡng khung cảnh thánh gia thất ấm cúng trong hạnh phúc yêu thương. Hạnh phúc gia đình tưởng đơn giản nhưng lại không dễ đạt được. Nếu cứ hai cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị để cho cứ hai đứa trẻ (nếu được sinh ra) thì có một đứa trước khi đi ngủ không thể nói “Good Night” với cha của mình, thì chẳng lẽ hôn nhân thủy chung và gia đình hạnh phúc sẽ mãi mãi chỉ là một giấc mơ thôi sao? Không, hạnh phúc gia đình phải có thật, và hôn nhân thủy chung phải là điều khả thi. Nhưng đâu là bản chất của hôn nhân dẫn đến một gia đình hạnh phúc? Dietrich von Hildebrand, qua tác phẩm của ông “Marriage: the Mystery of Faithful Love” nêu lên cho ta điều cốt lõi kiến tạo nên niềm hạnh phúc cho hôn nhân và gia đình, đó là tình yêu thủy chung chân chính. Xin chuyển dịch tác phẩm này để giới thiệu cùng bạn đọc.

Hôn Nhân mang tính chất Bí Tích

Trong tác phẩm “Hôn Nhân: Mầu Nhiệm Tình Yêu Thủy Chung,” chồng tôi đã giới thiệu những đề tài có tính cách soi sáng gía trị và tầm quan trọng của hôn nhân tự nhiên và cho thấy vai trò của hôn nhân trong việc phục vụ tình yêu thủy chung.

Nhưng đồng thời ông cũng nhìn thấy rằng ngay cả trong một hôn nhân tự nhiên hạnh phúc nhất, thì con người phải chết-như Platô thường gọi là tạo vật của một ngày--vẫn mãi mãi có chừng và hạn chế. Do đó, bất cứ một tình yêu thuần tự nhiên nào cũng nhất thiết mang mầu sắc bi thảm: nó sẽ không bao giờ có thể đạt tới sự kết hợp vĩnh cửu mà nó tự nhiên hướng vọng đến.

Tuy nhiên, khi trở lại Công Giáo, chồng tôi khám phá ra một chiều kích mới thật kỳ diệu của hôn nhân, đó là tính chất bí tích của nó xét như một nguồn mạch ân sủng. Thánh Phaolô soi sáng phẩm giá cao cả của hôn nhân bí tích khi gọi đó là “một mầu nhiệm lớn lao,” so với tình yêu Chúa Giêsu dành cho Hội Thánh Ngài (Eph. 5:32). Tình yêu tự nhiên thì nhạt nhòa so với vẻ đẹp của một tình yêu bén rễ trong Chúa Kitô.

Là một Bí Tích, hôn nhân đem cho con người sức mạnh siêu nhiên cần thiết để “chiến đấu một cuộc chiến cao đẹp” (1 Tim 6:12). Mỗi cuộc chiến thắng trên thói quen, tập quán, và sự nhàm chán sẽ là chất keo gắn chặt mối tương giao giữa vợ chồng và khiến tình yêu của họ đơm hoa nở nhụy.

Hơn nữa, do mặc nhiên nối kết vợ chồng một cách bí tích với tình yêu vô biên mà Chúa Kitô đã dành cho từng người, hôn nhân bí tích vượt thoát được các ranh giới của hôn nhân tự nhiên và đạt được tính cách vô hạn và vĩnh cửu mà mọi tình yêu đều hướng vọng đến.

Do đó, sau khi trở lại Công giáo, thiết tưởng cũng dễ hiểu việc chồng tôi, vốn đã là một hiệp sĩ có hạng trong tình yêu tự nhiên, cũng đã trở thành một hiệp sĩ hăng say bảo vệ cho tình yêu siêu nhiên tìm thấy nơi hôn nhân bí tích. Lòng nhiệt thành đối với vẻ đẹp mỹ miều và mầu nhiệm lớn lao của tình yêu thủy chung trong hôn nhân đã khiến ông đặt bút viết tác phẩm này.

Lịch Sử Tác Phẩm

Việc chuẩn bị viết tác phẩm này thực sự bắt đầu vào năm 1923 khi chồng tôi thực hiện giáo trình về hôn nhân tại một Hội nghị của Hội Hàn Lâm Công giáo tại Ulm, Đức Quốc. Giáo trình đó đúng là một thành quả vang dội.

Trong giáo trình này, ông lập luận rằng cần phải phân biệt ý nghĩa hôn nhân (tức tình yêu) với mục đích của nó (tức sinh sản). Ông phác hoạ hôn nhân như một cộng đồng tình yêu, mà theo kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa, cộng đồng ấy tìm ra mục tiêu của nó trong sự sinh sản.

Cho dù giáo huấn chính thức của Công giáo, cho đến lúc đó, đã nhấn mạnh một cách độc chiếm đến tầm quan trọng của sinh sản như là mục đích hôn nhân, nhưng trên thực hành, Hội Thánh luôn luôn mặc nhiên thừa nhận tình yêu như là ý nghĩa của hôn nhân. Hội Thánh luôn luôn tán thành hôn nhân của những người, do tuổi tác hoặc do các trở ngại khác, đã không thể hưởng nhận phúc lành của con cái.

Tuy nhiên, khi ý thức rằng mình đã tra tay khai phá một mảnh đất mới khi minh nhiên phân biệt mục đích với ý nghĩa của hôn nhân, chồng tôi đã tìm tới thẩm quyền Hội Thánh để xin được chấp thuận. Do đó, ông đã cậy nhờ đến Hồng Y Pacelli, lúc đó đang làm Khâm Sứ Toà Thánh tại Munich.

Sau khi trình bầy các quan điểm của mình với vị Giáo Hoàng (Piô XII) tương lai này, ông đã hết sức vui sướng vì được ngài hoàn toàn tán đồng lập trường của mình.

Nhờ sự tán thành này của Hồng Y Pacelli, cộng với thành quả của giáo trình về hôn nhân vừa nói, ông đã khai triển thêm để trở thành cuốn sách nhỏ mà bạn đọc đang có trong tay.

Kể từ lần xuất bản đầu tiên bằng Đức ngữ, tập sách nhỏ này đã được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ lớn tại Âu châu, nơi nó được nồng nhiệt đón nhận. Sau khi được dịch ra Anh ngữ lần đầu tiên giữa thế chiến thứ II, nhận được các phê phán thuận lợi và được công chúng đón nhận nồng nhiệt, cuốn sách được tái bản đến bốn lần chỉ trong vòng 14 năm.

Riêng tôi, tôi rất hân hạnh đón chào lần tái bản này, để gửi đến bạn đọc nói tiếng Anh sau khi đã vắng bóng gần ba mươi năm qua.

Đặc biệt ngày hôm nay, cuốn sách này, khi nói lên ơn gọi hôn nhân cao cả của Kitô giáo, phải trở thành một thứ ‘gối đầu giường’ cho những ai đang thao thức muốn sống xứng đáng với mầu nhiệm tình yêu lớn lao này.

Thomas à Kempis nói rằng “tình yêu là một điều lớn lao.” Hôn nhân cũng y như thế.

LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐHY John O’Connor

Trong một thế giới trong đó hôn nhân thường bị đe doạ và phỉ báng bằng muôn vàn phương cách, điều quan trọng là Hội Thánh phải liên tục và trung thành loan báo tìn mừng về hôn nhân. Tin mừng này bám rễ sâu trong các mầu nhiệm trọng tâm của đức tin chúng ta.

Cả Tân Ước lẫn Cựu Ước đều minh họa khái niệm này là: hôn nhân thì tương tự như lời giao ước giữa Thiên Chúa và Israel, cũng như giữa Chúa Kitô và Hôi Thánh Ngài. Thánh Kinh rõ ràng dậy ta rằng lời cam kết linh thánh của hôn nhân được Thiên Chúa sắp đặt như là dấu bí tích của tình yêu Ngài dành cho dân mình. Theo mạc khải và thánh truyền, qua việc thiết lập hôn nhân, Thiên Chúa muốn mạc khải cho dân Ngài tầm mức và sự bao la của tình yêu Ngài dành cho họ.

Khái niệm thần học sâu xa và lâu đời này mới đây được xác nhận trong Thượng Nghị các Giám Mục nhóm họp tại Rôma năm 1980. Các Giám Mục nhất loạt nói rằng: “Quả vậy, trải qua suốt dòng lịch sử cứu độ, giao ước hôn nhân đã được thấu hiểu và giải thích cả trong ánh sáng giao ước giữa Thiên Chúa Tạo Hóa và dân tộc Israel lẫn trong ánh sáng giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh là Hiền Thê Ngài. Tương quan tình yêu này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng hoặc tương tự mà là một thực tại hữu thể học được tỏ hiện qua biến cố Nhập Thể qua đó mọi xác phàm đều được Chúa Kitô cứu chuộc và thánh hoá.”

Trong “Familiaris Consortio” (FC), Tông Huấn về Gia Đình, ĐGH Gioan Phaolô II viết: “Hiệp thông tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Ngài, vốn là một phần căn bản của mạc khải và kinh nghiệm đức tin của Israel tìm được một diễn ngữ đầy ý nghĩa trong giao ước hôn nhân được thiết lập giữa một người nam và một người nữ. Sợi dây tình yêu đã trở thành hình ảnh và biểu tượng của giao ước hợp nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài.” (FC, số 12).

Hôn nhân xét như một Bí Tích như thế trở thành cách diễn tả cụ thể trần thế và sự nhập thể của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đối với từng người chúng ta. Bản chất tính bí tích của hôn nhân hệ tại điều này: qua mối tương quan yêu thương vợ chồng, Thiên Chúa vẫn tiếp tục biểu lộ sự hiện diện của Ngài nơi trần gian.

Quả vậy, khi tình yêu và cam kết vợ chồng mở ngỏ cho mầm sống mới được biểu lộ, thì Thiên Chúa vẫn tiếp tục nhập thể. Do đó, tình yêu Thiên Chúa không chỉ siêu vượt xác thịt phàm hèn của ta, mà còn đến và cư ngụ giữa ta nữa. Bởi thế, đối với Kitô hữu, nhãn quan về hôn nhân phải bén rễ sâu trong lời cam kết của ta với Chúa Giêsu và tin Ngài là Chúa.

Chúa Giêsu loan báo Vương Quốc của Ngài sẽ đến như một cái gì nhẹ nhàng và thân mật. Ngài diễn tả Thiên Chúa là Đấng yêu thương, lân tuất và tha thứ vô lượng vô biên. Ngài là Đấng Thiên Chúa ân cần, hằng tín trung trọn vẹn, luôn đem Tạo vật đến chỗ

thành toàn bằng cách liên lỉ lôi kéo ta về với Ngài là nguồn mọi thiện hảo. Do bởi hôn nhân là dấu chỉ sống động, hữu hình và có tính bí tích của tình yêu này, vì thế các nét đặc trưng này cần được diễn tả và cảm nghiệm trong mối tương quan vợ chồng.

Bởi vậy, là vợ, là chồng, anh chị em đã được tuyển chọn và kêu gọi trở nên cho nhau chính dấu chỉ sống động hữu hình và sự biểu lộ tình yêu Thiên Chúa bằng cách chia sẻ cho nhau các quà tặng của tình yêu vô điều kiện, chấp nhận hoàn toàn, hiến dâng không ngừng, thủy chung, và phục vụ không mỏi mệt. Đây là các dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, và đó chính là điều khiến cho Thiên Chúa hiện diện trong Bí Tích Hôn Phối.

Đó chỉ là một vài trong rất nhiều khái niệm mà Dietrich von Hildebrand đã nêu lên trong tác phẩm này.

Tôi đoan chắc rằng có rất nhiều độc giả cùng chia sẻ niềm vui với tôi trong dịp kỷ niệm 40 năm lần đầu tiên cuốn sách được xuất bản, và gần ba mươi năm sau khi được dịch qua Anh Ngữ. Điều đáng nói là bài luận tuyệt đẹp này ngày nay lại cần thiết hơn nhiều so với bốn mươi năm trước đây.

Nó mới mẻ theo ý nghĩa tối hảo của từ ngữ, ý nghĩa mà Chesterton đã gợi ý là: điều kỳ diệu về Kitô giáo không phải là đã được 1900 tuổi đời, mà là mới được 1900 cái xuân xanh.

(còn tiếp)