Giới Thiệu: Mới đây ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do chúng tôi nhận được thư khẩn báo của tòa giám mục địa phận Nha Trang và dòng thánh Giuse kêu gọi mọi người cùng giới truyền thông khắp nơi giúp đỡ để lấy lại những phần đất mà giáo hội cho chính quyền địa phương cũng như một số cơ sở kinh doanh tạm dùng. Chúng tôi đã liên hệ với linh mục Lưu Minh Hoàng, đại diện chính thức của tòa giám mục địa phận Nha Trang và dòng thánh Giuse. Để tìm hiểu thêm chi tiết liên quan đến vấn đề, trong chương trình sáng nay chúng tôi xin gởi đến quý vị phần 2 của buổi nói chuyện của Nguyễn Khanh của đài chúng tôi với linh mục Lưu Minh Hoàng. Trong cuộc nói chuyện này, linh mục Lưu Minh Hoàng bày tỏ nỗi lo của ông khi nói rằng xáo trộn có thể xảy ra nếu đất đai của nhà dòng và của tòa giám mục không được trả lại đúng ngày 31/10/2005 tới đây:

Nguyễn Khanh: Thưa linh mục, tại sao tòa giám mục Nha Trang và dòng thánh Giuse lại quyết định cho công bố Thư khẩn cấp giữa kỳ hẹn tiếp quản tu viện Giuse ở tại Nha Trang ạ?

LM Lưu Minh Hoàng: Để trả lời câu anh vừa hỏi thì tôi có thể nói rộng ra một chút xíu để thấy được hoàn cảnh chung. Tất nhiên là chuyện dòng thánh Giuse của chúng tôi ở tại Nha Trang. Trước thời gian 1975 thì con đường chính của chúng tôi gọi là con đường Tỉnh lộ 4, lúc đó chưa có hai con đường mà bây giờ chúng ta dùng là đường Võ Thị Sáu và đường Phước Long. Bây giờ trong khu vực chúng tôi gọi là dòng thánh Giuse, địa chỉ chính là 10 Võ Thị Sáu, Nha Trang.

Sau Năm 1975 về vấn đề nhà đất, bắt đầu vào khoảng năm 1977 thì chúng tôi có thể nói được rằng chúng tôi như hình ảnh con cá trên thớt. Con cá trên thớt thì tất nhiên mỗi người có thể chặt khúc này, khúc kia tùy nghi sử dụng của mình. Nói chung ra cơ sở mà bây giờ chúng ta gọi cho dễ là 10 Võ Thị Sáu, Nha Trang.

Lúc đó chúng tôi có 4 đơn vị sử dụng, tôi xin nhắc lại là sử dụng chớ không có mua bán hay cũng không có hiến nhượng, không có gì cả, chỉ là sử dụng. Trong 4 đơn vị sử dụng đó, trong bản giải trình và trong khi trình bày với ban thanh tra Bộ tài nguyên môi trường cùng các quan chức của ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, thì tôi nói rõ là 10 Võ Thị Sáu Nha Trang được chia ra làm 4 đơn vị sử dụng. Trong đó có cả đơn vị chính là dòng thánh Giuse.

Trong 4 đơn vị đó, có 3 cơ quan nhà nước. Thứ nhất là có trường phổ thông cấp I, Cấp II, Phước Hải mà ngày nay gọi là trường phổ thông cơ sở Võ Thị Sáu được sử dụng một phần đất diện tích chính xác là khoảng 5,500 m2 và nhà mà chúng tôi cho mượn không phải là một cái trường mà là một cơ sở của dòng thánh Giuse đã được thiết lập từ năm 1955 để dạy cho các đệ tử và sau này chúng tôi có cho thêm một số ít các em học sinh ở ngoài, nhất là giáo dân xung quanh.

Khi tôi viết biên bản giữa ty giáo dục Khánh Hòa và dòng Giuse thì tôi ghi rằng chúng tôi đồng ý cho ty giáo dục Phú Khánh mượn 5 năm để giải quyết vấn đề trường lớp lúc ban đầu. Nhưng sau 5 năm thì chúng tôi xin thu hồi lại, bởi vì đây là một cơ sở dòng thánh Giuse và có thể nói được như là một chứng tích lịch sử, hay cái nôi của dòng thánh Giuse. Do đó mà chúng tôi không thể hiến, không thể nhường gì cả. Chỉ là cho mượn 5 năm có biên bản rõ ràng.

Phần thứ hai, tức là xí nghiệp quốc doanh đánh cá Phú Khánh, hồi đó là tỉnh Phú Khánh và cơ quan mượn là xí nghiệp quốc doanh đánh cá Phú Khánh, thì họ xin tôi nhường một số phòng để họ có thể làm văn phòng hậu cần để họ đi đánh cá ngoài biển về thì có văn phòng để họ tiếp xúc với những người mua cá.

Do đó mà chúng tôi tạm cho mượn và có bản thỏa thuận ký ngày 28/6/1977. Cho nên đây chỉ là bản thỏa thuận giữa hai bên cùng nhau có lợi thôi. Tôi cho họ mượn một số phòng để làm văn phòng còn họ thì giúp đỡ tôi chẳng hạn ví dụ lúc đó rất là khó khăn, mỗi tháng được 200 ký điện hay là một số những quyền lợi nho nhỏ giữa hai bên. Do đó chỉ là cho mượn với bản thỏa thuận.

Thứ ba là công ty hải sản Phú Khánh thì xin chúng tôi cho thuê một cơ sở chế biến hải sản của tu viện, bởi vì lúc đó (thì) chúng tôi đang chế biến nước mắm bán đi các nơi, và nhà dòng cũng nhờ đó mà sống. Bán cả lên Buôn Mê Thuộc, Đà Lạt hay nhiều nơi khác nữa.

Đồng thời chúng tôi cũng có một số đất còn lại thì chúng tôi trồng hoa màu phụ, trồng củ mì, đậu phộng, bắp v.v... Họ mượn một phần khoảng 18,000 m2 có bản thỏa thuận gọi là "biên bản thỏa thuận giữa hai bên". Trong biên bản đó họ chịu bồi thường cho mình cứ 1 m2 là hai hào, cho dù có nhà, có cơ sở chế biến nhưng họ tổng quát là đo diện tích cứ 1 m2 là hai hào. Lúc đó thì chừng khoảng 400 đồng hồi mới giải phóng thì nó còn chút giá trị nhưng sau này có chuyện lạm phát phi mã về đồng tiền VN cho nên tôi thấy 400 đồng không mua được gì cả mà chúng tôi phải từ Cửa Bé lên Thanh Hải để lãnh số tiền đó. Cho nên sau này tôi nói có bao nhiêu đồng mà đi tốn xăng và tốn công thôi thì bây giờ tôi cho tạm mượn rồi dàn xếp trả gấp lại cho chúng tôi.

Đó là cơ quan thứ ba tức là công ty hải sản Phú Khánh. Phần còn lại là dòng thánh Giuse, tu viện dòng Giuse sử dụng.

Bửa trước trong phần trình bày với bộ Tài nguyên môi trường và với các giới chức của tỉnh Phú Khánh (thì) tôi nói rõ, tôi không có hiến, tôi không có cho, tôi không có nhường gì cả, chỉ là cho mượn sử dụng rồi thời gian sau trả lại. Nhưng các quan chức thì cứ nói rằng lúc đó hình như là tôi cho không, thì tôi nói là không có vấn đề đó, có hiệp đồng đàng hoàng, có biên bản đàng hoàng. Do đó bây giờ trên phương diện nhà đất, trong hoàn cảnh bây giờ thì có những nhu cầu ngày trước chúng tôi xin nhưng nhà nước không cho làm thì bây giờ trong thời gian này có thể làm được. Do đó mà tôi xin thu hồi lại, tiếp quản lại 3 cơ sở tôi cho các cơ quan nhà nước mượn.

Trước hết là trường Võ Thị Sáu, gọi là trường, nhưng thật sự là nhà ở của chúng tôi,có một số phòng. Bây giờ lâu rồi, 30 năm rồi. Tôi cho mượn 5 năm nhưng 30 năm người ta chưa trả. Bây giờ đến lúc phải làm lại, chứ nó xuống cấp rồi, (cho nên) không thể học ở đó được. Do đó mà họ muốn xây lại trường mới. Họ đòi đập phá và xây trường mới, chúng tôi hoàn toàn phản đối. Bởi vì đó là cơ sở, cái nôi, chứng tích lịch sử của dòng, tôi không thể để cho đập phá được, mà chúng tôi đòi lại.

Thứ hai là xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản. Sỡ dĩ có tên khác thay vì tên xí nghiệp quốc doanh đánh cá Phú Khánh vì năm 1989 khi chia tỉnh thì Phú Khánh không còn nữa, xí nghiệp quốc doanh đánh cá không còn nữa, cho nên chúng tôi đòi lại phần chúng tôi đã cho mượn ghi trong bản thỏa thuận.

Lúc đó tỉnh Khánh Hoà, gặp lúc tranh tối tranh sáng thì họ vào chiếm và lập lên một xí nghiệp khác gọi là xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản bây giờ. Không phải họ chỉ lấy phòng mà lấy cả đất đai để (họ) xây các cơ sở chế biến đông lạnh, phơi cá khô, phơi đủ thứ gây ô nhiễm rất lớn.

Cho nên tới lúc này thì chúng tôi đòi lại để làm trước hết là các nhà học để cho các thầy, các tu sinh học, chứ (bây giờ) chúng tôi không có nhà, cho nên gởi cả vào Sài Gòn mà phải thuê nhà tốn kém. Trong khi đó nhà cửa mình ngoài này thì mình không sử dụng được. Cho nên chúng tôi xin tiếp quản xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản để làm trường dạy cho các tu sinh, cho các tu sĩ. Chúng tôi cũng cần có mặt bằng để xây một nhà thờ bởi thật sự dòng thánh Giuse chúng tôi chưa có nhà thờ. Mỗi khi có lễ lớn thì chúng tôi phải ra giáo xứ THÁNH GIA bên cạnh mượn nhà thờ, trong Dòng thì không có, nếu như có quan khách hay lễ lạc như lễ khấn, lễ phong chức linh mục thì chúng tôi phải đi mượn nhà thờ giáo xứ.

Do đó mà chúng tôi đòi lại phần đất của xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản để xây nhà thờ cho dòng.

Hơn nữa chúng tôi thấy rằng làm kinh tế thì bây giờ nhà nước không thể lấy đất đai của giáo hội nói chung và lấy tu viện nói riêng để làm cơ sở kinh tế. Đó là điều không hợp lý và không công bằng. Không thích hợp với nhân quyền, tự do tôn giáo mà nhà nước đang chủ trương hô hào hôm nay.

Thứ ba nữa là 16 Phước Long, chúng tôi cũng đòi tiếp quản (lại) để làm bệnh viện lớn, bệnh viện từ thiện theo kế hoạch xóa đói giảm nghèo, như anh biết đó.

Nguyễn Khanh: Hình như đây không phải là lần đầu tiên tòa giám mục địa phận Nha Trang cũng như dòng thánh Giuse lên tiếng báo động về vấn đề này phải không ạ?

LM Lưu Minh Hoàng: Trước đây thì tôi có một cái đơn khẩn cấp đòi trả tu viện giòng thánh Giuse tại 10 Võ Thị Sáu, Nha Trang trước khi xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản muốn đem ra cổ phần hóa. Đơn đó là ngày 21/9/2005. Nhưng tôi hẹn 31/10/2005 là hạn chót để họ có thể di chuyển đi nơi khác và trả lại nhà đất cho chúng tôi.

Nguyễn Khanh: Chúng tôi xin phép được ngắt lời linh mục ở đây. Thời hạn 31/10 chưa đến...

LM Lưu Minh Hoàng: Nhưng bây giờ giữa chừng, tức bữa 12/10 thì chúng tôi thấy họ chưa rục rịch gì cả. Họ hứa sẽ di dời, tháo gỡ nhưng không có di dời tháo gỡ gì cả. Họ vẫn cứ sản xuất như bình thường. Do đó mà chúng tôi phải ra một Thư khẩn cấp giữa kỳ hẹn, tức là từ 12/10/2005 cho đến 31/10/2005. Trong thời gian này họ phải giải quyết. Và tôi có nói mạnh rằng đây là giọt nước cuối làm tràn ly mà xí nghiệp vẫn cứ bình chân như vại thì chúng tôi không thể chấp nhận được.

Và chúng tôi có nói nhà nước, chính quyền rằng cơ sở 10 Võ Thị Sáu hoàn toàn không ở trong chế độ bị cải tạo hay gì cả, đây là hoàn toàn của nhà dòng chủ quyền. Bởi vì nhà dòng Giuse thì không có chuyện gì để mà bị cải tạo cả. Bởi vì khi cách mạng đến thì chúng tôi vẫn có linh mục, tu sĩ, đệ tử ở. Do đó nhà cửa thì có người ở, đất đai hay cơ sở thì có người làm ăn cho nên không có vấn đề để nhà nước cải tạo. Tỉnh Khánh Hòa đã công bố rằng dòng thánh Giuse không ở trong diện cải tạo. Hoàn tòan nếu có vấn đề gì thì là vấn đề dân sự.

Do đó mà bây giờ họ bảo tôi đưa vấn đề tranh chấp giữa nhà dòng với xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản hoàn toàn có tính cách dân sự. Thẩm quyền của nhà nước, thẩm quyền của ủy ban nhân dân tỉnh không thể giải quyết được.

Nguyễn Khanh: Vấn đề có được giải quyết bằng luật pháp hay không ạ?

LM Lưu Minh Hoàng: Tôi đã đưa vấn đề này ra Toà và tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã xử. Đã có hai cuộc xử hòa giải. Cuộc xử hòa giải thứ hai là hòa giải thành ngày 6/8/1999 bên bị, tức là bên xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản đồng ý hoàn toàn là hoàn trả toàn bộ chủ quyền Giuse 10 Võ Thị Sáu trở lại cho dòng thánh Giuse và cho tòa giám mục.

Về phương diện dân sự, tỉnh bảo chúng tôi đưa ra tòa và đã xử và đã hòa giải thành. Tôi nghĩ vấn đề như vậy là tốt rồi. Tức nhiên chỉ còn có cái là xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản chuyển đi rồi trả nhà đất cho chúng tôi, trả tu viện lại cho chúng tôi.

Nguyễn Khanh: Linh mục vừa mới nói rằng là đã xử về dân sự, cuộc hòa giải đã diễn ra trước mặt tòa và phía bên bị họ đã đồng ý là sẽ trả lại nhà đất, trả lại tu viện cho tòa giám mục cũng như cho dòng thánh Giuse. Như vậy thì chỉ còn chừng độ khoảng mươi ngày nữa, tại sao tòa giám mục và dòng thánh Giuse không thể chờ đợi được ạ?

LM Lưu Minh Hoàng: Nhưng điều trớ trêu là sau khi có hòa giải thành đó thì bên xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản họ nuốt lời hứa và họ không chịu trả. Họ vẫn tiếp tục kinh doanh như thường và gần đây thì họ tiết lộ cho chúng tôi biết họ phải nạp tiền cho tỉnh. Chẳng hạn năm 2004 thì họ nạp cho ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa 126 triệu/năm. Như vậy có nghĩa là từ ngày 6/8/1999 cho đến bây giờ họ nạp tiền cho ủy ban để rồi họ ở lại sản xuất, họ không giữ lời hứa trả lại dòng thánh Giuse, do đó mà tôi có dùng một chữ mạnh là xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản đã dùng thủ đoạn nạp tiền để được ở lại sản xuất và tiền đó tôi cho là tiền mãi lộ, có nghĩa là tiền mua đường. Cũng như những người họ làm điều sai họ không có đường đi, họ cho tiền những người canh đường để họ cho đi. Đó là một thứ tiền gọi là tiền mãi lộ từ 1999 cho đến bây giờ. Mỗi năm họ nạp cho ủy ban nhân dân tỉnh trên 100 triệu đồng, nhưng 2004 là 126 triệu.

Chúng tôi thấy rằng điều này không hợp lý, không công bằng và họ cứ ù lì, họ giữ cơ sở tu viện để làm ăn sản xuất kinh doanh. Do đó mà chúng tôi thấy nó đi ngược lại với công bình xã hội, nó đi ngược lại nhân quyền, quyền tự do tôn giáo thật sự, do đó mà tôi phải cấp tốc đưa đơn khiếu nại khẩn cấp này báo cho họ để họ thi hành điều mà tòa án đã xử.

Nguyễn Khanh: Tòa án thì đã xử nhưng linh mục cũng vừa mới nói rằng họ vẫn nộp tiền cho bên tỉnh, được bao che như vậy họ không rời khỏi địa điểm hiện nay. Lúc đó thì ở bên tòa giám mục và dòng thánh Giuse phải quyết định như thế nào ạ?

LM Lưu Minh Hoàng: Trước hết là dân chúng, dân chúng ở đây họ rất bức xúc, nhất là giáo dân. Dòng thánh Giuse ở giữa hai giáo xứ lân cận mà chúng tôi phụ trách đó là giáo xứ Thánh Gia và giáo xứ Khiết Tâm. Một bên thuộc về phường Phước Long, một bên thuộc về phường Vĩnh Nguyên. Dân chúng họ cũng rất thân quen với nhà dòng từ khi nhà dòng lập cơ sở đầu tiên năm 1955. Họ gắn bó cho nên họ thấy đó là một điều bất công, cho nên họ đứng ra họ tranh đấu và đã có 2 cuộc tranh đấu trước đây như anh biết đó là 15/8. Lễ Đức Mẹ lên Trời thì có cuộc tranh đấu để yêu cầu nhà nước phải tuân thủ về vấn đề nhân quyền, vấn đề tự do tôn giáo, và không để nhà trường đập phá tu viện tại 10 Võ Thị Sáu ngày 15 tháng 8.

Tiếp theo, ngày 30/8 khi công ty Cổ phần Đông Dương trúng thầu lấy đất đó để họ kinh doanh địa ốc, chúng tôi yêu cầu không được xây dựng trong đất đang bị tranh chấp. Nhưng tỉnh lại đỡ đầu bởi vì chính những người trong công ty Cổ phần Đông Dương họ nói tỉnh bảo cứ làm, có chuyện gì tỉnh chịu. Do đó mà dân chúng họ bức xúc, không chịu được cho nên họ đã tranh đấu, căng biểu ngữ, họ đã đảo phản đối. Từ đó (thì) bên công ty (họ) không dám tiến hành, họ đã dừng lại cho mãi đến hôm nay.

Tôi nghe hình như là bên ông chủ tịch của tập đoàn công ty Cổ phần Đông Dương xin rút lui, họ xin thanh lý hợp đồng với tỉnh bởi vì tỉnh đã lấy đất của giáo hội giao cho họ mà họ không biết.

Nguyễn Khanh: Còn một khu đất nữa của tòa giám mục và của nhà dòng thì đang được giải quyết như thế nào ạ?

LM Lưu Minh Hoàng: Vấn đề 16 Phước Long thì chúng tôi đã nói từ lâu là chúng tôi đã có một chương trình làm bệnh viện từ thiện theo chương trình xóa đói giảm nghèo cho các phường xung quanh đây là phường biển nên dân nghèo, không có một bệnh viện nào cả, nhiều khi họ cấp cứu lên Nha Trang thì không kịp. Chúng tôi tự nguyện, với sự giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân thì chúng tôi có thể làm một bệnh viện lớn gồm có cả Đông, Tây, Y và Dược nữa. Cho nên đó là vấn đề mà dân họ rất nức lòng. Do đó khi thấy tỉnh đưa đất để kinh doanh địa ốc thì họ rất là bất bình và ngay cả những người không công giáo,những ngườI lương, những người dân biển họ cũng tranh đấu xin để đất để làm bệnh viện từ thiện xóa đói giảm nghèo chứ không phải xây cao ốc để cho những người giàu họ hưởng. Thật sự dân ở đây không hưởng được. Bởi vì mỗi căn hộ tối thiểu phải trên dưới 300 triệu, thì dân nghèo làm sao có thể mua 300 triệu để có một căn hộ ở trong khu chung cư đó được. Do đó họ rất đồng tình với chúng tôi. Tranh đấu tỉnh trả lại đất để chúng tôi xây bệnh viện từ thiện xóa đói giảm nghèo.

Nguyễn Khanh: Theo dự đoán của linh mục thì mọi chuyện có êm xuôi hay không ạ?

LM Lưu Minh Hoàng: Chắc là không có thể không trắc trở được bởi vì họ không dời đi thì tất nhiên dân chúng họ phải có thái độ thôi. Và tôi cũng nói rằng đây là một cuộc trắc nghiệm nhỏ để nói lên rằng xã hội Việt Nam có công bằng, có dân chủ, có nhân quyền và có tự do tôn giáo thật sự hay không?

Xin xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản trả lời và xin chính quyền ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trả lời cho chúng tôi.

Còn chuyện bức xúc của dân thì đó là chuyện của dân. Tôi không có hô hào họ biểu tình hay làm gì cả, nhưng nếu họ bức xúc thì làm sao chặn được bức xúc của quần chúng. Chúng tôi rất sợ, tôi nghĩ rằng ngày 31/10/2005 xí nghiệp khai thác dịch vụ thủy sản và tỉnh Khánh Hòa dàn xếp thế nào để không xảy ra những điều mà không ai mong muốn cả. Nhất là trong thời gian dầu sôi lửa bỏng này tại đất nước Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Xin được cám ơn linh mục rất nhiều.