ĐỜI TU SAU NGÀY 11 THÁNG CHÍN : CHÚNG TA PHẢI NÊU LÊN NHỮNG DẤU CHỈ NÀO ? (Tiếp theo và hết)

SỐNG KHÔNG CÓ LỊSH SỬ

Ngôi nhà không phải chỉ là một thứ không gian chúng ta có thể chiếm cứ, với những bức tường và những cửa sổ tâm hồn, với những loại ra và kéo vào. Chúng ta còn cần ở nhà đúng vào thời của chúng ta. Chúng ta cần sống trong một lịch sử có thể ôm ấp cả một quá khứ và mở ra cho một tương lai. Chúng ta kiến tạo một ngôi nhà bên trong những câu chuyện của tổ tiên chúng ta, và chúng ta ở đấy thoải mái, chia sẻ với những người cùng chung sống một niềm hy vọng về tương lai, trước và cả sau khi đã xuống mồ. Chúng ta có thể ở đấy trong bình an bởi vì chúng ta biết đại khái chúng ta đang ở chỗ nào trong toàn thể sơ đồ câu chuyện. Chẳng hạn trong Ấn Độ giáo có bốn tầng trong cuộc đời của một con người : làm một người học sinh, một người thuê nhà, làm một người sống trong rừng và cuối cùng là tầng từ bỏ. Một người có thể sống ở nhà mình như là một người đi qua câu chuyện kể chung về đời người như thế. 11.9 đã thay đổi những câu chuyện mà chúng ta đang kể về chính mình và thế giới của mình, và điều này đã khơi sâu thêm cảm thức của chúng ta về sự vô gia cư. Chúng ta không còn chuyện kể về tương lai trong đó chúng ta được ở như ở trong nhà của mình nữa.

Để đơn giản hoá một cách tổng quát, đây là sự biến đổi khá lớn thứ hai của thời đại mà phương Tây trải qua trong những năm vừa rồi. Thuở còn nhỏ, tôi vẫn được nâng đỡ bởi một thái độ lạc quan nền tảng. Bấy giờ có một sự tin tưởng vào sự tiến bộ của nhân loại. Đối với một phần nhân loại thì đó là sự di chuyển tiến đến một thiên đường tư bản còn đối với một phần khác thì đó lại là một thiên đường cộng sản. Nhưng Đông và Tây, tả và hữu, cùng chia sẻ một sự tin tưởng rằng vẫn còn có câu chuyện để mà kể, và nhân loại bấy giờ đi trên con đường tiến đến một thế giới tốt đẹp hơn. Niềm tin tưởng vào tương lai ấy bắt đầu bị xói mòn sau khi Bức tường Bá Linh sụp đổ. Như Fukuyama đã nói câu nổi tiếng, và ông vẫn nuối tiếc mãi vì lịch sử đã kết thúc. Sự sụp đổ của xã hội chủ nghĩa được công bố lên như thể là nhân loại đã đạt đến đích điểm của vận mệnh mình vậy. Tương lai là ở đâu và tương lai giống như Mỹ vậy thôi. Chúng ta thấy Thế Hệ Bây Giờ ra đời, tức là thế hệ thôi không còn mơ đến tương lai nữa. Cũng có cả một sự mất hy vọng càng ngày càng gia tăng đối với những người bị văng ra khỏi giấc mơ tư bản chủ nghĩa nữa. Những bất bình đẳng của thế giới tiếp tục leo thang. Toàn thể các lục địa, đặc biệt là châu Phi, bị khoá chặt lại trong một sự nghèo khó tưởng chừng vô phương chữa trị.

Với ngày 11.9, chúng ta đi vào thời điểm thứ ba trong đó vẫn còn một câu chuyện để kể về tương lai, nhưng đó là một câu chuyện không có lấy một hứa hẹn trừ phi là hứa hẹn sẽ có bạo lực nhiều hơn. Đối với một số người thì đó là câu chuyện “chiến tranh chống khủng bố” còn đối với một số khác thì đó là jihad (thánh chiến) đối kháng với phương Tây đã băng hoại. Đây không phải là một câu chuyện trong đó bất cứ ai cũng cảm thấy mình được sống trong đó thoải mái và như đang ở trong nhà của mình. Dấu chỉ nào về ngôi nhà của nhân loại mà đời sống tu trì có thể cống hiến ?

Trước hết, điều chúng ta không được làm, đó là cống hiến một câu chuyện đối lại (alternative story) về tương lai. Thế kỷ XX đã chịu nhiều đau khổ bởi những người hô hoán rằng mình biết tấm bản đồ vẽ đường đi nước bước của nhân loại. Hàng triệu người đã chết ở các quần đảo thuộc Xô Viết, bị giết chết bởi những người đã biết nhân loại đang được dẫn về đâu. Năm nay, lần đầu tiên tôi tới Auschwitz. Ngay ở cổng vào trại, có một tấm bản đồ vẽ lại cho thấy trại này nằm ở trung tâm của một mạng lưới đường sắt từ Na Uy đến Hy Lạp, từ Pháp đến Ukraina, chuyên chở những con người đi tới chỗ chết. Ở đây đúng là điểm kết thúc của con đường, do những người thực sự hoạch định tương lai của nhân loại đưa ra và bắt người ta phải đi theo. Pol Pot đã tàn sát một phần ba dân Cam Bốt vì ông ta đã biết câu chuyện nào về tương lai phải được kể ra. Ngay sự áp đặt bản đồ chỉ đường của tư bản chủ nghĩa cũng chỉ làm cho hàng triệu con người nghèo đi mà thôi. Chúng ta nghi ngại những người hô hoán mình biết đồ hoạ vĩ đại cũng là phải.

Câu chuyện nền tảng của Kitô giáo hẳn là câu chuyện về khoảnh khắc chúng ta mất không còn lấy một câu chuyện để kể về tương lai. Không hồ nghi gì nữa các môn đệ đi lên Giêrusalem cảm thấy phấn chấn vì được tham gia trước cách nào đó vào những gì sắp xảy đến : Đức Giêsu có lẽ sắp tỏ mình ra là Đấng Mêsia. Quân Rôma chắc sắp đến hồi bị tống ra khỏi Thánh Địa, hoặc cái gì đó na ná như thế. Vì các môn đệ trên đường đi Emmaus đã thú nhận với Đức Giêsu rằng : “Chúng tôi từng hy vọng rằng Người là Đấng cứu chuộc Israel” (Lc 24,21). Bất kỳ câu chuyện nào họ đã kể bây giờ đều sụp đổ hết. Ông Giuđa thì đã bán Đức Giêsu, ông Phêrô thì phản bội Người. Còn các môn đệ khác thì chạy trốn vì sợ. Đối diện với cuộc thương khó và cái chết của Người, họ chẳng còn chuyện nào để mà kể nữa. Vào khoảnh khắc sự mong manh của cộng đoàn sắp sửa thành vỡ vụn này, Đức Giêsu cầm lấy bánh, chúc tụng và trao cho các ông mà nói : “Đây là mình Thầy, bị trao nộp vì anh em”.

Cái nghịch lý của Kitô giáo là cống hiến cho chúng ta một ngôi nhà vào đúng thời nhưng không phải bằng cách kể cho chúng ta một câu chuyện nói về tương lai. Chúng ta không có bản đồ chỉ đường đi nước bước. Chúng ta không thể mở sách Khải huyền ra và nói : “Này các bạn trẻ ơi, năm tai ương đã qua rồi, còn một tai ương nữa đang tới”. Chúng ta tin rằng chúng ta đang trên đường đi tới Vương Quốc của Thiên Chúa, trong đó cái chết sẽ chết và mọi vết thương sẽ được chữa lành, nhưng chúng ta không hề có một ý tưởng nào về việc chúng ta sẽ tới đó bằng cách nào. Sau ngày 11.9, khi một số người bị mê hoặc bởi cái hiện tại vĩnh cửu của Thế Hệ Bây Giờ và một số khác lại kể những câu chuyện chỉ hứa hẹn bạo lực, thì chúng ta lại cống hiến những tin mừng. Chúng ta có một niềm hy vọng không bị cột neo ở bất cứ câu chuyện cụ thể nào về tương lai. Đức Giêsu đã ôm ấp niềm hy vọng ngày trong một dấu chỉ, bánh bẻ ra chia nhau và chén rượu được chuyển vòng tới mỗi người. Chúng ta là những tu sĩ, chúng ta có thể thành những dấu hiệu của niềm hy vọng ấy như thế nào ?

Một trong các đường lối làm dấu hiệu là dám chấp nhận tương lai bất trắc của mình với niềm vui. Các lời khấn của chúng ta là một sự dấn thân công khai để giữ cho mình luôn mở rộng đón tiếp Thiên Chúa của những điều ngạc nhiên, Đấng đảo lộn mọi chương trình kế hoạch của chúng ta về tương lai và yêu cầu chúng ta làm những việc chúng ta chả bao giờ tưởng tượng đến. Có thể nói rằng nếu bạn muốn làm Thiên Chúa cười, thì hãy kể cho Người nghe các kế hoạch của bạn. Hãy thử kể cho các anh em chị em của bạn nghe nữa ! Khi tôi được khảo để khấn trọng, tôi đã thưa rằng con xin vui vẻ làm bất cứ chuyện gì, trừ ra làm bề trên. Các anh em của tôi lại nghĩ khác ! Nhưng chúng ta ôm ấp sự bấp bênh này với sự tự do vui tươi của những người con cái của Thiên Chúa. Vaclav Havel đã viết rằng hy vọng “không phải là một sự xác tín rằng có một cái gì đó sẽ tiến hành tốt, nhưng là chắc chắn rằng có một cái gì đó làm nên ý nghĩa, chứ không phải nó sẽ tiến hành như thế nào”(9). Niềm vui của chúng ta là sự tin tưởng rằng cuộc đời dù có thế nào, với chiến thắng và thất bại đều sẽ được khám phá thấy là nó có ý nghĩa, tuy đôi lúc trong hiện tại nó chẳng ra thế nào cả. Ý nghĩa của cuộc đời chúng ta là mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà để diễn tả mầu nhiệm này chúng ta không có đủ từ ngữ.

Một lần nữa, lời khấn tuân phục là dấu chỉ sáng tỏ nhất cho thấy chúng ta để cho Thiên Chúa tiếp tục làm cho chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta đặt cuộc đời của mình vào tay anh em chị em chúng ta, chúng ta sẽ làm như các anh chị em chúng ta muốn chúng ta làm. Đây không phải là một thứ giật lùi trở về tình trạng thụ động ấu trĩ. Chúng ta vẫn còn là những con người thông minh, có suy nghĩ, có một cái gì để nói trong tương lai của chúng ta. Ít tu sĩ nào ngày nay lại sẵn sàng tuân lệnh đi trồng cây chuối ngược ! Nhưng đúng hơn, đó là một sự chấp nhận tự do cho thấy chúng ta không phải là những tác giả duy nhất của những câu chuyện chúng ta kể. Đó là một hành vi Thánh Thể, theo chân Đức Giêsu Đấng đã trao chính bản thân Người vào tay các môn đệ khi Người nói : “Đây là mình Thầy và Thầy trao tặng anh em”. Và những người trẻ sẽ không được lôi cuốn đến với chúng ta trừ phi họ thấy rằng chúng ta đang khao khát muốn đón nhận hồng ân là chính cuộc đời của họ và sử dụng hồng ân ấy một cách can đảm. Mới đây, tôi có gặp một nữ tu nhân một hội nghị ở Hoa Kỳ, chị nói rằng trong ba mươi năm sống đời tu, hội dòng của chị chưa hề yêu cầu chị làm một điều gì. Họ không dám !

Lời khấn thanh khiết của chúng ta cũng là lời hứa để cho bản thân mình rộng mở đón nhận những điều ngạc nhiên Thiên Chúa hoạch định cho chúng ta. Chúng ta từ khước một mối tương quan diễn tả một niềm hy vọng có một chương trình dự đoán được, một tình yêu vững bền chắc chắn có thể là tốt hơn hoặc tệ hơn, cho dẫu cái chết vẫn là phần của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta hứa yêu thương và đón nhận tình yêu mà không có một ý tưởng rõ rệt về Đấng mà chúng ta sẽ tin tưởng trao phó trái tim của chúng ta cho Người. Khi tôi sắp khấn trọng, thì hành vi tin tưởng trao phó là điều khó lắm đối với tôi. Liệu kết cuộc mình có ra khô héo cằn cỗi và chỉ còn là một con người ngu si đơn chiếc ? Liệu trái tim tôi có còn sống động không ? Nhờ lời khấn này, chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban tặng chúng ta những trái tim bằng thịt, theo những cách thế chúng ta không thể biết trước được.

Nhưng than ôi, đối với hầu hết chúng ta, lời khấn thanh bần mới khó đưa chúng ta tới bất kỳ một sự bấp bênh nào. Tại nhiều nơi trên thế giới, một trong những lôi cuốn của đời tu là đời tu cống hiến sự an toàn về tài chánh và mọi nguồn lợi an sinh chắc chắn. Tại Thượng hội đồng giám mục về Đời Thánh Hiến, Đức hồng y Etchegaray đưa ra lời kêu gọi các tu sĩ đảm nhận một sự thanh bần triệt để hơn. Nếu người ta nhìn thấy nơi sự thanh bần của chúng ta một sự bấp bênh thực sự, thì đó quả là một dấu chỉ của niềm hy vọng đáng quí lắm !

Đời sống khấn hứa của chúng ta chỉ thành một dấu chỉ nếu chúng ta sống đời sống ấy với niềm vui. Bấy giờ chúng ta sẽ thấy mình đang ở nhà trong sự bấp bênh này, thoải mái trong sự không biết khuôn mẫu và câu chuyện của cuộc đời chúng ta. Tôi có thể sung sướng nghỉ ngơi trong sự tin tưởng rằng cuộc đời của chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa ngay cả đôi khi chúng ta không thể nói ngay bây giờ đó là cái gì, bởi vì đó là chính Thiên Chúa.

Thánh Augustinô đã nói : “Trên cõi đời này, dẫu còn phải âu lo, chúng ta hãy cứ hát lên Hallêluia, để một ngày kia khi được yên ổn nơi cõi phúc, chúng ta vẫn có thể hát lên lời này”(10). Một trong những người bạn thân thiết của tôi trong Dòng là một anh em Đa Minh người Pháp, tên là Jean Jacques. Anh được đào tạo làm một chuyên viên về kinh tế học, đã tới Algerie để nghiên cứu về tưới tiêu, đã học tiếng Ảrập, dạy đại học ở đấy. Công việc vất vả nhưng anh rất mãn nguyện. Thế rồi một ngày kia vị Giám tỉnh của anh điện thoại yêu cầu anh trở về dạy môn kinh tế ở đại học Lyon. Anh hoàn toàn hụt hẫng, than thân trách phận, nhưng rồi anh nhớ lại niềm vui vì đã trao tặng cuộc đời mình vô điều kiện. Thế là anh đi mua một chai sâm-banh để mừng với bạn bè. Ít năm sau tôi được anh em bầu làm Tổng quyền của Dòng và tôi đang không tìm ra một ai trong số những người đã biết để vào Ban Tổng cố vấn. Tôi theo dõi và bắt được Jean Jacques và yêu cầu anh vào. Anh xin tôi cho anh suy nghĩ. Tôi nói được. Anh bảo nếu anh cần một tháng để suy nghĩ thì có được không. Tôi yêu cầu anh một ngày thôi. Anh bảo được. Lại sâm-banh nữa ! Đấy đúng là niềm vui vì được ở trong nhà của Thiên Chúa mà không thể đoán trước được.

Charles de Foucault đi thăm một người em họ là anh Francois de Bondy, hai mươi mốt tuổi, và đã bỏ nhiều công sức theo đuổi những thú vui. Nhưng cuộc đời của anh đã được biến đổi khi anh nhìn thấy niềm vui sâu xa của con người tu hành khắc khổ từ Sahara về này. “Bác ấy đi vào trong phòng và bình an đi vào theo bác ấy. Ánh mắt và nhất là chính nụ cười khiêm tốn của bác ấy chiếm lĩnh toàn thể con người của bác ấy … Có một niềm vui không thể tưởng được lưu xuất từ bác ấy … Đã thưởng nếm “những thú vui của cuộc đời” và có thể đùa cợt niềm hy vọng không phải rời bàn lấy một lát, khi thấy rằng toàn thể những gì làm tôi thoả thích cộng lại cũng không nặng ký hơn một mảnh nhỏ so với niềm hạnh phúc của con người tu trì khắc khổ này, tôi đã thấy trỗi dậy trong tôi một tình cảm lạ thường không phải ghen tương tức tối nhưng là kính trọng”(11). Enzo Bianchi trích lời của một giáo phụ thế kỷ thứ tư nói rằng những người trẻ giống như những chú chó săn lúc đi săn. Nếu những chú chó săn đánh hơi thấy chó sói thì chúng sẽ tiếp tục săn cho đến cùng. Nếu chúng không hề ngửi thấy mùi chó sói, thì chúng sẽ dần dần thấm mệt và thôi không săn nữa”(12). Nếu những người trẻ bắt được làn sóng niềm vui của Vương Quốc, thì họ sẽ tiếp tục cho đến cùng.

Một điều là nội tại đối với chứng tá của hy vọng này là chúng ta dám trao tặng toàn thể cuộc đời của chúng ta, usque ad mortem. Chúng ta tin tưởng rằng toàn thể cuộc đời chúng ta rồi sẽ tìm được ý nghĩa. Ở kết cuộc, toàn thể câu chuyện cuộc đời của chúng ta sẽ kiến tạo nên ý nghĩa, cho dù trong đó có những khoảnh khắc tối đen. Trong Instrumentum Laboris 37 có viết rằng : “Cảm thức về sự tạm thời và những khó khăn về văn hoá triền miên/vững bền có thể dẫn chúng ta tới chỗ tìm tòi những khả năng đưa ra những hình thức đời sống thánh hiến “ad tempus” (đúng lúc) tránh khỏi đưa ra cảm thức rằng một số người đã tham gia đời sống thánh hiến một thời gian, rồi đã cảm thấy khô khan hoặc đã bỏ”. Tôi đồng ý như thế. Từ bao nhiêu thế kỷ, các Dòng tu vẫn luôn luôn cống hiến những đường lối thuộc về (belong to) cho những người không ước muốn thực hiện một sự dấn thân trường kỳ. Nhiều Hội dòng của chúng ta nay đang khai phá những đường lối mới có thể khai triển điểm này. Đây cũng là trường hợp một số người nhập đoàn với chúng ta và khấn nhưng một ngày kia lại rời bỏ. Chúng ta không muốn họ mãi mãi bị cảm thức thất bại dày vò. Nhưng điểm này không được làm cho trung tâm của một sự dấn thân usque ad mortem bị đặt thành vấn đề. Thường người ta thắc mắc không biết những người trẻ ngày nay có khả năng để thực hiện một cuộc dấn thân như thế hay không. Có lẽ vấn đề giải quyết là chúng ta có tin rằng họ có khả năng và đang sẵn sàng chiến đấu cho ơn gọi của họ như thế hay không thôi.

SỰ ĐẢO LỘN CỦA THỨ VĂN HÓA KIỂM SÓAT

Chủ đề cuối cùng tôi xin trình bày là văn hoá kiểm soát. Chưa bao giờ hành tinh của chúng ta lại ở dưới sự kiểm soát chi ly bởi một số ít quốc gia như hiện nay. Dù cho có ca ngợi hùng hồn sự phát triển, những quan tâm quốc gia của một số ít nước lại chỉ huy chi phối. Trước hết, chúng ta sống, như chưa từng có trước đây trong lịch sử nhân loại, dưới sự kiểm soát của một siêu quyền lực độc nhất, những lợi ích tầm quốc tế của quyền lực này luôn luôn được bảo vệ. Như ông Bill Clinton đã nói không có sự dị biệt nào giữa chính sách đối nội và đối ngoại. 11.9 một phần là một câu đối kháng chống lại những người muốn nắm quyền kiểm soát hành tình này và những nguồn lợi của nó. Ngày ấy đánh vào những biểu tượng của kinh tế phương Tây và quyền lực quân sự, Tháp Đôi và Ngũ Giác Đài. Nhưng 11.9 cũng lại tăng cường thêm văn hoá kiểm soát này, có một sự leo thang trong việc thu thập thông tin, kiểm soát việc di dân, quân sự hoá thế giới và mất nhân quyền.

Đồng thời, một cách nghịch lý, đây là lúc một nước và ngay cả nước Hoa Kỳ ra như cũng ít có thể kiểm soát được một cái gì hơn. Chúng ta đang sống trong cái được Anthony Giddens gọi là “thế giới đang trốn chạy”(13), “một cánh rừng rậm làm sẵn”. Còn Bauman tưởng tượng thế giới của chúng ta như một chiếc phi cơ không có phi công. Hành khách khám phá ra và cảm thấy kinh hãi vì trong buồng lái trống không mà lại vô phương lấy ra từ cái hộp đen bí mật có dán nhãn “phi công tự động” bất cứ một thông tin nào để xem phi cơ đang bay ở đâu, sắp hạ cánh ở đâu, ai là người chọn phi trường và có qui luật nào cho phép hành khách góp phần vào sự an toàn hạ cánh không”(14).

Ở chính giữa tính cách hiện đại là sự nối kết nghịch lý giữa một văn hoá kiểm soát với tính cách bất khả năng của chúng ta để đảm nhận cuộc đời của chúng ta. Nó được tượng trưng mạnh mẽ bằng những cuộc chiến với kỹ thuật hiện đại, với những vũ khí có độ tinh vi cao nhưng lại vô cùng khó đạt tới những mục tiêu đã định trước. Cứ nhìn vào Việt Nam, Afganistan và Iraq cũng đủ thấy!

Một phần, điều này bắt nguồn từ sự kiện là các công ty đa quốc gia có tầm ảnh hưởng vượt hẳn một quốc gia. Kinh tế là không thể kiểm soát được nữa. Sự linh động của chủ nghĩa tư bản hiện đại làm nảy sinh sự bất an và âu lo. Tất cả sự âu lo này đổ dồn vào những người xa lạ ở bên ngoài biên giới của chúng ta và bên trong họ. Càng ngày các chính quyền càng xem luật lệ và trật tự như là bổn phận hàng đầu của mình. Chống tộí ác là bi kịch hiện đại, nhìn người xa lạ và đổ lỗi cho họ là căn nguyên khiến chúng ta sợ hãi. Bên trong mỗi quốc gia trên thế giới, con số những người bị nhốt trong các nhà tù đang tăng cao. Người có những chương trình hoạt động khác với những chương trình của riêng chúng ta càng ngày càng bị coi là thù địch, “những kẻ khủng bố”, thuộc về “cái trục của ma quỉ” nào đó. Nghèo khó bần cùng đang trở thành bị tội ác hoá. Ngay cả hoạt động cứu trợ nhân đạo và phát triển cũng được liệt vào chương trình hoạt động an ninh của phương Tây. An ninh toàn cầu có nghĩa là an ninh của phương Tây, và các tổ chức phát triển sẽ chỉ được thừa nhận nếu như chấp nhận các ưu tiên của nền an ninh ấy. Đấy là lý do tại sao việc cổ võ viện trợ cho Sudan và Congo hoặc cho các miền khác ở châu Phi đang gặp tai ương lại là chuyện thật gian nan vất vả.

Văn hoá kiểm soát thấm vào máu của đời sống công cộng như việc quản trị chẳng hạn. Mỗi một hình thức thể chế đều phải được quản lý, kiểm tra, đo lường, phải hợp với các chiến lược và phải được thẩm định. Ngay cả Hội Thánh cũng trở thành một định chế phải được điều hành bởi văn hoá kiểm soát. Chúng ta bị giám sát, bị bá cáo và bị thẩm định. Đây không phải là một kế hoạch ma quỉ nào đó của Vaticanô đâu. Nó cho thấy rằng Hội Thánh đang sống cuộc khủng hoảng của hiện đại, cũng giống như bất cứ ai vậy thôi ! Thậm chí các hội dòng cũng thường không cưỡng lại nổi thứ văn hoá quản lý. Những người được bầu lên lo việc điều hành trở thành “Ban Quản Trị”. Các anh em các chị em được biến thành “nhân sự”. Tôi đã gặp các Bề trên thượng cấp văn phòng của các vị nhắc cho tôi nhớ đến các Công ty đa quốc gia. Bề trên thượng cấp trở thành CEO (15). Các Tổng hội đưa ra các chiến lược và thẩm định xem đã hoàn thành đến đâu, như thế nào. Cái gì cũng có thể được đo lường lượng định, và trên tất cả tiền là thước đo.

Nhưng đời tu có cần phải đi vào trong văn hoá kiểm soát này như là một sự bùng nổ của một sự tự do mê hồn. Chúng ta có thể thấy những gợi ý cho biết như thế nghĩa là gì trong câu chuyện nói về Đức Giêsu với người phụ nữ Samari bên bờ giếng. Các Tông Đồ đã đi mua sắm và khi trở về các ông thấy Người đang “chat” với một người phụ nữ hạng kém. “Hãy quay lưng và bạn sẽ không bao giờ biết Người đang dự định làm gì !” Đức Giêsu đang bị giám sát, bị kiểm tra nhưng Người là Đức Chúa không thể kiểm tra được của chúng ta.

Các hội dòng có những cách hiểu khác nhau về bản chất của việc điều hành quản trị. Đó có thể là theo tương quan phụ tử, theo tính cách dân chủ hoặc theo kiểu nhà binh. Chúng ta không chỉ có một cách hiểu duy nhất về bản chất của sự tuân phục. Nhưng chắc chắn tất cả chúng ta đều chấp nhận rằng sự lãnh đạo - tôi phải dùng một từ ngữ mà tôi rất không thích - không có liên quan gì với việc kiểm soát cả. Đó là để phục vụ ân sủng không thể tiên đoán được của Thiên Chúa. Không người nào sở hữu ân sủng và có thể uốn cong sự thực hiện của ân sủng theo kế hoạch làm việc của mình được, đặc biệt ngay cả bề trên cũng không. Vai trò của những người có trách nhiệm lãnh đạo là để bảo đảm rằng không ai là người nắm quyền sở hữu ân sủng của Thiên Chúa, người trẻ cũng không mà người già cũng không, người theo cánh tả cũng không mà người theo cánh hữu cũng không, phương Tây cũng không mà bất kỳ nhóm nào khác cũng không. Thiên Chúa ngự ở giữa chúng ta là Đấng luôn luôn đang làm một điều gì đó mới mẻ và những người có trách nhiệm lãnh đạo sẽ thường thường là những người sau cùng biết cái gì nên làm. Họ là những người có vai trò giữ cho chúng ta luôn luôn rộng mở đón những hướng đi không tiên đoán được theo đó Thiên Chúa sẽ đi đầu dẫn dắt chúng ta, vì như Thiên Chúa đã nói trong sách Isaia “Này, Ta đang làm một điều mới” (……).

Thế cho nên việc lãnh đạo cần phải được tỏ ra như là cách giúp cho các cộng đoàn của chúng ta dám liều, biết luôn luôn tiến đi mà không phải là tìm chọn lựa an toàn, biết tin tưởng những người trẻ, biết chấp nhận sự bất ổn định và khả dĩ bị thương tích. Việc lãnh đạo là nhằm giữ cho những cánh cửa sổ luôn luôn mở rộng đón nhận ân sủng không thể tiên đoán được của Thiên Chúa. Có như thế, trong nền văn hoá kiểm soát này, đời tu mới thành một môi trường sinh học cho tự do nảy nở. Nhưng đây không phải là một thứ tự do của những người áp đặt ý chí của mình đối với người khác, nhưng là thứ tự do để phó nộp chờ đợi điều mới mẻ Thiên Chúa thực hiện.

Tôi đang ở Hoa Kỳ vào thời gian xảy ra chuyện có một số bao thư có chất độc than, và tôi lại ở châu Á lúc xảy ra dịch Sars. Trong cả hai trường hợp tôi đều rất ngạc nhiên bởi bầu không khí kinh hoàng. Trong cái thế giới đầy sợ hãi và âu lo này, đời tu phải là một ốc đảo của tự do và tin tưởng. Chúng ta không nhất thiết phải không sợ hãi gì, nhưng chúng ta không được để cho sợ hãi thống trị chúng ta. Đức Kitô đã chết, Đức Kitô đã phục sinh, Đức Kitô sẽ lại đến. Đấy là tấn kịch duy nhất tối hậu. Vậy phải sợ gì nữa ?

Khi tôi còn đang là sinh viên, cộng đoàn Oxford của chúng tôi có lần bị người ta cho nổ hai quả bom cực nhỏ, do một tổ chức chính trị cánh hữu rất không ưa chúng tôi, vì một vài lý do nào đó chẳng rõ. Tôi còn nhớ đêm hôm ấy bỗng nhiên bị đánh thức bởi những tiếng nổ. Tôi chạy vội xuống trước cửa tu viện của chúng tôi và thấy tất cả các anh em đã tụ tập ở đấy, vẫn còn đang mặc đủ thứ bộ pyjama. Nhưng cha tu viện trưởng đâu ? Cảnh sát tới, và cha tu viện trưởng vẫn cứ ngủ. Tôi vội chạy đi đánh thức cha. Tôi la lớn : “Bom nổ !”. Cha hỏi : “Thế có người nào chết không ?” “Không !”. “Có ai bị thương không ?”. “May quá, không !”. “Thế thì tốt rồi, bây giờ đi ngủ đi rồi sáng dậy sẽ nói chuyện”. Đó là lần tôi thoáng thấy lãnh đạo là thế nào ! Lãnh đạo là giải trừ bi kịch cho những nỗi kinh hoàng nho nhỏ chúng ta vẫn hay gặp. Nếu các lời khấn của chúng ta là một lời hứa để cho Thiên Chúa tiếp tục làm cho chúng ta ngạc nhiên, thì việc lãnh đạo là giữ cho chúng ta được trung tín với quyết tâm can đảm là ôm ấp sự bấp bênh ấy.

Vậy để kết thúc, sau ngày 11.9 hành tinh nhỏ bé của chúng ta phải chịu một cuộc khủng hoảng vô gia cư. Điều này đúng theo chữ đối với hàng triệu người tị nạn, tìm nơi nương thân và di cư bất hợp pháp. Chúng ta cũng phải chịu một cảnh vô gia cư về văn hoá, một cảm thức về sự bất ổn định và sự đảo lộn của những nền văn hoá địa phương trong đó nhân loại đã xây dựng lên nhiều ngôi nhà của mình. Với tư cách là những tu sĩ, chúng ta được kêu gọi trở thành một dấu chỉ cho căn nhà rộng rãi tức là nhà của Chúa Cha, “trong nhà đó có nhiều chỗ” (Ga 14,2). Chúng ta có thể làm được điều này khi dựng nhà của chúng ta với người Samari và đón tiếp người Samari vào căn nhà của chúng ta. Vào thời điểm này, chúng ta cũng phải đối diện với một thách đố tế nhị hơn, đó là kiến tạo căn nhà của chúng ta với những người xa lạ trong các hội dòng của chúng ta và trong Hội Thánh của chúng ta. Tất cả những điều này đòi hỏi chúng ta phải có một trí tưởng tượng đầy sáng tạo. Chúng ta cần để cho Chúa Thánh Thần phá đổ những học thuyết có tính cách ý thức hệ nhỏ bé hoặc của cánh tả hay của cánh hữu, trong đó chúng ta đang tìm kiếm sự an toàn. Chúng ta cần tìm ra những từ ngữ giúp chúng ta mở rộng đón nhận sự mênh mông bao la của Thiên Chúa, và đừng ép Thiên Chúa vào trong trái tim và tâm trí nhỏ bé hẹp hòi của chúng ta.

Từ ngày 11.9, cảm thức vô gia cư đó đã hoá sâu hơn do sự mất câu chuyện để chúng ta có thể kể về tương lai của chúng ta. Càng ngày câu chuyện thống trị cuộc đời chúng ta càng là câu chuyện về chiến tranh chống khủng bố và jihad. Chúng ta là những tu sĩ, chúng ta có thể ở trong nhà của chúng ta vào thời điểm có sự mất định hướng này, nhưng không phải bằng cách cống hiến một câu chuyện đối lại (alternative story), nhưng bằng cách ôm ấp cách vui tươi và tự do sự bấp bênh. Chúng ta tin tưởng rằng cuộc đời của chúng ta rồi cuối cùng phải tìm được một ý nghĩa và như thế chúng ta có thể sung sướng để cho Thiên Chúa tiếp tục làm nảy sinh những điều ngạc nhiên thú vị trên chúng ta.

Sự bất an của những thời điểm hiện nay làm nảy sinh sự lo âu, và điều này tập trung ở văn hoá kiểm soát. đến nỗi khiến chúng ta ngã gục dưới những mẫu quản trị và điều hành mới. Nhưng việc lãnh đạo phải mở rộng cửa lớn cửa sổ của những căn nhà chúng ta để cho Chúa Thánh Thần đi vào, Người là Đấng “không ai biết từ đâu đến và cũng không biết Người đi đâu … Vậy bất cứ ai sinh ra bởi Thánh Thần cũng như thế” (Ga 3,8).

05.12.2004

PHỤ CHÚ

9 - Trích dẫn bởi Seamus Heaney, The Redress of Poetry, p. 4.

10 - Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Sách, Bài đọc 2, Tuần XXXIV Thường niên, thứ bẩy.

11 - Trích dẫn bởi Fergus Fleming, The Sword and the Cross, London 2003, p. 235f.

12 - Ricominciare nell’anima, nella Chiesa, nel Mondo, Genova 1999, p. 53.

13 - Runaway World : How Globalization is reshaping our world, London 1999.

14 - Liquid Modernity, p. 59.

15 - Viết tắt chữ Chief Executive of the Organization.