CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM B : MC 1,1-8

Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa : Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng : Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, để dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”



MỘT ĐẤNG QUYỀN THẾ HƠN SẮP ĐẾN

Ngày 24-6-1998, bộ Giáo lý Đức tin đã ra một thông tri, do ĐHY Joseph Ratzinger (Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI tương lai) ký, bàn đến “những khía cạnh đáng tranh cãi trong các tác phẩm của cha Anthony de Mello, dòng Tên” (1931-1987), một tác giả tu đức nổi tiếng người Ấn Độ (Documentation Catholique 2189, 839-844). Trong thông tri có đoạn viết: “Cha de Mello cho thấy cha đánh giá cao Đức Giê-su và tự xưng là “môn đệ” của Người. Nhưng cha xem Người như một tôn sư giữa bao tôn sư khác. Khác biệt duy nhất với mọi người còn lại, theo cha là Đức Giê-su đã “giác ngộ” và tự do hoàn toàn, trong lúc những kẻ khác thì không. Người chẳng được công nhận như Con Thiên Chúa, nhưng chỉ như một vị dạy chúng ta rằng mọi người đều là con Thiên Chúa hết thảy. Các khẳng định của cha về số phận chung quyết của con người cũng gây hoang mang. Có khi cha nói đến việc “hòa tan” mình trong vị Thiên Chúa vô ngã, như muối trong nước. Có khi chính vấn đề số phận sau khi chết được tuyên bố là không quan trọng. Chỉ đời sống hiện tại mới đáng kể thôi...”.

1. Người không chỉ là Tôn sư

Việc chọn lễ Sinh nhật thánh Gio-an Tẩy giả để đưa ra thông tri này thật ý nghĩa, vì trong Tân Ước, trước tất cả mọi người, Gio-an Tẩy giả, vị đại ngôn sứ, bản lề giữa hai Giao ước cũ và mới, đã loan báo một “Đấng quyền thế hơn ông”. Ngược dòng vài khuynh hướng chỉ muốn thấy nơi Đức Giê-su sự phàm hèn và tự hạ của Người, chúng ta suy niệm hôm nay lời loan báo về quyền lực của Người như thế. Phụng vụ Mùa Vọng hướng chúng ta về ngày Giáng sinh trong quá khứ nhưng cũng hướng chúng ta về cuộc Quang lâm của Vua Vũ trụ trong tương lai !

Bao lâu chưa hiểu biết hay kinh nghiệm về “Đấng quyền thế hơn” này, chúng ta sẽ giở Tin Mừng để tìm trong đó nhiều lời khuyên bảo, nhiều quy tắc luân lý, nhiều kinh nghiệm thiêng liêng, thậm chí nhiều chỉ dẫn thực hành…, đang khi các trang này chờ đợi ta để cho ta sự “hiện diện” sống động và tác động của Đức Giê-su, để đặt ta tiếp xúc với Đức Giê-su và để đưa ta vào trong quyền lực rạng rỡ của Người. Có lẽ do một quan niệm thiếu cơ sở thần học về đối thoại tôn giáo, đồng thời do việc khám phá nhiều giá trị tích cực, cao đẹp trong các tôn giáo khác, lắm Ki-tô hữu hôm nay muốn “khiêm tốn” (tưởng để dễ đối thoại) bằng cách giản lược Ki-tô giáo thành một nền luân lý (dẫu là luân lý cao cả : đạo tình thương), hạ Đức Giê-su xuống ngang hàng các vị giáo tổ vốn thuần là những con người, những con người chỉ đường giải thoát (nào đó) chứ không phải là con đường giải thoát và càng không phải là chính ơn giải thoát, những con người chẳng bao giờ tuyên bố: “Ta là Đường, là Sự Sống, là Sự Thật”.

Cha Anthony de Mello, tiêu biểu cho hạng Ki-tô hữu đó, rõ ràng tỏ ra gắn bó cá nhân với Đức Ki-tô, tuyên bố mình là môn đệ của Người (x. tác phẩm Nguồn suối, 13.99), tin vào Người, đích thân gặp gỡ Người, được sự hiện diện của Người biến đổi. Nhưng nhiều khẳng định của cha đã gây bối rối : cha nhắc đến Đức Giê-su như một vị thầy giữa bao vị thầy : “Lão Tử và Socrate, Thích Ca và Giê-su, Zarathoustra và Mahomét” (Một phút khôn ngoan, 13). Theo cha, Đức Giê-su trên thập giá xuất hiện như kẻ đã hoàn toàn tự giải thoát khỏi tất cả : “Tôi thấy đấng chịu đóng đinh bị tước bỏ hết thảy : bị tước bỏ phẩm giá… bị tước bỏ thanh danh… bị tước bỏ mọi nâng đỡ… bị tước bỏ Thiên Chúa của mình… Đang khi dán mắt vào thân thể vô hồn nầy, tôi dần dần hiểu rằng mình đang nhìn biểu tượng của sự giải thoát cao cả và trọn vẹn. Chính vì bị đóng đinh vào thập giá mà Đức Giê-su trở thành hằng sống và tự do… Thế là giờ đây tôi nhìn vẻ uy nghi của con người đã giải thoát mình khỏi tất cả những gì biến chúng ta thành nô lệ, những gì phá hủy hạnh phúc của chúng ta…” (Nguồn suối, 92-93). Đức Giê-su trên thập giá, theo cha, là con người đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc, thành thử Người trở nên biểu tượng của việc giải phóng nội tâm khỏi hết thảy những gì chúng ta đã gắn bó. Nhưng ngoài tính cách con người tự do như thế, Người còn là cái gì hơn nữa chăng? Người là Cứu chúa của chúng ta hay chỉ nhắc chúng ta nghĩ đến một thực tại mầu nhiệm đã cứu rỗi Người? “Lạy Ngài, có bao giờ tôi tiếp xúc được với nguồn suối phát sinh những lời nói và sự khôn ngoan của Ngài?... Có bao giờ tôi tìm được nguồn suối phát sinh đức can đảm của Ngài?” (Nguồn suối, 116). “Khía cạnh đẹp nhất của Đức Giê-su là Người thoải mái với các tội nhân, vì Người hiểu rằng mình chẳng tốt hơn họ gì cả… Điểm khác biệt giữa Đức Giê-su với các tội nhân nằm ở chỗ Người đã giác ngộ còn họ thì không” (Sứ điệp cho một con phượng hoàng coi mình là chú gà tơ, 37)…

2. Người còn thật là Chúa tể

Tin Mừng thật ra mời gọi chúng ta sống một cuộc mạo hiểm hoàn toàn khác với Đức Giê-su. Một hành trình tiến tới sự giải thoát nhờ Người và trong Người. Một tình yêu không chỉ cảm thông mà còn có sức mạnh cứu rỗi, một tình yêu trong ấy có Chúa Cha, có mọi anh chị em, và có sự sống vĩnh cửu đích thực (“Tôi đến để cho họ được sống” : Ga 10,10).

Tất cả những gì thiên hạ có thể nói với ta về Người phải giúp ta đào sâu lời đầu tiên về Người, lời của Gio-an Tẩy giả : “Một Đấng quyền thế hơn tôi đang đến”. Cuộc mạo hiểm của chúng ta với Đức Giê-su bắt đầu khi đối với chúng ta, Đức Giê-su mà Tin Mừng trình bày như một con người nhân bản, thân tình, nói lắm điều tốt đẹp, hay cha de Mello trình bày như một vị thầy đã “giác ngộ” và tự do trọn vẹn, Đức Giê-su ấy trở thành Trung tâm của lịch sử, Trung tâm của thế giới hiện tại và thế giới tương lai, Đấng Cứu chuộc mọi người, Tình yêu cao cả : “Thiên Chúa đã cho ta được biết mầu nhiệm ý muốn của Người… mà Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô, để thực hiện kế hoạch khi thời gian tới hồi viên mãn : đó là quy tụ muôn loài trên trời dưới đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,9-10). Người có lẽ đã là bạn, bạn chúng ta. Nhưng Người còn là một Đấng mà chúng ta không thể nào giao tiếp kết liên với, mà chẳng cảm thấy được đón nhận tất cả và chiến thắng tất cả cùng Người, nhờ Người và như Người, Con Thiên Chúa, Thủ lãnh của hoàn vũ, Anh cả của nhân loại : “Chính Con của mình, Thiên Chúa đã không tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta; lẽ nào, cùng với người Con ấy, Người lại chẳng rộng ban mọi sự cho chúng ta?... Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,32.37).

Một trong những bài giảng đầu tiên về Đức Giê-su, bài giảng của Phê-rô tại nhà viên bách quản Co-nê-li-ô, cho chúng ta thấy rõ quyền lực của Người : “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa của mọi người. Đức Giê-su ấy, xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong” (Cv 10,36.38). Khi bị trói và bị lôi đến trước Thượng Hội đồng để nghe đặt câu hỏi tóm tắt toàn bộ Tin Mừng Mác-cô : “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng đáng chúc tụng không?”, Đức Giê-su sẽ trả lời : “Các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng” (14,61-62). Trước đó, trong bữa ăn giã từ, Người đã xác nhận với môn đệ : “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, anh em nói đúng, quả thật, Thầy là thế” (Ga 13,13). Trước khi về trời, Người còn khẳng định với họ một lần nữa : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18).

“Các ông sẽ thấy…”, “Anh em đang gọi…”. Nếu tất cả tùy thuộc Đức Giê-su, thì trước hết tất cả tùy thuộc cái nhìn của chúng ta về Người. Hành trình Tin Mừng thứ hai mà chúng ta sắp rảo qua theo chân Mác-cô trong năm phụng vụ này, sẽ là một nỗ lực để thấy điều đó. Nỗ lực này phải dẫn chúng ta đến một niềm tin khiến chúng ta hiểu con người được Gio-an Tẩy giả coi như “quyền thế hơn ông”, “làm phép rửa bằng Thần Khí” là “quyền năng của Thiên Chúa” (1Cr 1,24) đến độ nào. Khi những giờ phút khó khăn nổi lên, tư tưởng này có thể đẩy chúng ta về Đức Giê-su với một niềm tin vô biên, vô điều kiện. Đức Giê-su hôm qua, hôm nay và mãi mãi là Đấng Cứu Độ duy nhất. Người phải là Đấng Cứu Độ duy nhất, chúng ta mới làm công việc dọn đường cho Người đến chứ không chỉ nghe lời Người. (Xem Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn “Dominus Jesus” (Chúa Giê-su) về độc nhất tính và phổ quát tính cứu độ của Đức Giêsu Kitô và của Giáo Hội, ban hành tại Rô- ma ngày 6 tháng 8 năm 2000).