Nhân dịp Bộ Truyền thông của Tòa Thánh ban hành một tài liệu dài về truyền thông, Phil Lawler của hãng tin Catholic World News, ngày 29 Tháng Năm, 2023, có bài bình luận như sau mà câu kết luận có hơi quá đáng:



Trong một tài liệu mới được công bố vào ngày 29 tháng 5, Bộ Truyền thông của Vatican đưa ra một suy tư thấu đáo và sâu sắc khác thường về “thách thức thúc đẩy các mối liên hệ hòa bình, có ý nghĩa và quan tâm trên mạng xã hội”.

Khi việc sử dụng internet trở nên phổ biến hơn và quan trọng hơn trong cuộc sống hàng ngày, các viên chức Vatican thường bình luận về những nguy cơ và cơ hội do các phương tiện truyền thông xã hội mới mang lại. Nhưng hôm nay, Bộ Truyền thông nhận xét rằng “chúng ta đang sống trong một hệ sinh thái được định hình, trong cốt lõi của nó, bởi kinh nghiệm chia sẻ xã hội,” và giải quyết những thách thức của thực tại mới đó.

Tài liệu có chữ ký của Paolo Ruffini và Đức Ông Lucio Ruiz, lần lượt là bộ trưởng và thư ký của bộ—cho thấy một sự hiểu biết sâu sắc về các phương tiện truyền thông xã hội mới. Mặc dù nó không đề xuất các hướng dẫn cụ thể cho việc sử dụng internet, nhưng nó nhằm mục đích “thúc đẩy sự suy nghĩ chung về trải nghiệm kỹ thuật số của chúng ta, khuyến khích cả các cá nhân lẫn cộng đồng thực hiện một cách tiếp cận sáng tạo và mang tính xây dựng có thể thúc đẩy văn hóa tình láng giềng”.

Tiêu đề của tài liệu — “Hướng tới một Sự Hiện Diện Trọn Vẹn”—không hứa hẹn lắm. Nhưng phần lớn suy tư này được xây dựng dựa trên một dẫn chứng đáng lưu ý về dụ ngôn Người Chăn Chiên Nhân Lành. “Dụ ngôn có thể truyền cảm hứng cho các mối quan hệ trên mạng xã hội vì nó minh họa khả năng xảy ra một cuộc gặp gỡ có ý nghĩa sâu sắc giữa hai người hoàn toàn xa lạ. Người Samaritanô phá vỡ ‘sự phân chia xã hội’: anh vươn ra ngoài ranh giới của sự đồng tình và bất đồng.”

Các nguy hiểm kỹ thuật số

Tài liệu thừa nhận việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào, thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và phản ứng, cám dỗ những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hướng tới suy nghĩ hời hợt và kích thích kỹ thuật số quá mức.

Thay vì tập trung vào một vấn đề tại một thời điểm, sự chú ý từng phần liên tục của chúng ta nhanh chóng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. Trong tình trạng 'luôn mở lên' của chúng ta, chúng ta phải đối đầu với sự cám dỗ muốn ấn lên ấn xuống ngay lập tức vì chúng ta bị cuốn hút về mặt sinh lý vào sự kích thích kỹ thuật số, luôn muốn có nhiều nội dung hơn khi vô tận cuộn lên cuộn xuống và thất vọng vì thiếu thông tin cập nhật.

Ngoài những vấn đề ai cũng biết đó, Vatican cũng kêu gọi sự chú ý đến việc sử dụng các thuật toán mạnh mẽ thu thập dữ liệu về người dùng phương tiện truyền thông xã hội: dữ liệu có thể được thu thập cho mục đích thương mại. Vì lý do đó, Vatican cảnh cáo rằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội “không phải là miễn phí: chúng ta đang trả giá bằng số phút chú ý và số byte [tám chữ số nhị phân] dữ liệu của chúng ta”.

Tài liệu cảnh cáo chống lại việc thương mại hóa các tài khoản mạng xã hội, nhưng cũng nhận thấy rằng các thuật toán giống nhau sẽ tập hợp những người có quan điểm giống nhau lại với nhau và “khi mỗi người rút lui vào bong bóng đã được lọc riêng cho mình, mạng xã hội đang trở thành con đường dẫn nhiều người đến sự thờ ơ, phân cực và chủ nghĩa cực đoan.” Vì mỗi chúng ta tiếp xúc với những quan điểm phù hợp với quan điểm của chính mình—và vì những biểu thức sống động hơn của những quan điểm đó thu hút nhiều sự chú ý hơn và một lần nữa nhiều ảnh hưởng hơn, nên mạng xã hội đang “khuyến khích những tác phong cực đoan”.

Phong cách Kitô giáo: những người thợ dệt hiệp thông

Để đề phòng những mối nguy hiểm trên, tài liệu của Vatican khuyến khích các Kitô hữu áp dụng cách tiếp cận “lắng nghe” đối với các phương tiện truyền thông xã hội, tìm kiếm sự hiểu biết thực sự về những người mà họ tương tác. Tài liệu viết: “Phong cách của Kitô hữu nên có tính suy tư, chứ không phản ứng, trên mạng xã hội”.

Hơn nữa, Kitô hữu “có đầu óc kỹ thuật số tự nhiên” (digital native) nên làm việc với những người khác, xây dựng các mối tương quan trực tuyến để tạo ra cảm thức cộng đồng thực sự. “Điều cấp bách là phải học cách hành động với nhau, với tư cách là một cộng đồng chứ không phải với tư cách cá nhân. Không phải với tư cách là những người gây ảnh hưởng cá nhân, mà là những người dệt nên sự hiệp thông: tập hợp tài năng và kỹ năng của chúng ta, chia sẻ kiến thức và đóng góp.”

Bộ Truyền thông thậm chí còn đưa ra một cách để hiểu khái niệm “cộng đồng” vì nó có thể phát triển thông qua phương tiện truyền thông xã hội:

“Vượt xa sự gần gũi về địa lý-lãnh thổ hay dân tộc-văn hóa đơn thuần, những gì tạo nên một cộng đồng là sự chia sẻ chung về sự thật cùng với một cảm thức thuộc về, có đi có lại và liên đới, trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Thông điệp của Vatican cảnh cáo những người có tư chất kỹ thuật số chống lại các biện pháp hời hợt để đạt được thành công trực tuyến, nhắc nhở họ rằng “không hề có ‘người thích’ nào cả và hầu như không có ‘người theo’ nào cả vào lúc vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ vĩ đại nhất!” Tài liệu nhận xét rằng mọi Kitô hữu có sự hiện diện trực tuyến đều là một “người gây ảnh hưởng nhỏ”. Những người khai triển được nhiều người theo dõi hơn thì có nhiều trách nhiệm hơn, nhưng mọi người đều có nghĩa vụ đạo đức là sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho các mục đích tốt, lưu tâm đến khả năng của họ trong việc mang những người khác đến gần Chúa Kitô hơn.

Các vấn đề của chính Vatican

Tài liệu mới của Vatican để lại một số câu hỏi quan trọng chưa được trả lời. “Có một nhu cầu cấp thiết để hành động không chỉ với tư cách cá nhân, mà còn với tư cách là cộng đồng,” Bộ Truyền thông nói với độc giả như thế. Nhưng có rất ít gợi ý cụ thể để xây dựng những cộng đồng như vậy. Cũng vậy, tài liệu đưa ra thông điệp đầy hy vọng rằng “mạng xã hội không phải được đúc trong đá. Chúng ta có thể thay đổi nó.” Nhưng ngoài việc nói rằng chúng ta có thể gây áp lực lên các nhà cung cấp trực tuyến lớn để biến cương lĩnh của họ thành “môi trường nhân bản và lành mạnh hơn”, tài liệu không đưa ra hướng dẫn thực tế nào hơn.

Với 82 đoạn, tài liệu khá dài—đặc biệt là đối với thông điệp cảnh cáo về tình trạng giảm khả năng chú ý của người dùng internet. Và đôi khi nó biến thành biệt ngữ của giáo hội—như khi nó đưa ra gợi ý gần như vô nghĩa rằng internet có thể cho thấy “bộ mặt đồng nghị của Giáo hội”.

Nhưng có lẽ điểm yếu lớn nhất của tài liệu của Vatican này nằm ở sự kiện nó không đề cập đến một thí dụ rõ ràng về cách tiếp cận bị “Hướng tới Sự Hiện diện Thực sự” đả kích một cách kịch liệt. Vatican cảnh cáo chống lại sự chia rẽ bên trong Giáo hội có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bởi những bình luận vội vàng, quá khích và thiếu tôn trọng. Nó thậm chí còn lưu ý rằng cách tiếp cận đối đầu như vậy là “đặc biệt đáng lo ngại khi nó xuất phát từ giới lãnh đạo Giáo hội.” Tuy nhiên, vì những lý do hiển nhiên, Bộ Truyền thông không nhắc chi đến việc cho rằng người duy nhất chịu trách nhiệm chính trong việc gây chia rẽ theo cách tiếp cận đó cũng là người được trích dẫn thường xuyên nhất trong thông điệp mục vụ này.