Đức Hồng Y Wilhelm Jacobus Eijk, Tổng Giám mục Utrecht, Hà Lan, cho rằng sự phổ biến của Trí Tuệ Nhân Tạo và các dịch vụ liên quan đến nó đòi hỏi Giáo hội Công giáo phải đáp ứng và cân nhắc.

Đức Hồng Y Eijk không chỉ là một Hồng Y và tổng giám mục, mà còn là một bác sĩ được đào tạo và một chuyên gia về đạo đức sinh học. Đối với ngài, có một điều chắc chắn: một mặt, Giáo Hội cần phải có mặt trong các chatbot như ChatGPT hay Google's Bard, hơn nữa, phải “truyền giáo” cho chúng để các phản hồi cũng bao hàm quan điểm tôn giáo. Mặt khác, cần phản ánh rộng hơn về tác động của trí tuệ nhân tạo và đặc biệt là về cách sử dụng Trí Tuệ Nhân Tạo, bao gồm cả trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ và chăm sóc y tế, ảnh hưởng đến cách mà xã hội nhìn nhận con người.

Đức Hồng Y, nổi tiếng vì đã yêu cầu Giáo hội làm sáng tỏ vấn đề về hệ ý thức hệ giới tính, đã xác tín rằng: Giáo hội cũng phải nêu rõ lập trường của chính mình bằng một tài liệu chính thức về tác động của trí tuệ nhân tạo đối với con người. Đồng thời, ngài khẳng định rằng vẫn chưa phải là lúc, bởi vì cần phải có một sự phản ánh rộng lớn hơn nhiều.

“Thật khó để có một cái nhìn tổng quan về tất cả những gì trí tuệ nhân tạo có thể làm cho chúng ta vì đây vẫn là một lĩnh vực ít được biết đến. Nhưng các công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo như chatbot cũng có thể nói lên điều gì đó về các vấn đề tôn giáo.”

Tổng Giám mục Utrecht kể lại rằng trong một bài giảng, ngài đã đưa ra một ví dụ mà ngài đã đọc trong một cuốn sách, đề cập đến Thomas Aquinas:

“Tuy nhiên, một phó tế từ tổng giáo phận của tôi, đồng thời là giáo sư tín lý tại phân khoa thần học của chúng tôi ở Utrecht, không nhớ đã nghe câu chuyện này về Thánh Thomas Aquinas. Vì vậy, một linh mục trẻ đã hỏi một chatbot, và chatbot trả lời rằng ví dụ này đến từ Thánh Albert Đại đế, không phải Thánh Thomas Aquinas. Vì vậy, sự thật là gì? Phản hồi của chatbot là kết quả tính toán của trí tuệ nhân tạo. Nhưng điều này cũng có nghĩa là việc thêm nhiều thông tin tôn giáo vào chatbot có thể ảnh hưởng đến phản hồi. Để làm được điều này, chúng ta phải cố gắng có mặt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Mặc dù Trí Tuệ Nhân Tạo có thể làm được nhiều việc hơn là chỉ nhắn tin: Chatbot, với tư cách là hệ thống đối thoại dựa trên văn bản, đang rất thịnh hành ngày nay.

Một ví dụ nổi bật là “Bing” của Microsoft, đã phát triển với công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo từ một công cụ tìm kiếm thành một chatbot hỗ trợ Internet.

Chatbots như Bing hoặc Bard có thể dễ dàng mô phỏng các cuộc trò chuyện với các vị thánh dựa trên thông tin được phổ biến về cuộc đời và lời nói của các vị thánh.

Đức Hồng Y Eijk thừa nhận rằng một số thận trọng là cần thiết, nhưng đồng thời: “Nếu chúng ta chờ đợi quá lâu, những người khác sẽ đưa ra nhiều thông tin hơn để xác định câu trả lời. Vì vậy, chúng ta không nên đợi lâu mới hành động trong lĩnh vực này. Chúng tôi không biết hậu quả của việc sử dụng rộng rãi nhu liệu chatbot, nhưng chúng tôi đã có thể thấy trước một kịch bản nhất định. Người ta nói rằng nhu liệu này có lỗi, nhưng chúng sẽ như thế nào sau 10, 20, hay 5 năm nữa? Sẽ có những loại trí tuệ nhân tạo khác, những máy tính mạnh hơn nhiều có thể đưa ra câu trả lời chính xác hơn nhiều. Ngay bây giờ chúng ta cần phải tác động đến các câu trả lời.”

Đức Tổng Giám mục Utrecht nhấn mạnh rằng “việc sợ phát triển là điều dễ hiểu, bởi vì trí tuệ nhân tạo cũng có thể gây ra những hậu quả rất tiêu cực cho xã hội của chúng ta”.

Đức Hồng Y cho biết vấn đề về trí tuệ nhân tạo không chỉ ảnh hưởng đến việc sử dụng nhu liệu để tương tác, mà còn là vấn đề rộng lớn hơn về “việc người máy hóa xã hội của chúng ta, có thể dẫn đến mất nhiều việc làm, đặc biệt là những người chưa học một chuyên ngành nào.

Đức Hồng Y Eijk tiếp tục:

«Nói tóm lại, người máy là một loại nhân viên không đòi tăng lương, làm việc hai mươi bốn giờ một ngày mà không biết mệt mỏi. Điều này có thể thay đổi hoàn toàn xã hội của chúng ta, và tôi có ấn tượng rằng cho đến nay chưa có nhận thức nào, cả trong Giáo hội cũng như trong xã hội, về những thay đổi sâu sắc sẽ đến với chúng ta trong những năm tới.

Ngài nói, một mối nguy hiểm thực sự là nguy cơ của một “thuyết siêu nhân” mới, trong đó con người có thể bị đối xử và coi như máy móc. Ví dụ, Đức Hồng Y Eijk nhớ lại rằng “chúng ta đã có những viện dưỡng lão nơi người máy phân phát thực phẩm. Phân phát thức ăn cho người bệnh. Đây là những khoảnh khắc con người tiếp xúc với bệnh nhân, và điều đó đã bị đánh mất.


Source:infocatolica.com