III Sự hiện diện vô hình của Giáo Hội hữu hình; Giáo Hội, bí tích cứu rỗi cho các chi thể của mình và cho những người khác

Phong trào Đại kết Công Giáo

1. Công đồng Vatican II đã dành cho Giáo hội danh nghĩa "bí tích cứu rỗi", bí tích cứu rỗi phổ quát, {29} mà tầm ý nghĩa của nó đối với tôi rất lớn lao. Chính nó đã kêu gọi người Công Giáo đi vào con đường đại kết. Do đó, tiêu đề chung mà tôi đã đặt cho phần thứ ba này, trong đó sẽ bàn tới phong trào đại kết theo nghĩa thích đáng của nó (liên quan đến toàn bộ các Kitô hữu), nhưng cũng là "phong trào đại kết" theo nghĩa mở rộng (liên quan đến toàn thể con người).



Hạn từ phong trào đại kết là một hạn từ thánh thiện và đáng kính; không phải là lỗi của nó khi, phản bội lại tư tưởng của Công đồng, nhiều kẻ bất tài, bị kích thích bởi một số ít các nhà tư tưởng tiên phong (xin lỗi, tôi nên nói là có sức lôi cuốn), đã gọi phong trào đại kết ngày nay là tìm kiếm một chủ nghĩa phổ quát giả tạo, mà điều kiện đầu tiên là thờ ơ đối với sự thật: ý tưởng là hợp nhất tất cả các Kitô hữu bất chấp những bất đồng của họ, - và hợp nhất mọi người bất chấp sự đa dạng trong niềm tin của họ, - trong cùng một "Giáo hội" tập hợp họ lại nhân danh Chúa Giêsu nhằm dẫn họ đến sự viên mãn cuối cùng của chúng ta trên trái đất, mà không biết rằng điều nào là điều nào hoặc điều kia hệ ở điều gì. Tuy nhiên, bổn phận trung thành với ánh sáng là một bổn phận mà người ta không thể trốn tránh, mà không cùng một lúc từ bỏ trí hiểu của mình.

Theo nhận xét của Cha Cottier, người bạn của tôi, trong sự nối kết ấy, người ta có thể lưu ý điều này: những điều siêu việt chơi khăm chúng ta bởi vì chúng quá cao đối với chúng ta. Vào thời điểm diễn ra các cuộc chiến tranh tôn giáo, ý tưởng Chân lý đã làm vô số người trung hậu trở thành dữ tợn, nhân danh nó tàn sát lẫn nhau một cách không thương tiếc. Ngày nay, ý tưởng Hợp nhất khiến vô số người trung hậu giống như thế quên hẳn điều vốn thuộc sự thật, hay nói cách khác làm họ trở thành lố bịch không cứu chữa nổi.

Tuy nhiên, tạ ơn Chúa, có một phong trào đại kết đề cao chủ nghĩa phổ quát chân chính, (vì nó nối kết lòng trung thành trọn vẹn với chân lý và lòng nhiệt thành yêu thương hợp nhất) cần được tái lập, nếu có thể, giữa mọi Kitô hữu và cần được mọi người công nhận. Đối với những người anh em bất đồng của chúng ta, Cha Congar đã có công lớn vì, trong tác phẩm xuất bản sớm vào năm 1937, ngài đã kêu gọi người ta chú ý tới phong trào đại kết Công Giáo này{30}, tới sự tiến bộ mà Công đồng Vatican thứ hai ngày nay đang yêu cầu giới trí thức Kitô giáo cống hiến một nỗ lực đổi mới rộng lớn cho nó trong tinh thần đức tin tinh tuyền sốt sắng.

2. Vấn đề đặt ra trước hết liên quan đến các giáo phái Kitô giáo bất đồng. Vấn đề về họ sẽ được nói tới trong hai tiết sau. Lúc này, tôi sẽ tự giới hạn trong hai nhận xét:

Nhận xét đầu tiên, điều quả hiển nhiên là người ta không thể quan niệm một cuộc tập hợp đại kết như cuộc tập hợp của một loại hội đồng quản trị, mà các thành viên của nó đại diện và bảo vệ các lợi ích đa dạng và đi đến một thỏa thuận nhờ các nhượng bộ và thỏa hiệp hỗ tương. Sự thật của mạc khải Thiên Chúa không bị chia thành các phần được mỗi giáo phái Kitô giáo sở hữu riêng, đến nỗi, sự hợp nhất có được là nhờ việc tập hợp các phần khác nhau này lại thành một tổng thể đơn nhất. Thực ra, tổng thể này đã có sẵn rồi, trong Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Giáo hội mà người kế vị Phêrô là người đứng đầu ở đây trên trái đất này đã nhận sứ mệnh đề xuất cho con người toàn bộ chân lý của mạc khải đã được Chúa Kitô hoàn tất và của tín lý đức tin, với sự phong phú kỳ diệu và sự sâu sắc thần linh trong mọi chủ đề tương phản mà nó bao trùm và dung hòa. Sai lầm xuất phát từ chủ nghĩa độc quyền, và mọi sự được bao gồm trong sự hợp nhất bao la và đa dạng của đức tin Giáo hội.

Mọi người Công Giáo đều ý thức và phải ý thức được điều này. Đây là lý do tại sao họ chào đón một cách hân hoan và yêu thương mọi chân lý đức tin được một giáo phái bất đồng tuyên xưng, dù biết rằng họ cũng đã tuyên xưng điều đó rồi.

Và đó là lý do tại sao không có chuyện họ yêu cầu một người thuộc phái Luthêrô hoặc một người thuộc phái Quaker từ bỏ các chân lý đức tin mà chính họ vốn gắn bó với. Hãy để họ gắn bó với những người này nhiều hơn bao giờ hết! Nhờ chính những sự thật này, người ta có thể nói rằng chính trong và (một cách nào đó) qua cộng đồng tâm linh của họ, những người này sẽ được cứu rỗi. Điều mà người Công Giáo lấy làm tiếc là: người Luthêrô hay người Quaker này không công nhận các chân lý khác của đức tin.

Điều trên có nghĩa gì, nếu không phải là điều, từ lúc này, trước hết đòi hỏi người Công Giáo phải có một tình bạn huynh đệ với những người không nghĩ như họ trong các vấn đề tôn giáo, nhưng vẫn có thể là những Kitô hữu đáng ngưỡng mộ tuy không tuyên xưng đức tin Kitô giáo trong sự toàn vẹn của nó, bao lâu sự bất đồng vẫn còn kéo dài, và không gạt bỏ hy vọng chuẩn bị từ xa, và càng nhiều càng tốt, một sự thống nhất đức tin và quyền tài phán hoàn cầu (bao gồm tuyệt đối mọi Kitô hữu hiện đang bất đồng) điều mà người ta được phép coi là một lý tưởng không tưởng vĩ đại. Không gì ngu ngốc hơn việc tưởng tượng rằng để tình bạn được chân chính và sâu sắc, nó đòi sự đồng nhất về tư tưởng. Có rất nhiều người Công Giáo không phải là bạn của tôi; có những người không phải là người Công Giáo đã là những người bạn diễm phúc đối với tôi. Tình bạn chân thật và huynh đệ nhất có thể tồn tại giữa những người có suy nghĩ khác nhau về những vấn đề thiết yếu. Vì vậy, chắc chắn nó bao gồm yếu tố đau khổ, nhưng là một yếu tố khiến bạn bè trở thành thân yêu hơn nữa. Người ta cầu nguyện cho họ, nhưng không áp lực buộc họ chuyển sang đức tin của chính mình, họ có thế nào người ta yêu họ thế ấy, và người ta quý mến, người ta kính trọng, người ta cố gắng biết tốt hơn và hiểu rõ hơn điều họ tin và điều nhờ đó họ sống.

Điều lạ là nhận thấy rằng ngày nay người ta sử dụng rất nhiều hạn từ: đối thoại đại kết (trong đó người ta thường nói đến những ý tưởng và quan niệm trừu tượng, - đôi khi gây hại cho họ, khi người ta san bằng chúng để chúng có thể thích ứng hoặc có vẻ thích ứng với nhau); nhưng hầu như người ta không bao giờ nghe thấy ai nói về tình bạn đại kết (trong đó người ta phải tiếp xúc với những con người, và với thực tại của con người). Nhưng há điều này không được yêu cầu đầu tiên hay sao? Những thói quen lâu đời về tình bạn hỗ tương, được củng cố theo thời gian, - há chúng không phải là điều kiện tất yếu để tinh thần đại kết có thể trở thành hiện thực đó sao, nơi mà một ngày nào đó, nó sẽ có được các hình thức hợp nhất do pháp luật thiết lập? Xin cho phép tôi nói rằng từ quan điểm này, ở bình diện của chúng, dù các cuộc họp ủy ban, với các chương trình xác định, các báo cáo và bài phát biểu của chúng có hữu ích đến đâu, dường như, đối với tôi, các bữa tiệc huynh đệ vẫn hữu ích hơn, trong đó người Công Giáo và các thành viên của những giáo phái bất đồng sẽ ăn uống với nhau, và sau đó sẽ cùng nhau hút thuốc trong phòng khách, trò chuyện tự nhiên, nói đùa, chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác, và bất ngờ tạo nên các mối liên hệ tin cậy lẫn nhau. Xem ra tôi có vẻ không nghiêm túc; nhưng thực sự tôi rất nghiêm túc. Bữa cơm chung là một nghi thức tự nhiên của tình bạn con người.

Cho là những bữa tiệc đó chỉ có trong giấc mơ của tôi, sự thực vẫn là vấn đề ở đây, trước hết, là biết nhau hơn, hiểu nhau hơn và yêu nhau hơn.

Và cùng một lúc, cũng là vấn đề trao đổi các điều tốt đẹp có giá trị lớn.



3. Vì nếu một trao đổi như vậy hoàn toàn không thể quan niệm được trong lãnh vực đức tin và chân lý được Thiên Chúa mạc khải, nói cách khác, lãnh vực giáo huấn, một mặt, được huấn quyền Công Giáo và mặt khác, được những giáo phái bất đồng khác nhau đưa ra{31}, thì nó vẫn là điều khả hữu và có thực liên quan tới cách thức trong đó giáo huấn này được các thành viên của tất cả các cộng đồng Kitô giáo đang bàn ở đây tiếp nhận và sống. Do đó, đây là nhận xét thứ hai của tôi, có một lãnh vực rộng lớn trong đó đối với phong trào đại kết Công Giáo, và trên cơ sở tình bạn hỗ tương, một sự trao đổi hữu hiệu là điều đáng mong ước giữa mọi người: Chẳng hạn, tôi nghĩ tới lòng nhiệt thành được người này thể hiện liên quan đến chân lý đức tin này hay chân lý đức tin nọ, trong khi người kia có xu hướng ít nhiều bỏ qua nó; và tới các loại thái độ và hành vi tâm lý đa dạng liên quan đến các sắc tộc khác nhau; hoặc tới các loại linh đạo và kinh nghiệm tôn giáo khác nhau mà người nào cũng cần học biết nơi những người khác; hoặc tới việc đọc Kinh thánh bằng ngôn ngữ bản xứ mà từ lâu, có thể nói, vốn được coi như một đặc ân của anh em Thệ phản, và từ đó đã được truyền sang người Công Giáo{32}. Đối với toàn bộ lãnh vực rộng lớn mà tôi vừa nhắc đến, người ta có thể nói tới một kiểu bổ sung đại kết, với điều kiện là lúc nào cũng phải quyết tâm sử dụng trí hiểu của mình, lưu ý đến việc phải phục vụ sự thật trước nhất. Há Thánh Augustinô đã không nói rằng lạc giáo là cái gai kích thích chúng ta ra khỏi tình trạng lờ đờ của chúng ta đó sao? Và há Đức Hồng Y Journet không nói thêm rằng trong những chiếc gai này có thể có hoa hồng đó sao? Ngài cũng nói thêm rằng "trong mức độ trong đó, các khám phá hoặc kinh nghiệm của những người bất đồng diễn ra dưới ảnh hưởng của lạc giáo, chúng vẫn cần được sửa chữa trước khi có thể được tích hợp..." {33}

Như thế, người Công Giáo phải vui lòng nhìn nhận các giá trị đích thực hiện có trong những người bất đồng. Họ phải tìm thấy nhiều điều để học hỏi từ linh đạo Nga, từ "Kitô giáo của những người ăn năn này, và của những người ăn năn không xấu hổ khi thú nhận những lỗi lầm nặng nề nhất của họ", từ sự tôn trọng thánh thiêng đối với những người bị sỉ nhục và bị xúc phạm, và đối với sự đau khổ chỉ vì nền linh đạo này, từ thời điểm một người đau khổ, nhất là đau khổ một cách bất công, họ trở nên đáng kính, đến mức người ta thấy "gương sáng của những trẻ em hoặc của những người vô tội khác" được phong thánh "vì những đau khổ oan ức của họ"{34}. Người Công Giáo phải có khả năng hưởng lợi nhờ sự dịu dàng và lòng nhiệt thành mà với chúng nhiều thành viên của Giáo hội Anh thực hành pietas anglicana [lòng đạo hạnh kiểu Anh] được Cha Congar nói tới một cách tốt đẹp. Họ phải thích đọc những bài thơ của Herbert, của Vaughan, của Traherne, của Crashaw. Họ phải biết ơn Paul Gerhardt thuộc giáo phái Luthêrô vì những bài thánh ca đầy tình yêu thương mà với chúng Bach đã nuôi dưỡng thiên tài của ông. Họ phải có khả năng đánh giá cao "thần học trái tim" của Zinzendorf và của các Anh em Moravia.

Và trong thời đại hiện nay, trong đó lòng kính sợ Thiên Chúa bị lãng quên rất nhiều, họ phải tìm cách xem xét kỹ lưỡng, một cách thiện cảm, cả tình cảm kính sợ sự siêu việt thần linh và vinh quang của Thiên Chúa mà linh hồn của Calvin vốn tràn ngập, một cách mù quáng đến nỗi Nhà Cải cách này đã làm cứng ngắc và sai lệch nó vì trên thực tế, ông đã tạo ra một ý niệm quá nhân bản về sự siêu việt thần linh (không phải trong tính vô hạn vốn mầu nhiệm và vô cùng đại lượng của yếu tính Người; mà trong sự so sánh với con người và với sự thấp hèn trong đó ông bị giam hãm, Calvin đã quan niệm sự vĩ đại của Thiên Chúa hay ghen tị này, Đấng khi công chính hóa con người không đặt vào trong họ bất cứ điều gì thánh thiện, bất cứ ân sủng nào vốn có trong họ){35}. Nhưng trước hết, - và không những chỉ để hiểu rõ hơn những người anh em Thệ phản của ông, nhưng cũng để nắm được sự phát triển của tư tưởng hiện đại trong lòng lịch sử, - trước hết chính kinh nghiệm nguyên ủy của Luthêrô mà người Công Giáo phải nghiên cứu một cách quan tâm say mê, tức cái nỗi lo âu xao xuyến khốn khổ của ông về ơn cứu rỗi, - xoay quanh nỗi khốn cùng không thể vượt qua của tính chủ quan, một nỗi lo âu xao xuyến cho thấy Thiên Chúa như thù địch và là nỗi lo âu xao xuyến, trong khi toàn bộ con người sụp đổ, đã tuyệt vọng phó mình cho đức tin (trong khi, chờ đợi phó mình cho sự phi lý triết học sau đó){36}. Hiểu rõ rằng trong hai trường hợp vừa nói, người ta không liên hệ gì tới việc "trao đổi" và không hề là vấn đề thanh lọc kinh nghiệm để tích hợp nó (người ta không tích hợp trải nghiệm hoàn toàn độc đáo và bản thân mà một người có), nhưng cố gắng xem xem kinh nghiệm của một Luther hoặc một Calvin được biến đổi ra sao nếu nó thuần khiết.

Các yếu tố của Giáo Hội

1. Trước Công đồng Vatican II, chính hạn từ vestigia Ecclesiae, "các vết tích của Giáo hội," được các nhà thần học sử dụng. Bởi hạn từ đó, họ muốn chỉ những gì vẫn còn thuộc Giáo hội trong các giáo phái bất đồng, tức các giáo phái đã tự tách mình ra khỏi Giáo hội bởi ly giáo hoặc lạc giáo, hoặc "những gì có thể còn lại của Giáo hội chân chính trong sự bất đồng".

Nhưng Công đồng đã không sử dụng hạn từ "vết tích"; nó dùng hạn từ "các yếu tố". "Trong các yếu tố hay sự thiện mà nhờ tổng hợp của chúng, Giáo Hội được xây dựng và làm cho sống động, nhiều, thậm chí rất nhiều yếu tố có thể tồn tại bên ngoài ranh giới hữu hình của Giáo Hội Công Giáo: Lời Chúa được viết ra; đời sống ân sủng; đức tin, đức cậy và đức ái, cùng với các ân phúc bên trong khác của Chúa Thánh Thần và các yếu tố hữu hình"{37}.

Do đó, các nhà thần học từ đó sử dụng thành ngữ "các yếu tố của Giáo hội."

Ở đây, về ngữ vựng, có một sự thay đổi rất đáng kể và là một trong những dấu ấn to lớn, và theo tôi, đánh dấu một sự tiến bộ nào đó. Với hạn từ "các yếu tố của Giáo hội", người ta phải ý thức được tuyên bố khách quan đơn giản này: có điểm chung giữa một giáo phái bất đồng và Giáo hội, mà không có hậu ý nhắc gì tới những vết sẹo ly giáo hoặc lạc giáo.

Đối với tôi, xem ra sự thay đổi về ngữ vựng này không phải là không liên hệ gì với lời tuyên bố hiển nhiên chân thực của Công đồng tìm thấy trong cùng một tiết mục: "Người ta không thể quy tội chia rẽ cho những ai hiện đang sinh ra trong các Cộng đồng này và đã được thấm nhuần đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội Công Giáo chấp nhận họ một cách tôn trọng và quý mến như anh em"{38}.

2. Những yếu tố này của Giáo hội hiện hữu bằng hoạt động trong các giáo phái bất đồng. Từ đó suy ra, như Đức Hồng Y Journet từng viết{39},"các Giáo hội và Cộng đồng ly khai có thể tiếp tục đại diện, làm cho Giáo Hội không thể phân chia của Chúa Kitô hiện diện, dĩ nhiên, một cách phiến diện, thiếu sót. Giáo Hội vừa nói tồn hữu [subsiste] một cách toàn diện dưới phẩm trật, trong đó Giáo Hội có tổ ấm của mình, nhưng, vui mừng một cách kín đáo, Giáo Hội tự nhận ra mình hiện diện ở khắp nơi nếu ở đó có hồng ân chân thực nào đó của Chúa Kitô hoạt động, Đấng mà Giáo Hội vốn là cơ thể của Người". Do đó, chúng ta hãy nói rằng qua các yếu tố của ơn thánh hóa và sự thật, Giáo hội hiện diện một cách nào đó trong các giáo phái bất đồng. Đây là sự hiện diện vô hình của Giáo hội hữu hình: ý tôi là vô hình đối với các gia đình tôn giáo khác, mặc dù cùng một sự hiện diện tự bộc lộ một cách nào đó trước mắt các nhà thần học Công Giáo, biết lưu ý đến các yếu tố của Giáo hội đang hoạt động, và do đó có thể biện phân được, và có thể nhìn thấy được trong chính chúng, trong các gia đình tôn giáo đang đề cập.

Và sự hiện diện vô hình này là một sự hiện diện tiềm ẩn. Vì qua các yếu tố của Giáo hội đang hiện hữu bằng hành động trong các cộng đồng bất đồng này, chính toàn thể Giáo hội hữu hình, chính ngôi vị của Giáo hội dưới trạng thái trần thế của mình được làm cho hiện diện một cách tiềm ẩn trong các cộn đồng này. Sự hiện diện tiềm ẩn và vô hình cùng một lúc, và ít nhiều mạnh mẽ tỷ lệ thuận với số lượng và giá trị của các yếu tố của Giáo hội có thể biện phân được trong các cộng đồng bất đồng, tỷ lệ thuận trước hết, phải nói như thế, với giá trị sự thật của các yếu tố vừa nói.

Tôi xin nói thêm rằng khi giải thích công thức: "Giáo hội, Bí tích cứu độ phổ quát", Công đồng có ý nhắc tới lý thuyết cổ điển về bí tích như dấu chỉ và dụng cụ: Giáo hội là signum et instrumentum intimae cum Deo unionis totiusque generis humani unitatis, dấu hiệu và dụng cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại.

Các yếu tố của Giáo hội, hiểu theo nghĩa riêng của hạn từ này, là nghĩa làm cho Giáo hội, Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, Giáo hội Rôma, hiện diện một cách tiềm ẩn và vô hình trong các giáo phái bất đồng, mà chính họ không biết, thông truyền đến mức đó hiệu quả của bí tích cứu độ phổ quát này; và đồng thời, tùy theo hành động của họ ở đó, họ biểu lộ cho chúng ta thấy các phương tiện cứu rỗi được chính các giáo phái Kitô giáo bất đồng này cung ứng cho con người sử dụng. "Có thể kết luận là, các Giáo hội và Cộng đồng ly khai này, mặc dù chúng ta tin rằng họ đau khổ vì những khiếm khuyết này..., Nhưng không hề bị tước hết ý nghĩa và tầm quan trọng trong mầu nhiệm cứu rỗi. Vì Thần Khí Chúa Kitô đã không ngần ngại sử dụng họ như những phương tiện cứu rỗi dẫn khởi hiệu năng của chúng từ chính sự viên mãn của ân sủng và chân lý được ủy thác cho Giáo Hội Công Giáo"{40}.

3. Đối với tôi, sự thay đổi về ngữ vựng mà tôi vừa nói kéo theo một câu hỏi mới có tầm quan trọng lớn. Vì các yếu tố của Giáo hội hiện hữu trong các cộng đồng Kitô giáo không Công Giáo chỉ ra điểm chung giữa các cộng đồng này và Giáo hội mà Thánh Phêrô là người lãnh đạo ở đây trên trái đất này, nên há không phải tự nhiên hay sao khi tự hỏi liệu các yếu tố đó có trong các gia đình tâm linh không theo Kitô giáo? Há mọi gia đình tâm linh trên trái đất, ngay cả những gia đình ở mức độ thấp nhất trong bậc thang này, và những gia đình có nhiều sai sót và lệch lạc nhất, lại không chứa đựng một số hạt giống của sự tốt lành hay sao? (Vì điều ác thuần túy không thể hiện hữu). Và há không đúng hay sao khi nói rằng Giáo hội không xa lạ gì đối với những điều tốt lành trong nhân loại? Há hết thẩy không có một điều gì đó chung với Giáo hội hay sao?

Chúng ta sẽ thảo luận câu hỏi này trong phần sau. Nhưng ngay ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng theo ý kiến của tôi cần phải trả lời: có, có một điều gì đó chung; nhưng liệu người ta có thể thấy trong đó một yếu tố của Giáo hội và khi nào họ có thể thấy như thế? Đây là một chuyện hoàn toàn khác.

Sự thực vẫn là dù sao, hạn từ "đại kết" đã được mở rộng một cách độc đáo, - đến tận cùng thế giới: vì Giáo hội, như bí tích cứu độ phổ quát, như Công đồng vốn nói, là dấu chỉ và dụng cụ hợp nhất của loài người; nói cách khác, vì mọi người được cứu rỗi trên toàn thế giới đều được cứu bởi Thiên Chúa và Chúa Kitô của Người qua tính dụng cụ của Giáo hội.

Đây là đối tượng cuối cùng - đối tượng mầu nhiệm sâu sắc - mà đôi mắt yếu ớt của chúng ta phải hướng chú ý vào. Chúng ta hãy nói ngay rằng việc xem xét các gia đình tâm linh đa dạng, dù quan trọng đến đâu, như chúng ta sẽ thấy, còn lâu mới đầy đủ khi chúng ta tìm cách tạo cho mình một số ý tưởng về mầu nhiệm vĩ đại này.

Các yếu tố của Giáo hội và các Gia đình Tâm linh Đa dạng

1. Chuyện thông thường là việc người ta thuộc một gia đình tâm linh. Ngoài ra, chúng ta nên nhớ rằng, theo quan điểm của những suy tư hiện tại của chúng ta, sự khác biệt căn bản hiện hữu giữa trường hợp của một cá nhân và trường hợp của gia đình tâm linh của họ. Trong trường hợp con người cá nhân hoặc của nhân vị, như tôi đã lưu ý ở trên, có một trạng thái siêu thức mà chúng ta cần phải xem xét. Trong trường hợp gia đình tâm linh thì hoàn toàn không y hệt như thế. Một tập thể như vậy, một gia đình như vậy không có hoạt động siêu thức nào của riêng nó. Những gì người ta phải xem xét trong đó chỉ là những đặc tính hữu hình đặc trưng cho nó, mà trên hết là những niềm tin được phát biểu một cách minh nhiên được nó tuyên xưng.

Từ đó có thể nói, một cách đặc biệt là, một gia đình tâm linh tự nó có thể rất thiếu sót, chẳng hạn như gia đình vô thần, và do đó phải được hình dung là mang đặc tính này. Trong khi đó, nhờ đời sống siêu thức của tinh thần, một điều hoàn toàn mang tính bản thân, thành viên cá nhân này hay thành viên cá nhân nọ trong gia đình này có thể có trong họ ân sủng của Chúa Kitô, và được cứu rỗi.

2. Vì vậy, ở đây tôi sẽ cố gắng xem xét một số gia đình tâm linh tiêu biểu nhất, liên quan đến các yếu tố của Giáo hội (mà lúc này, tôi xin hiểu theo nghĩa vô định và mơ hồ nhất). Tôi xin lỗi ngay ở đây vì ngữ vựng rất không hoàn hảo mà tôi sẽ sử dụng: đó là ngữ vựng của một triết gia già, người một mặt đã tìm cách đơn giản hóa sự việc, bằng cách không tính đến một số điểm chi tiết được nhà thần học quan tâm, và mặt khác, người đã chỉ lựa chọn lời nói của mình một cách rất do dự. Tôi đã rất khổ công đưa ra một phân tích chính xác. Nếu tôi chưa thành công trong việc này, thì một người khác có năng lực hơn sẽ thành công trong việc đó, tôi hy vọng như thế. Và dù sao, vẫn không hẳn là vô dụng khi nêu ra các vấn đề ngụ hàm trong một phân tích như vậy.

Còn tiếp