KHÔN KHÉO
Chúa Nhật 25 thường Niên năm C : Lc 16,1-13

Suy niệm

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Amos đã mạnh mẽ lên án những tội lỗi của người giàu: họ ham tiền đến nỗi mong cho những ngày lễ như mồng một và sabat chóng qua, để tiếp tục làm ăn kiếm thêm tiền. Khi làm ăn, họ dùng đủ cách gian lận “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm”. Hơn nữa, họ khai thác và bóc lột những người nghèo. Tội ác cứ tăng dần khi người ta cứ buông mình theo lợi lộc vật chất.

Cũng vậy, người ta không thể phạm tội nặng ngay trong một sớm một chiều, nhưng đã dần dần hình thành theo ngày tháng. Như người quản gia trong dụ ngôn mà Đức Giêsu nêu ra, có lẽ khi mới được chủ chọn làm người coi sóc gia sản, anh đã làm rất tốt. Nhưng đồng tiền có sẵn trong tay đã cám dỗ anh ăn chặn và cắt xén; ban đầu chỉ là một số tiền nhỏ, rồi dần lớn hơn. Có thể lương tâm anh ta cũng đôi lần ray rứt, nhưng vì đã quen ham tiền và kiếm tiền cách bất chính, nên anh không dừng lại được, trái lại ngày càng lún sâu hơn trong tội. Cho đến một ngày kia, sự việc đổ bể, chủ gọi anh đến và cất chức quản lý của anh.

Vấn đề xấu không phải là tiền bạc mà là lòng ham mê tiền bạc. Vì tiền bạc mà lòng người đổi trắng thay đen. Một người đã có lòng ham mê tiền bạc thì trước sau cũng sa vào tội ác. Vì tất cả mọi cái ác ở trên đời này đều do tiền mà ra: con phản cha, trò phản thầy, dân phản quốc. Một gia đình, một chế độ hay một đất nước bị suy sụp, nguyên nhân cũng vì tiền. Một tôn giáo hay một tổ chức từ thiện bị bêu xấu cũng do tiền. Buôn lao động, buôn phụ nữ, buôn trẻ em, buôn cần sa, buôn vũ khí, làm đồ giả, thuốc giả, bằng cấp giả, người giả, tất cả cũng vì tiền. Vì vậy, Đức Giêsu gọi là tiền của bất chính, vì lòng người đã bất trung.

Thấu hiểu mãnh lực của tiền bạc, cũng là vấn đề thực dụng lớn lao của cả đời lẫn đạo, nên Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về người quản gia thật khôn khéo. Khôn khéo không phải ở hành động bất lương của anh ta, nhưng vì nhận nhận ra giới hạn của mình khi bị chủ cho nghỉ việc:“Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”. Anh ta khôn khéo vì biết xoay sở, tìm ra phương án tốt nhất, biết tận dụng quyền hành còn lại của mình để đem đến cho tương lai bấp bênh một bảo đảm.

Kể xong dụ ngôn, Ðức Giêsu phàn nàn vì chúng ta là những con cái ánh sáng, lại không khôn bằng những người chỉ biết có đời này; chúng ta chỉ loay hoay với những gì trước mắt, lo nắm bắt những gì nhỏ nhặt và tạm thời, mà không tận dụng mọi khả năng để xây đắp cho mình một tương lai huy hoàng là sự sống muôn đời. Phải chăng chúng ta cũng bị ảnh hưởng theo lối sống của thiên hạ: có thừa sôi nổi để xây dựng tương lai đời này, nhưng lại thiếu táo bạo để xây đắp tương lai đời sau; biết xoay sở để làm ăn giàu có, nhưng lại thiếu can đảm để đầu tư những gì mình có cho Nước Trời.

Vấn đề đặt ra không phải chỉ là chu toàn một số việc đạo đức, hay tham gia một số hoạt động từ thiện bác ái nào đó, mà là để cho Chúa đi vào toàn bộ đời mình, làm chủ cuộc sống mình. Không thể để cho mình vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của. Kẻ hai lòng không thể sống an vui ở đời này huống chi để đạt tới hạnh phúc ở đời sau. Nói thế không phải ta không sống hết mình với cuộc đời này, nhưng biết rằng đời này cũng chỉ là phương tiện để ta đạt tới đời sống vĩnh cửu.

Cái giằng co của đời Kitô hữu là vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Thật ra hai điều này không mâu thuẫn nhưng lại hỗ trợ cho nhau, vì vĩnh cửu đã bắt đầu từ trong hiện tại, và hiện tại quyết định về vĩnh cửu. Nhìn một người đang hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, ta biết họ sẽ đi về đâu và đạt tới điều gì. Nhìn lại cuộc đời mình, ta đoán định ra sao? Dù ra sao thì điều quan trọng trong hiện tại là hãy làm mới lại đời mình trong tương quan với Chúa và tha nhân.

Đời Kitô hữu không chỉ dành cho Chúa một khoảng không gian hay thời gian nào đó, mà để cho Chúa đi vào toàn bộ đời mình, để Ngài hoàn toàn làm chủ cuộc sống mình. Cũng từ đó, mà ta biết sống cho tha nhân bằng trái tim sâu rộng hơn, chia sẻ nhiều hơn, cho đi nhiều hơn. Đời chúng ta đã dâng hiến cho Chúa thì cũng phải trở nên quà tặng cho tha nhân, nhất là cho những người nghèo khổ. Nhưng điều quan trọng là để cho Chúa sống và hành động trong ta, đó mới là cách thức khôn ngoan nhất để ta có thể tiến đến một tương lai tươi sáng vĩnh hằng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Tiền bạc tự nó không là điều xấu,
lòng ham mê tiền bạc mới xấu thôi,
tiền khiến lòng người đổi trắng thay đen,
làm cho cuộc sống bao phen não nề.
Mãnh lực của tiền bạc thật ghớm ghê,
kẻ si mê lãnh hậu quả ê chề,
Chúa đã từng ngăm đe và cảnh báo,
nhưng người ta vẫn tiếp tục sa vào.
Chúa dạy con khôn khéo dùng tiền của,
biết cho đi để tạo lấy bạn bè,
biết quảng đại luôn sẵn sàng chia sẻ,
để đời mình luôn được Chúa chở che.
Qua Tin Mừng con thấy Chúa phàn nàn,
vì chúng con là con cái sự sáng,
không khôn bằng con cái trần gian,
không biết lo toan cho ngày sau hết,
mà chỉ loay hoay với cuộc sống này,
nếu bất ngờ Chúa đến sẽ buồn thay.
Mỗi người chúng con đều là quản lý,
về tất cả những gì Chúa đã trao,
nên con cần phải phân phát dồi dào,
cho bao người đang sống cảnh lao đao.
Nếu con không trung tín trong việc nhỏ,
sao Chúa có thể giao con việc lớn,
không rộng lượng về tiền của đời này,
Chúa đâu giao của chân thật đời sau.
Xin cho con dám coi thường tiền bạc,
đừng sa lạc mà làm tôi tớ nó,
kẻo thành kẻ hai lòng thờ hai chủ,
sẽ tiêu tan cuộc đời Ki-tô hữu.
Xin cho con hết lòng phụng sự Chúa,
đem tiền tài mà phục vụ tha nhân,
biết tận tâm cho đi để góp phần,
thành gia sản tinh thần phúc thiên thu. Amen.