Theo tin Tòa Thánh, Thứ tư, ngày 10 tháng 8 năm 2022, tại Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về tuổi già. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào Bản Tiếng Anh của Tòa Thánh.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Giờ đây, chúng ta dự buổi giáo lý cuối cùng dành cho tuổi già. Hôm nay chúng ta đi vào sự thân mật đầy xúc động của cảnh Chúa Giêsu từ biệt các môn đệ của Người, được kể lại đầy đủ trong Tin Mừng Gioan. Diễn từ chia tay bắt đầu bằng những lời an ủi và hứa hẹn: “Lòng các con đừng xao xuyến” (Ga 14: 1). “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó” (14: 3). Những lời này của Chúa thật đẹp đẽ.

Ngay trước đó, Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phêrô rằng: “Sau này con sẽ đi theo” (13:36), nhắc ngài nhớ lại đoạn đường đi qua sự mong manh của đức tin ngài. Thời gian sống còn lại của các môn đệ chắc chắn sẽ là một chặng đường phải đi qua sự mong manh của chứng tá và các thách thức của tình huynh đệ. Nhưng nó cũng sẽ là một việc đi qua các phước lành đầy thích thú của đức tin: “ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa”(14:12). Nghĩ mà xem đây quả là một lời hứa hẹn lớn lao! Tôi không biết liệu chúng ta có nghĩ về nó một cách đầy đủ hay không, nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào nó! Tôi không biết, đôi khi, tôi nghĩ là không.

Tuổi già là lúc thích hợp để làm chứng một cách xúc động và hân hoan cho sự mong đợi. Người đàn ông và đàn bà lớn tuổi đang chờ đợi, chờ đợi một cuộc gặp gỡ. Nơi tuổi già, những việc làm của đức tin, tức những việc đưa chúng ta và những người khác đến gần hơn với Nước Thiên Chúa, giờ đây đã vượt quá sức mạnh của nghị lực, lời nói và sự thôi thúc của tuổi trẻ và sự trưởng thành. Nhưng chính bằng cách này, chúng làm cho lời hứa về đích đến đích thực của cuộc đời trở nên minh bạch hơn. Và đâu là điểm đến đích thực của cuộc đời? Một chỗ nơi bàn ăn với Thiên Chúa, trong thế giới của Thiên Chúa. Điều đáng lưu ý là xét xem liệu trong các Giáo hội địa phương có tài liệu tham khảo chuyên biệt nào nhằm mục đích làm hồi sinh thừa tác vụ đặc biệt trông đợi Chúa này hay không - đó là một thừa tác vụ, thừa tác vụ trông đợi Chúa - khuyến khích các đặc sủng cá nhân và các phẩm chất cộng đồng của người cao niên.

Tuổi già nào bị tiêu hao trong việc từ chối các cơ hội bỏ lỡ sẽ mang đến sự chán nản cho bản thân và cho những người khác. Trái lại, tuổi già nào sống hòa nhã, sống tôn trọng cuộc sống thực sự, dứt khoát xóa bỏ quan niệm sai lầm về một Giáo hội thích ứng với hoàn cảnh thế gian, nghĩ rằng làm như vậy, Giáo hội có thể dứt khoát cai quản sự hoàn thiện và nên trọn của mình. Khi chúng ta dứt bỏ được giả định này, thì thời gian già đi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta tự nó đã là một trong những công việc “lớn hơn nữa” mà Chúa Giêsu nói đến. Thực thế, đó là một nhiệm vụ mà Chúa Giêsu không được ban cho để hoàn thành: cái chết của Người, sự phục sinh và sự lên trời của Người đã làm cho chúng ta có thể thực hiện được điều đó! Chúng ta hãy nhớ rằng “thời gian vượt trội hơn không gian”. Đó là luật khai tâm. Đời sống chúng ta không được tạo ra để gói gọn trong chính nó, trong một sự hoàn hảo trần thế tưởng tượng: nó được định sẵn để đi tới bên kia, thông qua cái chết - bởi vì cái chết là một cuộc vượt qua. Thật vậy, nơi ổn định của chúng ta, điểm đến của chúng ta không phải là ở đây, mà là ở bên cạnh Chúa, nơi Người ngự mãi mãi.

Ở đây, trên trái đất này, diễn trình “nhà tập” của chúng ta bắt đầu: chúng ta là những người học việc cuộc sống, những người - giữa hàng ngàn khó khăn - học cách trân trọng hồng ân của Thiên Chúa, tôn trọng trách nhiệm chia sẻ nó và làm cho nó sinh hoa kết trái cho mọi người. Thời gian sống trên trái đất là ân sủng của cuộc vượt qua này. Sự cao ngạo muốn dừng thời gian lại - muốn trẻ mãi không già, hạnh phúc không giới hạn, quyền lực tuyệt đối - không những bất khả, mà còn là ảo tưởng.

Sự hiện hữu của chúng ta trên trái đất là thời điểm khai tâm sự sống: nó là sự sống, nhưng là sự sống dẫn anh chị em tới một sự sống đầy đủ hơn, sự khai tâm của một sự sống trọn vẹn hơn; một sự sống chỉ tìm được sự nên trọn trong Thiên Chúa. Chúng ta không hoàn hảo ngay từ đầu, và chúng ta vẫn không hoàn hảo cho đến cuối cùng. Trong việc nên trọn lời hứa của Thiên Chúa, mối quan hệ được đảo ngược: không gian của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta một cách hết sức quan tâm, vượt trội hơn thời gian của cuộc sống trần thế của chúng ta. Do đó: tuổi già mang hy vọng về sự nên trọn này lại gần hơn. Đến đây, tuổi già biết một cách dứt khoát ý nghĩa của thời gian và các giới hạn của nơi chốn nơi chúng ta sống trong cuộc khai tâm của mình. Đây là lý do tại sao tuổi già là khôn ngoan: người già khôn ngoan vì lý do này. Đây là lý do tại sao nó đáng tin cậy khi nó mời gọi chúng ta hân hoan trong thời gian trôi qua: nó không phải là một mối đe dọa, nó là một lời hứa hẹn. Tuổi già là cao quý, không cần phải làm đẹp cho bản thân mới bày tỏ được sự cao quý. Có lẽ vì thiếu sự cao quý nên mới phải ngụy trang. Tuổi già đáng tin cậy khi nó mời gọi ta hân hoan trong thời gian trôi qua: nhưng thời gian vẫn trôi qua mà… Đúng, nhưng đây không phải là một mối đe dọa, đó là một lời hứa hẹn. Tuổi già nào biết tái khám phá chiều sâu của cái nhìn đức tin, từ bản chất không phải là bảo thủ, như người ta nói! Thế giới của Thiên Chúa là một không gian vô tận, trong đó thời gian trôi qua không còn quan trọng chi nữa. Và chính trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã dự phóng tới mục tiêu này, khi Người nói với các môn đệ: “Thầy bảo cho các con biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng các con uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26:29). Người đã đi quá bên kia. Trong lời rao giảng của chúng ta, Địa Đàng thường tràn đầy hạnh phúc, ánh sáng và tình yêu. Có lẽ nó thiếu sự sống một chút. Trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu nói về vương quốc của Thiên Chúa bằng cách đặt thêm sự sống vào đó. Phải chăng chúng ta không còn khả năng này? Sự sống vẫn tiếp tục…

Anh chị em thân mến, tuổi già, sống trong sự trông đợi Chúa, có thể trở thành “lời hộ giáo” đã nên trọn của đức tin, mang lại cơ sở cho mọi người, cho niềm hy vọng của chúng ta đối với tất cả mọi người (x. 1Pr 3:15). Bởi vì tuổi già làm cho lời hứa của Chúa Giêsu trở nên minh bạch, dự phóng tới Thành Thánh mà Sách Khải Huyền vốn nói tới (chương 21-22). Tuổi già là giai đoạn sống thích hợp nhất để truyền bá tin vui rằng cuộc sống là bước khai tâm dẫn tới sự nên trọn cuối cùng. Người già là một lời hứa, một chứng tá của lời hứa. Điều tốt đẹp nhất vẫn chưa tới. Điều tốt nhất vẫn chưa đến: nó giống như lời nhắn nhủ của những tín hữu cao niên, điều tốt nhất vẫn chưa đến. Xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta một tuổi già có khả năng này! Cảm ơn anh chị em.