Buổi yết kiến chung sáng nay diễn ra lúc 09:00 tại Hội trường Paul VI. Trong bài diễn văn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung vào Hành trình Tông đồ gần đây của Ngài tại Canada (Bài đọc Kinh thánh: Lc 24: 13-15). Sau khi tóm tắt bài giáo lý của mình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Sau đó, ngài đã đưa ra lời kêu gọi dành cho Lebanon, nhân kỷ niệm hai năm vụ nổ ở cảng Beirut. Buổi Yết kiến Chung kết thúc bằng việc đọc kinh Lạy Cha và phép lành tông tòa.



Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một số suy gẫm với anh chị em về hành trình tông đồ mà tôi đã thực hiện đến Canada trong những ngày gần đây. Nó không giống như những cuộc hành trình khác. Thực vậy, động cơ chính là gặp gỡ những người dân bản địa để bày tỏ với họ sự gần gũi và nỗi buồn của tôi, và cầu xin sự tha thứ - cầu xin sự tha thứ - cho những tổn hại mà các Kitô hữu, bao gồm nhiều người Công Giáo, đã gây ra cho họ vì trong quá khứ đã hợp tác trong các chính sách cưỡng bức đồng hóa và giải phóng của các chính phủ thời đó.

Trong ý hướng trên, Canada đã bắt tay vào quá trình viết một trang mới, một trang mới, trong cuộc hành trình được Giáo hội đồng hành cùng các dân tộc bản địa đã một thời gian nay. Và quả thực, phương châm của cuộc hành trình, “Cùng nhau bước đi”, đã giải thích phần nào điều này. Một con đường hòa giải và hàn gắn, vốn giả định kiến thức lịch sử, lắng nghe những người sống sót, nhận thức và trên hết là sự hoán cải, sự thay đổi não trạng. Nghiên cứu sâu xa này cho thấy rằng, một mặt, một số người nam nữ của Giáo hội ở trong số những người ủng hộ cương quyết và can đảm nhất cho phẩm giá của người bản địa, bảo vệ họ và góp phần nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa của họ; nhưng mặt khác, rất tiếc là không thiếu các Kitô hữu, nghĩa là các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, đã tham gia vào các chương trình mà ngày nay chúng ta hiểu là không thể chấp nhận được và cũng trái với Tin Mừng. Và đây là lý do tại sao tôi thay mặt Giáo hội cầu xin sự tha thứ.

Do đó, nó là một cuộc hành hương đền tội. Có rất nhiều khoảnh khắc vui vẻ, nhưng ý nghĩa và giai điệu chung là sự suy gẫm, ăn năn và hòa giải. Bốn tháng trước, tôi đã tiếp các đại diện của các dân tộc bản địa tại Vatican, theo từng nhóm riêng biệt: tổng cộng có sáu cuộc họp, để chuẩn bị một chút cho cuộc gặp gỡ này.

Có ba chặng chính trong cuộc hành hương: chặng đầu tiên ở Edmonton, miền Tây đất nước. Thứ hai, ở Québec, ở phía đông. Và thứ ba ở phía bắc, ở Iqaluit, có lẽ cách vòng bắc cực 300 km. Cuộc họp đầu tiên diễn ra tại Maskwacis - “Đồi Gấu” - nơi tập hợp các thủ lĩnh và thành viên của các nhóm bản địa chính, từ khắp nơi trên đất nước: Các Quốc gia Đầu tiên, Métis và Inuit. Chúng tôi cùng nhau tưởng niệm: ký ức tốt đẹp về lịch sử hàng nghìn năm của các dân tộc này, trong sự hòa hợp với mảnh đất của họ. Đây là một trong những điều đẹp nhất của các dân tộc bản địa, sự hòa hợp của họ với vùng đất. Họ không bao giờ ngược đãi sáng thế, không bao giờ. Hòa hợp với đất. Và chúng tôi kể lại ký ức đau buồn về sự ngược đãi mà họ phải chịu, cũng tại các trường nội trú, do chính sách đồng hóa văn hóa.

Sau phần tưởng niệm, bước thứ hai trong cuộc hành trình của chúng tôi là hòa giải. Không phải là một sự thỏa hiệp giữa chúng tôi - đó sẽ là một ảo tưởng, một dàn cảnh - nhưng để chúng tôi được hòa giải với Chúa Kitô, Đấng là hòa bình của chúng ta (x. Ep 2:14). Chúng tôi đã làm điều này bằng cách lưu giữ như một điểm tham chiếu hình ảnh của cây, trung tâm của cuộc sống và biểu tượng của người dân bản địa.

Tưởng niệm, hòa giải, và do đó hàn gắn. Chúng tôi thực hiện bước thứ ba này của cuộc hành trình trên bờ Hồ Sainte-Anne, chính vào ngày lễ các Thánh Gioakim và Anna. Tất cả chúng tôi đã có thể rút ra từ Chúa Kitô, nguồn nước, và ở đó, nơi Chúa Giêsu, chúng tôi thấy sự gần gũi của Chúa Cha, Đấng hàn gắn các vết thương và cũng là Đấng tha thứ tội lỗi.

Từ cuộc hành trình tưởng niệm, hòa giải và hàn gắn này, phát sinh nguồn hy vọng cho Giáo hội, ở Canada và khắp mọi nơi. Và ở đó, hình ảnh các môn đệ Emmau, những người, sau khi bước đi với Chúa Giêsu Phục sinh, với Người và vì Người, đã từ thất bại chuyển sang hy vọng (x. Lc 24:13-35). Đã bao nhiêu lần trong lịch sử, các môn đệ của Chúa Kitô đã đi lại con đường Emmau này!

Như tôi đã nói ở phần đầu, cuộc hành trình cùng với những người dân bản địa đã tạo thành xương sống của cuộc hành trình tông đồ này. Hai cuộc gặp gỡ với Giáo hội địa phương và với các nhà chức trách của đất nước, những người mà tôi muốn nhắc lại lòng biết ơn chân thành về lòng hiếu khách tuyệt vời của họ và sự chào đón nồng nhiệt mà họ đã dành cho tôi và các cộng tác viên của tôi. Và đối với các giám mục cũng vậy. Trước các Thống đốc, các nhà lãnh đạo bản địa và các đoàn ngoại giao, tôi tái khẳng định ý chí tích cực của Tòa thánh và các cộng đồng Công Giáo địa phương trong việc cổ vũ văn hóa bản địa, với những con đường tâm linh thích hợp và chú ý đến các phong tục và ngôn ngữ của các dân tộc. Đồng thời, tôi lưu ý não trạng thực dân hóa hiện diện ngày nay ra sao dưới nhiều hình thức thực dân hóa ý thức hệ, đe dọa các truyền thống, lịch sử và mối ràng buộc tôn giáo của các dân tộc, xóa bỏ những khác biệt, chỉ tập trung vào hiện tại và thường làm ngơ nhiệm vụ đối với những người yếu ớt và mong manh nhất. Do đó, vấn đề khôi phục sự cân bằng lành mạnh, khôi phục sự hài hòa, vốn lớn hơn sự cân bằng, nó là một điều khác thế; khôi phục sự hài hòa giữa văn hóa hiện đại và tổ tiên, giữa thế tục hóa và các giá trị tinh thần. Và điều này đề cập trực tiếp đến sứ mệnh của Giáo Hội, được sai đi khắp nơi trên thế giới để làm chứng và “gieo” tình huynh đệ phổ quát biết tôn trọng và cổ vũ chiều kích địa phương với sự phong phú đa dạng của nó (x. Thông điệp Fratelli tutti, 142-153). Tôi đã nói rồi, nhưng tôi muốn khẳng định lại lời cảm ơn của tôi đối với các cấp chính quyền dân sự, Toàn quyền, Thủ tướng, chính quyền địa phương của các nơi tôi đến: Tôi rất cảm ơn qúy vị đã giúp đỡ rất nhiều để việc này được thực hiện. Và tôi cảm ơn các giám mục, trên hết tôi cảm ơn các ngài vì sự hợp nhất của hàng giám mục: việc này có thể diễn ra, về phía chúng ta, là nhờ các giám mục đã hợp nhất, và ở đâu có sự hợp nhất thì người ta có thể tiến hành. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh điều này và cảm ơn các giám mục Canada về sự hợp nhất này.

Và cuộc gặp gỡ cuối cùng được đánh dấu bằng hy vọng, tại vùng đất của người Inuit, với những người trẻ những người già. Và tôi bảo đảm với anh chị em rằng trong những cuộc gặp gỡ này, nhất là cuộc gặp gỡ cuối cùng, tôi đã cảm nhận được nỗi đau của những người đó, những gì họ đã mất... những người già cả mất hết con cái của họ và không biết họ sẽ ra sao, do chính sách đồng hóa này. Đó là một khoảnh khắc rất đau đớn, nhưng chúng ta phải đối đầu với nó: chúng ta phải đối đầu với lỗi lầm của mình, tội lỗi của mình. Ở Canada cũng vậy, người trẻ và người già tạo thành một cặp đôi chủ yếu, một dấu hiệu của thời đại: người trẻ và người già đối thoại với nhau để cùng nhau lữ hành trong lịch sử giữa tưởng niệm lời tiên tri, vốn căng thẳng với nhau. Cầu mong cho lòng can đảm và hành động hòa bình của các dân tộc bản địa của Canada nên tấm gương cho tất cả các dân tộc nguyên thủy không khép mình lại, nhưng cống hiến sự đóng góp không thể thiếu của họ cho một nhân loại huynh đệ hơn, biết cách yêu thương sáng thế và Đấng sáng tạo, hòa hợp với sáng thế, trong sự hài hòa giữa tất cả anh chị em. Cảm ơn anh chị em.