1. Hai linh mục Công Giáo Nigeria bị bắt cóc. Một vị được tìm thấy đã chết, một vị khác trốn thoát

Một linh mục Công Giáo Nigeria bị bắt cóc vào tuần trước đã được tìm thấy bị sát hại hôm thứ Ba trong khi một linh mục khác đã cố gắng trốn thoát khỏi những kẻ bắt giữ ngài ở bang Kaduna, miền bắc địa phương, giáo phận địa phương cho biết.

Các cha John Mark Cheitnum và Donatus Cleophas đã bị bắt tại thị trấn Lere khi tham dự một buổi lễ của giáo xứ tại Nhà thờ Công Giáo Chúa Kitô Vua, Yadin Garu vào thứ Sáu tuần trước.

Hôm thứ Ba, thi thể của Cha Cheitnum đã được tìm thấy, giáo phận Kafanchan cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng ngài “bị giết một cách dã man vào cùng ngày bị bắt cóc.” Lễ an táng của ngài đã được cử hành hôm thứ Năm 21 tháng 7.

Hiện chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ bắt cóc.

Khoảng một chục linh mục đã bị bắt cóc trong năm nay trên khắp Nigeria bởi các tay súng đòi tiền chuộc. Lực lượng an ninh Nigeria, những người được hy vọng chiến đấu với lực lượng Hồi giáo nổi dậy ở phía đông bắc, thường không ngăn chặn được các cuộc tấn công.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ít nhất 7 linh mục Công Giáo đã bị bắt cóc ở Nigeria trong tháng 7, theo dữ liệu do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, một tổ chức phi lợi nhuận của Công Giáo, tổng hợp.

Vụ bắt cóc mới nhất nâng tổng số lên tới 20 linh mục Nigeria bị bắt cóc kể từ đầu năm 2022 đến nay. Ba trong số các linh mục đã thiệt mạng.

Chuyên gia an ninh David Otto, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh Phi Châu, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, nói với CNA rằng sự đồng thuận của các chuyên gia an ninh trong nhóm của ông là Giáo Hội Công Giáo đang bị tấn công vì họ đã trả tiền chuộc cao do bọn cướp yêu cầu, có thể lên tới 200.000 USD hoặc hơn. Càng trả tiền chuộc cao, càng kích thích bọn cướp.

Đức Cha Jude Arogundade của Ondo, phía tây nam Nigeria, nơi các tay súng vẫn chưa bị bắt đã giết chết ít nhất 40 người tham dự Thánh lễ Hiện xuống ở Owo, tin rằng Giáo Hội Công Giáo ở Nigeria vừa là mối đe dọa vừa là mục tiêu chiến lược cho những người chăn gia súc theo đạo Hồi cực đoan Fulani và các nhóm khủng bố Hồi giáo sử dụng bạo lực để gây bất ổn ở Nigeria.

Đặc biệt, bang Kaduna của Nigeria đã được tổ chức nhân quyền Christian Solidarity Worldwide có trụ sở tại Vương quốc Anh miêu tả là “tâm chấn của nạn bắt cóc và bạo lực bởi các tác nhân phi nhà nước” ở Nigeria. Một báo cáo năm 2022 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ trích dẫn sáu cuộc tấn công nhằm vào các nhà thờ ở Bang Kaduna vào năm 2021.

Các linh mục Công Giáo trong tổng giáo phận Kaduna đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối bạo lực chống lại các tín hữu Kitô ở Nigeria trong đám tang của một linh mục bị giết vào cuối tháng Sáu.

Hiệp hội Linh mục Công Giáo Giáo phận Nigeria đã kêu gọi các linh mục tuân thủ một tuần cầu nguyện, ăn chay, chầu Thánh Thể và đọc kinh Mân Côi để giúp các ngài bền đỗ trong thánh chức bất chấp tình hình an ninh nguy hiểm.

“ Bổn phận của chúng ta là đặt lên trước bàn thờ Thiên Chúa lòng biết ơn, sự quan tâm, lo lắng và những lời cầu xin của các tín hữu và của chúng ta. Chúng ta là những người ủng hộ cuộc sống và hòa bình,” tuyên bố của hiệp hội các linh mục cho biết.

“Chúng ta được kêu gọi và gửi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo, trả tự do cho những người bị giam cầm, giải phóng những người bị áp bức, chữa lành trái tim tan vỡ, băng bó những vết thương và những thứ tương tự. Chúng ta đã thực hiện lời kêu gọi này và chúng ta sẽ tiếp tục.”
Source:Reuters

2. Cảnh giác đáng sợ: Nhiễm coronavirus có thể dẫn đến tiểu đường loại hai

Theo một nghiên cứu lớn của Vương quốc Anh, những người nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và tim mạch trong nhiều tuần sau khi nhiễm trùng.

Nguy cơ mắc các vấn đề về tim và tuần hoàn, chẳng hạn như nhịp tim không đều và cục máu đông trên phổi, ở bệnh nhân Covid cao hơn gần sáu lần so với những người không bị nhiễm ở cùng độ tuổi và giới tính, và cao hơn 80% đối với bệnh tiểu đường, trong vài tháng sau khi nhiễm bệnh.

Các nhà khoa học đã tổng hợp hồ sơ sức khỏe từ hơn 400.000 bệnh nhân Covid ở Anh và 400.000 những người không bị nhiễm coronavirus. Các hồ sơ đã được kiểm tra các chẩn đoán tim mạch hoặc tiểu đường mới nhất trong tối đa 12 tháng. Nhiều bệnh nhân được theo dõi cho đến tháng Giêng vừa qua.

Theo phân tích, bảy tuần sau khi xét nghiệm Covid dương tính, tình trạng tim mạch có thể trở lại bình thường nhưng đối với bệnh tiểu đường, cần phải mất gần sáu tháng lượng đường mới trở lại mức ban đầu.

Tiến sĩ Emma Rezel-Potts, một nhà dịch tễ học tại Đại học King's College London, cho biết: “Điều này thực sự đòi hỏi các bác sĩ phải nhận thức được nguy cơ gia tăng tiềm ẩn cho bệnh nhân của họ, và đặc biệt là cách họ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong giai đoạn vài tháng ban đầu sau khi bị coronavirus thông qua một chế độ ăn uống được cải thiện và tập thể dục.”

Trong khi Covid có thể gây ra tổn thương trực tiếp cho các cơ quan và hệ tuần hoàn, Rezel-Potts nhấn mạnh rằng nhiều yếu tố khác có thể giải thích kết quả nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu tin rằng các bác sĩ nên cảnh giác với bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch khi bệnh nhân mắc Covid, đồng thời nhắc nhở các bệnh nhân của họ rằng thay đổi lối sống đơn giản có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thêm. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Plos Medicine.

Tiến sĩ Faye Riley tại Diabetes UK cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy Covid có thể gây ra các trường hợp mắc bệnh tiểu đường mới ở một số người, với nghiên cứu mới nhất làm sáng tỏ nguy cơ có thể xảy ra cấp tính và lâu dài.

Nói tóm lại, có 2 điều cần phải nhớ nếu chẳng may ta nhiễm coronavirus.

Thứ nhất, sau khi nhiễm coronavirus, lượng đường có thể tăng lên, và nhịp tim có thể lộn xộn. Những triệu chứng ấy có thể chỉ là cấp tính. Khoảng bẩy tuần sau, nhịp tim có thể bình thường trở lại; và vài tháng sau lượng đường có thể bình thường trở lại.

Thứ hai, cũng có khả năng là tình trạng này suy thoái thành bệnh tiểu đường loại hai. Cần phải đo lượng đường, ăn kiêng và tập thể dục sau khi đã nhiễm coronavirus.
Source:The Guardian

3. Trước chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, các giám mục Canada bắt đầu trả tiền cho các cộng đồng bản địa

Trong bối cảnh chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada sẽ diễn ra trong vài ngày nữa, các giám mục địa phương đã thông báo rằng một quỹ đặc biệt để hỗ trợ các nỗ lực hàn gắn và hòa giải với các cộng đồng bản địa đã bắt đầu chấp nhận các đề xuất.

Trong tuyên bố hôm thứ Hai, Đức Cha William McGrattan, phó chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, cho biết “Chúng tôi chân thành hy vọng rằng việc quản lý và giám sát Quỹ Hòa giải Bản địa bởi tất cả các giám đốc Bản địa thành công và có uy tín cao”, những người đã đồng ý phục vụ trong hội đồng quản trị của quỹ sẽ giúp nó “thúc đẩy sự hàn gắn một cách có ý nghĩa giữa Giáo Hội Công Giáo và các dân tộc bản địa.”

Ngài cho biết Quỹ Hòa giải Bản địa được thành lập vào năm 2022 để hỗ trợ và thúc đẩy các sáng kiến hàn gắn và hòa giải với các cộng đồng Bản địa theo cam kết của các giám mục Canada vào năm ngoái.

Vào tháng 9 năm 2021, CCCB đã công bố cam kết tài chính trị giá 30 triệu đô la trong 5 năm tới để hỗ trợ các dự án nhằm hàn gắn và hòa giải do vai trò lịch sử của Giáo Hội Công Giáo trong các trường học dành cho người bản địa.

Là một sáng kiến do chính phủ phát động và tài trợ, hệ thống trường học dân cư ở Canada trong hơn một thế kỷ đã cố gắng hòa nhập các cộng đồng bản địa vào xã hội Canada bằng cách cưỡng bức loại bỏ trẻ em khỏi gia đình và gửi chúng đến các trường học dành cho người bản địa.

Nhiều trường học được điều hành bởi các đơn vị truyền giáo Công Giáo và các Giáo Hội Kitô khác. Tổng cộng, khoảng 150.000 trẻ em từ các nhóm thiểu số như dân tộc thứ nhất, Métis và Inuit buộc phải theo học tại các trường dân cư do chính phủ tài trợ và do Công Giáo, Anh giáo hoặc các Giáo Hội khác điều hành từ những năm 1870 đến 1996, khi trường dân cư cuối cùng bị đóng cửa.

Những người sống sót tại các trường dân cư nói rằng đó là “cuộc diệt chủng văn hóa” để lại những vết sẹo sâu sắc cho thế hệ.

Quỹ Hòa giải Bản địa chấp nhận đóng góp từ 73 giáo phận Công Giáo trên khắp Canada với mục đích hoàn thành mục tiêu 30 triệu đô la của CCCB.

Theo một thông cáo ngày 18 tháng 7 từ CCCB, quỹ cho đến nay đã thu được 4,6 triệu đô la và đã bắt đầu chấp nhận các đề xuất cho các dự án hàn gắn và hòa giải. Đề xuất đầu tiên đã được thông qua vào ngày 15 tháng 7.

Các giám mục cho biết tất cả các dự án được đưa ra sẽ được đánh giá tại địa phương với sự tham vấn của các cộng đồng First Nations, Métis và Inuit.

Theo các giám mục, các đề xuất dự án từ các ủy ban hòa giải giáo phận và khu vực đang được trình lên quỹ “như một phần của nỗ lực hỗ trợ và khuyến khích sự hợp tác địa phương giữa các thực thể Công Giáo và các đối tác bản địa.”

Các ngài cho biết, mỗi đơn xin tài trợ trước tiên phải được nộp cho các ủy ban hòa giải của giáo phận và khu vực, và khi vượt qua giai đoạn đầu tiên này, nó sẽ được các thành viên của Hội đồng Quản trị cho Quỹ Hòa giải Bản địa đánh giá.

Các thành viên của các cộng đồng First Nations, Métis và Inuit đã đến Rôma từ ngày 28 tháng 3 - ngày 1 tháng 4 để gặp riêng và tập thể với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Phanxicô đã đưa ra lời xin lỗi ban đầu về vai trò của Giáo Hội trong hệ thống trường học dành cho người bản địa.

Nhiều người mong đợi rằng Đức Giáo Hoàng sẽ xin lỗi một lần nữa trong chuyến thăm Canada từ ngày 24 đến 30 tháng 7, điều này sẽ thực hiện Điểm hành động số 58 của Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada, trong đó kêu gọi Đức Giáo Hoàng xin lỗi những người sống sót cũng như gia đình và cộng đồng của họ ở Canada.
Source:Crux