Cuộc xâm lược của Nga đang lên khuôn lại phong trào đại kết hoàn cầu
Bài của Anatolii Babynskyi trên tạp chí The Pillar
Các chuyên gia Ukraine cho rằng tác động của cuộc chiến ở Ukraine và sự chia rẽ ngày càng sâu xa giữa hai Giáo Hội Chính thống của nước này và Moscow có khả năng lên khuôn lại bối cảnh đại kết hoàn cầu.
Về lĩnh vực cụ thể của cuộc đối thoại Công Giáo-Chính thống, các chuyên gia cho rằng sự phản đối của Giáo hội Nga từ lâu đã trở thành rào cản cho những tiến triển có ý nghĩa trong các cuộc đàm phán. Nhưng với việc Moscow đang ngày càng bị cô lập trong Chính thống giáo hoàn cầu, các học giả Ukraine nói rằng họ nhận thấy những khả năng mới cho các cuộc đàm phán giữa người Công Giáo và Giáo Hội Chính thống.
Sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai của Nga, Giáo Hội Chính thống Nga, và đặc biệt là nhà lãnh đạo của nó, Thượng phụ Kirill của Moscow, đã bị quốc tế chỉ trích đáng kể vì đã lên tiếng ủng hộ cuộc xâm lược.
Kirill đã lên tiếng ủng hộ không những hành động quân sự của Nga mà còn thúc đẩy khái niệm Russikey Mir, tức thế giới quan của Nga trong đó Ukraine, Nga và Belarus tạo thành một dân tộc duy nhất, cả trong lĩnh vực chính trị lẫn giáo hội dưới quyền tài phán của Moscow.
Các tuyên bố của thượng phụ Nga đã gây ra sự chỉ trích đáng kể từ các nhà chức trách tôn giáo và thế tục bên ngoài nước Nga, với việc Liên minh châu Âu đề nghị trừng phạt Kirill cùng với các bộ trưởng nhà nước Nga, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với ông ta rằng ông ta không nên là "cậu bé giúp lễ" của Tổng thống Valdimir Putin.
Tại Ukraine, một số giáo xứ của Giáo Hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moscow đã rời khỏi Giáo Hội thuộc quyền cai quản của Kirill, và thay vào đó quy phục Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine, đã được công nhận với tư cách là một Giáo hội Chính thống độc lập bởi Thượng phụ Constantiople và các Giáo hội hàng đầu khác của hiệp thông Chính thống giáo.
Các căng thẳng giữa Moscow và Giáo Hội trưởng nữ xưa của nó ở Ukraine đã dẫn đến mối liên hệ mới vẫn đang phát triển giữa Giáo Hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moscow và Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine, với Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, nhằm duy trì mối liên hệ với cả hai.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự cô lập của Giáo Hội Chính thống Nga và sự liên kết của nó với cuộc xâm lược cũng đang bắt đầu ảnh hưởng đến quy mô đại kết hoàn cầu.
Đan viện trưởng Cyril Hovorun, một nhà thần học Chính thống giáo, và là giáo sư tại Đại học Loyola Marymount, người từ năm 2008-2009 đứng đầu Ban Liên hệ Đối ngoại của Giáo Hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Moscow nói với tạp chí The Pillar rằng chiến tranh đang gây nguy hiểm cho vị thế của Giáo hội Nga trên toàn thế giới, nơi nó là thành viên tích cực tham gia vào nhiều cơ cấu đại kết khác nhau, đặc biệt là Hội đồng các Giáo hội Thế giới.
Ông nói, “Bây giờ, vấn đề tư cách thành viên của Giáo Hội Chính thống Nga trong các cơ cấu này đang được thảo luận”.
“Đại hội đồng lần thứ 11 của Hội đồng các Giáo hội Thế giới sẽ sớm được tổ chức, và câu hỏi này sẽ được đặt ra rất sắc nét. Việc loại trừ Giáo Hội Chính thống Nga khỏi hàng ngũ của hội đồng này và các tổ chức đại kết khác đang được thảo luận, và Giáo Hội Chính thống Nga hiện đang tích cực làm việc để ngăn chặn việc loại trừ khỏi hội đồng này. Có một cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này, rõ ràng sẽ làm thay đổi cục diện của phong trào đại kết hoàn cầu."
Hovorun nói rằng Giáo Hội Chính thống Nga hiện nay hiểu rõ chính sách cô lập tương đối kéo dài hàng thập niên của họ với các Giáo hội khác đã đi quá xa và đang cố gắng chấn chỉnh tình hình.
"Trước đây, họ đã cố gắng đưa ra các điều khoản của mình và tẩy chay các cuộc đối thoại song phương vì sự hiện diện của Constantinople và các Giáo hội [Chính thống] khác đã công nhận Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine."
Hovorun nhận định, “Bây giờ họ đang cố gắng ở lại các tổ chức được họ tham gia. Gần đây, đã có một cuộc họp Tham vấn trước Phiên họp Liên Chính thống giáo của Hội đồng Giáo hội Thế giới tại Síp, và một phái đoàn của Giáo Hội Chính thống Nga đã có mặt tại đó”.
“Ngoài ra còn có đại diện của các Giáo Hội Constantinople, Alexandria, Hy Lạp và Síp, với tất cả các Giáo Hội mà Giáo Hội Chính thống Nga đã cắt đứt liên hệ. Và họ có quan điểm xây dựng và sẵn sàng hợp tác. Điều này thể hiện ý của Giáo Hội Chính thống Nga muốn ở lại trong các cơ cấu đại kết quốc tế này bằng mọi giá, ngay cả khi phải hy sinh các quyết định trước đây và các mối liên hệ đã đổ vỡ.”
Mong muốn tham gia mới của Giáo hội Nga chỉ đi xa đến thế: trong khi Giáo Hội Chính thống Nga tham gia Tham vấn trước Phiên họp Liên Chính thống giáo của Hội đồng Giáo hội Thế giới, họ đã phớt lờ cuộc họp vào tháng 5 của ủy ban điều phối của Ủy ban Đối thoại Thần học Quốc tế giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính thống giáo Đông phương, được tổ chức ở Crete.
Linh mục Iwan Dacko, người đại diện cho Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine trong ủy ban, nói với tạp chí The Pillar rằng sự xâm lược của Nga, cả về phương diện chính trị lẫn giáo hội, chắc chắn ảnh hưởng đến giọng điệu trong việc làm của ủy ban.
Linh mục Dacko nói “Khi tôi hỏi Đức Hồng Y Edward Cassidy vào năm 1994 tại sao những người Công Giáo luôn hướng về Tòa Thượng phụ Moscow trong cuộc đối thoại đại kết, ngài nói 'Người bạn Ukraine thân mến của tôi, bạn không biết một điều, trong tiếng Ý được gọi là Il fasno di Mosca - sự quyến rũ của Moscow." Và nó vẫn còn như vậy cho đến ngày nay, mặc dù đã giảm đi đáng kể.
“Tuy nhiên, cuộc chiến tranh chống lại Ukraine đang khiến Vatican rất lo lắng. Giờ đây, cả hai đại diện của thế giới Công Giáo và Chính thống giáo đều nói rằng thật đáng xấu hổ những gì Kirill đang làm."
Theo linh mục Dacko, ủy ban đã đạt được những thành tựu quan trọng ở Crete, khi hoàn thành việc sửa đổi bản thảo có tựa đề “Tính tối thượng quyền và tính thượng hội đồng trong Thiên niên kỷ thứ hai và ngày nay”.
Nhưng cuộc họp không phải không có những thất vọng.
Linh mục Dacko nói, “Tôi trở về sau cuộc họp với một trái tim nặng trĩu, và tất cả những người Công Giáo đều cảm nhận được điều đó”.
Ngài nói thêm, “Tình hình khá nghiêm trọng. Đôi khi tôi nghĩ những người Công Giáo chúng ta gần gũi với một số người Chính thống hơn là Chính thống giáo với nhau. Moscow đã tạo ra một cái nêm giữa Chính thống giáo và điều này đã diễn ra kể từ năm 2016 khi họ không tham gia vào Hội đồng Chính thống giáo. Rồi, Constantinople đã ban cấp tư cách độc lập cho Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine. Giờ đây, họ [Tòa Thượng phụ Moscow] đang gây ảnh hưởng đến các Giáo hội khác.
“Tại cuộc họp của ủy ban điều hợp của chúng tôi, không có một đại diện nào của các Giáo hội Slav. Không phải là người Serb, người Balan, người Séc hay người Slovak. Tại Moscow, họ tin rằng cuộc đối thoại Chính thống-Công Giáo này đang được tiến hành chỉ để khẳng định quyền tối thượng của Constantinople, và bằng cách ủng hộ Thượng phụ Constantinople, những người Công Giáo sau này sẽ tìm được cơ sở chung với ngài và tuyên bố một liên minh mới. Bạn có biết chữ ‘liên minh’ nghe ra sao đối với lỗ tai của Chính thống giáo không?”
Linh mục Dacko nói rằng Chính thống giáo Hy Lạp, về phần họ, “cảm thấy tự tin và nói rằng họ sẽ không chú ý đến Moscow.”
“Thế giới Chính thống giáo Hy Lạp đã lên án ý thức hệ ‘thế giới Nga’. Vì vậy, có rất nhiều hy vọng. Nếu mọi điều phụ thuộc vào Thượng Phụ Bartholomew và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, họ có thể đạt được việc phục hồi hiệp thông. Thậm chí có thể trước năm 2025, lúc sẽ là kỷ niệm 1700 năm của Công đồng Đại kết đầu tiên. Mọi người đều ủng hộ việc tiếp tục đối thoại: người Hy Lạp, người Albania, người Romania, nhưng vấn đề là với thế giới Slav.”
Suy nghĩ về tương lai của đối thoại Chính thống giáo-Công Giáo, linh mục Dacko cho biết ngài hy vọng rằng trong tương lai Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine có thể được đưa vào, mang lại tiếng nói thiết yếu cho ủy ban từ thế giới Chính thống giáo Slav hiện chỉ được đại diện bởi phía tẩy chay Moscow.
Linh mục Dacko nói, “Chúng tôi có một thỏa thuận của những người chính nhân rằng các bên không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
“Nhưng về phía Công Giáo, không có sự dè dặt nào về sự hiện diện của Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine tại các cuộc họp. Quyết định thuộc về phía Chính thống. Nếu Thượng phụ Bartholomew đưa họ vào công việc của ủy ban này, sẽ không có sự dè dặt nào từ phía Công Giáo”.
Linh mục Dacko nói thêm, “Về phần mình, tôi đã nói tại nhiều cuộc họp rằng điều quan trọng là Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine phải được đưa vào cuộc đối thoại này. Một số đại diện của Chính thống giáo đã nói với tôi rằng họ (Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine) hiện là một Giáo hội tự lập và nên có đại diện [của riêng họ] trong ủy ban này."
Taras Kurylets thuộc Viện Nghiên cứu Đại kết của Đại học Công Giáo Ukraine nói với tạp chí The Pillar rằng sự tham gia của Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine trong Ủy ban Quốc tế có thể là tích cực và có thể mở ra những chân trời mới trong cuộc đối thoại.
Ông nói, "Chúng tôi có trải nghiệm độc đáo của riêng mình về sinh hoạt Kitô giáo và những ý tưởng đại kết. Kitô giáo Ukraine có điều gì đó muốn nói với thế giới".
Câu hỏi duy nhất còn bỏ ngỏ, theo Dacko và Kurylets, là liệu Giáo Hội Chính thống độc lập của Ukraine có đủ người đủ tiêu chuẩn để tham gia vào ủy ban hay không.