1. Giáo chủ Maronite ủng hộ Ukraine

Tờ L'Orient le Jour của Li Băng đưa tin rằng vào ngày Nga xâm lược Ukraine, một thông cáo của Bộ Ngoại giao Li Băng đã lên án hành động xâm lược của Nga. Đó là một quan điểm không được sự nhất trí trong tầng lớp chính trị, vì một số người coi đó là vi phạm nguyên tắc trung lập.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Béchara Raï, Giáo chủ Công Giáo Maronite, một người nhiệt thành bảo vệ sự trung lập của Li Băng trên bình diện quốc tế, đã đứng về phía Ukraine. Ngài giải thích rằng “tất cả các quốc gia trung lập trên thế giới đã nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ đối với nền độc lập của nhà nước Ukraine và quyền tự do của người dân.”

Ngài nói thêm: “Ngay cả khi chúng ta muốn tăng cường mối quan hệ với Nga, thì trước đây chúng ta cũng đã từng lên án tất cả các cuộc chiến tranh xảy ra chống lại người dân Trung Đông và vi phạm biên giới quốc tế.”


Source:.lorillionsjour.com

2. Một cái nhìn của người Ý về sự phát triển của Giáo hội ở Đức: theo hướng cách mạng hay ly giáo?

Như chúng tôi đã đưa tin, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức đã kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và đồng tính luyến ái.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Bunte của Đức xuất bản vào ngày 4 tháng 3, Giám mục Georg Bätzing đồng ý với khẳng định của nhà báo rằng “không ai” tuân theo giáo huấn của Giáo hội rằng chỉ nên thực hành tình dục trong hôn nhân, ông nói: “Điều đó đúng. Và chúng ta phải thay đổi phần nào Giáo lý về vấn đề này. Tình dục là một món quà của Thiên Chúa. Và không phải là một tội lỗi”.

Khi được hỏi liệu các mối quan hệ đồng giới có được phép hay không, vị Giám Mục người Đức trả lời: “Được, nếu nó được thực hiện với lòng trung thành và trách nhiệm thì không sao cả. Nó không ảnh hưởng đến mối quan hệ với Chúa”.

Bätzing, giám mục của Limburg, miền tây nước Đức, nói thêm: “Làm thế nào một người sống cuộc sống cá nhân thân mật của họ không phải là việc của tôi.”

Nhà báo Franco Manzitti gọi đó là một “cơn bão đang ập đến Giáo hội ngày nay”. Trong số tất cả những sóng gió mà Giáo hội ngày nay phải đối phó, “nỗi sợ hãi mạnh nhất là sự ly giáo của người Đức,” mà ông tin rằng có thể trở thành một sự giả hình thực sự. Tiến Trình Công Nghị, được đưa ra vào năm 2019, đã dẫn đến các đề xuất “chứa đựng các yêu cầu cải cách cực đoan, được thực hiện bởi một lực lượng quyết liệt”, chẳng hạn như chia sẻ quyền lực, ý thức hệ giới tính, chấm dứt độc thân linh mục, bầu cử giám mục, phong chức cho phụ nữ.

Nói rộng hơn, đó là “quyền ưu tiên của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô” của Giám mục Rôma dường như đang bị thách thức. Hiện tại, Tòa thánh đã đưa ra phản ứng “cực kỳ thận trọng” đối với cuộc khủng hoảng này, bởi vì người Đức là “đầu tàu” của một cuộc chuyển đổi hiện đang lan sang Mỹ Latinh, Úc Đại Lợi và Tây Ban Nha.

https://www.blitzquotidiano.it/opinioni/franco-manzitti-opinioni/chiesa-cattolica-la-spinta-tedesca-verso-rivoluzione-o-scisma-donne-prete-sposati-divorziati-omo-trans-3452681/[Kim Thúy]

3. Các nhà trí thức Chính Thống Nga xin mọi người tha thứ cho tội Nga xâm lăng Ukraine

Andrey Chernyak là nhà xây dựng phi thuyền không gian Xô Viết. Ông trở lại Chính Thống Giáo thập niên 1980 và trở thành cộng tác viên thân cận nhất của Cha Alexander Mien, người bị sát hại năm 1990. Trong nhiều năm sau đó, ông làm việc trong tư cách một khoa học gia vi tính, tham gia nhiều công trình truyền bá Tin Mừng và đối thoại đại kết. Vợ ông, Bà Karina, là sáng lập viên của câu lạc bộ “Hosanna” ở Moscow, chuyên tổ chức các sinh hoạt truyền bá Tin Mừng nơi người trẻ. Hai vợ chồng đã nhiều năm liên hệ với giáo xứ Thánh Alexander Nevsky của Cha Alexander Borisov, người qui tụ giới ưu tú trí thức và nghệ sĩ của Moscow. Hiên họ sống ở Vilnius. Hãng thông tấn Công Giáo của Ba Lan Katolicka Agencja Informacyjna [KAI] vừa có cuộc phỏng vấn họ; cuộc phỏng vấn này đã được tập san Aleteia đăng tải

KAI: Với tư cách là những Kitô hữu Chính thống giáo Nga, ông bà cảm nhận như thế nào về cuộc tấn công của quân đội Nga vào quốc gia Ukraine độc lập?

Karina và Andrei Czerniakow: Chúng tôi cảm thấy đau đớn, cay đắng, sợ hãi, xấu hổ và tức giận do những gì đang xảy ra. Gần như không thể tin được. Chúng tôi không biết làm cách nào để giúp người Ukraine trong tình huống này ngoài lời cầu nguyện. Tất cả các suy nghĩ của chúng tôi hiện nay hướng về Ukraine, và chúng tôi nhận ra rằng đây là một thảm kịch cho cả hai quốc gia, Ukraine và Nga. Các quốc gia của chúng tôi là anh em, và thảm kịch này đã chia rẽ chúng tôi và sẽ tiếp tục chia rẽ chúng tôi trong nhiều thập niên, có lẽ trong nhiều thế hệ. Chúng tôi cảm thấy rất hối hận đối với những người phải chịu đựng những cuộc tấn công dữ dội này, những cuộc không kích này. Chúng tôi rất hối hận đối với những người Ukraine đang hấp hối, đặc biệt là trẻ em, và cả những người Nga đang chết một cách vô nghĩa, dẫn tới cái chết bởi một người điên.

Ông bà giải thích thế nào về các phát biểu của Vladimir Putin, trong đó ông ta thực sự không những chỉ phủ nhận quyền độc lập của Ukraine, mà còn cho rằng Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga và bị cai trị bởi nhóm Quốc xã, những kẻ phải bị loại bỏ?

Các phát biểu của Vladimir Putin đối với chúng tôi là những lời nói của một người đàn ông không có học. Chúng là những lời vô nghĩa khủng khiếp đầy rẫy tuyên truyền, những lời tuyên truyền không đem lại cho nước Nga một con đường rõ ràng nào để tiến lên phía trước. Tuyên truyền có tác động rất mạnh đến não bộ của người ta. Rất tiếc, rất nhiều người Nga tin vào điều đó. Điều này cũng tương tự như ở nước Đức của Hitler, nơi tuyên truyền gieo rắc ý thức hệ vô nghĩa vào đầu người ta. Ngày nay, điều y như thế cũng đang xảy ra ở Nga.

Ukraine là gì đối với ông bà? Đâu là vị thế và vai trò của nó trong khu vực này của Châu Âu?

Ukraine là một đất nước thân yêu đối với trái tim chúng tôi. Chúng tôi có nhiều người gần gũi với chúng tôi ở đó, thân yêu với chúng tôi, những người đã quan trọng đối với chúng tôi trong suốt cuộc đời của chúng tôi. Chúng tôi mang ơn rất nhiều người trong số họ vì họ là những bậc thầy và thầy dạy của chúng tôi. Đó là một đất nước tuyệt vời với một nền văn hóa tuyệt vời, độc lập và phong phú. Ukraine hoàn toàn phải được quyền tự định đoạt số phận của mình, kể cả quyền gia nhập NATO hay Liên minh châu Âu. Dù sao, Ukraine có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong nền văn hóa của toàn châu Âu và trong nền chính trị châu Âu. Nó chỉ cần được phép làm như vậy.

Chúng ta có thể đánh giá ra sao thái độ của Tòa Thượng phụ Moscow và chính Thượng phụ Kirill đối với hành động xâm lược Ukraine?

Chúng tôi rất đau lòng vì Giáo hội Chính thống giáo, mà chúng tôi thuộc về, đã không phản đối hành động xâm lược. Cả Giáo hội nói chung và bản thân Thượng phụ Kirill đều không làm như vậy. Sự gây hấn này là vi phạm tất cả các điều răn của Thiên Chúa.

Điều gì giải thích cho việc các giám mục Chính thống giáo Nga không lên án hành vi xâm lược này?

Sự kết hợp giữa Giáo Hội và Nhà nước của Nga. Sợ một số biện pháp trừng phạt của giáo hội hoặc thiếu lợi ích bản thân. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho tất cả các giám mục và tất cả các linh mục. Nhiều người, đặc biệt là các linh mục, đã lên tiếng phản đối. Ngoài ra, một số giám mục không đồng ý với những gì đang xảy ra, mặc dù họ không nói công khai như vậy. Những người bất đồng chính kiến này đang dẫn đầu những buổi cầu nguyện long trọng (tuần cửu nhật) cho việc hòa giải và chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp này.

Các giới Chính thống giáo khác ở Nga, chẳng hạn như các đệ tử cũ của Fr. Aleksandr Mien, mà ông bà thuộc về, nghĩ gì về tình hình này?

Chúng tôi không thể nói về tất cả các giới Chính thống giáo ở Nga; có nhiều ý kiến khác nhau, đa dạng chồng chéo lên nhau. Chúng tôi chỉ có thể nói về chính chúng tôi, những người gần gũi với chúng tôi, trong đó, thật không may, cũng có những ý kiến khác nhau, mặc dù hầu hết bạn bè của chúng tôi, anh chị em Kitô hữu của chúng tôi lên án chiến tranh, cầu nguyện cho hòa bình và làm những gì họ có thể làm để hòa giải và giúp đỡ những người đau khổ ở Ukraine.

Có bất cứ Kitô hữu Chính thống giáo nào ở Nga đưa ra sáng kiến để chấm dứt chiến tranh, giúp Ukraine hoặc đưa ra những cử chỉ liên đới với nước này không?

Sáu nghìn người Nga đã bị bỏ tù vì tham gia vào các hành động đình công và biểu tình phản đối chiến tranh. Mọi nỗ lực, ngay cả khi không có bất cứ dấu hiệu phản kháng nào bên ngoài, luôn bị dẹp bỏ, và những người tham gia sẽ bị tống vào tù. Do đó, tôi không biết có thể làm gì khác. Ở Mỹ thì hoàn toàn khác, khi hàng ngàn người lên tiếng phản đối chiến tranh ở Việt Nam, nhưng không ai bắt họ ở đó.

Ở đất nước chúng tôi, nhiều người mặc dù không tán thành chủ trương của Putin, ngại ra đường biểu tình nhưng họ vẫn cầu nguyện vì trong thâm tâm họ muốn chiến tranh dừng lại, họ muốn hòa bình. Họ cảm thấy xấu hổ, cảm thông cho người Ukraine, và cảm giác tội lỗi.

Tôi biết những người Nga này rất muốn giúp đỡ về vật chất cho người Ukraine, nhưng không thể gửi tiền, họ muốn nhận người tị nạn, nhưng người tị nạn không trốn sang Nga, họ muốn gửi viện trợ nhân đạo, nhưng điều này cũng không thể có được. Do đó, chúng tôi không nhìn thấy khả năng hỗ trợ. Nó chỉ có thể từ bên ngoài nước Nga. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đang quyên góp mọi thứ, quần áo ấm, tiền bạc, thực phẩm, để giúp đỡ những người Ukraine ở đất nước của họ và cả những người bị buộc phải ra nước ngoài.

Là các Kitô hữu ở Nga, ông bà muốn gửi thông điệp gì đến các Kitô hữu khác ở Châu Âu và trên thế giới?

Trước hết, Putin và những người thân cận nhất của ông ta không phải là hoàn toàn Nga. Xin đừng nghĩ rằng đây là hành động gây hấn của cả nước Nga. Chúng tôi nhớ lại lời của một linh mục người Ý, Cha Romano Scalfi, người sáng lập và giám đốc của “Russia Cristiana” và đã làm nhiều việc để khôi phục Kitô giáo, Chính thống giáo ở Nga. Cha Romano ngay trước khi qua đời (mất năm 2016) đã nói: “Bất chấp mọi điều, hãy yêu nước Nga.”

Tôi không biết ngài đã nhìn thấy trước được bao nhiêu về cơn ác mộng đang xảy ra ngày hôm nay và những gì khác mà nước Nga có thể mang lại cho thế giới. Nhưng cụm từ “Bất chấp mọi điều, hãy yêu nước Nga”, đối với tôi là một dấu hiệu cho thấy ngài có thể thấy trước khả năng đó. Nước Nga không chỉ có Putin, mà còn có Pushkin, Tolstoy, các nhạc sĩ, họa sĩ, nền văn hóa Nga rộng lớn, và rất nhiều người đơn giản tốt lành, tử tế, cũng như các Kitô hữu chính thống đầy đức tin. Tôi tưởng tượng rằng nếu Cha Alexander Mien còn sống hôm nay, lời nói vang dội của ngài chắc chắn sẽ là: “Đừng có chiến tranh!”

Chúng tôi cũng muốn nói thêm rằng chúng tôi rất mong muốn những điều như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa ở châu Âu hoặc trên toàn thế giới.

Xin tha thứ cho chúng tôi!

https://aleteia.org/2022/03/06/orthodox-russian-intellectuals-forgive-us-for-what-russia-is-doing-today-interview/