1. Nhà thờ Armenia của Lviv dỡ bỏ tượng Chúa Kitô để đưa đến nơi an toàn giữa cuộc xâm lược Ukraine

Một bức tượng Chúa Kitô đã được di tản khỏi Nhà thờ Armenia ở Lviv để bảo quản an toàn. Câu chuyện này đã được lan truyền trên Twitter.

Bức ảnh được đăng bởi Tim Le Berre vào ngày 5 tháng 3, cho thấy năm người đàn ông đang hạ một bức tượng của Chúa Kitô xuống khỏi một bức tường. Một tweet tiếp theo từ Le Berre mô tả bức tượng được bọc trong các tấm xốp đóng gói trước khi vận chuyển.

Theo Le Berre, bức tượng sẽ “được cất giữ trong boong-ke để bảo vệ,” và lần cuối cùng bức tượng bị dỡ bỏ như thế này là vào hồi Thế chiến thứ hai.

Các lực lượng Nga đã mở cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Lviv, nằm ở phía tây Ukraine gần Ba Lan, đã phải hứng chịu các cuộc không kích. Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, Lviv đã trở thành “thủ đô phía Tây” của đất nước khi thủ đô Kiev bị tấn công.

Nhà thờ của Công Giáo Armenia Lviv, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1363, có một lịch sử thú vị được đánh dấu bởi một loạt các vụ hỏa hoạn, chiến tranh và các biến động xã hội khác. Từ những năm 1600 cho đến năm 1945, nhà thờ là nơi cư trú của cộng đồng Công Giáo Armenia ở Lviv.

Năm 1945, sau Chiến tranh thế giới thứ hai và việc Liên Xô sáp nhập Lviv, chính quyền Liên Xô đã bắt giữ Linh mục Dionizy Kajetanowicz, cha sở nhà thờ, sau khi ngài từ chối trở thành một linh mục Chính thống giáo. Kajetanowicz chết trong tù khổ sai 9 năm sau đó. Trong thời gian này, hầu hết người Công Giáo Armenia ở Ba Lan buộc phải rời Lviv đến Ba Lan.

Tổng giáo phận Công Giáo Armenia Lviv đã bị bỏ trống kể từ năm 1938.

Vào năm 2000, nhà thờ đã trở thành tài sản của Giáo hội Armenia Tông Truyền mới được thành lập bởi Tòa Giám Mục Ukraine của Giáo Hội này, nhưng người Công Giáo Armenia vẫn được phép sử dụng nhà thờ cho các nghi lễ.
Source:Catholic News Agency

2. Lãnh đạo Công Giáo Ukraine cảm ơn người Ba Lan đã chào đón 1 triệu người lánh nạn khỏi chiến tranh Ukraine

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã cảm ơn Ba Lan vì đã chào đón hơn một triệu người chạy khỏi Ukraine.

Trong một thông điệp video được ghi lại vào ngày 7 tháng 3 tại thủ đô Kiev của Ukraine đang bị bao vây, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cũng ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã mô tả cuộc xâm lược ở Ukraine như một cuộc chiến.

“Hôm nay, tôi đặc biệt cảm ơn người dân Ba Lan, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, chính phủ Ba Lan, vì các ngài đã đón nhận hơn một triệu người tị nạn vào vòng tay của các ngài, vào nhà của các ngài, và các vị đang cố gắng làm mọi thứ để giúp cho người Ukraine”.

“Cầu xin Chúa, là Thiên Chúa chúng ta trả ơn cho các vị gấp trăm lần”

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc ngày 7/3 đưa tin hơn 1.7 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24/2.

Gần 1.2 triệu người đã vào nước láng giềng Ba Lan, nơi Giáo Hội Công Giáo đang giúp đỡ hàng triệu người.

Đức Tổng Giám Mục 51 tuổi bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã lựa chọn từ ngữ trong diễn từ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba.

Đức Thánh Cha nói: “Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, tàn phá và đau khổ. Số nạn nhân ngày càng gia tăng, người dân bỏ trốn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn đó đang tăng lên đáng kể.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô đã bác bỏ ý kiến được Điện Cẩm Linh đưa ra, rằng cuộc tấn công của Nga ở Ukraine là “một cuộc hành quân đặc biệt” chứ không phải là một cuộc chiến tấn công.

“Đức Thánh Cha nói rõ ràng và minh định rằng đây không phải là một loại hành quân nào đó, đây là một cuộc chiến,” Đức Tổng Giám Mục nói. “Chiến tranh, trước hết, là chống lại những người hòa bình, chống lại những người dân thường vô tội.”

Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 6/3 cho biết họ đã ghi nhận 1,123 thương vong dân sự, với 364 người thiệt mạng và 759 người bị thương.

Video của Shevchuk được đưa ra khi lực lượng Nga tiến gần đến Kiev, nơi vị Đức Tổng Giám Mục đang trú ẩn cùng những người khác dưới Nhà thờ Phục sinh của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Ngài cho biết anh cảm thấy vô cùng đau buồn trước những đau khổ của thường dân ở ngoại ô Kiev.

“Đặc biệt là trái tim tôi rất đau khổ cho tổng giáo phận Kiev của tôi. Những trận chiến ác liệt đang diễn ra ở ngoại ô Kiev”.

“Ba thành phố đã trở thành chiến trường rộng lớn và khủng khiếp, cách trung tâm Kiev vài chục km theo đúng nghĩa đen. Đây là Irpin, Hostomel và Bucha”.

Đức Cha Shevchuk nói rằng ngài đã biết rằng người đứng đầu hội đồng thành phố Hostomel, một thị trấn phía tây bắc Kiev, đã bị giết khi đang phân phát thực phẩm và thuốc men.

Ngài than thở về việc không có các tuyến đường “xanh” an toàn cho dân thường đang tìm cách rời khỏi các thành phố bị quân Nga bao vây và kêu gọi lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.

Ngài nói: “Thật không may, tất cả những lời bàn tán về các hành lang xanh cho khả năng di tản người dân khỏi các thành phố đang hứng chịu nhiều cuộc vây hãm và bắn phá đều không thành hiện thực.

“Hôm nay, chúng tôi yêu cầu cộng đồng thế giới: 'Hãy đóng cửa bầu trời Ukraine!”

Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng rằng ngày thứ Hai đánh dấu sự khởi đầu của Mùa Chay đối với các tín hữu Kitô Ukraine theo lịch Julian.

Ngài nói: “Hôm nay chúng tôi cầu nguyện, ăn chay và làm việc lành”.

Đức Cha Shevchuk kết thúc thông điệp của mình bằng một lời cầu nguyện.

“Hôm nay chúng tôi cầu nguyện cho quân đội Ukraine. Chúng tôi chúc phúc cho các tình nguyện viên của chúng tôi, tất cả những người mang ngày chiến thắng đến gần hơn,”

“Lạy Chúa, xin phù hộ cho Ukraine! Lạy Chúa, xin chúc lành cho đất nước Ukraine! Lạy Thiên Chúa, hãy cứu dân Ngài và ban phước cho cơ nghiệp của Ngài!”

“Cầu xin phước lành của Chúa ở trên anh chị em qua ân sủng và tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, luôn luôn, ngay bây giờ và mãi mãi, và cho đến thiên thu vạn đại. Amen.”
Source:Catholic News Agency

3. Thượng phụ Kirill nói gì trong cuộc gặp gỡ Sứ thần Tòa thánh tại Nga

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha nói:

“Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, tàn phá và đau khổ. Số nạn nhân ngày càng gia tăng, người dân bỏ trốn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn đó đang tăng lên đáng kể.”

Việc lựa chọn những từ ngữ mạnh mẽ như thế được cho là phản ánh thái độ thất vọng của Tòa Thánh đối với cả Putin lẫn Thượng Phụ Kirill, sau các cố gắng không thành công nhằm chấm dứt cuộc chiến. Một ngày sau thông điệp nẩy lửa của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã ra một tuyên bố. Trong tuyên bố này, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã không hề đề cập đến lý do tối quan trọng trong chuyến viếng thăm của Sứ thần Tòa Thánh. Giữa hoàn cảnh chiến tranh kinh hoàng, ngài không đến để nói chuyện xã giao mà để chuyển lời của Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu Thượng Phụ Kirill tác động với Putin chặn đứng cuộc xâm lược Ukraine.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ

Vào ngày 3 tháng 3 năm 2022, Đức Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga đã gặp Sứ thần Tòa thánh tại Liên bang Nga, là Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello, tại Dinh thự Thượng phụ ở Tu viện Danilov ở Mạc Tư Khoa.

Về phía Giáo Hội Chính thống Nga, cuộc họp có sự tham dự của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga Archimandrite Philaret (Bulekov) và một nhân viên của Ủy ban Đối Ngoại về Quan hệ giữa các Giáo Hội Kitô Ivan Nikolaev.

Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello được tháp tùng bởi một Linh mục của Tòa Sứ thần Tòa thánh là Cha Igor Chabanov.

Phát biểu chào mừng quan khách, Đức Thượng phụ Kirill lưu ý rằng Giáo Hội Chính thống Nga và Giáo Hội Công Giáo Rôma đóng một vai trò quan trọng trong thế giới Kitô và mối quan hệ tốt đẹp đã phát triển giữa họ mở ra triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Đức Thượng Phụ cũng tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đóng góp quan trọng vào việc kiến tạo hòa bình và công lý giữa mọi người.” “Tôi giữ một kỷ niệm rất đẹp về cuộc gặp gỡ cá nhân của chúng tôi, chắc chắn nó đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ của chúng tôi. Chúng tôi trong Giáo hội Chính thống Nga đánh giá rất cao việc một trang mới như vậy đã mở ra”.

Đức Thượng Phụ chỉ ra rằng lập trường ôn hòa và khôn ngoan của Tòa thánh trong nhiều vấn đề quốc tế là phù hợp với lập trường của Chính thống giáo Nga. “Điều rất quan trọng là các Giáo hội Kitô, bao gồm cả các Giáo hội của chúng ta, tự nguyện hoặc không tự nguyện, đôi khi không có ý muốn, sẽ không trở thành người tham gia vào những khuynh hướng phức tạp, mâu thuẫn đang hiện diện trong chương trình nghị sự thế giới ngày nay,” Đức Thượng phụ Kirill nhấn mạnh.

Ngài nói: “Chúng tôi đang cố gắng thực hiện một quan điểm xây dựng hòa bình, kể cả khi đối mặt với những xung đột hiện có. Bởi vì Giáo hội không thể là một bên tham gia vào một cuộc xâm lược - nó chỉ có thể là một lực lượng xây dựng hòa bình”.

Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Nga nói rằng Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello có kinh nghiệm đối phó với các tình huống chính trị khó khăn, vì ngài đã phục vụ ở Mỹ Latinh trong một thời gian dài: “Đây là một lục địa rất khó khăn. Một mặt, nó là một lục địa, phần lớn cư dân thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Đến thăm các nước Mỹ Latinh, tôi đã chứng kiến một tình cảm tôn giáo mạnh mẽ, sống động trong nhân dân. Nhưng, mặt khác, cũng có rất nhiều mâu thuẫn trên lục địa này: xã hội, chính trị, kinh tế và những thứ khác, và chúng làm phức tạp thêm cuộc sống của người dân”.

Đức Thượng Phụ nói tiếp: “Khi chủ đề về cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra, tôi đã nghĩ về việc cuộc gặp này có nên diễn ra hay không. Sau đó, tôi nghĩ rằng chúng ta nên gặp nhau trên mảnh đất mà Chính thống giáo chưa bao giờ có xung đột với người Công Giáo. Trên một lục địa đang chống chọi với các vấn đề và bất công, cần sự hỗ trợ tinh thần, đồng thời, chưa bao giờ bị lu mờ bởi những xung đột giữa các tôn giáo liên quan đến chủ đề Đông và Tây”.

Về phần mình, Sứ thần Tòa thánh tại Nga chân thành cảm ơn Đức Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện.

Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello đã chuyển lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Giáo chủ Chính thống Nga, lưu ý rằng với cảm xúc sâu sắc Đức Giáo Hoàng luôn nhớ lại cuộc gặp với Đức Thượng phụ Kirill và đặc biệt là bầu không khí thân mật mà cuộc gặp gỡ đó đã diễn ra.”

Ngài cũng đề cập rằng khi ngài đến Nga sau nhiều năm làm Sứ thần Tòa thánh tại Brazil, Đức Tổng Giám Mục São Paulo, là Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer, và Đức Tổng Giám Mục Rio de Janeiro, là Đức Hồng Y Orani João Tempesta, đã yêu cầu ngài chuyển lời chào thân ái nhất tới Giáo chủ của Giáo hội Chính thống Nga.

Theo Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello, nhiệm kỳ Sứ thần Tòa thánh tại Liên bang Nga là cơ hội để ngài “làm quen với một thế giới hoàn toàn mới, đặc biệt là với mục vụ của Giáo hội Chính thống Nga.” Ông nói: “Đây là một cơ hội quý giá, bao gồm cả việc phát triển mối quan hệ hợp tác của chúng ta.
Source:Moscow Patriarch