Hôm thứ Bẩy, Úc đã quyết định rút toàn bộ sứ quán khỏi Ukraine vì tình hình được cho là đáng báo động. Ngoại trưởng Hoa Kỳ là ông Antony Blinken, đang ở thăm Úc, đã lên đường về nước. Ông cho rằng “Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, một khả năng thương thảo đã bế tắc”.

Trong bối cảnh đó, Ukraine đã yêu cầu Tòa Thánh làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột với Nga và muốn Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm càng sớm càng tốt, ngay cả trong tình hình hiện tại. Tân đại sứ của Ukraine cạnh Tòa thánh đã cho biết như trên hôm thứ Hai.

Phát biểu với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Andriy Yurash, cho biết Vatican đang xem xét phản ứng của mình đối với lời mời đến thăm từ các quan chức chính trị và Giáo Hội Công Giáo ở Ukraine.

Yurash, 53 tuổi, lưu ý rằng tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với một tờ báo Ý rằng Vatican sẽ là một địa điểm lý tưởng để đàm phán chấm dứt chiến tranh ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, bắt đầu từ năm 2014.

Yurash lặp lại lòng mong mỏi của Ukraine muốn Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải trong bối cảnh quốc tế đang bế tắc về việc Nga triển khai hơn 100,000 quân gần Ukraine. Cho đến nay, Nga tiếp tục phủ nhận việc lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược nhưng nhiều nước phương Tây âu lo một cuộc xâm lược đang gần kề và đã yêu cầu công dân của họ di tản.

“Theo tôi hiểu, Vatican sẽ sẵn sàng và vui mừng tạo khả năng này để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của cả hai bên,” Yurash, cựu Vụ trưởng Vụ Tôn giáo và Dân tộc tại Bộ Văn hóa Ukraine cho biết.

“Ukraine hoàn toàn ủng hộ việc dùng Vatican làm địa điểm thương thảo vì tầm ảnh hưởng, và giá trị tinh thần của Tòa Thánh đối với cuộc họp. Nếu Nga xác nhận ý muốn ngồi vào bàn, ngay lập tức Ukraine sẽ đáp trả theo hướng tích cực”, ông nói.

Vatican đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trong những thập kỷ gần đây, Vatican đã tham gia vào các cuộc hòa giải giữa các phe phái ở Nam Sudan, giữa Chí Lợi và Á Căn Đình về tranh chấp lãnh thổ và cũng làm trung gian hòa giải giữa Cuba và Hoa Kỳ.

Ukraine chủ yếu theo Chính Thống Giáo nhưng khoảng 10% dân số thuộc Giáo Hội Công Giáo Đông phương, sử dụng các nghi thức tôn giáo Byzantine nhưng trung thành với Rôma.

Vào năm 2018, Giáo Hội Chính thống Ukraine đã tách ra làm hai, với một bên tuyên bố độc lập khỏi Giáo Hội Chính thống Nga và một bên giữ quan hệ với Mạc Tư Khoa.

Đại sứ mới được bổ nhiệm đã lặp lại lời mời thường trực của các nhà lãnh đạo Công Giáo và chính trị của Ukraine mong muốn Đức Giáo Hoàng đến thăm.

Ông nói: “Tất cả các nhà lãnh đạo thế giới đều nên đến thăm Ukraine. Một chuyến Tông đồ của Đức Giáo Hoàng sẽ có tác động rất lớn đối với sự phát triển của tình hình.”

“Ukraine sẽ rất vui khi được gặp Đức Giáo Hoàng ngay cả trong hoàn cảnh hiện nay vì chúng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng chúng tôi đang kiểm soát biên giới của mình. Chúng tôi đang kiểm soát tình hình bên trong đất nước và chúng tôi sẽ sẵn sàng bảo vệ tất cả mọi người”, ông nói.

Mạc Tư Khoa đang thúc ép yêu cầu các bảo đảm từ Hoa Kỳ và NATO, bao gồm việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, hạn chế triển khai tên lửa gần biên giới Nga và thu nhỏ cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở Âu Châu lên mức 1997.

Washington coi nhiều yêu cầu của Nga là không khả thi nhưng đã thúc đẩy Điện Kremlin thảo luận chung với Washington và các đồng minh Âu Châu.
Source:Reuters