Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, tỏ ra lạc quan vì sự xích lại gần nhau giữa Chính thống và Công Giáo tại Cộng hòa Serbia.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher, gốc người Anh, đã đến viếng thăm tại Serbia từ ngày 20 đến 23 tháng Mười Một vừa qua. Ngoài các cuộc tiếp xúc với chính quyền nước này, ngài còn gặp gỡ các vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống địa phương, và đặc biệt đã chủ sự thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha Fabijan Svalina, Giám mục Phó giáo phận Srijem, ngày 21 tháng Mười Một.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Công Giáo Glas Koncila, Tiếng nói Công đồng, tại Croatia, Đức Tổng Giám Mục Gallagher cho biết trong dịp lễ truyền chức giám mục cho Đức cha Svalina, ngài đã gặp được đông đảo các giám mục Công Giáo tại vùng Balkan, không những từ Croatia và Serbia, nhưng còn từ các nước khác trong vùng.

Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng cũng được mời dùng bữa tối với Đức tân Thượng phụ Porfirije Peric của Chính thống Serbia và “hiển nhiên đây là một dấu hiệu tốt về cuộc đối thoại và cuộc đối thoại này cần phải tiếp tục tiến hành. Có một lịch sử cần được đương đầu”. Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài rất lạc quan về vấn đề này và nói rằng: “Tôi thấy có những dấu hiệu rất tích cực và những bình luận của Đức tân Thượng phụ Chính thống cũng theo chiều hướng này. Tôi có thể nói Đức Thánh Cha rất tôn trọng và quí mến Đức tân Thượng phụ và coi người như một người anh em trong Giáo hội Kitô hoàn vũ”.

Trong quá khứ có những tương quan không tốt giữa các tín hữu Chính thống Serbia và Công Giáo Croatia, đặc biệt trong thời chiến tranh vùng Balkan, hồi đầu thập niên 1993. Giáo hội Chính thống Serbia cũng chống đối dự án phong hiển thánh cho chân phước Hồng Y Stepenac, vì cho rằng Đức Hồng Y đã đứng về chế độ phát xít Ustascia để bách hại các tín hữu Chính thống, điều mà Giáo Hội Công Giáo Croatia luôn phủ nhận.

Trong bài giảng thánh lễ truyền chức giám mục cho Đức cha Svalina, Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh cũng nói rằng quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo tại Croatia và Giáo hội Chính thống Serbia có ảnh hưởng lớn đối với tương quan nói chung giữa hai Giáo hội. Và theo ngài, hiển nhiên con đường cần theo là con đường hòa giải: “Chúng ta cần nhìn đến lịch sử chung tại vùng Balkan. Chúng ta cần củng cố căn tính của chúng ta, trước tiên như Kitô hữu, và giải thích lịch sử, hiện tại và tương lai dưới ánh sáng ý muốn của Chúa Kitô. Đó thực sự là điều quan trọng. Có nhiều điều khác như những vết thương, lịch sử và những vấn đề khác. Xét cho cùng, điều quan trọng đối với các môn đệ của Chúa Kitô là thi hành thánh ý của Chúa”.
Source:Catholic News Agency