Ghi chú: Đây tuy là những dữ liệu được công bố mới nhất, nhưng là từ những nghiên cứu cuả năm 2019. Chúng ta phải đợi sang năm để có dữ liệu năm 2020 và 2 năm nữa cho năm 2021.

Những dữ liệu cuả 2 năm đó, 2020 và 2021, đặc biệt đáng quan tâm vì chúng cho thấy chiều hướng cuả thế giới trong đại dịch mà nhiều học giả về xã hội cho rằng sẽ gia tăng cái chiều hướng sẵn có.

Lý do là mỗi khi xã hội có một biến động lớn như chiến tranh, kinh tế hay dịch tễ thì người ta có khuynh hướng tìm về tôn giáo, nhưng ngược lại chính quyền lại lo sợ cho quyền hành bị thách thức, nhất là ở các nước đang có chế độ chuyên chế.

Bài dịch từ báo Crux với tựa đề:


Pew: Social hostility toward religion down, government hostility stays high

By Mark Pattison

Oct 2, 2021

Catholic News Service

WASHINGTON, DC - Theo bản báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố ngày 30 tháng 9, thì các hành động thù địch xã hội (cuả dân chúng) chống lại các tín đồ tôn giáo và các giáo hội đã giảm vào năm 2019.

Tuy nhiên, sự thù địch của chính phủ đối với tôn giáo vẫn ở mức cao nhất kể từ khi Pew bắt đầu thực hiện nghiên cứu này cách đây hàng chục năm.

Về phiá xã hội, nói cách khác là về phiá người dân, thì trong năm 2019, có 43 quốc gia mà chỉ số thù địch đối với tôn giáo được liệt vào hạng "cao" hoặc "rất cao", nhưng đó là giảm so với năm 2018 (có 53 quốc gia) và là tiếp tục giảm so với năm 2012 là lúc có con số cao nhất với 65 quốc gia.

Về phía chính phủ, 180 quốc gia đã có ít nhất một trường hợp quấy rối của chính quyền đối với một nhóm tôn giáo, như vậy là tăng so với năm 2018 (175). Riêng nói về chỉ số "cao" hoặc "rất cao" thì có 75 quốc gia vào năm 2019, giảm so với năm 2018 (80).

Cô Samirah Majumdar, phụ tá nghiên cứu của Pew và là nhà nghiên cứu chính về vấn đề tôn giáo cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có nhiều biến chuyển trong những năm qua với nhiều mức độ thăng trầm. "Sự thù địch về mặt xã hội thì có thăng có trầm vì tuỳ thuộc vào việc có một sự cố nào đó diễn ra hay không,

nhưng sự thù địch của chính phủ thì dựa trên nền tảng chính trị và không thay đổi bao nhiêu."

Sự can thiệp của chính phủ vào việc thờ phượng bao gồm từ việc từ chối cho phép hoạt động tôn giáo hoặc cấm một vài thực hành cụ thể nào đó, chẳng hạn như cách thức thờ cúng, mặc trang phục, cấm để râu, không có miễn trừ nghĩa vụ quân sự, cấm sử dụng một số chất liệu trong việc thờ cúng hoặc cấm một vài tập tục và nghi lễ mai táng.

Một ví dụ được trích dẫn là: "Ở Slovenia, có sự nghiêm cấm giết mổ động vật còn sống (không gây choáng cho chúng trước,) cho nên người Hồi giáo và người Do Thái không được phép mổ chiên bò theo chế độ ăn uống halal và kosher."

Trong năm 2019, có 49 quốc gia có ít là một hình thức khủng bố liên quan đến tôn giáo, nhưng đó là "mức thấp kỷ lục so với các nghiên cứu trước", Pew nói, so với 64 quốc gia vào năm 2018 và 82 (kỷ lục cao) vào năm 2014, khi Nhà nước Hồi giáo ISIS tàn phá Trung Đông và Boko Haram quấy nhiễu Nigeria và các láng giềng.

Pew cũng bắt đầu theo dõi việc các chính quyền sử dụng công nghệ để quấy rối các hoạt động tôn giáo, "thí dụ việc chính phủ sử dụng công nghệ camera để giám sát, nhận dạng khuôn mặt hoặc dữ liệu sinh trắc học để hạn chế hoặc giám sát các nhóm tôn giáo".

Ở Trung Quốc, Pew nói, “nhà nước đã lắp đặt thiết bị trong các nhà thờ, đền thờ Hồi giáo, giáo đường Do Thái và các nơi thờ cúng khác; chính phủ cũng sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để theo dõi và thu thập dữ liệu sinh trắc học về người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm khác được coi là có tiềm năng đe dọa. Nhà chức trách ở Tân Cương cũng bắt người Duy Ngô Nhĩ phải cài đặt phần mềm trên điện thoại để theo dõi các cuộc gọi và tin nhắn của họ ”.

Cô Majumdar cho biết báo cáo xuất bản năm 2022 sẽ bao gồm nhiều chi tiết quấy rối trực tuyến hơn, vì nó có thể so sánh với số liệu của năm 2020 và năm 2019.

Pew nghiên cứu 196 quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, và dùng số liệu thống kê của Hoa Kỳ và từ các ấn phẩm của Bộ Tư pháp về các trường hợp tự do tín ngưỡng, và dùng nhiều nguồn quốc tế khác, cô Majumdar nói.

Pew báo cáo có một trường hợp của Hoa Kỳ về các hạn chế của chính phủ đối với tôn giáo.

“Một bộ tộc bản địa là Người da đỏ ở núi Ramapough đã khởi kiện liên tục từ năm 2019 chống lại thị trấn Mahwah, New Jersey, sau khi thị trấn ra luật hạn chế các cuộc tụ họp tôn giáo của họ và ra lệnh dỡ bỏ một số công trình tôn giáo cuả họ, gồm bàn thờ và vòng cầu nguyện.”

Báo cáo cho biết rằng Bộ Tư pháp sau đó đã ủng hộ bộ lạc và hai bên cuối cùng đã giải quyết vào tháng 6 năm 2019.

Những người theo đạo Thiên chúa thì phải đối mặt với nhiều vụ quấy rối ở 153 quốc gia, theo sau là người Hồi giáo với 147 quốc gia. Cô Majumdar nói với CNS rằng điều này xảy ra là bởi vì người theo đạo Thiên chúa là nhóm tín ngưỡng lớn nhất và phân tán rộng nhất trên thế giới. Người Do Thái bị quấy rối ở 89 quốc gia, mặc dù họ chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới.

Báo cáo của Pew đã ghi nhận một số trường hợp mà những người theo đạo Thiên Chúa trở thành mục tiêu bị quấy rối.

Tại Pakistan, báo cáo cho biết, “một nghi phạm Cơ đốc giáo trong một vụ trộm cắp đã bị tra tấn khi cảnh sát giam giữ và chết vài giờ sau khi được thả. Anh trai của nạn nhân báo cáo rằng một trong những sĩ quan cảnh sát đã nói khi bắt giữ người em đó, 'Tôi biết cách đối phó với những kẻ ngoại đạo này.'

Tại Cuba, Pew nói thêm, "có nhiều báo cáo về các quan chức nhà nước đe dọa các nhà mục sư Cơ đốc giáo vì tiến hành các hoạt động tôn giáo tại tư gia."

Báo cáo năm sau (năm 2020) sẽ đề cập đến năm đầu tiên của đại dịch coronavirus. Khi được hỏi liệu dữ liệu đã thu thập được rồi (cho bá cáo này) có sẵn bất cứ điều gì có thể tiên liệu một chiều hướng nào hay không, cô Majumdar trả lời: "Đó là điều mà chúng tôi đang chú tâm tìm hiểu."