Hôm 23 tháng 9, Thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục có bài “Prayers for dead among religious’ duties at Vietnamese field hospital”, nghĩa là “Những lời cầu nguyện cho người chết nằm trong số các nghĩa vụ của các tu sĩ tại một bệnh viện dã chiến”.

Đúng 7h30 tại bệnh viện dã chiến số 16, các nam nữ tu sĩ bắt đầu ca trực bằng những lời cầu nguyện cho những bệnh nhân vừa tử vong vì COVID-19.

Các nhân viên tuyến đầu là thành viên của các dòng khác nhau ở thành phố phía Nam. UCANews cho biết các vị là những người tình nguyện hỗ trợ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm coronavirus cũng như thực hiện công tác hậu cần.

Vào tháng 7, giới cầm quyền ở Việt Nam đã kêu gọi các tình nguyện viên ở Sài Gòn giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngay sau đó, khoảng 700 tình nguyện viên từ các tổ chức tôn giáo đã tham gia tại các bệnh viện dã chiến.

Bên cạnh việc chăm sóc người bệnh và hậu cần, họ còn thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt: đó là Cầu nguyện trước phòng lạnh của những người đã chết vì COVID-19 mỗi ngày.

“Tất cả nhân viên y tế và tình nguyện viên đều ý thức được vai trò là người nhà của bệnh nhân, vì bệnh nhân đến đây một mình. Nếu bệnh nhân tử vong, ngay cả gia đình cũng không thể có mặt. Vì vậy, tôi luôn muốn làm điều gì đó cho họ. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân ở đây”, Sơ Thùy Linh, một thành viên của Dòng Nữ tu Thánh Phaolô thành Chartres, nói.

Sơ đã so sánh đại dịch này với một cuộc chiến mà không ai có thể tưởng tượng được: “Đây quả thực là một trận chiến vô cùng khốc liệt. Nhận thấy sự khốc liệt đó, chúng tôi có nghĩa vụ góp sức với các bác sĩ, và y tá. Chúng tôi đến đây để hỗ trợ và làm việc với các nhân viên y tế”.

Thầy Quang Phùng, một chủng sinh Dòng Chúa Cứu Thế, giải thích những gì các tình nguyện viên thực sự làm trong bệnh viện dã chiến: “Chăm sóc bệnh nhân là một thuật ngữ chung. Đặc biệt, chúng tôi thay tã, thay giường, lấy thức ăn cho bệnh nhân ăn, thăm hỏi, khích lệ. Nếu bệnh nhân cần bất cứ thứ gì, chúng tôi sẽ đi lấy cho họ”.

Sơ Thùy Linh cho biết đây không phải là công việc dễ dàng, nhất là khi sơ phải mặc đồ bảo hộ y tế dã chiến.

Sơ nói: “Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ. Xung quanh tôi là những người cần thở. Trong khi tôi vẫn có thể thở, tôi cần phải giúp họ”.

Cha Anphongsô Trần Ngọc Hương, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế cảm thấy xúc động khi xem một đoạn video của các tình nguyện viên và viết: “Tôi thấy các nam nữ tu sĩ đang đứng trước các thùng chứa, cầu nguyện cho những người đã qua đời do COVID-19 để linh hồn họ được yên nghỉ và họ có thể nhẹ nhàng và thanh thản ra đi. Tôi cũng thấy họ làm dấu thánh giá. Trái tim tôi cảm thấy thực sự bồi hồi. Tôi tự hỏi bản thân: Mỗi ngày, tôi làm dấu thánh giá như một thói quen bao nhiêu lần, và bao nhiêu lần tôi làm với tinh thần tin tưởng như những tình nguyện viên đó?”
Source:Crux