Các nhạc đoàn Công Giáo Việt Nam

NHẠC ĐOÀN LÊ BẢO TỊNH.


1. Sau năm 1945, Hùng Lân bỏ chủng viện về đời, tuy nhiên vẫn tiếp tục sáng tác thánh ca với nhóm Lê Bảo Tịnh. Riêng Hùng Lân có nhiều thi hứng và nhạc hứng, đã trở thành một nhạc sĩ có tài, và là cột trụ cho nhạc đoàn mới thành lập. Những bài thánh ca giá trị của ông được lưu hành mau chóng. Ngày nay người công giáo Việt Nam ai ai cũng thuộc những bài của ông, như Cao cung lên, Lên núi Sion, Dâng xác hồn, Trên núi Cây Dầu, Mẹ là mùa Xuân, Nguyện xin Mẹ rất từ bi. Một số bài khác dành cho các ca đoàn có đông người hát, như Tôi đã thấy, Mùa Giáng Sinh, Ngôi Hai xuống đời, Tôi đã thấy Người sống lại, Xin Thánh Thần Chúa, Ai lên núi Chúa? Ai muốn theo Thầy, Có bao giờ, Hạt lúa rơi, Hai người tiên phong, Một ngày ghi nhớ v.v.

2. Tại miền Nam tự do Đặc biệt sau này, tại miền Nam, khi phong trào Thánh Ca Việt Nam phát khởi và các trường nhạc được thánh lập, Hùng Lân đã đóng góp rất nhiều. Chính ông đã thành lập NHẠC VIỆN BACH, để đào tạo các nhạc sĩ trẻ tuổi tại Saigon. Những bài sáng tác của ông lúc này thấm nhuần âm điệu Việt Nam, càng đem lại cho ông nhiều uy tín. Có thể kể những bài đặc sắc, như Đong cỏ tươi, Vườn Địa Đàng, Khúc hát trầm tư, Tôi không còn cô đơn, Cao vời khôn ví, Đền bồi phạt tạ, Chúa có mặt trong lịch sử v.v.

Ngoài ra, Hùng Lân còn đóng góp vào nền âm nhạc dân tộc, tuy ít nhưng không kém phần đặc sắc. Vì là một thi sĩ, nên lời ca của ông rất chỉnh và gợi cảm sâu xa. Dân chúng Việt Nam từ Bắc chí Nam đều say sưa những khúc hát dân tộc của ông, như Khoẻ vì nước, Hè về, Nhân dân cách mạng Việt Nam, Trung thu chèo thuyền, Nhịp kiệu băng, Việt Nam minh châu trời Đông v.v.

Bài sau cùng này đã có nhiều lấn được đề nghị làm bài Quốc ca Việt Nam.

Hùng Lân cũng đóng góp rất phong phú trong công việc soạn thảo các sách giáo khoa âm nhạc, bậc tiểu học cũng như trung học, trong thời gian ông phục vụ tại Trung Tâm Học Liệu Bộ Quốc Gia Giáo Dục.

3. Sau 1975, trong những năm sống dưới chế độ công sản, ông âm thầm sáng tác thánh ca, để phụng sự tình Chúa và tình người, tại nhà nguyện "Nhập Thể của linh mục Hoàng Sỹ Qúy. Ông cũng dạy âm nhạc tại tư gia để kiếm sống, và không hề tham gia bất cứ một tổ chức văn nghệ nào của xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này quá ưu tư, ông bị bệnh suyễn; thuốc men chỉ uống cầm chừng, cho đến ngày ông từ trần vào năm 1986 tại Saigon.

NHẠC SƯ TIẾN DŨNG

1. Chí hướng thánh nhạc - Sinh tại Hà Đông năm 1926, ông di tu và tòng học tại đại chủng viện Xuân Bích, sau Hùng Lân 5 năm. Ông cũng sáng tác thánh ca trong nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh. Những bài hát của ông vẫn được lưu truyền, như Con Yêu Chúa, Dâng lên Ba Ngôi, Khi con suy tưởng, Con linh mục v.v. Bài sau cùng này có lẽ là bài ca về linh mục được ưa chuộng nhất.

Ông du học tại Roma năm 1955. Tốt nghiệp Thần Học tại trường Truyền Giáo Roma; tốt nghiệp Âm nhạc tại nhạc viện Santa Cecilia. Sau đó, qua Tây Đức, nghiên cứu thêm về âm nhạc cổ điển. Ông đã thâu hội rất nhiều kiến thức về âm nhạc tại đây.

2. Hoạt động về chuyên môn - Về nước năm 1964, đầu tiên dạy thánh ca và phụng vụ tại chủng viện Long Xuyên. Năm 1967, được Hội Đồng Giám Mục mời về Saigon, làm trưởng ban Thánh Nhạc Việt Nam. Một đàng ông làm việc trong ủy ban Thánh Nhạc toàn quốc, một đàng ông mở trường riêng, dạy âm nhạc dưới danh hiệu "Trường Suối Suối". Đồng thời ông còn dạy âm nhạc cho Nhạc viện Quốc gia Saigon, và Nhạc viện Bach của Hùng Lân.

Năm 1972, ông được mời làm Khoa Trưởng phân khoa Nhân Văn Nghệ Thuật tại đại học MINH ĐỨC. Tháng 7 năm ấy, ông cùng với Nguyễn Văn Minh tổ chức đại hội Thánh Nhạc toàn quốc tại Saigon, quy tụ tất cả nhạc sư, nhạc sĩ công giáo : Hải Linh, Hoàng Kim, Nguyễn Văn Hoà, Kim Long, Hùng Lân, Trần Học Hiệu, Hoài Đức, cùng với các ban hợp ca nổi tiếng như Hồn Nước, Hương Nam, Cung Chiều, Đẹp Bình Minh, Đắc Lộ, Tân Định, Bắc Hà, Bùi Phát v.v.

Ông dạy rất nhiều môn, như nhạc lý, hoà âm, đối âm, sáng tác, dương cầm và phong cầm v.v. tại trụ sở riêng của ông tại Ngã Sáu, Saigon, tại đại học MINH ĐỨC, tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Nhạc viện BACH, đại học THÀNH NHÂN, cho đến ngày cộng sản xâm chiếm miền Nam.

3. Trong xã hội chủ nghĩa, bắt đầu ông dạy đàn và nhạc lý riêng tại nhà thờ Ngã Sáu, Saigon, trụ sở các linh mục gốc địa phận Hà Nội, mà cũng là cơ sở trường Suối Nhạc. Ông đã phát hành ba tập sách giáo khoa về Hoà Âm và Đối Âm, một tập về Nhạc lý căn bản. Năm 1978, ông được nhà nước mời dạy âm nhạc tại viện Ca Vũ Nhạc Kịch, tức Nhạc Viện quốc gia Âm Nhạc Saigon. Đối với xã hội chủ nghĩa VN, dù sao ông cũng là một nhà chuyên môn về âm nhạc, nên cũng được trọng dụng.

Nhạc sư Tiến Dũng vốn không phải là một nhạc sĩ sáng tác. Chuyên môn của ông là lịch sử âm nhạc, nên ông rất nổi về ngành phê bình âm nhạc, đồng thời rất tường tận về các ngành chuyên môn trong âm nhạc. Có thể gọi ông là một nhà bác học về âm nhạc, có lẽ đúng hơn.