Phương pháp Hộ giáo của Pascal

Theo Tiến sĩ Phil Fernandes, một chuyên gia về hộ giáo người Mỹ (http:leaderu.orgpascalmethodology.html), phương pháp hộ giáo của Pascal rất thích hợp với xã hội ngày nay. Phương pháp này không giống phương pháp truyền thống trong việc chứng minh Thiên Chúa hiện hữu.



Thực vậy, theo Pascal: “các chứng cớ siêu hình chứng minh Thiên Chúa hiện hữu quá xa vời đối với lối suy luận của con người và do đó ít có tác dụng, và nếu chúng có giúp đỡ được ai, thì cũng chỉ giây lát trong lúc họ nghe chứng minh, vì một giờ sau đó họ sợ họ đã mắc lầm lỗi (mảnh 190, trong bản dịch của Tiến Sĩ Krailsheimer)

“Và do đó, ở đây, tôi sẽ không đảm nhiệm việc chứng minh bằng lý lẽ tự nhiên cả sự hiện hữu của Thiên Chúa, lẫn Ba Ngôi Thiên Chúa, tính Bất Tử của linh hồn, hay bất cứ điều gì thuộc loại này: không phải chỉ vì tôi không cảm thấy có khả năng tìm thấy trong tự nhiên các lập luận có thể thuyết phục được các nhà vô thần cứng lòng, mà còn vì nhận thức ấy, nếu không có Chúa Giêsu, thì vô ích và vô dụng. Cho dù có ai đó xác tín rằng các tỷ lệ giữa các con số đều là các sự thật vô chất, trường cửu, tùy thuộc vào sự thật thứ nhất trong đó chúng hiện tồn, tức Thiên Chúa, tôi vẫn không nên cho là họ tiến được bao xa hướng về ơn cứu rỗi. Thiên Chúa của Kitô hữu không chỉ hệ ở một Thiên Chúa là tác giả của các sự thật toán học và trật tự các yếu tố. Đó là số phần của dân ngoại và phái Epicure” (mảnh 449).

Pascal tin rằng dù các lập luận đó có giá trị, ít người biết suy luận đủ tốt để được chúng thuyết phục. Và nếu các lập luận đó có thuyết phục được ai, người ấy vẫn không được cứu rỗi. Pascal quan tâm đến việc dẫn người ta đến với Chúa Kitô, chứ không chỉ đến với chủ nghĩa độc thần. Do đó, ông tin rằng các lập luận cổ truyền về sự hiện hữu của Thiên Chúa không hữu hiệu.

Joel Hodge, giảng sư phân khoa Triết Thần của Đại Học Công Giáo Úc (https://www.abc.net.au/religion/yearning-for-infinity-in-defence-of-pascals-wager/10100382), cũng cùng một quan điểm như thế khi cho rằng Pascal đã di chuyển quá bên kia các cuộc tranh luận khôn nguôi về sự hiện hữu của Thiên Chúa để tái tập chú cuộc nói chuyện về Thiên Chúa vào bối cảnh thích đáng của nó tức bối cảnh đời sống và cuộc hiện hữu của ta.

Điều ấy, theo Hodge có nghĩa: khi mọi “vấn nạn khoa học” đã kết thúc, chúng ta vẫn cần phải giải quyết thực tại hiện hữu và lý do tại sao ta hiện hữu.

Trong việc chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, Tiến Sĩ Fernandes cho rằng Pascal chống đối chủ nghĩa thuần duy lý của Descartes. Vì theo ông có nhiều lối tìm ra chân lý chứ không phải chỉ có lối dựa vào lý trí mà thôi. Như bằng trái tim chẳng hạn. Đối với Pascal, trái tim là điều chúng ta biết một cách trực giác chứ không qua suy luận diễn dịch. Chúng ta tri nhận và tin Thiên Chúa bằng trái tim ta. Chúng ta muốn bằng trái tim ta. Chúng ta biết các nguyên lý đệ nhất bằng trái tim. Không những thừa nhận việc ngoài lý trí ra, có nhiều cách khác để nhận thức, ông còn cho rằng lý trí con người thường bị các nhân tố khác gây ảnh hưởng. Con người không luôn trung thực với lý trí của họ.

Ông viết: “chúng ta biết sự thật không chỉ nhờ lý trí mà còn nhờ trái tim. Chính nhờ trái tim, chúng ta biết các nguyên lý đệ nhất, trong khi lý trí... cố gắng vô vọng để bác bỏ chúng. Những người hoài nghi không có mục tiêu nào khác thế, và họ làm thế chẳng có mục đích gì. Ta biết mình không mơ, nhưng bất luận ta thiếu khả năng chứng minh nó một cách thuận lý ra sao, sự thiếu khả năng này không chứng minh được gì ngoài sự yếu kém của lý trí ta, chứ không phải sự thiếu chắc chắn trong mọi nhận thức của ta, như họ chủ trương. Vì nhận thức các nguyên lý đệ nhất như không gian, thời gian, chuyển động, con số, là điều chắc chắn như bất cứ nguyên lý nào dẫn khởi bởi lý trí, và lý trí phải dựa vào nhận thức này, một nhận thức vốn phát xuất từ trái tim và bản năng, và đặt nó làm căn bản cho mọi lập luận của mình... Quả là vô nghĩa và vô lý khi lý trí đòi trái tim phải trưng bằng chứng cho các nguyên lý đệ nhất trước khi chịu chấp nhận chúng... Việc thiếu khả năng này, do đó, chỉ có ích trong việc làm cho lý trí phải khiêm nhường, một lý trí luôn muốn làm quan án mọi điều, chứ không dùng để bác bỏ sự chắc chắn của chúng ta, như thể lý trí là cách duy nhất để chúng ta học hỏi” (mảnh 110).

Thực ra, dù tự coi là thẩm phán tối cao của thế giới, lý luận của nó không hẳn hoàn chỉnh vì luôn như có ruồi nhặng vù vù bên tai; điều này đủ làm nó không có khả năng đưa ra những tư vấn tốt (mảnh 48).

Há bạn đã không từng nói vị thẩm phán này, mà tuổi đáng kính buộc người ta hết thẩy phải kính phục, chỉ bị hướng dẫn bởi lý trí thuần túy, cao cả, và phán xử sự việc y như chúng là, không hề lưu ý tới những hoàn cảnh tầm phào vốn chỉ chi phối trí tưởng tượng của những con người yếu đuối hơn đó sao? Bạn hãy xem vị thẩm phán này đến nghe một bài giảng... Khi vị giảng thuyết xuất hiện, có thể vị thẩm phán này chỉ chú ý xem liệu thiên nhiên có dành cho vị giảng thuyết một giọng nói khàn khàn hay không, khuôn mặt trông có kỳ dị hay không, thợ cạo của ngài có cạo cho ngài tệ hay không và do đó, liệu ngài trông có sạch sẽ hay không; trong trường hợp như thế, vị giảng thuyết có công bố bất cứ chân lý cao cả như thế nào, tôi đánh cuộc là vị thẩm phán của chúng ta cũng không có khả năng giữ được một bộ mặt ngay thẳng... Bất cứ ai quyết bước chân theo lý trí mà thôi sẽ tự chứng tỏ là người đần...Lý trí không bao giờ có thể thắng vượt hoàn toàn trí tưởng tượng, trong khi điều ngược lại là điều quá thông thường (mảnh 44).

Bởi thế ông nói với lý trí: “Hãy khiêm hạ, hỡi lý trí bất lực! Hãy câm miệng, hỡi bản nhiên yếu ớt! Hãy biết rằng con người vượt quá con người cách vô tận, hãy nghe thân phận chân thực của ngươi từ vị thầy của ngươi, vị thầy ngươi vốn không biết. Hãy lắng nghe Thiên Chúa” (mảnh 131).

Đối với ông, “trọn bộ triết học không đáng một giờ cố gắng” (mảnh 84) và “trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết” (mảnh 423).

“Chính trái tim tri nhận Thiên Chúa chứ không phải lý trí. Đức tin là thế đấy: Thiên Chúa được tri nhận bởi trái tim, chứ không phải bởi lý trí” (mảnh 424).

Ấy thế nhưng Pascal không hề là người chủ trương phi lý. Ông nhìn nhận rằng lý trí có chỗ đứng của nó; ông chỉ muốn nhắc nhở: có những lối khác để tìm ra sự thật ngoài lý trí: “Có hai thái cực: loại bỏ lý trí, không chấp nhận điều gì mà chỉ chấp nhận lý trí” (mảnh 183).

Theo ông, “bước cuối cùng của lý trí là nhìn nhận rằng có vô tận con số sự vật vượt quá nó. Nhưng nó yếu đuối khi không tiến xa đủ để nhìn nhận việc đó. Nếu ngay những sự vật tự nhiên đã vượt xa nó, thì ta còn phải nói sao về những sự vật siêu nhiên?” (mảnh 188).

Đối với tôn giáo, ông bảo “nếu chúng ta bắt mọi điều lệ thuộc lý trí, thì tôn giáo của chúng ta sẽ không còn chi là mầu nhiệm hay siêu nhiên cả” (mảnh 173).

Nhưng ông cũng không phải là người duy tín (fideist). Ông tin rằng trong các cuộc thảo luận tôn giáo, có chỗ cho lý trí. Ông sẵn lòng dùng lý trí để bênh vực đức tin Kitô giáo. Nhưng ông nhìn nhận rằng con người không phải chỉ là cỗ máy suy nghĩ. Con người có đủ các thiên kiến, các cảm xúc, ý chí và một óc tưởng tượng sống động. Toàn bộ con người phải được phúc âm hóa, chứ không phải chỉ trí khôn mà thôi.

Peter Kreeft, trong Christianity for Modern Pagans (San Francisco: Ignatius Press, 1993), cho rằng “giống thánh Augustinô, Pascal biết rằng trái tim sâu sắc hơn đầu óc, nhưng cũng như Thánh Augustinô, ông không bác bỏ đầu óc hay làm nó dịu đi bằng thuyết tương đối và duy chủ quan và ‘não trạng cởi mở” đến nỗi đầu óc rơi rụng”.



Trước khi lý trí có thể khởi sự, một số điều giả thiết phải có trước. Tuy nhiên, không như những người hiện đại chủ trương thuyết tiền giả định (presuppositionalists), Pascal cho rằng những nguyên lý đệ nhất này có thể được ta biết một cách chắc chắn qua trực giác của trái tim. Đối với Pascal, việc Descartes mưu toan chứng minh mọi điều bằng lý trí mà thôi hoàn toàn vô dụng. Các nguyên lý đệ nhất là các sự thật hiển nhiên được trái tim nhận ra một cách trực giác. Chúng không thể được chứng minh bằng lý trí: chúng phải được giả thiết để con người có thể bắt đầu lý luận.

Có thể nói Pascal đã đi trước thời ông. Ông thấy trước chủ nghĩa duy lý của Descartes sẽ dẫn con người tới đâu. Khi chủ nghĩa duy lý thuần túy (vốn là đặc điểm của triết học hiện đại) không đưa ra được câu trả lời như mong chờ, nó sẽ thoái hóa trở thành chủ nghĩa hoài nghi và phi lý (chủ nghĩa hậu hiện đại). Chỉ vì đã không chịu thừa nhận giới hạn của lý trí.

Nay là lúc chín mùi của nền hộ giáo Pascal. Khi chủ nghĩa duy lý thuần túy bị kết án, các nhà hộ giáo Kitô hữu phải học cách nói với các trái tim, cũng như các bộ óc của con người.

Kỳ tới: Các khía cạnh đặc thù của nền hộ giáo Pascal