1. Thánh giá tại một nhà thờ ở New York bị phá phách

Một thánh giá tại một nhà thờ ở giáo phận Brooklyn đã bị phá hoại vào tuần trước trong một hành động mà các nhà điều tra cho là một tội ác vì thù hận đức tin.

“Đây thực sự là một hành động thù hận và hôm nay là ngày buồn nhất trong hai mươi năm của tôi tại giáo xứ này”, Đức ông David Cassato, cha sở của giáo xứ Thánh Athanasiô ở Brooklyn, New York, cho biết trong một thông cáo báo chí của giáo phận ngày 14 tháng Năm. Vụ phá hoại xảy ra tại nhà thờ Thánh Athanasiô, nằm trong khu Bensonhurst của Brooklyn.

Theo giáo phận, một cây thánh giá được lắp đặt bên ngoài nhà thờ vào năm 2010 đã bị lật đổ và nằm úp mặt xuống đất. Đức Ông Cassato phát hiện ra vụ phá hoại vào sáng ngày 14 tháng 5. Cây thánh giá này đã được lắp đặt để tưởng nhớ mẹ ngài.

Theo giáo xứ, một lá cờ Mỹ bên ngoài nhà xứ cũng bị đốt cháy.

“Tôi đã đến và nói chuyện với các học sinh trong trường về những gì đã xảy ra, và nói với họ rằng thù hận không bao giờ thắng”. Cha Cassato nói trong thông cáo báo chí. “Chúng ta đang và phải là một cộng đồng tiếp tục chia sẻ thông điệp của Lễ Phục sinh, đó là tình yêu, hy vọng và sự tha thứ”.

Giáo xứ có kế hoạch sửa chữa và lắp đặt lại cây thánh giá.

Giáo xứ St. Athanasius đã gửi một thông điệp công khai đến thủ phạm trên trang Facebook của họ: “Chúng tôi tha thứ cho bạn và chúng tôi đang cầu nguyện cho bạn!” Giáo xứ đã tổ chức một buổi cầu nguyện vào ngày 15 tháng 5 để phản ứng với vụ việc, hàng trăm người đã tham dự. Giáo phận đã yêu cầu bất kỳ ai có thông tin về vụ việc gọi cho Crime Stopper tại số (800) 577-TIPS (8477).
Source:Catholic News Agency

2. Sau khi Tòa án Tối cao thụ lý vụ kiện phá thai, Tòa Bạch Ốc tuyên bố ủng hộ phán quyết Roe chống Wade

Hôm thứ Hai, Tòa Bạch Ốc đã đưa ra tuyên bố ủng hộ việc phá thai hợp pháp và Đạo luật Bình đẳng.

Trước đó, vào sáng thứ Hai, Tòa án Tối cao đã đồng ý xem xét một thách thức đối với lệnh cấm của Mississippi đối với hầu hết các trường hợp phá thai sau khi thai được 15 tuần tuổi. Khi được hỏi về quyết định của tòa án đối với việc thụ lý vụ việc, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã không bình luận cụ thể về quyết định này, nhưng đưa ra một lời bảo vệ chung về việc phá thai hợp pháp.

“Trong bốn năm qua, các quyền quan trọng - như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được lựa chọn - đã bị tàn phá và bị tấn công cực đoan, bao gồm cả việc thông qua luật pháp hà khắc của nhà nước”, Psaki nói trong cuộc họp báo hôm thứ Hai tại Tòa Bạch Ốc.

Bà nói, Tổng thống Biden “cam kết luật hóa phán quyết Roe”, năm 1973 của Tòa án Tối cao, đã hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc. Trong khi vận động tranh cử tổng thống vào năm 2020, Biden - một người luôn tự xưng mình là người Công Giáo - đã ủng hộ việc luật hóa phán quyết Roe và kêu gọi tài trợ phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân.

“Tổng thống và phó tổng thống cam kết bảo đảm rằng mọi người Mỹ đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe sinh sản, bất kể thu nhập, mã vùng, chủng tộc, tình trạng bảo hiểm y tế hay tình trạng nhập cư của họ”, Psaki nói.

Tòa Bạch Ốc cũng kêu gọi Quốc hội thông qua Đạo luật Bình đẳng. Các chuyên gia pháp lý đã cảnh báo rằng đạo luật này có thể cản trở tự do tôn giáo trên một số khía cạnh - ví dụ như việc bắt buộc các chủ doanh nghiệp phải phục vụ lễ cưới đồng giới trái với niềm tin tôn giáo của họ. Theo luật, những nơi tạm trú dành cho phụ nữ dựa trên tín ngưỡng có thể buộc phải tiếp những người là đàn ông về mặt sinh học nhưng lại tự xác định mình là phụ nữ. Hội trường nhà thờ có thể bị buộc phải tổ chức các sự kiện với những thông điệp trái ngược với những lời dạy về đức tin của họ.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ ngoại trưởng Iran, nói chuyện với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về người Palestine

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với Ngoại trưởng Iran và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdo trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm chấm dứt bạo lực trong cuộc xung đột Israel-Gaza.

Đức Giáo Hoàng đã tiếp Mohammad Javad Zarif, nhà ngoại giao hàng đầu của Iran kể từ năm 2013, trong một buổi tiếp kiến riêng vào ngày 17 tháng 5 tại Điện Tông Tòa của Vatican.

Trong một bài đăng trên Twitter, Zarif nói rằng ông và Đức Giáo Hoàng đã “trao đổi quan điểm” về Palestine, đối thoại liên tôn và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Phái đoàn chính phủ Iran cũng đã gặp gỡ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Dân nước.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan vào sáng ngày 17 tháng 5.

Theo một tuyên bố từ văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng “người Palestine sẽ tiếp tục bị tàn sát nếu cộng đồng quốc tế không trừng phạt Israel - quốc gia đang phạm tội chống lại loài người”.

Vatican không bình luận về nội dung của các cuộc thảo luận trong cuộc điện đàm với Erdogan hay cuộc gặp gỡ với Zarif.

Đại sứ Israel tại Ý đã đáp lại chuyến thăm của Ngoại trưởng Iran tới Rôma bằng một bức thư ngỏ gửi Zarif cáo buộc Iran tài trợ và hỗ trợ cho quân Hamas.

“Tại sao bạn không công nhận quyền tồn tại của Israel? Hãy ngừng gieo rắc hận thù”, Đại sứ Dror Eydar viết.

“Câu hỏi đặt ra là: đến bao giờ phương Tây mới nhận ra rằng đằng sau những bộ vest lịch lãm, cà vạt và nụ cười là một hệ tư tưởng sát nhân tìm cách xóa sổ tất cả nền văn minh phương Tây? Cần phải thức tỉnh”, đại sứ Israel nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chấm dứt bạo lực trong xung đột Israel-Gaza vào cuối bài phát biểu tại buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của ngài vào ngày 16 tháng 5.

Tôi đang theo dõi với sự quan tâm rất lớn về những gì đang xảy ra ở Thánh Địa. Trong những ngày này, các cuộc đụng độ vũ trang bạo lực giữa Dải Gaza và Israel đã chiếm ưu thế, có nguy cơ biến thành vòng xoáy chết chóc và hủy diệt. Nhiều người đã bị thương và nhiều người vô tội đã chết. Trong số đó có cả trẻ em, và điều này thật khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Cái chết của họ là một dấu chỉ cho thấy nhiều người không muốn xây dựng tương lai, nhưng muốn phá hủy nó.

Hơn nữa, sự thù hận và bạo lực ngày càng gia tăng liên quan đến các thành phố khác nhau ở Israel là một vết thương nghiêm trọng cho tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình giữa các công dân, sẽ khó chữa lành nếu chúng ta không mở lòng ra đối thoại ngay lập tức. Tôi tự hỏi: hận thù và báo thù sẽ dẫn đến đâu? Chúng ta có thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng hòa bình bằng cách phá hủy bên kia không? “Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra tất cả mọi người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại), tôi kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và, đối với những ai phải chịu trách nhiệm về việc đó, tôi kêu gọi hãy dẹp bỏ vũ khí và đi theo con đường hòa bình, dù cho phải nhờ đến sự giúp đỡ của Cộng đồng quốc tế.

Chúng ta hãy liên tục cầu nguyện để người Israel và người Palestine có thể tìm thấy con đường đối thoại và tha thứ, trở thành những người kiên nhẫn xây dựng hòa bình và công lý, mở ra từng bước cho một hy vọng chung, cho sự chung sống giữa các anh chị em với nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt là cho trẻ em; chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình cùng với Nữ Vương Hòa Bình.
Source:Catholic News Agency

4. Các trường Công Giáo đang mất học sinh với tỷ lệ kỷ lục, và hàng trăm trường phải đóng cửa

Các trường học Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ đang phải vật lộn để tồn tại, sau một năm đại dịch khiến nhiều gia đình không thể trả học phí và Giáo Hội không có thêm ngân quỹ để trang trải các khoản chênh lệch.

Theo Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia, ít nhất 209 trong số gần 6,000 trường học Công Giáo đã phải đóng cửa trong năm qua. Dự kiến sẽ có nhiều trường đóng cửa hơn vào mùa hè này và một số trường đã sử dụng GoFundMe trong nỗ lực duy trì hoạt động.

Trên toàn quốc, tỷ lệ nhập học tại các trường Công Giáo đã giảm 6,4% vào đầu năm học này, mức giảm lớn nhất trong một năm kể từ khi NCEA bắt đầu theo dõi dữ liệu như vậy vào những năm 1970.

Các giáo phận thành thị đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng: Việc ghi danh vào các trường do Tổng giáo phận Công Giáo Los Angeles điều hành đã giảm 12% vào đầu năm học này. Tại Tổng giáo phận New York, tỷ lệ ghi danh đã giảm 11%.

Các nhà lãnh đạo giáo dục Công Giáo cho biết trong khi việc ghi danh đã giảm trong nhiều thập kỷ, đại dịch đã làm tăng thêm những thách thức mà các trường đang phải đối mặt. Phần trăm dân số xác định là Công Giáo đã giảm xuống, đặc biệt là ở vùng Đông Bắc và Trung Tây. Các trường bán công và mạng lưới giáo dục tại nhà hiện thu hút những học sinh có thể đã từng đi học tại các trường Công Giáo. Học phí của các trường Công Giáo, mặc dù vẫn rẻ hơn hầu hết các trường tư, đã tăng lên mức trung bình khoảng $ 4,800 cho bậc tiểu học và $10,000 cho bậc trung học.
Source:Wall Street Journal