1. Làn sóng ám sát mới của Taliban ở Afghanistan

Các nhà báo, học giả tôn giáo, các nhà hoạt động và thẩm phán đều đã trở thành mục tiêu trong một làn sóng ám sát chính trị gần đây, đã làm lan rộng sự hoảng sợ trên khắp Afghanistan và buộc nhiều người phải lẩn trốn - thậm chí một số người còn bỏ trốn khỏi đất nước. Các vụ giết người đã gia tăng kể từ khi các cuộc đàm phán hòa bình được khởi động vào năm ngoái giữa chính phủ Afghanistan và Taliban – trong nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột.

Quốc gia này đã chứng kiến ít nhất 180 vụ giết người được Taliban thực hiện từ tháng Chín. Các nhà báo, các nhà hoạt động và thẩm phán đều đã trở thành mục tiêu. Làn sóng ám sát chính trị đã buộc nhiều người phải lẩn trốn hay rời bỏ đất nước. Người ký giả này đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ sau những lời dọa giết ngày càng nhiều.

Ký giả Afghanistan, Nusrat Parsa, nói:

“Cả tôi cũng sẽ bị ám sát nên tôi đến Tòa Đại Sứ Thổ Nhĩ Kỳ và họ cấp cho tôi và gia đình một visa tức khắc trong vòng 2 ngày. Tôi đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và vẫn còn ở đây. Nếu tôi không đến đây, có lẽ tôi đã bị ám sát. Vì các đe dọa đã tồn tại, tôi cố bảo vệ chính tôi. Tôi đã từng gặp gỡ nhà cầm quyền nhiều lần nhưng chính phủ không giúp gì được, lúc đó tôi đàng phải ra đi”.

Các vụ giết hại đã gia tăng từ sau khi các cuộc hòa đàm bắt đầu với Taliban vào năm ngoái.

Theo Davood Maradian, nhà phân tích chính trị của Afghanistan:

“Taliban có hai mục tiêu: thứ nhất, về mặt chiến lược, nó sẽ làm suy yếu thêm nhà nước Afghanistan. Và bằng cách làm suy yếu nhà nước Afghanistan, Taliban sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu tối hậu của nó là lật đổ trật tự hợp hiến hiên nay.”

Nhiều nhà chuyên môn phụ nữ đã bị đe doạ sau các đòi hỏi cho quyền lợi của phụ nữ được đưa ra trong các cuộc hòa đàm. Tuy nhiên, không phải tất cả đều muốn rời khỏi quê hương.

Nữ ký giả Anisa Shaheed của tờ ToloNews nói:

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời bỏ quốc gia. Như tôi từng nói, chúng tôi là một quốc gia đang trong thời chiến. Chúng tôi là một thế hệ sống trong chiến tranh. Chúng tôi được sinh ra trong chiến tranh. Chúng tôi lớn lên trong chiến tranh. Chúng tôi học hành giữa chiến tranh và chúng tôi sẽ làm việc trong chiến tranh. Tôi nghĩ là không đúng nếu tôi rời bỏ đất nước vì bị đe dọa. Nếu tôi bỏ đi, chuyện gì sẽ xảy ra cho các đồng nghiệp của tôi.”
Source:AFP

2. Linh mục Dòng Tên James Martin đi quá xa trong bộ phim mô tả Chúa Giêsu là người đồng tính

Cuốn phim tài liệu “Wonderful Made” cho thấy linh mục Dòng Tên James Martin đã đi quá xa trong một cố gắng mô tả Chúa Giêsu là người đồng tính.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường thuật nhan đề “Documentary depicts ‘LGBT Jesus,’ highlights Catholic dissenters”, nghĩa là “Phim tài liệu mô tả ‘Chúa Giêsu LGBT’, đánh bóng tên tuổi những người Công Giáo bất đồng chính kiến”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một bộ phim tài liệu sắp tới nhằm mục đích đánh bóng hình tượng Công Giáo của những người tự nhận là LGBT sẽ miêu tả Chúa Kitô là “một người đồng tính hoặc đồng minh của cộng đồng LGBTQ+”. Bộ phim sẽ có sự xuất hiện của linh mục Dòng Tên James Martin, cũng như những người Công Giáo bất đồng chính kiến, những người từ chối giáo huấn của Giáo hội và hô hào Giáo Hội phải ban “hôn nhân bí tích” cho các cặp đồng tính.

Bích chương quảng cáo cho bộ phim “Wonderful Made” đã vẽ một cây thánh giá với một giải băng cầu vồng được treo trên đó. Nơi chỗ vẫn thường đặt 4 chữ viết tắt tiếng Latinh INRI, có nghĩa là “Chúa Giêsu thành Nazareth, Vua dân Do Thái”, người ta viết “LGBTQ+”, là từ viết tắt bao gồm đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, đồng tính/nghi vấn giới tính và hơn thế nữa. Nói cách khác, những kẻ này bác bỏ Chúa Giêsu thành Nazareth, là “Vua dân Do Thái”, là “Vua trên hết các vua”, mà chỉ đơn giản xem Ngài là một người đồng tính.

Khẩu hiệu bên dưới bích chương viết:

“Ngay cả những người bị từ chối cũng được tạo ra một cách tuyệt vời”. Một tấm bích chương khác cho bộ phim này vẽ một người đàn ông đang cầu nguyện trong chiếc khăn choàng của người chăn cừu, được thắp sáng với các màu sắc của cầu vồng. Phim dự kiến ra mắt vào năm 2021.

Đạo diễn của bộ phim tài liệu, Yuval David, một người đàn ông theo Do Thái Giáo kết hôn đồng tính về mặt dân sự với một người đàn ông Công Giáo, đã huênh hoang tuyên bố bộ phim này là “điều gì đó chưa từng có”.

“Nó ghi lại việc tạo ra các hình tượng độc đáo bao gồm Công Giáo và LGBTQ + thông qua nghệ thuật ảnh tinh vi trong đó tái tạo hình ảnh Chúa Giêsu như một người đồng tính hoặc đồng minh của cộng đồng LGBTQ+”, ông ta nói trong một bài luận ngày 24 tháng 12 đăng trên Out, một tạp chí về văn hóa và phong cách LGBT.

“Các phản ứng của những người được phỏng vấn trong bộ phim này về nghệ thuật ảnh này - được thu hình trong thời gian thực với tất cả người được phỏng vấn – cho thấy sức mạnh và tác động đáng kinh ngạc mà một Giáo Hội bao gồm và chấp nhận Giáo Hội sẽ có”, David nói.

Trong số các nhà bình luận có linh mục Bryan Massingale, một giáo sư thần học của Đại học Fordham. Trang Facebook của bộ phim mô tả ông ta là “linh mục Công Giáo, người Mỹ gốc Phi, duy nhất tại Mỹ sống đồng tính một cách công khai”.

“Tôi mơ về một Giáo Hội nơi hai người nam hay hai người nữ có thể đứng trước cộng đoàn, công bố tình yêu của họ và được chúc phúc trong một bí tích hôn nhân. Và rằng tình yêu của họ sẽ được coi là thánh thiêng. Chúa hiện diện trong mối quan hệ đó. Khi chúng ta nhìn vào mối quan hệ của họ, chúng ta chạm vào Chúa”, ông ta viết như trên trong một bài đăng ngày 10 tháng Giêng.

Những tuyên bố của Massingale trái với cách hiểu của Công Giáo về hôn nhân là sự kết hợp của một người nam và một người nữ.

Bộ phim tài liệu cũng phỏng vấn nhiều nhóm bất đồng khác, bao gồm Marianne Duddy-Burke, giám đốc điều hành của DignityUSA, và nữ tu Jeannine Gramick, đồng sáng lập của New Ways Ministry, tức là “Những con đường mục vụ mới”.

Năm 1999, Bộ Giáo lý Đức tin đã cấm vĩnh viễn sơ Gramick và linh mục Robert Nugent là hai người đồng sáng lập ra nhóm “Những con đường mục vụ mới” không được làm bất cứ công việc mục vụ nào liên quan đến người đồng tính luyến ái do những “sai lầm và mơ hồ trong cách tiếp cận của họ”. Trong một tuyên bố ngày 12 tháng 2 năm 2010, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Francis George ở Chicago cho biết tuyên bố của nhóm tự xưng là Công Giáo “chỉ gây nhầm lẫn cho các tín hữu về giáo huấn và mục vụ đích thực của Giáo hội đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái.”

Đức Hồng Y George nhấn mạnh rằng: “Đừng ai bị đánh lừa bởi tuyên bố rằng nhóm ‘Những con đường mục vụ mới’ cung cấp cách giải thích xác thực về giáo huấn Công Giáo và thực hành mục vụ Công Giáo đích thực”.

Một nhà bình luận khác là Jason Steidl, một người tự xưng là thần học Công Giáo, nói một cách nhảm nhí rằng:

“Tôi muốn Giáo Hội thấy rằng các mối quan hệ của chúng tôi, các ham muốn tình dục của chúng tôi, là thánh thiện, là những gì được Chúa ban cho chúng ta. Đó là một món quà cho Giáo Hội. Chứ không phải điều gì đó phải che giấu, không phải điều gì đó đáng xấu hổ, mà là điều gì đó đáng để tôn vinh. Điều gì đó khiến chúng ta phát triển trong mối quan hệ với nhau và khiến chúng ta phát triển trong mối quan hệ với Chúa”.

David cho biết Natalia Imperatori-Lee, một giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại trường Cao đẳng Manhattan ở New York, đã truyền cảm hứng cho việc tạo ra nghệ thuật ảnh Chúa Giêsu.

Bà Natalia nói: “Nền tảng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội là mỗi con người đều có phẩm giá cơ bản và được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ việc hòa nhập. Giáo hội cần những tiếng nói bên lề hơn là những tiếng nói bị gạt ra bên lề cần đến Giáo hội”.

Các nhà bình luận khác được phỏng vấn cho bộ phim bao gồm linh mục Dòng Tên James Martin, người viết cuốn sách “Xây dựng một nhịp cầu” đưa ra lời khuyên về việc cải thiện mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và những người xác định là LGBT.

Martin cho biết: “Khi bạn xem các sách Phúc âm, bạn thấy rằng Chúa Giêsu đã tiếp cận đặc biệt với những người ở bên lề”, Martin nói, theo trang Facebook của bộ phim. “Và vì vậy, tôi nghĩ nếu Chúa Giêsu ở đây ngày hôm nay, bằng xương bằng thịt, trên trái đất, thì ngài sẽ là người đầu tiên đến với người LGBT. Đối với Chúa Giêsu, không có chúng ta và họ. Chỉ có chúng ta mà thôi”.

Martin đã nhận được Giải thưởng Xây dựng Nhịp cầu của nhóm “Những con đường mục vụ mới” vào tháng 10 năm 2016. Bài phát biểu nhận giải của ông ta là cơ sở cho cuốn sách của ông ấy.

David, người viết tài liệu đằng sau cuốn phim “Wonderful Made”, đã mô tả cả Martin và Gramick là “những đồng minh tiên phong”.

Anh ta kết nối bộ phim với các sự kiện hiện tại như việc các cơ quan nhận con nuôi Công Giáo đang tìm kiếm sự bảo vệ của Tòa án Tối cao khỏi các chính sách yêu cầu họ phải giao trẻ em cho các cặp đồng tính, và cuộc bầu cử Joe Biden.
Source:Catholic News Agency

3. Tòa Thánh và các chế độ côn đồ trên thế giới

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau liên quan đến chính sách ngoại giao của Tòa Thánh đối với các chế độ côn đồ như Trung Quốc và Belarus.

Tòa Thánh và các chế độ côn đồ trên thế giới

Danh sách các vấn đề nghiêm trọng phải được đề cập đến trong khoảng thời gian trống ngôi giáo hoàng trong tương lai, và bởi các Hồng Y cử tri trong cơ mật viện sắp tới, tiếp tục kéo dài ra.

Tài chính của Tòa thánh được cho là đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn bất kỳ lúc nào kể từ thời kỳ trống ngôi giáo hoàng năm 1922; lúc đó, Tòa Thánh phải vay tiền để trả cho cơ mật viện vì Đức Bênêđíctô XV hầu như đã phá sản Vatican trong nỗ lực hỗ trợ người tị nạn và tù binh trong Thế chiến thứ nhất. Bất chấp những cải cách mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện, Tòa thánh hiện đang phải đối mặt với trách nhiệm về quỹ hưu trí rất lớn không được tài trợ; việc quản lý đầu tư thiếu hiệu năng, và còn tệ hơn nữa, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bảng cân đối của Vatican; và những đóng góp, đặc biệt là cho Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô, đang giảm đáng kể.

Sau đó là Giáo Hội ở Đức, nơi nhiều nhà lãnh đạo của họ dường như muốn biến Công Giáo Đức thành một hình thức của đạo Tin lành cấp tiến. Tất cả các vấn đề tranh cãi, mà đại đa số các giám mục Đức, và các nhà lãnh đạo giáo dân trong “Tiến Trình Công Nghị Đức” đưa ra, đều đón nhận nền văn hóa thế tục với những lối sống tháo thứ, thay vì cố gắng hoán cải nó. Phải chăng hàng lãnh đạo của Giáo Hội Đức đã hoàn toàn từ bỏ lời dạy của Công đồng Vatican II rằng người Công Giáo phải sống trong những ranh giới giáo lý và đạo đức nhất định?

Ngoài ra còn có vết thương đang mưng mủ do nạn lạm dụng tình dục giáo sĩ, càng trở nên tồi tệ hơn bởi sự lãnh đạo của các giám mục kém hiệu quả trong việc phản ứng lại những tội lỗi và tội ác nghiêm trọng này. Nhiều năm qua đã chứng minh rằng cuộc khủng hoảng này hoàn toàn không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Trong cùng thời kỳ đó, cũng có thể thấy rõ rằng có quá ít Hội Đồng Giám Mục các quốc gia đã áp dụng các thực hành về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, mặc dù có những giới hạn và khiếm khuyết, hiện nay đang đặc trưng cho phản ứng của Giáo Hội Hoa Kỳ đối với bệnh dịch xã hội này.

Và sau đó là “chính sách đối ngoại” của Tòa thánh và những giả định được dùng để định hướng cho hoạt động ngoại giao của Tòa thánh.

Có bao nhiêu người Công Giáo hiểu biết và hàng giáo sĩ cao cấp sẵn sàng bảo vệ chính sách đối với Trung Quốc hiện tại của Tòa thánh, vốn đã trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vai trò hàng đầu trong việc lựa chọn giám mục? Tôi dám đánh cuộc là rất ít. Giờ đây, những tiếng nói chỉ trích từ các giám mục và Hồng Y có thể chưa được nghe thấy vì lòng trung thành, hoặc sợ hãi. Nhưng những tiếng nói ấy vẫn còn đó, và sẽ được nghe thấy khi thời gian trống ngôi giáo hoàng cho phép thẳng thắn nói ra. Và những tiếng nói đó có lẽ, và hầu chắc, sẽ cho rằng chính sách hiện tại là một thảm họa đối với sứ vụ truyền giáo. Bất kể tuyên bố của các nhà ngoại giao Vatican cho rằng “cần phải làm những điều gì đó”, thực tế vẫn là những gì đã và đang được thực hiện vi phạm giáo luật của chính Giáo Hội, đã làm cho những người Công Giáo Trung Quốc trung thành với Rôma mất tinh thần, đã thất bại trong việc thuyết phục những kẻ chống đối Kitô Giáo trong chế độ Trung Quốc, và đã tạo cơ hội mới cho chế độ đó thâm nhập và kiểm soát Công Giáo Trung Quốc. Tất cả những điều này đã làm cho việc truyền giáo của Công Giáo ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn rất nhiều, trong bối cảnh các cộng đồng Tin lành Trung Quốc tiếp tục phát triển.

Sau đó là tình hình gần đây ở Belarus. Vào ngày 31 tháng 8 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk-Mogilev, đến thăm gia đình ở nước láng giềng Ba Lan, đã bị chế độ côn đồ của Tổng thống Alexander Lukashenko ngăn cản không cho trở về Belarus, là quê hương của ngài. Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã ủng hộ nhiều người Belarus đang phản đối một cách ôn hòa điều mà mọi quan sát viên khách quan đều biết là một cuộc bầu cử tổng thống gian lận vào đầu tháng 8 năm ngoái. Lukashenko và chế độ côn đồ của hắn ta rõ ràng đã cảm thấy tức tối trước sự can đảm mục tử này và thêu dệt các lý do để trừng phạt Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz bằng cách ngăn không cho ngài trở về Tòa Giám Mục của mình.

Tình hình dường như đã được giải quyết khi vị tổng giám mục được phép trở lại Belarus để cử hành lễ Giáng sinh với người dân của mình, những người đã tiếp đón ngài quay về với sự nhiệt tình và tôn kính. Nhưng sau đó vào ngày 3 tháng Giêng, ngay đúng ngày ngài tròn 75 tuổi, lá thư từ chức theo luật định của Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã được chấp nhận ngay lập tức và một vị giám quản tông tòa đã được đưa lên để thay ngài. Phải chăng hai nhà ngoại giao của Vatican, không nổi tiếng về khả năng chống lại các hành vi côn đồ, khi được cử đến Minsk để đàm phán cho Đức Tổng Giám Mục trở lại Belarus, đã đồng ý với một thỏa thuận trong đó Vatican sẽ loại bỏ một người khó chịu với chế độ Lukashenko, nếu chế độ này chịu chấp thuận một lễ Giáng sinh cuối cùng ở Minsk cho vị tổng giám mục? Có vẻ như nhiều khả năng như thế; thực sự, rất có khả năng là điều đó đã xảy ra.

Hành động hiện tại của Vatican nhằm ve vãn các chế độ côn đồ nhân danh đối thoại đang gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Giáo Hội Công Giáo với tư cách là người ủng hộ và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Quan trọng hơn nữa, nó đang làm tổn hại đến sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Một Giáo Hội không dám nói sự thật trước quyền lực không phải là một Giáo Hội có thể công bố một cách thuyết phục về Chúa Giêsu Kitô, “Đấng là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14: 6). Thái độ ve vãn không bao giờ có tác dụng với bọn côn đồ, về mặt chính trị. Nó cũng chẳng có hiệu quả về mặt truyền giáo.
Source:First Things