1. Hội đồng Giám mục Ðức dành ngày 26 tháng 12 là ngày cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị áp bức tại Syria và Iraq.

Hội đồng Giám mục Ðức sẽ dành ngày 26 tháng 12 năm 2020, lễ thánh Stephano, vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội, làm ngày cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị áp bức tại Syria và Iraq.

Trong thông cáo đăng trên mạng của Hội đồng Giám mục Ðức ngày 24 tháng 11 năm 2020, Ðức Cha Ludwig Schick, Tổng giám mục giáo phận Bamberg, Chủ tịch Ủy ban giám mục Ðức về Giáo hội hoàn vũ, tuyên bố rằng: “Tình trạng các tín hữu Kitô vẫn ở mức độ đáng lo âu, tại Syria cũng như tại Iraq. Thực vậy, kể cả sau khi nhà nước Hồi giáo ISIS bị đánh bại về mặt quân sự, các tín hữu Kitô tại nước này vẫn còn phải chịu nhiều nguy hiểm và bách hại. Kinh hoàng do Nhà nước Hồi giáo đã làm cho miền này bị xáo trộn một cách bi thảm và lâu dài. Bạo lực tàn ác của những người Hồi giáo cực đoan đã khiến cho nhiều Kitô hữu phải trốn chạy, và có một thiểu số Kitô hữu tiếp tục ở lại. Giữa những căng thẳng về bộ tộc, tôn giáo và chính trị, Kitô hữu còn phải đương đầu với thách đố lớn là tìm được một chỗ đứng trong một nước Syria bị nội chiến tàn phá và tại Iraq tiếp tục bị bất an.”

Ðức Tổng giám mục Ludwig Schick mới đây đã viếng thăm hai nước Syria và Iraq. Ngài có ấn tượng mạnh vì lòng can đảm và tinh thần kháng cự của Giáo hội địa phương và của các tín hữu. Theo ngài, một điều thuộc về yếu tính của Kitô giáo là không co cụm vào mình, nhưng giúp tất cả mọi người đang gặp khó khăn về vật chất và tinh thần, đồng thời phổ biến hy vọng và tin tưởng. “Cả khi đứng trước những hành động tàn ác cho những người Hồi giáo cực đoan ấy ra, gây chấn thương và đảo lộn nhiều Kitô hữu, Giáo hội tại Syria và Iraq vẫn xác tín về tầm quan trọng sự hiện hữu của họ tại Trung Ðông. Họ ý thức về ơn gọi trợ giúp mọi người, không phân biệt tôn giáo, phục vụ theo tinh thần bác ái Kitô”.

2. Bão lửa trên Twitter ở Tây Ban Nha sau các lời kêu gọi thiêu sống các linh mục

Bất chấp những hạn chế liên quan đến các ngôn từ kích động thù địch trên mạng xã hội ở Tây Ban Nha, một hashtag đang rất thịnh hành đã đưa ra những lời kêu gọi thiêu sống các linh mục Công Giáo. Twittter đã quyết định không xóa các tweets này bất chấp chúng vi phạm các quy tắc liên quan đến việc đăng tải các lời kêu gọi bạo lực.

Bộ trưởng Bộ giáo dục Tây Ban Nha Isabel Celaa là một người tả khuynh có đầu óc bài Công Giáo. Bà ta đã đưa ra một dự luật được đặt theo tên của bà là “Dự luật Celaa”. Dự luật này nhằm cải cách hệ thống giáo dục của Tây Ban Nha theo đó nhà nước sẽ kiểm soát nghiêm nhặt việc giảng dạy môn tôn giáo trong các trường công lập và hạn chế tài trợ cho các trường Công Giáo.

“Dự luật Celaa” đã vượt qua được rào cản đầu tiên vào tuần trước và dự kiến sẽ trở thành luật mặc dù thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức giáo dục. Hàng ngàn trường Công Giáo sẽ phải đóng cửa.

Quan điểm của các linh mục Công Giáo là trường Công Giáo gánh vác trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ, như thế là đỡ đần công việc cho hệ thống giáo dục mà lẽ ra nhà nước phải gánh vác. Việc tài trợ cho các trường Công Giáo là một việc công bằng và thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với tất cả các công dân là những người bình đẳng về trách nhiệm và quyền hạn, bất kể họ có niềm tin tôn giáo hay không.

Tuy nhiên, các thành phần cực đoan không nghĩ như thế. Hashtag #FuegoAlClero, hoặc thiêu sống các giáo sĩ, lần đầu tiên được đưa ra bởi một số tài khoản ủng hộ chủ nghĩa Mác, ban đầu là dưới chiêu bài bảo vệ “Dự luật Celaa”. Tuy nhiên, ngay sau đó chúng để lộ bộ mặt bài Công Giáo với những lời kêu gọi đốt phá các nhà thờ và hàng giáo sĩ. Trong một tweet được re-tweet hàng trăm ngàn lần, những kẻ này cho rằng “nhà thờ duy nhất chiếu sáng là nhà thờ đang bị bốc cháy”, được tweet đầu tiên bởi một kẻ ký tên “những cô con gái phù thủy mà bạn không thể đốt cháy”.

Đến tối thứ Ba, Twitter đã không làm gì với các dòng tweets này, mặc dù hàng nghìn người phàn nàn rằng hashtag này đang kích động lòng thù hận và vi phạm trực tiếp các quy tắc của chính Twitter về “bạo lực, quấy rối và các loại hành vi tương tự khác”.

Đặc biệt, các quy định của Twitter nêu rõ rằng người dùng không được “đe dọa bạo lực đối với một cá nhân hoặc một nhóm người. Việc tôn vinh bạo lực cũng bị cấm, cũng như việc sử dụng mạng truyền thông xã hội này để thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan bạo lực, các hành vi quấy rối hoặc thù hận trên cơ sở tôn giáo.”

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.


Source:Crux

3. Đại dịch coronavirus đã làm gia tăng những bách hại chống lại các tín hữu Kitô

Theo một báo cáo mới từ Aid to the Church in Need International, gọi tắt là ACN, tức là tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, đại dịch coronavirus đã làm trầm trọng thêm cuộc bách hại các tín hữu Kitô ở một số nơi.

Đứng trước tình trạng kinh hoàng này, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã mời gọi các dinh thự chính phủ, các đền đài, nhà thờ và các địa điểm du lịch chiếu sáng bằng ánh sáng đỏ trong suốt tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ để nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên thế giới.

Báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, một tổ chức bác ái của Tòa Thánh có mặt tại 23 quốc gia, được công bố vào ngày 25 tháng 11, cho biết:

“Tác động tàn khốc và chưa từng có của COVID-19 trên toàn thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến các xu hướng liên quan đến việc giam giữ bất công.”

Báo cáo đã tập trung vào hoàn cảnh của các tù nhân Kitô Giáo trên khắp thế giới. Với tiêu đề “Hãy giải phóng cho những người bị bắt cóc”, báo cáo nêu chi tiết về những vụ bắt cóc và giam giữ các tín hữu Kitô bởi các tổ chức nhà nước và các tổ chức phi nhà nước.

“Trên khắp thế giới, các chiến binh, và cả những người có thiện cảm với bọn khủng bố Hồi Giáo IS và những người có quan điểm rất khác với niềm tin Kitô, bao gồm những kẻ cực đoan từ các truyền thống tín ngưỡng khác, đã nhắm mục tiêu vào các nhóm Kitô thiểu số với mức độ thường xuyên đáng báo động,” báo cáo của ACN cho biết.

Ngoài ra, “có một xu hướng đáng lo ngại là các thành viên nhà nước đang ra sức bắt giữ bất công các thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số”

Theo báo cáo của nhóm Open Doors, trung bình có 309 tín hữu Kitô bị “bỏ tù một cách vô cớ” mỗi tháng và hơn 1,000 người khác bị bắt cóc. Trong tù, họ phải đối mặt với những phiên tòa giả tạo, giam giữ tùy tiện, tra tấn và tình trạng quá tải của nhà tù.

Báo cáo cho biết, khi đại dịch COVID-19 lan nhanh trên toàn thế giới vào những tháng đầu năm 2020, các vụ bắt giữ các tín hữu Kitô đã giảm xuống do các quốc gia phải tập trung chống lại đại dịch và một số tù nhân đã được thả.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc đàn áp các tín hữu Kitô đã gia tăng với mức độ nghiêm trọng, cả khi đại dịch đang lây lan nhanh và đặc biệt là khi một số quốc gia mở cửa trở lại sau các biện pháp cách ly.

Sự lây lan của vi-rút có nghĩa là một số tòa án phải đóng cửa một phần hoặc hoàn toàn, do đó, trì hoãn việc xét xử các tín hữu Kitô đang mòn mỏi trong tù vì những lời cáo gian xuất phát từ lòng thù hận đức tin.

Khi các nhà thờ ngừng các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự trong thời gian khóa cửa và tiến hành các cử hành trực tuyến, một số chính phủ đã tận dụng cơ hội để tăng cường giám sát các Kitô hữu. ACN bày tỏ quan ngại đặc biệt đối với một đoạn phim cho thấy cảnh sát ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc đột kích vào một buổi lễ của Giáo Hội thầm lặng vào tháng 5 và lôi kéo, đánh đập những người tham dự buổi cầu nguyện

Các quốc gia và các nhóm chiến binh đã sử dụng các biện pháp khoá cửa ở địa phương và tình trạng tập trung toàn cầu nhằm chống virus, để tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn nữa chống lại các tín hữu Kitô. Tại Nigeria, các chiến binh Fulani đã tăng cường tấn công các Kitô hữu ngay trong nhà của họ trong thời gian cách ly.

Về phần mình, Trung Quốc đã tăng cường đàn áp các tín hữu Công Giáo trong thời đại dịch trong khi phần còn lại của thế giới tập trung vào COVID.

Khi các cộng đồng bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian bị đóng cửa, một số chính phủ đã khôi phục việc theo dõi các cộng đồng Kitô hữu. Tại Iran, các nhân viên tình báo đã bắt giữ hàng chục Kitô hữu tại ba thành phố vào tháng Bảy.

Gần một phần ba số vụ bắt giữ các tín hữu Kitô mà không cần đưa ra xét xử đã xảy ra ở Trung Quốc trong một khoảng thời gian 12 tháng. Từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 10 năm 2019, Bắc Kinh đã bỏ tù hoặc giam giữ không xét xử hơn 1,100 Kitô hữu vì các lý do liên quan đến đức tin.

Các Kitô hữu phải đối mặt với nạn bắt cóc lan rộng bởi các tay súng thánh chiến ở Nigeria, với hơn 220 người bị bắt cóc mỗi năm. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cũng nhấn mạnh đến “sự gia tăng” trong các vụ bắt cóc các linh mục và nam nữ tu sĩ.

Tại các quốc gia như Pakistan và Ai Cập, các phụ nữ Công Giáo bị bắt cóc và bị cưỡng bức cải đạo và bị cưỡng bức kết hôn. Chỉ riêng tại một tỉnh của Pakistan, trong năm 2018 đã có 1,000 trường hợp cưỡng bức những phụ nữ Công Giáo và Ấn Giáo phải theo đạo Hồi.

Bắc Triều Tiên được biết đến là một trong những nơi đàn áp các Kitô hữu tồi tệ nhất, với hơn 50,000 Kitô hữu bị giam cầm trong các trại lao động khắc nghiệt.

Tại Eritrea, quốc gia được một số người gọi là “Bắc Triều Tiên của Châu Phi”, hơn 1,000 Kitô hữu được báo cáo đã bị giam giữ và chỉ trong vòng vài tháng của năm 2020, khoảng 300 Kitô hữu chưa ghi danh đã bị bắt.


Source:Catholic News Agency