Nguyễn ngồi trên ghế đá công viên sát bên bờ nước, dõi nhìn về hướng Bắc, trải lòng ra với cái mênh mông của vịnh Đông Kinh (Tokyo Bay), Nhật Bản. Sau lưng anh, chiếc hàng không mẫu hạm Kitty Hawk (CV-63), sừng sững như một qủa núi, nhưng vắng lặng, hiền hòa như một trường học mùa Hè. Toàn bộ các phi đoàn máy bay chiến đấu đã trở về hậu cứ của họ ở căn cứ Atsugi, cách Yokosuka, nơi anh đang công tác khoảng 30 cây số. Chiếc soái hạm (flagship) Blue Ridge (LCC-19), của vị tư lệnh Đệ Thất Hạm Đội cũng đậu gần đó.

Ngoài kia, hàng chục chiếc thương thuyền và tàu chở dầu vĩ đại (super tankers) đang cặp bến hoặc buông neo dài dài từ hải cảng Yokohama đến thủ đô Đông Kinh. Ở một vị trí cao, hay ngồi trên thuyền giữa dòng nước, người ta còn có thể nhìn thấy đỉnh Phú-Sĩ (Fuji) ở xa xa. Vịnh Đông Kinh có thể so sánh được với vịnh San Francisco, chiều ngang của hai vịnh khá tương đồng, khoảng 20 cây số ở chỗ rộng nhất, nhưng vịnh Đông Kinh ngắn hơn, chỉ dài khoảng 50 cây số, và cửa vịnh nằm về hướng Nam, thay vì ở phía Bắc như vịnh San Francisco. Phần cực Nam của vịnh Đông Kinh là bán đảo Miura, gồm nhiều thị trấn như Kamakura, Zushi, Yokosuka v.v... Căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ Yokosuka là một bán đảo nhỏ, nằm trên bờ phía Bắc của bán đảo Miura, bên trong và gần cửa vịnh Đông Kinh.

Đông Kinh về đêm rực rỡ ánh đèn màu, có lẽ nó còn rực rỡ hơn nhiều thành phố lớn ở Mỹ với hàng triệu bóng néon đủ loại. Là một cường quốc về kinh tế, cũng như đang trong thời kỳ cực thịnh của đất nước, có lẽ ít người Nhật còn nhớ đến ngày bi thảm và tủi nhục của quốc gia họ, 2 tháng 9, 1945, ngày Nhật Bản ký kết bản văn đầu hàng phe Đồng Minh, do Mỹ đứng đầu, vô điều kiện. Sự kiện lịch sử đó đã diễn ra trong lòng vịnh Đông Kinh này.

Trước Đệ Nhị Thế Chiến, Hải Quân của Đế Quốc Nhật, được gọi là “Teikoku Kaigun” đã là một lực lượng hùng mạnh vào bậc nhất trên thế giới. Họ có đến 10 hàng không mẫu hạm với 1500 phi công tài giỏi và thiện nghệ, 12 thiết giáp hạm (battleships, tàu có vỏ thép dày và nhiều súng lớn) trong đó có hai chiếc to và mạnh nhất thế giới: Yamato và Musashi, cùng mấy trăm chiến hạm lớn nhỏ khác.

Người Nhật đã bắt buộc phải tấn công Mỹ trước, khởi đi từ trận Trân Châu Cảng (Pearl Harbor ở Hawaii, cuối năm 1941), vì không thể rút lui khỏi Trung Hoa cách nhục nhã theo đòi hỏi của Mỹ và vì họ đã bị phong tỏa kinh tế. Tuy nhiên, họ đã tính toán sai lầm về tiềm năng kinh tế và chiến tranh của nước Mỹ, nhất là về ý chí quyết thắng của toàn dân Hoa Kỳ. Để rồi, quân đội nói chung và hải quân của đế quốc Nhật nói riêng, đã bị phe Mỹ và Đồng Minh đánh bại. Sau khi hai qủa bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki tháng 8, 1945, Đế Quốc Nhật đã xin đầu hàng Mỹ và Đồng Minh vô điều kiện. Nếu không có hai quả bom nguyên tử này, quân Đồng Minh sẽ phải đổ bộ lên Nhật và ước tính rằng họ sẽ tổn thất trên nửa triệu quân, cũng như khoảng 2 triệu dân quân Nhật nữa sẽ bị chết.

Sáng ngày 2 tháng 9, 1945, bộ trưởng ngoại giao, Mamoru Shigemitsu và các tướng lãnh của liên quân Nhật đã được đưa lên sàn chính của thiết giáp hạm Missouri (BB-63) đang buông neo trong vịnh Đông Kinh, để thay mặt hoàng gia và chính phủ của thủ tướng Tojo, ký bản văn đầu hàng. Đại diện phía Đồng Minh có thống tướng (General of the Army, 5 sao) Douglas MacArthur, tổng tư lệnh quân đội Đồng Minh ở Thái Bình Dương; thủy sư đô đốc (Fleet Admiral, 5 sao) Chester W. Nimitz, tư lệnh các hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương; cũng như đại diện của các nước Anh, Pháp, Úc, Canada, New Zealand và Liên Bang Soviet.

Trước khi trận Thế Chiến kết thúc, Đồng Minh đã dội bom tàn phá hầu hêt những thành phố lớn, các căn cứ quân sự và khu vực kinh tế của Nhật. Duy có một căn cứ Hải Quân đã không bị tấn công: Yokosuka. Dường như họ cố ý “để dành” căn cứ này cho việc xử dụng về sau. Quả nhiên, sau khi chiến thắng và vào chiếm đóng nước Nhật, người Mỹ đã có sẵn một căn cứ và một hải quân công xưởng còn nguyên vẹn cho hạm đội của họ. Các chiến hạm lớn nhất, như hàng không mẫu hạm, vẫn có thể lên ụ để được sửa chữa và tân trang ở đây. Hiện tại, Yokosuka là bản doanh của bộ tư lệnh Đệ Thất Hạm Đội và là hậu cứ của tiểu hạm đội hàng không mẫu hạm Kitty Hawk.

Từ hoang tàn, đổ nát và từ cái nhục quốc gia bị chiếm đóng, người Nhật đã âm thầm tái thiết quê hương của họ, đặt trọng tâm vào kinh tế. Thay vì phải phát động một cuộc chiến tranh giải phóng, giành lại độc lập cho quê hương, họ đã dùng đường lối ngoại giao để từ từ thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của chính phủ Mỹ, đồng thời biến sự “chiếm đóng” của quân đội nước này thành một sự “bảo trợ an toàn” cho nền an ninh quốc gia họ. Nói một cách khác, họ đã “thuê” quân đội của đại cường nguyên tử Mỹ để giữ an ninh và sẵn sàng làm nản chí bất cứ quốc gia nào muốn lăm le xâm lấn đất nước Phù Tang. Cho đến hiện tại, hàng năm họ chỉ phải trả một khoản tiền nhỏ để “giữ” quân đội Mỹ ở lại, theo thỏa ước từ sau thế chiến, thay vì bỏ ra một kinh phí khổng lồ để tái võ trang và nuôi dưỡng quân đội của họ. Số tiền không phải chi tiêu đó, họ tận dụng vào “cuộc chiến” kinh tế, để rồi gần 60 năm sau, kể từ ngày chiến tranh chấm dứt, thế giới đã nhìn thấy họ, và Đức Quốc, chuyển “bại” thành “thắng” như thế nào. Có chăng một bài học ở đây cho các nước trong vùng? Dường như Nam Hàn đang học được, còn Phi Luật Tân thì không!

Liên tưởng đến cái uy dũng của những đại chiến hạm đã từng ra vào vịnh Đông Kinh, hay đã đi vào chiến sử thế giới, Nguyễn không thể không nghĩ đến ba thiết giáp hạm nổi tiếng nhất của Thế Chiến thứ Hai: Yamato của Nhật, Bismarck của Đức, và Missouri của Mỹ.

Thiết giáp hạm Yamato “ra đời” (commissioned) vào tháng 12 năm 1941, chỉ sau trận Trân Châu Cảng hơn một tuần lễ. Nó có trọng tải gần 65,000 tấn, hoàn thành tại xưởng đóng tàu Kure, Nhật Bản. Chiếc thứ hai, cùng loại (class) mang tên Musashi. Đây là hai thiết giáp hạm lớn nhất thế giới, tính đến hiện tại. (Ngày nay, Hải Quân Mỹ không đóng thiết giáp hạm nữa). Yamato có 9 đại bác với nòng súng rộng 460 mm (18.1 inches), có thể bắn ra một đầu đạn xuyên thép (armor piercing) nặng đến 1460 kg (3200 pounds). Lớp vỏ của nó cũng dày nhất thế giới.

Thoạt tiên, Yamato được dùng làm soái hạm cho vị tư lệnh liên hạm đội Nhật, đô đốc Isoroku Yamamoto, trong những trận thủy chiến quyết định với các hạm đội Mỹ vào năm 1942, trên mặt trận Thái Bình Dương. Năm sau, Yamato công tác với lực lượng hải phòng lưu động để bảo vệ các căn cứ Nhật ở miền Trung Thái Bình Dương. Cuối năm 1943, Yamato bi trúng thủy lôi của tàu ngầm Mỹ Skate (SS-305) nhưng không chìm. Sửa chữa xong vào tháng 4, 1944, Yamato tham dự trận thủy chiến trong vùng biển Phi Luật Tân, tháng 6; rồi trận chiến chống lại cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh vào Phi Luật Tân ở vịnh Layte, tháng 10. Sau đó là những trận quanh đảo Samar khiến Yamato bị hư hại nhẹ bởi sự tấn công của phi cơ và các khu trục hạm (destroyers) Mỹ.

Từ mùa Đông 1944, Yamato được gọi về để bảo vệ bờ biển quê hương Nhật Bản. Bị thiệt hại nhẹ trong cuộc tấn công của Đồng Minh vào tháng 3, 1945. Sang tháng sau, Yamato được lệnh tham dự cuộc hành quân tự sát mang tên “Ten-Go” gồm cả Hải và Không Quân, với những đội phi cơ cảm tử Thần Phong, nhằm triệt hạ lực lượng Hải Quân Mỹ đang yểm trợ cuộc đổ bộ lên đảo Okinawa.

Ngày 7 tháng 4, 1945, khi chỉ cách Okinawa 200 dặm mà không còn phi cơ yểm trợ, Yamato đã bị tấn công ồ ạt bởi hàng đàn chiến đấu cơ từ các hàng không mẫu hạm Mỹ và chìm. Năm 1985, các thợ lặn đã tìm thấy xác chiếc Yamato, bị đứt làm hai phần và ở độ sâu khoảng 300 thước nước.

“Cuộc đời” chiếc thiết giáp hạm Bismarck của Đức còn ngắn ngủi hơn, nhưng không kém phần oanh liệt. Tuy nhỏ hơn chiếc Yamato, nhưng các khẩu đại bác của Bismarck được kể là chính xác nhất. Chỉ ít hôm sau khi vào Đại Tây Dương, ngày 24 tháng 5, 1941, Bismarck và tuần dương hạm (Cruiser) Prinz Eugen đã đánh chìm tuần dương hạm qúi nhất của Hoàng Gia Anh Quốc, HMS Hood, và làm thiệt hại nặng thiết giáp hạm Prince of Wales, vừa mới được hạ thủy.

Tuy nhiên, Bismarck cũng bị trúng một phát đạn ở phía mũi khiến vận tốc của nó bị giảm đi. Trong khi đó chiếc Prinz Eugen lại được lệnh tách riêng, đi xa hơn về phía Nam. Bismarck chuyển hướng về cảng gần nhất là Brest ở Pháp. Để trả thù, Hải Quân Anh Quốc đã thề phải đánh chìm chiếc Bismarck với bất cứ gía nào! Lúc đầu, họ đã không tìm được Bismarck vì nghĩ rằng nó đang ở một vị trí khác. Nhưng sau đó, một phi cơ thám thính PBY đã nhìn thấy Bismarck đang tiến về Brest và chỉ còn cách bờ biển Pháp khoảng 600 dặm.

Cơ hội cuối cùng cho Hải Quân Anh là tiểu hạm đội “H” từ mũi Gibraltar (phần đất của Anh Quốc ở phía cực Nam của nước Tây Ban Nha), đang mở hết tốc độ trực chỉ hướng Bắc để chặn tàu địch. Khi Bismarck gần thoát nạn thì không may bị trúng một qủa thủy lôi từ chiếc Ark Royal làm bánh lái bị hư hại hoàn toàn và chân vịt cũng bị thiệt hại. Nhờ đó các lực lượng khác của Anh cùng tiến đến để dứt điểm Bismarck.

Sáng sớm ngày 27 tháng 5, 1941, đang khi trong trình trạng bồng bềnh, bánh lái bất khiển dụng, thì Bismarck bị tấn công “hội đồng” bởi các chiến hạm Rodney, King George V, Norfolk, và Dorsetshire. Cuối cùng, thay vì đầu hàng, các thủy thủ trên Bismarck đã tự đánh đắm (scuttled) tàu của mình vào lúc 10:30 sáng! Gần đó, có một chiếc tàu ngầm của Đức, (U-556), nhưng nó không thể tiếp ứng Bismarck được vì đã xài hết thủy lôi trong các cuộc phục kích những tàu vận tải của Đồng Minh rồi!

May mắn hơn hai chiếc kia, thiết giáp hạm USS Missouri (BB-63) của Mỹ đã có cuộc đời dài hơn cho đến khi về hưu. Là một trong 4 chiếc thuộc “Iowa class”, Missouri có trọng tải 45,000 tấn, “xuất thân” từ xưởng đóng tàu New York Navy Yard ngày 11 tháng 6, 1944. Chuyển qua mặt trận Thái Bình Dương cuối năm 1944 và bắt đầu tham dự các trận thủy chiến khốc liệt từ đầu năm 1945, như cuộc đổ bộ lên đảo Iwo Jima; chiến dịch Ryukyus, đánh vào các hải đảo thuộc lãnh thổ của Nhật. Đến tháng 5, Missouri trở thành soái hạm của Đệ Tam Hạm Đội, và ngày 30 tháng 8, 1945, Missouri vinh quang tiến vào vịnh Đông Kinh, chuẩn bị cho cuộc ký kết đầu hàng của Nhật Bản, hai hôm sau đó.

Sau Thế Chiến, Missouri công tác thường xuyên ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Năm 1950, Missouri là thiết giáp hạm duy nhất tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên (giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản, diễn ra ở hai miền Nam-Bắc Đại Hàn.) Tháng 2, 1955 Missouri được “về hưu” (decommissioned) lần thứ nhất. Qua hơn ba thập kỷ, Missouri chỉ là tàu trừ bị và là nơi cho khách thập phương thăm viếng. Đến tháng 5, 1986, Missouri và ba chiếc thiết giáp hạm cùng class đã được gọi trở lại thành tàu hiện dịch.

Là một chiến hạm lịch sử, Missouri đã đóng vai trò ngoại giao, đi thăm viếng khắp thế giới. Tháng 1, 1991, Missouri vào vịnh Ba-Tư (Persian Gulf) tham dự trận tấn công của quân Đồng Minh, do Mỹ đứng đầu, đẩy quân Iraqi ra khỏi Kuwait. Tháng 11 cùng năm, Missouri vào Trân Châu Cảng tham dự đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày quân Nhật tấn công Hoa Kỳ.

Qua tháng 3, 1992, môt lần nữa Missouri lại về hưu và trở thành tàu trừ bị ở Bremeton, tiểu bang Washington. Đến tháng 6, 1998, thì Missouri trở thành một “bảo tàng viện nổi” ở Trân Châu Cảng, Hawaii.

Đối với người dân Nhật, những tháng năm chinh chiến đó đã trở nên thật xa xôi, đã là một qúa khứ không mang lại vinh dự gì cho quốc gia. Nhưng họ là một dân tộc anh hùng, chính phủ của họ đã biết nắm thời cơ để đưa quốc gia vươn lên trong một chính sách thật chính xác. Chính sách đó không dựa trên chiên tranh, vì chiến tranh chỉ là một trong những phương tiện của chính sách, mà nhiều khi chỉ có tàn phá, giết chóc chứ không đem lại hiệu qủa nào. Chính sách đó đã thật sự mang lại tự do, dân chủ, phú cường. Chính sách đó đã theo đúng lời dạy của Thánh Hiền: “Dân vi qúy, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Đức Khổng Phu Tử). Ý nói giang sơn gấm vóc là của muôn dân, chứ không phải của riêng cá nhân hay đảng phái nào. Phải tôn trọng và hành sử theo ý toàn dân, mới thực sự được gọi là dân chủ, mới hoàn toàn có tự do.

Mặt trời vừa xuống khỏi rặng núi phía Tây, làn gió Thu đưa nhẹ làm mặt nước gợn lên những lượn sóng lăn tăn. Nguyễn đứng dậy, thắt chéo hai tay áo lạnh quanh cổ, lững thững trở về cư xá sĩ quan. Ngày hôm sau, linh mục thiếu tá Larry Leslie đã đưa anh ra phi trường Narita, ở góc Đông Bắc của vịnh Đông Kinh, để trở lại Hoa Kỳ. Ông đã chở Nguyễn qua đường hầm Tokyowan Aqualine nối liền miền Nam Đông Kinh và Kisarazu ở bờ bên kia của vịnh. Thực ra, có đến hai đường hầm đi lại với hai lằn xe mỗi bên, dài đến gần 10 cây số rồi lại tiếp nối với một cây cầu cao, dài khoảng 5 cây số nữa. Một công trình đáng kể của nhân loại, anh nghĩ.

Bỗng nhiên, Nguyễn không thể nén tiếng thở dài khi nghĩ đến “công trình” cầu hầm Văn Thánh 2 ở Sàigòn. Dự án đó chỉ bằng một phần trăm đường hầm Đông Kinh, nhưng vì bị ăn chặn và nhất là phải cắt xén để hối lộ cho quan trên, xếp dưới đến nỗi cầu hầm chưa làm xong mà đã bị sụt lở!!!
Tuyên Úy Nguyễn