ĐTC thuyết trình trước LHQ: Chúng ta cần suy nghĩ về tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi hãy cải cách, hãy canh tân chủ nghĩa đa nguyên, hãy hợp tác và tôn trọng phẩm giá con người. Đó là nội dung của video thông điệp mà ĐTC gửi tới Kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

(Tin Vatican - Benedict Mayaki, SJ)

Năm nay đánh dấu kỷ niệm đặc biệt của LHQ - đó là kỷ niệm 75 năm kể từ ngày Hiến chương LHQ được ký kết tại San Francisco vào năm 1945. Thứ Hai 21/9/2020, đại diện của các Quốc gia đã qui tụ lại để đánh dấu lễ kỷ niệm, với nhiều hoạt động khác trong suốt tuần.

Vì cơn đại dịch Covid-19, nên việc đi lại trên toàn cầu bị hạn chế, nên sự tham gia các kiện này, chủ yếu qua trực tuyến, được các nhà lãnh đạo thế giới trình bầy qua video. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh cũng phát biểu trước Đại hội đồng LHQ qua một thông điệp video vào hôm thứ Hai.

ĐTC Phanxicô cùng LHQ

Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu trước 193 thành viên đại diện của LHQ. Trong một thông điệp video, Đức Thánh Cha kêu gọi hãy cùng nhau cam kết hướng về một tương lai tốt đẹp hơn qua chủ nghĩa đa phương và sự hợp tác giữa các quốc gia.

ĐTC cũng lưu ý rằng dịp kỷ niệm 75 năm này là một cơ hội thích hợp để bày tỏ những mong ước của Tòa thánh trước tổ chức LHQ, sẽ cùng nhau phục vụ “như một dấu chỉ của sự hiệp nhất giữa các Quốc gia và là một công cụ phục vụ toàn thể gia đình nhân loại”.

Khi thế giới tiếp tục đối diện với những thách thức thảm họa của đại dịch coronavirus chết người, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra nói lên cái mong manh của phận người chúng ta và đặt ra các vấn nạn về hệ thống kinh tế, sức khỏe và xã hội của chúng ta. Hơn nữa, điều này càng làm nổi bật nhu cầu nhận thức quyền được chăm sóc sức khỏe cơ bản của mọi người.

Nhắc lại những suy tư của mình trong buổi cầu nguyện đặc biệt vào tối ngày 27 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, cơn đại dịch kêu gọi chúng ta hãy nắm bắt thời gian thử thách này, để “lựa chọn một cái gì quan yếu và cho qua đi những gì không cần thiết, tách biệt điều gì thiết yếu với điều không cần thiết”. ĐTC thúc giục chúng ta hãy đồng chọn con đường dẫn đến củng cố chủ nghĩa đa phương, trách nhiệm toàn cầu, hòa bình và lo cho những người nghèo khổ.

Đoàn kết thực sự

Đức Thánh Cha cho hay: Cuộc khủng hoảng hiện tại cho chúng ta thấy rằng sự đoàn kết không thể là “một lời nói hay một lời hứa suông”. Nó cũng cho chúng ta thấy "tầm quan trọng của việc bác bỏ những cám dỗ vượt quá giới hạn tự nhiên của chúng ta." Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhìn lại những tác hại của đại dịch đối với thị trường lao động được thúc đẩy gia tăng ngành robot và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết của “những hình thức làm việc mới thực sự có khả năng thỏa mãn tiềm năng của con người trong khi nhấn mạnh đến phẩm giá của con người chúng ta.”

Để đảm bảo điều này, Đức Thánh Cha đề xuất “một sự thay đổi hướng đi” bao gồm một khuôn khổ đạo đức mạnh mẽ hơn, có khả năng khắc phục cái “văn hóa lãng phí ngày nay đang phát triển một cách âm ỉ và loan rộng!”. ĐTC kêu gọi hãy thay đổi mô hình kinh tế thống trị, chỉ nhằm vào mục đích tăng lợi nhuận. Đồng thời, ĐTC kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp việc làm cho nhiều người hơn như là một trong những mục tiêu chính của doanh nghiệp.

Văn hóa lãng phí

Đức Thánh Cha Phanxicô nêu ra nguồn gốc của văn hóa lãng phí là “sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với phẩm giá con người, sự cổ súy cho các hệ tư tưởng với những hiểu biết đơn giản về con người, sự phủ nhận tính phổ quát của các quyền cơ bản của con người và sự ham muốn tìm kiếm quyền lực và kiểm soát tuyệt đối.” ĐTC khẳng định đây là "một cuộc chiến chống lại chính loài người."

Đức Thánh Cha than rằng có nhiều vi phạm đến các quyền cơ bản của con người “trình bày cho chúng ta một bức tranh ghê tợn về một nhân loại bị lạm dụng, bị thương tích, bị tước đoạt phẩm giá, tự do và hy vọng tương lai.” Đức Thánh Cha nêu lên cái thực tại là "không thể chịu đựng được, nhưng nhiều người cố ý làm ngơ và phớt lờ đi", các trường hợp đàn áp tôn giáo, khủng hoảng nhân đạo, sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, di cư, di dân, buôn người và lao động cưỡng bức, và "nhiều người bị cưỡng bức rời khỏi quê cha đất tổ của họ”.

Những đáp ứng nhân đạo

Đức Thánh Cha lưu ý rằng các nỗ lực quốc tế nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng bắt đầu với nhiều hứa hẹn, nhưng sau đó là thất bại, vì không được chính quyền hỗ trợ những gì cần thiết để đưa tới thành công hoặc “vì các quốc gia riêng lẻ trốn tránh trách nhiệm và cam kết của mình”. Để chống lại điều này, ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy đảm bảo rằng các thể chế thực sự hiệp nhất với nhau trong cuộc đấu tranh chống lại những thách thức này và nhắc lại những cam kết của Tòa thánh trong vai trò hỗ trợ của mình để giúp đỡ trong mọi tình huống.

Để đối phó với sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất xem xét lại vai trò của các chủ thuyết kinh tế và tài chính. ĐTC đề xuất một mô hình kinh tế “khuyến khích trợ cấp, hỗ trợ phát triển kinh tế ở cấp địa phương và đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương”. ĐTC cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy chấm dứt những bất công về kinh tế thông qua những trọng trách tài chính khổng lồ giữa các quốc gia và “thúc đẩy sự hỗ trợ có hiệu quả dành cho những người nghèo khổ” bao gồm hỗ trợ cho các quốc gia nghèo và mắc nợ nhiều.

Các trẻ em bị ảnh hưởng đặc biệt bởi Covid-19

Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh đến những tác hại tàn khốc của cơn dịch Covid-19 đối với trẻ em, bao gồm cả những trẻ em di cư và tị nạn không có người lớn cùng đi! ĐTC nêu ra nhiều trường hợp các em bị lạm dụng và bạo lực gia tăng. ĐTC kêu gọi các nhà chức trách dân sự, “đặc biệt chú ý đến những trẻ em bị từ chối các quyền cơ bản và phẩm giá của mình, đặc biệt quyền được sống và được giáo dục.”

Hướng về gia đình, ĐTC than thở về sự suy yếu các "đơn vị gia đình tự nhiên và căn bản của xã hội" do chủ nghĩa thực dân tạo ra cảm giác "bị bứng rễ" khỏi địa vị thành viên của nó. ĐTC cũng cho hay vì sự tiến bộ của phụ nữ, ở mọi cấp độ xã hội, người phụ nữ hiện nay đóng một vai trò quan trọng và góp phần của họ vào việc thúc đẩy cho lợi ích chung.

Hòa bình, không chiến tranh

ĐTC Phanxicô nói về "sự cần thiết phải đoạn tuyệt với bầu khí thiếu tin tưởng hiện nay" được đánh dấu bởi sự xói mòn của chủ nghĩa đa phương và sự phát triển của các hình thức công nghệ quân sự mới làm thay đổi cái thế không thể đảo ngược cái bản chất của chiến tranh. Đặc biệt, ĐTC nêu lên nguy cơ đe dọa dùng bom nguyên tử để "tạo ra nỗi sợ hãi dựa trên mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau" và kêu gọi loại bỏ một cách sai lạc trước những liên kết hòa bình trong việc hạn chế vũ khí và thay vào sự tập trung vào ngành công nghệ sản xuất vũ khí. Về mặt này, ĐTC kêu gọi tăng cường các công cụ pháp lý và quốc tế chính để giải trừ vũ khí hạt nhân, không sản xuất và cấm vũ khí hạt nhân.

Thế giới sau cơn đại dịch

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: “Chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang kinh qua. Chúng ta có thể tiến tới hoặc tốt hơn hoặc tệ hơn!”

ĐTC nói thêm: Cuộc khủng hoảng hiện tại chứng tỏ giới hạn của chúng ta trong việc tự bảo vệ cũng như thực tại mỏng manh, dễ bị tổn thương của con người chúng ta. Nó cũng cho thấy “chúng ta không thể sống thiếu nhau, hoặc tệ hơn nữa là tranh chấp lẫn nhau”. Do đó, ở vào thời điểm quan trọng này, “nhiệm vụ của chúng ta là phải suy nghĩ lại tương lai của ngôi nhà chung và dự án chung của chúng ta” bằng cách tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác giữa các quốc gia.

Kết luận, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng LHQ được thành lập để gắn kết các quốc gia lại với nhau. Do đó, tổ chức này nên được sử dụng để “làm cho những thách đố đang đặt ra trước mắt chúng ta thành cơ hội để cùng nhau xây dựng, và vun góp cho một tương lai mà tất cả chúng ta đều mong muốn”.