1. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Thứ Bẩy Lễ Đức Mẹ Lên Trời

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Thứ Bẩy Lễ Đức Mẹ Lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng việc Đức Mẹ lên Thiên đàng là một thành tựu lớn hơn vô hạn so với những bước đầu tiên của con người trên mặt trăng.

Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ bài huấn đức của ngài:


Anh chị em thân mến,

Khi con người đặt chân lên mặt trăng, có một câu nói đã trở nên nổi tiếng ‘Một bước đi nhỏ đối với một người, một bước nhảy vọt cho nhân loại’. Thực tế, nhân loại đã đạt đến một cột mốc lịch sử. Nhưng hôm nay, trong ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta cử hành một sự chinh phục vĩ đại hơn nhiều. Đức Mẹ đã đặt chân lên thiên đàng: Mẹ đến đó không chỉ bằng tinh thần, mà còn bằng thể xác, với tất cả con người của Mẹ. Bước tiến này của Trinh nữ khiêm hạ thành Nazareth là bước nhảy vọt của nhân loại. Đặt chân lên mặt trăng chẳng đem lại cho chúng ta bao nhiêu, nếu chúng ta không sống như anh chị em với nhau trên Mặt đất này. Nhưng một người trong chúng ta sống trên Thiên đàng trong thân xác bằng xương bằng thịt mang lại cho chúng ta hy vọng: chúng ta hiểu rằng chúng ta là quý giá, và được tiền định để phục sinh. Thiên Chúa sẽ không để thân xác chúng ta tan biến vào hư vô. Với Chúa sẽ không có gì bị mất! Nơi Đức Maria, mục tiêu này đã đạt được và chúng ta có lý do trước mắt chúng ta để tiếp tục cuộc lữ hành: không phải để giành được những điều ở dưới thế này, là những thứ sẽ tan biến, nhưng là giành lấy những sự vĩnh cửu trên trời. Và Đức Mẹ là ngôi sao dẫn lối cho chúng ta. Như Công đồng dạy: “Mẹ chiếu sáng như một dấu chỉ niềm hy vọng chắc chắn và niềm an ủi cho Dân Chúa trong cuộc lữ hành trần thế” (Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân - Lumen Gentium, 68).

Đức Mẹ khuyên bảo chúng ta điều gì? Trong Phúc Âm ngày hôm nay, điều đầu tiên Mẹ nói với chúng ta rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1:46). Chúng ta thường nghe những lời này đến mức có lẽ chúng ta không còn để ý đến ý nghĩa của những lời đó nữa. “Ngợi khen” theo nghĩa đen là ‘phóng đại’, là làm cho lớn ra. Trong cuộc sống của Mẹ không phải là không có những vấn đề, nhưng Mẹ vẫn ngợi khen Thiên Chúa. Chúng ta thì ngược lại, chúng ta để cho mình bị đè bẹp trước những khó khăn và sợ hãi! Đức Mẹ không để mình đầu hàng như thế, vì Mẹ đặt Chúa như là Đấng vĩ đại trước hết trong cuộc đời. Từ đây, lời Ngợi Khen được bùng lên, từ đây niềm vui phát sinh: không phải vì trong cuộc sống không có vấn đề, là những điều sớm muộn cũng sẽ đến, nhưng từ sự hiện diện của Chúa. Bởi vì Chúa là Đấng vĩ đại. Và trên hết mọi sự, Ngài nhìn đến những người bé nhỏ. Chúng ta là yếu điểm yêu thương của Ngài: Thiên Chúa nhìn đến và yêu mến những người bé nhỏ.

Trong thực tế, Mẹ Maria tự nhận mình nhỏ bé và tán dương “những điều cao cả” (c. 49) mà Chúa đã làm cho Mẹ. Những điều cao cả ấy là gì? Thưa trước hết và trên hết đó là món quà bất ngờ của sự sống: Đức Maria là một trinh nữ và mang thai; và cả Elizabeth, người đã già, đang mong có một đứa con. Chúa tác thành những điều kỳ diệu với những người nhỏ bé, với những người không tin mình là vĩ đại nhưng trong cuộc sống lại dành không gian rộng lớn cho Chúa. Ngài mở lòng thương xót đối với những ai tin cậy nơi Ngài và nâng cao những kẻ khiêm nhường. Đức Maria ngợi khen Chúa về điều này.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta hãy tự hỏi, chúng ta có nhớ ngợi khen Chúa không? Chúng ta có tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho chúng ta không? Chúng ta có tạ ơn Chúa vì mỗi một ngày Ngài ban cho chúng ta, vì tình yêu, và ơn tha thứ cùng sự dịu dàng của Ngài. Và còn hơn thế nữa, Chúa đã ban cho chúng ta Mẹ của Người, và những anh chị em mà Chúa đặt để trên đường đời của chúng ta. Nếu chúng ta quên đi những điều tốt đẹp, con tim chúng ta sẽ co lại. Nhưng nếu, như Mẹ Maria, chúng ta nhớ đến những điều vĩ đại mà Chúa làm, dù chỉ một lần trong ngày, chúng ta sẽ ngợi khen Ngài, và đó sẽ là một bước tiến dài. Con tim sẽ rộng mở, niềm vui sẽ tăng lên.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ là cửa Thiên đàng ban cho chúng ta ân sủng biết bắt đầu mỗi ngày bằng cách ngước nhìn lên trời, hướng về Thiên Chúa, để thưa với Người: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa!” như những người nhỏ bé thưa lên cùng Đấng Cao Cả. “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa!”


Source:Holy See Press Office

2. Trợ giúp khẩn cấp của Giáo Hội Công Giáo dành cho Li Băng

Như chúng tôi đã đưa tin Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, đã công bố gói viện trợ lương thực 250, 000 euro khẩn cấp cho các nạn nhân của vụ nổ kinh hoàng ngày 4 tháng 8 ở Beirut, Li Băng.

Khoản tài trợ ACN sẽ tập trung vào các gia đình nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ nổ đã tàn phá khu vực cảng của thủ đô Li Băng và các khu vực lân cận, bao gồm các khu dân cư của người Công Giáo như Mar Maroun và Achrafieh.

Trong thông cáo công bố hôm 7 tháng 8 năm 2020 tại Roma, cho biết số tiền trợ giúp vừa nói rút từ ngân khoản gọi là “tám phần ngàn”, tức là tiền thuế các tín hữu Công Giáo đóng góp cho Giáo hội. Các giám mục Italia nói rằng: “Thảm trạng vụ nổ xảy ra cho đất nước Li Băng, vốn đã bị khủng hoảng nặng nề về tài chánh, kinh tế và xã hội. Khủng hoảng càng gia tăng trong năm ngoái, khiến cho nhiều gia đình chỉ có lợi tức hơn năm Mỹ kim mỗi ngày, và lâm vào tình trạng nghèo đói”.

Tại Ðức, nhiều giáo phận Công Giáo cũng đóng góp để trợ giúp dân chúng tại Liban, như tổng giáo phận Paderborn đã dành ngay 50, 000 Euro để cứu trợ cấp thời và được chuyển qua Caritas quốc tế.

Tổng giáo phận Bamberg cũng đóng góp ngân khoản tương tự. Ðức Tổng giám mục Ludwig Schick của giáo phận Bamberg, kiêm Chủ tịch Ủy ban Giám mục Ðức về Giáo hội hoàn vũ, nói rằng: “Chúng tôi cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng và thân nhân của họ, cầu cho những người bị thương sớm được bình phục thể xác và tâm hồn. Liban là con tim của toàn thể Trung Ðông. Quốc gia bé nhỏ này đã đón nhận và giúp đỡ rất nhiều người tị nạn từ Syria. Ngoài ra, Liban cũng cần được giúp đỡ để ổn định về chính trị, chẳng vậy, toàn thể Trung Ðông cũng sẽ bị hậu quả lây”.

Nhiều giáo phận khác ở Ðức, như Mainz, Limburg, Köln, Muenster cũng đóng góp từ 50, 000 đến 150, 000 Euro để hỗ trợ Caritas Liban, trong công tác cứu trợ các nạn nhân.

3. Tổng thống Pháp nói trước hội nghị các nhà tài trợ: Tương lai của Li Băng đang bị đe dọa

Các cường quốc trên thế giới có nhiệm vụ hỗ trợ người dân Li Băng sau khi một vụ nổ lớn tàn phá thủ đô của họ trong khi chính tương lai của đất nước này đang trong tình trạng bị đe dọa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị các nhà tài trợ khẩn cấp.

Nền kinh tế đầy nợ nần của Li Băng đã chìm trong khủng hoảng và lao đao vì đại dịch coronavirus trước vụ nổ ở cảng Beirut khiến 158 người thiệt mạng. Nhưng các chính phủ nước ngoài cảnh giác về việc viết các chi phiếu khống cho một chính phủ bị chính người dân của họ cho là tham nhũng sâu sắc.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị các nhà tài trợ trực tuyến, ông Macron nói rằng phản ứng quốc tế cần được điều phối bởi Liên hợp quốc tại Li Băng.

“Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là hành động nhanh chóng và hiệu quả, điều phối viện trợ của chúng ta trên thực tế địa phương để viện trợ này đến tay người dân Li Băng càng nhanh càng tốt, ” ông Macron nói qua liên kết video từ nơi nghỉ hè ở thành phố Riviera.

Tổng thống cho biết lời đề nghị hỗ trợ bao gồm cả việc hỗ trợ cho một cuộc điều tra khách quan, đáng tin cậy và độc lập vào tháng Tám.

Vụ nổ hôm 4 tháng 8 đã khiến một số người Li Băng kêu gọi một cuộc nổi dậy để lật đổ các nhà lãnh đạo chính trị của họ.

Hội đồng Giám mục Italia đã trợ giúp một triệu Euro để giúp đỡ dân chúng Li Băng về thuốc men cho những người bị thương, lương thực, nước uống và nơi tạm trú cũng như nâng đỡ tâm lý cho các nạn nhân khác.
Source:Business Standard

4. Tương lai của Li Băng sau vụ nổ chết người ở Beirut

Thủ tướng Li Băng Hassan Diab và toàn bộ chính phủ nước này đã từ chức sau vụ nổ chết người ở Beirut khiến ít nhất 160 người thiệt mạng. Trong một bài phát biểu ngắn trên truyền hình, ông Diab cho biết ông đang “lùi một bước” để có thể sát cánh cùng mọi người “và chiến đấu trong cuộc chiến giành sự thay đổi cùng với họ”. Ông nói: “Hôm nay tôi tuyên bố từ chức chính phủ này. Xin Chúa bảo vệ Li Băng”.

Ông Hassan Diab, một người Hồi Giáo Sunni, đã lặp lại câu “Xin Chúa bảo vệ Li Băng” ba lần.

Việc chính phủ từ chức đã được dự đoán ngay cả khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut khiến ít nhất 160 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Theo dự trù, Thủ tướng Hassan Diab sẽ giữ vai trò điều hành chính phủ tạm thời cho đến khi có ứng cử viên mới được thống nhất chọn ra.

Hiến pháp của Li Băng không chính thức quy định nhưng theo một thỏa hiệp được gọi là Thỏa Thuận Quốc Gia vào năm 1943, tổng thống của nước này bắt buộc phải là một người Công Giáo theo nghi lễ Maronite.

Theo hiến pháp của Li Băng, tổng thống được Quốc Hội chọn ra trong một nhiệm kỳ 6 năm. Sau khi tổng thống Michel Suleiman hết nhiệm kỳ vào tháng 5, 2014, trong hơn hai năm trời, Quốc Hội không chọn được một tổng thống khác.

Trước đây, Li Băng vẫn được coi là tiền đồn của Công Giáo tại Trung Đông, vì người Công Giáo chiếm đa số tại quốc gia này. Tình trạng đó đã thay đổi đáng kể sau cuộc chiến 6 ngày vào tháng 6, 1967 dẫn đến một làn sóng nhập cư của người Palestine. Cuộc nội chiến tại Syria cũng đưa đẩy hơn 2 triệu người Syria, chủ yếu là người Hồi Giáo tràn vào Li Băng, khiến quốc gia này giờ đây trở thành một quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo như các nước khác trong vùng.

Đó là lý do tại sao từ tháng Năm, 2014 đến ngày 31 tháng 10, 2016, Li Băng không có tổng thống.

Đối với hàng trăm nghìn người có nhà cửa và cuộc sống của họ bị phá hủy bởi vụ nổ tuần trước tại một nhà kho chứa 2, 750 tấn ammonium nitrate, việc từ chức của nội các Hassan Diabxem ra sẽ không giúp ích gì nhiều cho họ.

Đối với nhiều người trên khắp Li Băng, toàn bộ hệ thống chính trị cần được thay thế.

Li Băng đang đối mặt với thời gian khó khăn phía trước.

Đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất với hàng triệu việc làm bị mất, người dân bị cắt lương và tiền tiết kiệm biến mất.

Quá trình chính trị để bổ nhiệm một thủ tướng mới và kêu gọi bầu cử sớm sẽ mất nhiều tuần. Đây là thời khắc nguy hiểm cho quốc gia này.