1. Thâm hụt ngân sách trầm trọng, Tòa Thượng Phụ Giêrusalem buộc phải bán đất ở Nazareth

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Tòa Thượng Phụ Giêrusalem đã bị buộc phải bán đất và một số bất động sản tại khu vực Nazareth để đối phó với tình trạng thâm hụt lên đến 100 triệu đô la. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề tài chính trong việc xây dựng và ra mắt Đại học Mỹ Châu Madaba, ở Jordan. Tình trạng đã trở nên trầm trọng hơn vì các biến động không dự đoán trước được liên quan đến đại dịch coronavirus.

Chính Tòa Thượng Phụ đã xác nhận việc mua bán này, với một thông cáo báo chí, được công bố hôm thứ Sáu ngày 12 tháng 6, để phản bác các tin tức “sai trái và vô căn cứ” về vấn đề này đang lưu hành trong giới truyền thông và trên các mạng xã hội.

“Đây không phải là một chuyện bí mật gì cả”, thông cáo nhấn mạnh, “trong những năm gần đây, Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem đã đạt đến một mức thâm hụt khổng lồ khoảng 100 triệu Mỹ Kim, do các hoạt động quản lý kém cỏi có liên quan đến Đại học Mỹ Châu Madaba. Các khoản nợ này liên quan đến các ngân hàng khác không phải là ngân hàng Tòa Thánh”.

Trường Đại học Mỹ Châu Madaba là một trường đại học liên kết với Tòa Thượng Phụ Giêrusalem đã được Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI đặt viên đá đầu tiên vào ngày 9 tháng 5 năm 2009, và đã được khánh thành vào ngày 30 tháng 5 năm 2013 với sự hiện diện của Vua Abdallah II. Vào cuối năm 2014, Tòa Thánh đã phải can thiệp để giải quyết các vấn đề hành chính và tài chính liên quan đến việc xây dựng và ra mắt nhà trường. Một ủy ban, được thành lập bởi Phủ Quốc vụ khanh, để theo dõi các hoạt động của nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ và được chuyển giao cho một ủy ban địa phương, dưới sự chủ trì của Đức Tổng Giám Mục Giorgio Lingua, lúc đó là Sứ thần Tòa Thánh tại Jordan.

Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa vào tháng 6 năm 2016 cũng là “để tìm một giải pháp cho những vấn đề này”. Trong bốn năm qua, một cuộc cải tổ lớn về việc quản trị đã được bắt đầu và theo đuổi. Nhưng với số tiền nợ khổng lồ, và bất kể nhiều nỗ lực đã thực hiện, ngày càng trở nên rõ ràng rằng giải pháp duy nhất là bán một số cơ sở khác để thanh toán số nợ này.


Source:Fides

2. Chính quyền Nga cương quyết không trả lại ngôi nhà thờ cho người Công Giáo

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, một tòa án tại thành phố Kirov đã bác bỏ đơn kiện của người Công Giáo muốn được trả lại ngôi nhà thờ duy nhất trong vùng là Nhà Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu hay cũng còn gọi là Nhà Thờ Alexander.

Tòa Hòa Giải Rộng Quyền vùng Vjatka đã bác đơn kiện của người Công Giáo và ngôi nhà thờ này tiếp tục được sử dụng làm phòng hòa nhạc thính phòng cho thành phố Kirov.

Trước thời cộng sản Nga, người Công Giáo trong vùng đã nhiều lần làm đơn xin xây dựng một ngôi thánh đường nhưng dưới áp lực của Chính Thống Giáo, đơn xin của họ liên tục thất bại. Người Công Giáo địa phương hầu hết đến từ các gia đình gốc Ba Lan, nhưng cũng có nhiều người thuộc các dân tộc khác.

Năm 1894, Nga Hoàng Alexander Đệ Tam mắc một chứng bệnh thận trầm trọng. Trong cố gắng cải thiện sức khoẻ của ông, triều đình Nga dự định đưa ông ra nghỉ ngơi tại đảo Corfu. Trên đường đi, ông nghỉ lại thành phố Kirov một thời gian. Đến khi ông qua đời, người Công Giáo trong vùng xin làm một ngôi nhà thờ để kính nhớ ông, gọi là nhà thờ Alexander. Chính quyền địa phương không thể từ chối nên họ phải cấp phép cho anh chị em giáo dân xây dựng ngôi nhà thờ này và được chính thức khánh thành vào năm 1903.

Nhà thờ còn được hưởng tình trạng “đối tượng di sản văn hóa của dân tộc Nga” ở cấp khu vực. Tuy nhiên, tình hình thay đổi sau khi cộng sản chiếm được Nga. Nhà thờ đã bị đóng cửa vào năm 1933, biến nó thành một phòng khám thú y. Năm 1937, vị lãnh đạo của Công Giáo trong vùng là Chân phước Leonid Fedorov đã chết ở Kirov sau nhiều năm bị giam cầm trong các trại tập trung. Cha sở cuối cùng của nhà thờ, là Cha Franzisk Budris, bị bắn năm 1938.


Source:Asia News