GIỚI TRẺ NÔNG THÔN NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA (tiếp theo)

LTS: Bài "Giới Trẻ Nông Thôn Niềm Hy Vọng Của Chúng Ta" được Linh Mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn viết vào năm 1999. Do vậy, những số liệu thông kê được trích dẫn trong bài có lẽ không còn hoàn toàn chính xác so với số liệu ngày nay. Tuy nhiên, những vấn đề văn hóa xã hội được nêu ra trong bài vẫn còn giá trị ở thời điểm hiện tại nên VietCatholic xin công bố bài khảo cứu giá trị của LM Nguyễn Ngọc Sơn để qúy độc giả tham khảo.

3. ĐỜI SỐNG THỂ LÝ CỦA TRẺ EM Ở NÔNG THÔN

Về đời sống thể lý, do mức thu nhập thấp của cha mẹ và gia đình, cuộc sống các em khá chật vật, có thể nói là rất thiếu thốn, có nhiều em suy dinh dưỡng. Trong cuộc điều tra 3.000 em học sinh từ 8 đến 12 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10-1998, Trung Tâm Dinh Dưỡng Trẻ Em đã thu được kết quả như sau : tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng là 28,4%, vùng nội thành là 22,8%, vùng ngoại thành là 41,8%. Tỷ lệ trẻ em béo phì ở vùng nội thành là 1,7%, vùng ngoại thành là 0,1% (báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 16-1-1999, số 7732). Như thế, cứ 100 trẻ em ngoại thành thì có hơn 40 em suy dinh dưỡng. Đó là ta đang nói đến trẻ em ở thành phố Hồ Chí Minh, là nơi có mức thu nhập cao nhất nước và điều kiện sống cũng cao nhất nước. Đối với các tỉnh thành khác và vùng nông thôn, số trẻ em suy dinh dưỡng thường vượt quá 50%; ở nhiều vùng núi, vùng sâu, tỷ lệ này lên tới 80%. Một khi cơ thể bị suy dinh dưỡng thì tinh thần các em cũng không thể lành mạnh và phát triển tốt đẹp được.

Tình trạng suy dinh dưỡng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, mà sự dốt nát hay thiếu hiểu biết của cha mẹ, thầy cô là một trong các nguyên nhân chuœ yếu. Như ta thấy, Việt Nam là nước xuất khẩu lúa gạo thứ 2 trên thế giới nên cơm gạo không thiếu. Đồng ruộng Việt Nam còn có nhiều rau trái; sông biển Việt Nam còn có nhiều tôm cá. Trẻ em suy dinh dưỡng phần lớn là vì người lớn không biết ăn và không dạy cho trẻ ăn thế nào cho đủ chất. Các em ăn thừa nhiều chất như tinh bột, muối,. .. trong khi lại thiếu chất đạm cần cho sự phát triển của óc não. Rồi người ta cũng không biết thay thế chất đạm sinh vật có trong thịt, cá, trứng. .. ăn thiếu vì giá cao đó bằng các chất đạm thực vật rẻ tiền có trong đậu (đỗ), nấm và các vitamin có nhiều trong các loại rau thơm trồng quanh nhà.

Tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật còn bắt nguồn từ những kiểu sống thiếu vệ sinh, thiếu nước sạch và không khí bị ô nhiễm dù ở nông thôn. Ra miền Bắc, ta vẫn còn thấy những nhà vệ sinh ở sát bên nhà, được đào theo kiểu hở, đầy ruồi nhặng, những chiếc lu đựng nước tiểu để tưới cây, những hố tro đựng phân đặt ngay đầu nhà đầu ngõ, những ao tù vừa để tắm giặt vừa để nấu ăn. Trên nhiều kênh rạch ở miền Nam, ta vẫn thấy những cầu vệ sinh mọc nhiều ở ven sông, những đàn vịt nuôi thả cả chục ngàn con làm ô nhiễm dòng nước. Do đó, tỷ lệ những trẻ em mắc bệnh giun sán, bệnh phụ khoa lên tới 60% do nguồn nước không sạch. Thậm chí ở Hà Tiên xung quanh là biển nước mà "phụ nữ thì có tới 90% mắc bệnh phụ khoa" (x. Bài Hà Tiên Khát, Báo Tuổi Trẻ số 2892, ra ngày 10-12-1998, tr.4).

Tình trạng này đòi hỏi các linh mục, tu sĩ và các tông đồ giáo dân học lại bài học của những nhà truyền giáo và cha ông ta thuở trước. Nhờ được học hỏi khoa học, họ dạy cho dân chúng đừng dùng nước ao tù để khỏi bị toét mắt, phải lọc nước đơn giản bằng những thùng đựng than cát sỏi rồi nấu chín trước khi dùng, họ dạy cách ăn thế nào cho đầy đủ và điều độ. Nhờ đó trẻ em và người lớn theo đạo đều khoẻ mạnh, xinh đẹp. Đây cũng là một trong các lý do cuốn hút được nhiều người khác theo đạo. Trong khi hiện nay có những linh mục, tu sĩ hình như chỉ lo phần hồn của con chiên hay các việc đạo đức và bí tích mà quên bài học của Công Đồng Vaticano II "Con người duy nhất với thể xác và tâm hồn" (Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, số 14). Do đó, thiết nghĩ rằng cần phải đào tạo nền tảng nhân bản cho linh mục, tu sĩ để họ có thể phục vụ con người như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc nhở trong Tông Huấn Pastores dabo vobis, số 72 và Vita consecrata, số 65.

4. ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA TRẺ EM Ở NÔNG THÔN

Về đời sống tinh thần, giới trẻ ở nông thôn không được học hành một cách đầy đủ. Nhiều em ở vùng sâu vùng xa không đi học được vì không có trường lớp. Hầu như cha mẹ chỉ đủ khả năng cho con cái theo học hết cấp 1 mà thôi. Muốn học lên cấp 2, các em phải đến các trường trên huyện, thị xã, nhưng vì thiếu phương tiện đi lại, các em đành bỏ học. Số người học tới cấp 3 đã hiếm, số người học lên đại học còn hiếm hơn nữa.

Vào niên học 1998-1999, với số dân là 78 triệu người, ngày 5-9-1998 có trên 23 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới. Trong đó, số lượng học sinh tiểu học là 10,5 triệu học sinh, trung học cơ sở là 5,3 triệu học sinh, phổ thông trung học là 1,6 triệu học sinh và 837.000 sinh viên, trong đó có 230.000 sinh viên năm thứ nhất (x. Báo Tuổi Trẻ ngày 5-9-1998 số 2851, tr.1). Nếu tính theo cơ cấu dân số trong độ tuổi từ 5-19 chiếm 35,58% dân số, thì phải có 27 triệu 752 ngàn người đi học. Nếu chỉ có 23 triệu học sinh đi học thì vẫn còn hơn 4 triệu em chưa cắp sách đến trường.

Đã có nhiều tu sĩ thuộc các dòng tu tại thành phố Hồ Chí Minh đã dùng kỳ nghỉ hè của mình để đến các vùng sâu, vùng xa (tận Long Xuyên, Bạc Liêu, Châu Đốc) mở các lớp học tình thương và xoá mù chữ. Tuy nhiên việc làm của vài chục tu sĩ đó cũng chỉ như những hạt muối bỏ vào biển cả. Có lẽ Giáo Hội Việt Nam cần phát động một chương trình hô hào các sinh viên Công giáo hay các em tốt nghiệp lớp 12 hãy dành một kỳ hè để đến các xứ đạo xa xôi, đem ánh sáng cho những người mù chữ như Giáo Hội Đại Hàn đã từng phát động và thu được kết quả mỹ mãn cả về mặt văn hoá lẫn truyền giáo. Các linh mục hoặc xứ đạo vùng xa nhận nuôi ăn ở các người tình nguyện trong suốt 2 tháng hoạt động. Đó cũng là một sinh hoạt rất bổ ích cho các em cũng như cho Giáo Hội.

Cả nước hiện nay cũng còn có cả triệu người mù chữ, trong đó riêng miền Nam có 573.004 người, chiếm hơn 50% số người mù chữ cả nước. ở vùng Đồng Bằng sông Cưœu Long, số người mù chữ chiếm đến 32% tổng số cả nước (x. Báo Sài Gòn Giải Phóng số 7460, ra ngày 18-4-1998, tr.1). Giáo Hội Việt Nam vẫn còn có nhiều việc phải làm về phương diện giáo dục này.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) trong khoá họp tháng 10-1998 đã quyết định thực hiện cuốn Niên Giám Giáo Hội Việt Nam nhân dịp năm 2000 và trong thư đề ngày 15-12-1998 của Đức Cha Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm, Tổng Thư Ký HĐGMVN, Giáo Hội đã quyết định lấy thời điểm 1-1-1999 để thực hiện Việc Kiểm Tra Dân Số Công Giáo toàn quốc. Qua đợt kiểm tra này, chúng ta sẽ biết được một cách tương đối chính xác không phải chỉ về số người Công giáo trong cả nước với tình trạng bí tích, hôn nhân của họ, mà còn biết cả trình độ văn hoá (có bao nhiêu người mù chữ cần được xoá mù, bao nhiêu người học cấp I, II, III, đại học), tình trạng nghề nghiệp và mức độ thu nhập đủ sống hay không để có thể xoá đói, giaœm nghèo. Đây là một hành động cụ thể và thiết thực của Giáo Hội Việt Nam, và đặc biệt của các vị Mục Tử, khi ân cần săn sóc các con chiên của mình cả về đạo đức tinh thần lẫn thể chất như Đức Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành "biết rõ các con chiên của mình" (Ga 10,14), ‘làm cho họ được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10).

Ngoài lãnh vực giáo dục, chúng ta cũng nên để ý đến môi trường văn hoá cho giới trẻ nông thôn. Sách báo thiếu nhi với các truyện tranh in 4 màu rất đẹp được các thư viện của xã, huyện cho mượn đọc một cách dễ dàng, nhưng hãy còn quá ít. Chủ yếu các em giải trí qua các chương trình truyền hình với nhiều kênh khác nhau. Số máy thu hình ở nông thôn vào năm 1994 là 2.541.373 chiếc, nghĩa là cứ 100 hộ gia đình thì có 21,2 máy thu hình. Dù còn ít, nhưng ở nông thôn người ta thường xem chung với nhau. Số giờ phát hình từ sáng sớm cho đến 23g30 nên nhiều em đã bỏ bê việc học để xem các chương trình.

Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1997, tỷ lệ hộ gia đình có tivi ở thành thị là 91,8% và ở nông thôn là 80,9%. Có đầu máy Video ở thành thị là 71% và ở nông thôn là 35,5% (Niên Giám Thống Kê Tp.HCM 1997, tr. 46). Chúng ta ghi nhận, người dân nông thôn càng ngày càng tốn nhiều giờ hơn để xem các băng hình Video mà có tới 90% các băng hình này giới thiệu những cảnh sống xa hoa Âu Mỹ tạo nên những ảo tưởng trong tâm hồn người trẻ, hơn nữa còn rất nhiều cảnh đồi trụy, bạo lực, ma quái làm băng hoại tâm hồn trong sáng của các thanh thiếu niên nông thôn.

Trung bình mỗi ngày các em tốn khoảng 2 giờ xem tivi hay video. Nhiều khi xem muộn quá, nên không đi dự lễ ban sáng được. Ngày trước, ở nông thôn, trong các xứ đạo Công giáo, số trẻ em đi lễ ngày thường rất nhiều, có khi lên tới 90% từ 6 tuổi trở lên. Ngày nay, nhiều xứ đạo chỉ còn không tới một nửa số em đi dự lễ hằng ngày và càng ngày càng ít. Ở thành phố, hầu như các em không còn thói quen dự lễ hằng ngày vào sáng sớm nữa.

Nhiệm vụ mục tử đòi các người có trách nhiệm như linh mục, tu sĩ, huynh trưởng cần để ý đến các phương tiện giải trí của các em. Mỗi xứ đạo nên lập ra các phòng đọc sách hay tủ sách thiếu nhi để các em có thể mượn các sách đạo đức, sách có giá trị giáo dục về nhà xem hay đọc tại chỗ. Khi có tủ sách các em sẽ quy tụ lại để đọc và ta sẽ dễ dàng hướng dẫn đạo đức cho các em hơn. Đức Thánh Cha, các Thượng Hội Đồng Giám Mục đã không ngừng kêu gọi sự lưu tâm hơn nữa về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng đối với thiếu nhi, nhưng nhiều linh mục tu sĩ ở Việt Nam chưa đáp ứng đúng mức. Chúng tôi xin đan cưœ một thí dụ cụ thể :

Trong mấy năm qua, chúng tôi đã in các truyện tranh cho thiếu nhi như cuốn Mẹ Maria, thánh Clara, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêu, thánh Phaolô thành Tarxô với giá rất rẻ (5.000 - 8.000đ/cuốn) để phổ biến. Chúng tôi in mỗi lần 10.000 cuốn. Nếu mỗi xứ đạo của giáo phận Tp. Hồ Chí Minh hay Xuân Lộc chỉ cần mua 20 cuốn thôi thì cũng đủ xoay đồng vốn để in thêm các cuốn khác. Nhưng vì không được quan tâm nên sau khi in cuốn Thánh Phaolô thành Tarxô, hiện nay còn đọng lại mấy ngàn cuốn, chúng tôi đành phải bỏ dở chương trình sách cho thiếu nhi vì thiếu vốn.

Thế nhưng muốn có nhiều sách báo Công giáo hay, chúng ta cần có nhiều người học ngữ văn để sáng tác, học hội hoạ để vẽ được các truyện tranh. .. Muốn thế ta lại phải đầu tư cho các tu sĩ và các sinh viên Công giáo có năng khiếu theo học các đại học để họ có thể phát huy khả năng của mình. Chúng tôi kêu gọi những tổ chúc trong nước cũng như ngoài nước giúp đỡ cho chương trình đào tạo nhân sự của Giáo Hội Việt Nam bằng cách cấp các học bổng cho các tu sĩ, sinh viên vì hiện nay rất nhiều dòng tu và các thanh niên không có đủ điều kiện để học đến nơi đến chốn.

Mỗi năm, một tu sĩ theo học đại học tốn kém khoảng 5 triệu đồng (tương đương khoảng 400 USD) : tính trung bình cho 1,5 triệu học phí, 3 triệu tiền ăn và 0,5 triệu tiền giáo trình. Khi các trường học Công giáo được giao cho Nhà Nước quản lý vào năm 1975, và ruộng đất không còn, thì các dòng tu rất khó khăn trong việc thu nhập để đào tạo nhân sự lâu dài nếu không có sự giúp đỡ của các tổ chức ngoài nhà dòng.

Thêm vào đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hoặc các tổ chức Công giáo cũng có thể mở các cuộc thi sáng tác, hoặc dịch thuật về văn chương Công giáo để có nhiều tác phẩm đóng góp cho nền văn học nước nhà như cha ông chúng ta đã từng làm trong các thế kỷ trước đây với văn chương Hán Nôm và sau này với chữ quốc ngữ.

Nhân dịp thành phố Sài Gòn - Biên Hoà kỷ niệm 300 năm, nhìn lại sự đóng góp của người Công giáo Việt Nam về phương diện văn hoá và xã hội, chúng ta được quyền tự hào, nhưng đồng thời cũng thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình đối với tương lai dân tộc. Sau khi chữ quốc ngữ được hình thành vào khoảng năm 1620-1650 với cuốn tự điển Việt-Bồ-La của linh mục Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 ở Rôma, người Công giáo bắt đầu phổ biến chữ quốc ngữ trong cộng đoàn mình sống. Thứ chữ này được xã hội Việt Nam đón nhận nhờ đời sống tốt đẹp của người Công giáo thời đó, nhưng đồng thời lại chịu sự khinh bỉ và thù ghét của giới quan lại triều đình sùng Nho học và trọng Khổng giáo. Những người này tìm mọi cách để xuyên tạc Kitô giáo. Các sắc chỉ cấm đạo thời vua Lê chúa Trịnh cũng bắt nguồn từ sự đố kÿ về văn hoá và văn minh Kitô giáo này. Những người Kitô hữu bị bách hại đã theo đám lưu dân càng ngày càng đi sâu vào miền Nam mở đường, dựng nước. Ta có thể nói rằng ngoài những lý do chính trị và quân sự, nền văn minh Kitô giáo với chữ quốc ngữ đã đánh bại nền văn minh thiên về tính giao với những "Linga" của các dân tộc Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp trong suốt dải đất từ Đà Nẵng tới Mũi Cà Mau. Hầu như, người dân Việt dễ dàng đón nhận và học thứ chữ mới của người Công giáo trong khi ta đừng quên rằng cho đến đầu thế kỷ 20, triều đình vẫn dùng chữ Hán (chữ Nho) là chữ chính thức trong các văn bản hành chính.

Người Công giáo ở miền Nam thời xưa đã sống hào hùng hết sức chan hoà với đồng bào nên mới được tôn trọng như thế. Nhưng cũng vì vậy mà một số nho sĩ thân chính quyền ghen tức và kết tội người Công giáo " cõng rắn cắn gà nhà" khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam.

Chúng ta cũng nhớ lại rằng : năm 1859, người Pháp bắn quả đạn đầu tiên vào Hội An-Đà Nẵng và năm 1862, họ chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường). Thế mà tháng 4 năm 1865, tờ báo in bằng chữ Việt đầu tiên, có tên là Gia Định Báo, đã ra mắt ở miền Nam. Làm sao chỉ có mấy năm thôi, đồng bào miền Nam biết tiếng Việt và đọc báo bằng chữ Việt nếu không phải hàng trăm năm trước đó, họ đã biết, đã học tiếng Việt trước khi thực dân Pháp xâm lăng nước ta ? Rất nhiều nhà sử học hình như bỏ quên điều này để bào chữa cho những luận điệu vu khống đối với người Công giáo. Ngay cả nạn Văn Thân vào những năm 1883-1885 với khẩu hiệu "Bình Tây sát Tả" cũng phản ánh phần nào sự đố kỵ tột điểm của các sĩ phu Nho học đối với người Công giáo khi họ nhận ra vị thế của mình qua lời thơ trào phúng của Trần Tế Xương (1870-1907) :

"Cái học nhà Nho đã hỏng rồi,

Mười người đi học chín người thôi"

Tuy nhiên, nhiều linh mục tu sĩ hiện nay quên đi ý nghĩa tích cực trong mầu nhiệm nhập thể cứu độ của Đức Giêsu Kitô, không hiểu tinh thần dấn thân của Công Đồng Vatican II, không muốn biết đến chuyện văn chương chữ nghĩa, đến việc giáo dục con người, mà họ cho là trần tục vì nghĩ rằng "thế gian xác thịt" là kẻ thù của linh hồn. Do đó, một số văn bản kinh sách hiện nay của người Công giáo vì không tiến kịp với xã hội đã trở thành kiểu "văn chương nhà đạo". Điều này đòi người Công giáo Việt Nam chúng ta cần nhìn lại thái độ của mình đối với con người và đất nước trong nhiều lãnh vực, nhất là về văn hoá và giáo dục, để khỏi phụ lòng tổ tiên anh dũng và cao quý của mình.

Hiện nay, một số linh mục, tu sĩ đang tích cực học hỏi, tìm về cội nguồn của tổ tiên để phát huy gia sản của cha ông qua việc nghiên cứu văn chương chữ Nôm, chữ Hán. Nhiều vị đã tích cực nâng cao trình độ văn hoá của người dân, bất kể lương giáo, bằng việc cấp học bổng cho các em học sinh hiếu học, ngoan ngoãn. Nhiều nơi còn tổ chức các lưu xá, nhà trọ cho sinh viên, học sinh lên học ở thị xã, thành phố. Tổ chức xe lam hay thuyền chở học sinh đi về thay vì phải đi bộ hay đạp xe hàng chục cây số để dành sức học hành. Những cố gắng đó thật đáng quý, rất đáng được các cá nhân hay đoàn thể trợ giúp trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

5. "NHỮNG TRẺ EM BỊ BỎ RƠI"

Chúng tôi xin được xếp vào hạng mục "bị bỏ rơi" này tất cả những trẻ em chưa được Giáo Hội và xã hội lưu tâm đến. Có thể nói rằng các em này như những đứa con đau ốm, yếu đuối trong gia đình cần được quan tâm hơn cả, thì người ta lại chỉ quan tâm chăm sóc đến những đứa trẻ lành mạnh. Cứ xem mục vụ và bí tích cho các em thiếu nhi trong các xứ đạo thì cũng dễ nhận ra điều đó.

Có lẽ chúng ta không thể nào ngờ được số trẻ em bị bỏ rơi lại lớn đến thế : Theo số liệu của Uỷ Ban Bảo Vệ Chăm Sóc Trẻ Em Việt Nam, cả nước có 1,5 triệu trẻ em bị khuyết tật : gồm trẻ bị khiếm thị, khiếm thính, bại liệt và đa tật. (x. Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 7689 ngày 4-12-1989, tr.1). Chúng ta cũng phải kể ra đây số thanh thiếu niên nghiện ma tuý dưới 30 tuổi, chiếm tới 70% trong số 132.000 người trong cả nước, và trẻ em học sinh sinh viên có tới hơn 3.000 người ở 56 tỉnh, thành (x. Báo Tuổi Trẻ số 2859, ngày 24-9-1998). Ngoài ra, UNAIDS (Chương Trình Phối Hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS) đã công bố số liệu người nhiễm HIV ở Việt Nam tính đến cuối năm 1997 là 88.000 người trong lứa tuổi từ 15-49 tuổi, không kể 1.100 người nhiễm HIV là trẻ em (x. Báo Tuổi Trẻ số 2889, ngày 3-12-1998, tr.4).

Đó là chúng ta chưa kể đến một số lượng rất lớn những thanh thiếu niên bỏ quê ra tỉnh để mong kiếm được việc làm, nhưng rồi bị dẫn vào con đường nghèo khổ và tội ác. Nam thì gia nhập vào đội quân đánh giày, bán vé số, lượm rác hằng đêm, không kể móc túi và ăn cắp vặt. Nữ thì nhập vào đội quân bán vé số, trà đá, chanh ớt, rau củ ở các chợ "chạy" trên đường phố. Nhiều em nữ mới chỉ 14-15 tuổi đã trở thành các cô gái mãi dâm vì không còn nguồn vốn nào khác hơn chính thể xác của mình.

Tôi đã gặp nữ tu Nguyễn Thị Hào, dòng Đức Bà Truyền Giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi chủ nhật chị tiếp 5, 7 chục em gái "lỡ bước" đến nhà để học nghề, học văn hoá. Còn các tối ngày thường, chị lại đến gặp các em nơi công viên, góc đường và nói chuyện, dạy dỗ các em trong khi các em đang đợi khách. Có lẽ chị Hào là một trong những khuôn mặt hiếm hoi của Giáo Hội Việt Nam dám lao vào môi trường này để hoạt động trong khi nhiều dòng tu còn chưa nghĩ đến.

Với số trẻ em bị bỏ rơi lớn lao như thế, từng giáo phận hay các giáo hạt, giáo miền hoặc các dòng tu ở Việt Nam có thể gửi người đi học chuyên môn để trợ giúp các em ấy về tinh thần. Còn vật chất thì Giáo Hội Việt Nam đang rất cần những tổ chức nhân đạo trợ giúp để lập ra các tổ ấm cho bầy chim non lạc đàn này hưởng được hơi ấm của tình người.

KẾT LUẬN

Qua bài này, chúng tôi chỉ giới thiệu đôi nét về giới trẻ nông thôn Việt Nam hiện nay, để mời gọi cộng đoàn suy nghĩ và tìm ra những hoạt động có thể cứu giúp các em. Trên con đường bước theo Đức Giêsu, chúng ta thấy Người Thầy của chúng ta đã yêu quý các trẻ em và chúc lành cho chúng như thế nào (x. Mc 10,13-16). Ước mong sao tình yêu và phép lành của Người thể hiện cho các em được nhân rộng và trở thành hiện thực nhờ sự cố gắng tích cực của từng người chúng ta.