Tính cho đến chiều thứ Ba 14 tháng Tư, các trường hợp tử vong vì coronavirus đã lên đến 119,732 người trong số 1,926,305 trường hợp nhiễm bệnh.

Con số tử vong lớn như thế quả là kinh hoàng. Nhưng bên cạnh đó, còn có một âu lo khác là chiến tranh với Trung Quốc ngày càng trở thành một viễn tượng rõ nét dần.

Tờ Washington Post, ngày 14 tháng Tư, có bài nhan đề “It’s not just Trump who’s angry at China”, nghĩa là “Không chỉ có tổng thống Trump nổi nóng với Trung Quốc”. Bài báo này cho thấy ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đặt vấn đề trách nhiệm của Trung Quốc đối với những tác hại kinh hoàng liên quan đến coronavirus.

Trump tức giận với Trung Quốc về coronavirus. Jair Bolsonaro của Brazil cũng vậy, Matteo Salvini của Ý và những người khác cũng nóng mặt với Bắc Kinh.

Các quan chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông do bọn cầm quyền kiểm soát đã phát động một cuộc phản công, quyết liệt chống lại các chỉ trích của nước ngoài trong khi gia tăng việc phổ biến những thuyết âm mưu cho rằng nguồn gốc của coronavirus là do Mỹ gây ra. Đồng thời, bọn cầm quyền Trung Quốc coi đại dịch là một phương tiện để thực thi sức mạnh non trẻ của họ, quảng bá kinh nghiệm trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus như một mô hình cho những người khác và tự coi mình là một diễn viên toàn cầu hiền lành đang mong muốn giải cứu phần còn lại của thế giới.

Phản ứng tại Đức

Nhưng không chỉ người Mỹ nghi ngờ đường lối của Bắc Kinh. “Rõ ràng đây là câu chuyện của người Tầu đã được tính toán chi ly,” bộ trưởng ngoại giao Đức Heiko Maas nói trong một cuộc phỏng vấn với Der Spiegel tuần trước. “Tôi cảnh báo chớ có ai rơi vào cái bẫy đó”. Ông Heiko Maas muốn cảnh báo các chính trị gia ở Tây Âu có khuynh hướng bài Mỹ, là một phản ứng có thể hiểu được trước sức mạnh kinh tế lấn át của Mỹ tại Tây Âu.

Phản ứng tại Ấn

Trên khắp thế giới, nhiều chính phủ và chính trị gia khác nhau, đã trực tiếp thách thức Trung Quốc hoặc ít nhất là cảnh giác hơn với chế độ cộng sản Bắc Kinh.

Ở một số nơi, các chính trị gia theo chủ nghĩa quốc gia cũng đang lặp lại sự tức giận của người Mỹ đối với Trung Quốc. Một số quan chức trong đảng cầm quyền BJP của Ấn Độ - và quân đoàn những người ủng hộ họ trực tuyến - đã không chút dè dặt khi tung ra những lời lẽ kỳ thị đối với Trung Quốc. Những từ ngữ như coronavirus hay COVID-19 hiếm khi thấy xuất hiện trên các diễn đàn tại Ấn, và ngay cả trên các phương tiện truyền thông chính mạch. Từ thông dụng hơn là “virus Trung Quốc” và “virus Vũ Hán”. Đó cũng là các từ ngữ phổ biến trên các phương tiện truyền thông cánh hữu tại Mỹ.

Phản ứng tại Ý

Tại Rôma có nhiều phe phái chủ trương việc làm ăn buôn bán với Tầu. Nguyên phó Thủ tướng Matteo Salvini thì mạnh mẽ chống lại điều này. Nhà lãnh đạo cánh hữu của Ý, đã chế giễu những lời đề nghị hỗ trợ của Trung Quốc và thẳng thắn cáo buộc bọn cầm quyền Trung Quốc chế tạo coronavirus trong phòng thí nghiệm của họ rồi gieo rắc ra khắp thế giới. Ông Matteo Salvini thừa nhận chưa có chứng cớ trong tay về cáo buộc này, nhưng phát biểu trong một cuộc tranh luận hồi tháng Ba, Salvini nói rằng “Ngay cả trong trường hợp chính phủ Trung Quốc biết về virus mà không nói công khai ra, thì nó đã phạm tội ác chống lại nhân loại rồi.”

Phản ứng tại Brazil

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, là một nhà lãnh đạo khác đang phải bối rối trước những hậu quả của coronavirus trên đất nước mình, nói trên đài truyền hình quốc gia rằng “Thủ phạm của đại dịch coronavirus toàn cầu này có tên họ đầy đủ là Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Các đồng minh của ông, như Eduardo Bolsonaro, retweet tuyên bố này và tweet thêm “Đây là tội lỗi của Trung Quốc.”

Tuần trước, bộ trưởng giáo dục của Brazil, ông Abraham Weintraub, cảnh báo người dân quốc gia này là Bắc Kinh đang thao túng cuộc khủng hoảng. “Về mặt địa chính trị, ai sẽ trở nên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng toàn cầu này?” Chữ ‘r’ trong từ Brazil, được ông bộ trưởng giáo dục cố ý viết sai thành ‘l’ là Blazil, là cách ông châm biếm cách phát âm ngọng nghịu của người Tầu, phát âm chữ ‘r’ thành ‘l’. Ông cảnh cáo các thành phần đối lập với tổng thống. “Đừng ai ở quốc gia Brazil này mơ hồ trước cái âm mưu quá rõ của người Tầu nhằm thống trị thế giới.”

Các quan chức Trung Quốc lập tức phản đối, bày tỏ sự thất vọng trước điều mà họ gọi là sự phân biệt chủng tộc một cách cố ý của ông Weintraub. Nhưng ngay đúng vào thời điểm Trung Quốc cáo buộc ông Weintraub phân biệt chủng tộc, các chính phủ ở Phi châu đã cáo buộc làn sóng bài ngoại của Bắc Kinh. Truyền thông xã hội đã xôn xao vào cuối tuần qua với cảnh quay những người Phi châu sống ở các thành phố lớn của Trung Quốc - đặc biệt là ở Quảng Châu, một đô thị phía nam nơi có cộng đồng Phi châu lớn nhất châu Á – đã bị bọn cầm quyền địa phương ở Quảng Châu vô cớ trục xuất họ khỏi những nơi cư trú khiến họ phải ngủ đầu đường xó chợ.

Làn sóng bài ngoại gia tăng rõ rệt ở Trung Quốc cũng dẫn đến các báo cáo về tình trạng bài người nước ngoài, đặc biệt là người Phi châu. Họ bị các quán bar và nhà hàng đuổi ra hoặc bị cách ly trong các căn hộ của mình, ngay cả khi họ không đi du lịch bất cứ nơi nào khác trên đất Trung Quốc.

Anna Fifield của Reuters viết “Hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra những lời phản kháng từ các chính phủ Phi châu - một sự bối rối cho Bắc Kinh khi họ đang tìm cách ve vãn các quốc gia Phi châu với những lời hứa cho vay và đầu tư – trong mấy tuần qua bộ ngoại giao Mỹ đã cảnh báo người Mỹ gốc Phi tránh đừng đến khu vực Quảng Châu.”

Phản ứng tại Úc Đại Lợi

Tại Úc Đại Lợi, trong chương trình Sky News, phân tích gia Rowan Dean cáo buộc Trung Quốc “gây ra dịch bệnh coronavirus trên khắp thế giới”. Đó là một màn trình diễn ngoạn mục về sự tồi tệ đáng kinh hoàng của chủ nghĩa cộng sản. “Chúng ta phải hoàn toàn rõ ràng rằng đây là hậu quả tất yếu của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa toàn trị,” ông Rowan nói với Peta Credlin, là người dẫn chương trình Sky News.

Tóm tắt lại lịch sử của dịch bệnh, ông Rowan nói:

“Trước hết, họ đã cố gắng trấn áp những cá nhân phát ra những tiếng chuông báo động rồi mới cố gắng dập tắt nó, sau đó họ hoảng hốt quy kết trách nhiệm cho Hoa Kỳ. Đó là điều đáng nực cười. Trung Quốc phải có trách nhiệm giải trình về điều này. Theo tôi, các nước trên thế giới cần bắt đầu xem xét lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc trong bối cảnh thảm họa này.”

Lợi dụng coronavirus, Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam

Trong khi đó, thông tấn xã Reuters cảnh báo rằng lợi dụng tình trạng quốc tế bị “đánh lạc hướng” bởi dịch bệnh, các tàu Trung Quốc đã trở lại vùng biển ngoài khơi Việt Nam.

Một tàu Trung Quốc dính líu vào cuộc tranh chấp với các tàu Việt Nam năm ngoái đã quay trở lại hoạt động ở vùng biển Việt Nam trong khi Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đang đẩy mạnh sự hiện diện của họ ở Biển Đông trong khi các nước khác đang bối rối trước dịch bệnh coronavirus.

Các tàu Việt Nam năm ngoái đã phải bỏ ra nhiều tháng để theo dõi tàu khảo sát Hải Dương Địa Chí (Haiyang Dizhi - 海阳地志) 8 của Trung Quốc tại vùng biển giàu tài nguyên này. Vùng này đang là một điểm nóng toàn cầu khi Hoa Kỳ thách thức các yêu sách lãnh hải của Trung Quốc.

Hôm thứ Ba 14 tháng Tư, các tàu này, được sử dụng để khảo sát địa chấn ngoài khơi, đã xuất hiện một lần nữa 158 km ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Con tàu được ít nhất một tàu tuần duyên của Trung Quốc hộ tống, theo ghi nhận của Marine Traffic, một trang web chuyên theo dõi tình trạng vận chuyển trên biển.

Cũng theo Marine Traffic, ít nhất ba tàu Việt Nam đã di chuyển theo tàu Trung Quốc để theo dõi.

Sự hiện diện của tàu khảo sát Hải Dương Địa Chí 8 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam diễn ra khi Việt Nam đang trong thời gian cô lập toàn quốc trong 15 ngày nhằm mục đích kiềm chế sự lây lan của coronavirus.

Biến cố này diễn ra ngay sau vụ chìm tàu đánh cá Việt Nam gần các đảo trong vùng biển tranh chấp trong tháng này, một hành động đã khiến Việt Nam và cáo buộc rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và đe dọa cuộc sống của ngư dân.

Hoa Kỳ, tháng trước đã gửi một hàng không mẫu hạm đến thành phố cảng Đà Nẵng, miền trung Việt Nam, và cho biết họ đang “lo ngại nghiêm trọng” trước cáo báo cáo Trung Quốc đánh chìm thuyền bè của ngư dân Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói:

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại đại dịch toàn cầu, và ngưng ngay việc lợi dụng sự phân tâm hoặc dễ bị tổn thương của các quốc gia khác nhằm mở rộng các yêu sách trái công pháp quốc tế ở Biển Đông”


Source:WashingtonPost

Source:Reuters