Từ trước khi nộp đơn vào Chủng viện, tôi xác tín, trở thành linh mục triều, đời mình gắn liền với giáo dân, gắn liền nỗi vui buồn trong mỗi tâm sự anh chị em bày tỏ, gắn liền mọi cử hành phụng tự vì lợi ích thiêng liêng của giáo dân.

Vậy mà đã là Chúa Nhật thứ Hai trong hai Chúa Nhật liên tiếp (thứ V Mùa Chay và Lễ Lá) lần đầu tiên trong đời, tôi dâng thánh lễ, dù giáo xứ có hơn hai ngàn giáo dân, lại không một bóng người.

Một mình bước ra cung thánh, dẫu biết, khi dâng thánh lễ, là cả cộng đoàn Hội Thánh hữu hình và vô hình cùng lúc tham dự vào hy tế của Chúa. Tuy nhiên, dưới con mắt nhân trần, vì thiếu những khuôn mặt của nhiều giáo dân quanh mình, tôi vẫn thấy một mình đơn lẻ nơi bàn thờ.

Chưa bao giờ Tuần Thánh lại diễn ra trong nỗi đìu hiu như những gì đã chứng kiến và sẽ còn chứng kiến. Nỗi nghẹn ngào làm cổ họng nhiều lần như thắt lại, như có ai bóp chặt...

Ngày đầu của Tuần Thánh mà không một tiếng của bất cứ loại xe cộ nào chạy vào bãi, không một tiếng hát, không một lời cầu kinh của hàng lớp giáo dân, không một tiếng chân trẻ con chạy phía ngoài hiên nhà thờ...

Thói quen, trước giờ lễ, tôi đi một vòng nhà thờ. Kia là các thanh niên hút thuốc, tán gẫu... Chỉ giải tán khi thấy bóng cha xứ. Dù vậy, có kẻ nấng ná rít ngụm khói cuối cùng như tiếc nuối trước khi quăng mẫu thuốc lá dở...

Kia là các bà mẹ trẻ đang nựng con, hay bóc một gói bánh, hay mở nắp một hộp sữa cho con mình...

Tôi quá quen tiếng chuông điện thoại và sau đó là bóng một người hấp tấp rời khỏi nhà thờ, một lúc sau lại len lén bước vào chỗ của mình...

Hoặc hình ảnh thân thương vô cùng của mấy cụ bà đang sốt sắng cầu nguyện trước tượng đài Đức Mẹ... Thương bóng dáng thấp thoáng của các huynh trưởng, giáo lý viên, vì săn sóc các thiếu nhi, đôi lúc chạy ra, chạy vào. Hơn tháng rồi, lớp giao lý đã dừng.

Chỗ này là chiếc xe lăn, người đàn ông bị tai biến, được vợ con đẩy lên bậc thềm nhà thờ. Dẫu bệnh, vẫn không muốn xa rời thánh lễ Chúa Nhật...

Tôi nhớ như in khuôn mặt những anh chị em phục vụ trong từng thánh lễ. Họ hiện diện với tôi qua quá nhiều thánh lễ mà tôi không thể nhớ hết số lần. Làm việc bên cạnh tôi, họ đỡ đần tôi không biết bao nhiêu công việc lớn nhỏ...

Tôi thèm nhìn lại những khuôn mặt thân thương của giáo dân mình, nhất là những người ngồi ở những hàng ghế đầu. Đó là những hàng ghế ít ai tranh ngồi, nên chỗ họ ngồi hầu như trở thành cố định, trở thành "độc quyền".

Ở xa xa, sau những hàng ghế ấy, có người đã có giọng "lạc tông", đọc kinh "không giống ai", lại còn đọc to, từng làm cộng đoàn không ít khó chịu.

Tôi thuộc làu từng giọng solo của các ca viên trong ca đoàn, đến nỗi chỉ cần tiếng hát cất lên, tôi có thể gọi tên của từng bạn trẻ ca viên trong xứ tôi.

Tôi thèm tiếng chào của các thiếu nhi khi bước vào nhà thờ, hay gặp chúng trên sân. Tiếng chào cứ nhao nhao, đến nỗi nghe không kịp, đáp không xuể...

Đội giúp lễ của tôi có đến vài chục em. Là con trai, nhưng chúng nhiều chuyện vô cùng. Nhiều lần tôi phải la rầy vì dù trong phòng thánh, chúng vẫn "vô tư" "to mồm". Sao giờ mọi thứ xa vắng, tôi nhớ chúng đến vậy...

Đặc biệt, nhiều em trung thành trong bổn phận đến nỗi không bỏ sót thánh lễ nào, dù sáng sớm, dù trời mưa, trời lạnh... Ước trở lại ngày không xa, khi tôi bước vào cung thánh, chúng hiện diện bên cạnh như đã từng có xưa nay.

Bây giờ, tôi thấy nhà thờ như rộng gấp nhiều lần, những dãy ghế như dài thườn thượt. Gác chuông chẳng cần tỉnh giấc. Cây đàn, những chiếc micro, máy vi tính, những chiếc TV... như chẳng buồn nhớ đến sứ mạng của mình...

Giữa những nỗi nhớ lặng thầm, xem ra đơn độc, là linh mục của Chúa, tôi thấm thía ngọn roi Chúa quất trên loài người để giáo dục họ. Tôi tin Chúa “dùng khổ đau mà mở mắt” loài người. (G 36, 15).

Dịch bệnh "đồng hành" từ trước mùa Chay, tiếp tục theo trọn mùa Chay, bây giờ tiến vào tuần Thánh. Vẫn chưa biết, đến Phục sinh, điều gì sẽ diễn ra.

Vì thế, càng tiến sâu vào những mầu nhiệm trọng đại, chúng ta càng được Lời Chúa hối thúc: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van” (Ge 2, 12). Hay Chúa Giêsu luôn mời gọi: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3, 2).

Chỉ có khiêm nhường thống hối mới là thai độ đúng để đáp lại ngọn roi của tình yêu giáo dục mà Chúa dành cho nhân loại giữa lúc đớn đau này. Riêng bản thân, trong lúc chỉ thăm thẳm một mình, tôi nhận diện lại chính mình để xin ơn Chúa tha thứ cho tôi. Xin Chúa hoán cải và làm mới tâm hồn tôi.

Trong nỗi nhớ mọi người, tôi xin ơn tha thứ cho họ. Càng trống vắng trong từng thánh lễ, tôi càng nài xin để họ có nhiều ơn Chúa, nhất là ơn hoán cải.

Xin Chúa ban bình an cho từng người. Xin Chúa chở che loài người, thúc giục loài người thống hối, cho họ biết đứng lên, rũ bỏ những gì cũ kỹ của tâm hồn mà mặc lấy sức sống mới của Chúa. Xin Chúa đưa thế giới đi qua đại nạn.

Trong tinh thần sám hối, cậy trông ơn tha thứ cho mình, cho toàn thế giới, tôi cất lời Thánh vịnh (122) để van nài tình yêu thương xót của Chúa.

Nếu bạn kiên nhẫn đến cuối bài viết mộc mạc này, xin cùng tôi cầu nguyện: Xin xót thương chúng con, lạy Chúa, xin xót thương. Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Đấng ngự trên các tầng trời. Như mắt gia nhân nhìn vào tay ông chủ, như mắt nữ tỳ nhìn vào tay bà chủ, mắt chúng con cũng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa, tới khi nào được Chúa xót thương. Lạy Chúa, xin xót thương chúng con.