1. Các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh sẽ phải trải qua một năm truyền giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thư cho Viện trưởng Học viện Giáo hoàng, hay từ nay những ai muốn học ngành ngoại giao Tòa Thánh phải trải qua một năm truyền giáo tại một giáo phận truyền giáo nào đó.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa một năm kinh nghiệm truyền giáo vào chương trình giảng dạy dành cho các ứng sinh học phân khoa ngoại giao của Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã manh nha ý tưởnng này trong bài phát biểu cuối cùng của mình tại Thượng hội đồng vùng Amazon, và thời điểm này là thời điểm thực hành.

Trong lá thư gửi cho Đức Tổng Giám Mục Joseph Marino, Viện trưởng mới của Học viện Giáo hoàng - nơi đào tạo các nhân viên ngoại giao của Tòa thánh Vatican - Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu bổ sung vào chương trình giảng dạy: một năm truyền giáo trong một Giáo phận truyền giáo. Bức thư được đề ngày 11 tháng 2 năm 2020.

Đức Thánh Cha bày tỏ ý muốn các linh mục chuẩn bị bước vào ngành ngoại giao của Tòa Thánh cần trải qua ít là một năm phục vụ trong một giáo phận truyền giáo.

Đức Thánh Cha nói: Cha tin tưởng rằng kinh nghiệm sẽ giúp cho tất cả các ứng sinh trẻ chuẩn bị cho sứ vụ linh mục, và đặc biệt với các ứng sinh mà mai sau sẽ làm việc với vai trò Đại diện Giáo hoàng trong chức vụ sứ thần của Tòa thánh tại các quốc gia và các Giáo phận.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một điểm trong bài diễn văn mà ngài đã thuyết trình cho Học viện Giáo hoàng vào tháng 6 năm 2015: Sứ vụ Tôn giáo mà chúng con được mời gọi phục vụ, dẫn đưa chúng con đến mọi nơi trên thế giới. Châu Âu đang cần một sự thức tỉnh; Châu Phi đang khao khát một sự hòa giải; Châu Mỹ Latinh đang mong chờ một đời sống thiên liêng; Bắc Mỹ đang khát vọng tái khám phá lại nguồn gốc của một bản sắc không bị loại trừ; Châu Á và Châu Đại Dương đang đối diện với những thách đố ra đi và đối thoại với các nền văn hóa cổ xưa...

Trong bức thư của mình, Đức Thánh Cha nói thêm để tiếp nhận một cách tích cực những thách thức ngày càng gia tăng này đối với Giáo hội và thế giới, các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh cần phải có - ngoài một mẫu linh mục và mục vụ vững chắc được trau dồi từ Học viện - một kinh nghiệm cá nhân về truyền giáo tại một giáo phận sẽ góp một phần quan trọng trong hành trình của họ tại các Giáo hội truyền giáo và cộng đồng họ được gửi tới, tham gia vào các hoạt động truyền giáo hàng ngày.

Theo hướng này, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Marino thực hiện ước muốn của Đức Thánh Cha hầu làm cho chương trình đào tạo của Học viện phong phú thêm với một năm truyền giáo trong các Giáo phận truyền giáo... Trải nghiệm mới này sẽ có hiệu lực bắt đầu cho các sinh viên bắt đầu năm học 2020/2021.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: Cha tin chắc rằng một khi những âu lo lúc khởi đầu này được khắc phục sẽ đem lại cho các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh những kinh nghiệm truyền giáo hữu ích giúp cho họ làm việc dễ dàng hơn tại các Giáo hội mà họ được sai đến phục vụ.

2. Bang giao Vatican-Trung Hoa: Sau hơn 50 năm, lần đầu tiên hai ngoại trưởng gặp nhau.

Trong một diễn biến mà Reuters mô tả là ‘cực kỳ hiếm có’ và ‘không thể tưởng tượng được trong quá khứ,’ vào ngày 14 tháng 2, ngoại trưởng cuả Vatican Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher và ủy viên Hội đồng Nhà nước và ngoại trưởng cuả Trung Hoa là Vưong Nghị (Wang Yi) đã gặp nhau bên lề hội nghị An ninh quốc tế tại Munich, nước Đức.

Đây là một cuộc gặp gỡ cao cấp nhất giữa hai bên hơn một nửa thế kỷ. Những gì được bàn thảo hoặc thoả thuận thì chưa được tiết lộ, nhưng qua thông cáo do Văn phòng Báo chí Tòa thánh đưa ra vào tối thứ Sáu (14/2), thì đôi bên sẵn sàng tiếp tục cuộc đối thoại về thỏa thuận tạm thời cho việc bổ nhiệm Giám mục, được ký ngày 22 tháng 9 năm ngoái, và tiếp tục đối thoại về thể chế song phương để thúc đẩy cuộc sống của Giáo Hội Công Giáo và lợi ích của người dân Trung Quốc.

Thông cáo đánh giá cao những nỗ lực cuả Trung Hoa nhằm loại bỏ dịch coronavirus và những nỗ lực cuả Vatican để thể hiện tình liên đới với người dân bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, hai bên bày tỏ một mong muốn hợp tác quốc tế lớn hơn để thúc đẩy nền hòa bình trên thế giới và trao đổi văn hóa và những quan niệm nhân quyền.

Nhắc lại, quan hệ giữa Vatican và Bắc Kinh đã được cải thiện kể từ thỏa thuận năm 2018. Tuy nhiên nhiều người Công Giáo bảo thủ đã phản đối thỏa thuận này, cáo buộc Vatican là bán đứng giáo hội thầm lặng cho chính quyền cộng sản. Nhưng Vatican thì lập luận rằng nếu không có thỏa thuận thì nguy cơ ly giáo là rất lớn.

Lý do là trên 50 năm qua, đã xảy ra một sự cách biệt giữa một Giáo hội “chính thức” được nhà nước hậu thuẫn và một Giáo hội thầm lặng “không chính thức” trung thành với Roma.

Sau thoả thuân, thì cả hai bên đều công nhận vị Giáo Hoàng là người lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công Giáo.

Cuộc họp hôm thứ Sáu là kết quả mới nhất trong một loạt các nỗ lực cải thiện quan hệ từ Vatican trong những tuần gần đây.

Tháng trước trong khi Trung Quốc đang bối rối trước nạn dịch coronavirus, thì Đức Giáo Hoàng đã ca ngợi cái gọi là “cam kết tuyệt vời” của Trung Quốc trong việc ngăn chặn sự bùng phát của coronavirus và sau đó, Vatican gửi hàng trăm ngàn khẩu trang y tế đến Trung Quốc như một cử chỉ thiện chí.

Hình như Bắc Kinh đã lợi dụng cơ hội ấy để đi một nước cờ ngoại giao nhằm phá vỡ cái thế bị hoàn toàn cô lập cuả họ hiện tại.

Cái cơ hội ‘không thể tưởng tượng được trong quá khứ’ (theo Reuters) ấy có thể trở thành một tình huynh đệ bền vững hay chỉ là một ‘hạt bong bóng nước’ như thường vẫn xẩy ra trong vấn đề quan hệ với Bắc Kinh? Điều này không tùy thuộc vào thiện chí cuả Vatican (vì lúc nào cũng sẵn sàng) nhưng tuỳ thuộc vào ý đồ cuả Trung Quốc mà thôi! Người ta sẽ biết rõ hơn qua những diễn biến kế tiếp.

Nếu quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và Trung Quốc được nối lại, thì Vatican sẽ phải cắt đứt ngoại giao hay ít ra là cắt quan hệ cấp đại sứ với Đài Loan, mà Bắc Kinh coi như là một tỉnh ly khai buớng bỉnh. Đây là điều mà Vatican cho biết đã có phương sách giải quyết.

Hiện nay Vatican là quốc gia duy nhất ở châu Âu còn công nhận chính thể cuả Đài Bắc.

3. Phiên họp thứ 33 của Hội đồng Hồng Y cố vấn.

Sáng 17 tháng 02 năm 2020, khóa họp thứ 33 của Hội đồng Hồng Y cố vấn đã được bắt đầu, với sự tham dự của Ðức Thánh Cha Phanxicô. Các Hồng Y tiếp tục nghiên cứu về Tông hiến mới.

Khóa họp thứ 33 của C6, Hội đồng 6 Hồng Y cố vấn kéo dài trong ba ngày, từ 16 đến 18 tháng 02 năm 2020. Các Hồng Y sẽ bàn thảo về dự thảo Tông hiến mới, sẽ thay thế Tông hiến “Pastor Bonus” - Mục tử tốt lành” - được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 28 tháng 06 năm 1988, và được sửa đổi bởi Ðức nguyên Giáo hoàng Biển Ðức XVI và Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Trong khóa họp thứ 32 của Hội đồng Hồng Y cố vấn diễn ra từ ngày 02 đến 04 tháng 12 năm 2019, các Hồng Y đã làm việc về Tông hiến mới. Ðặc biệt, theo thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh, các Hồng Y đặc biệt quan tâm đến các tương quan giữa giáo triều Roma và các Hội đồng giám mục và về sự hiện diện của giáo dân, những người nam nữ, trong các vai trò quyết định trong các văn phòng của giáo triều Roma và các cơ quan khác của Giáo hội, và nghiên cứu về các nền tảng thần học-mục vụ của các khía cạnh này.

Thông cáo của phòng báo chí cũng đề cập đến các gợi ý về văn bản của Tông hiến mới. Việc đọc và đánh giá các gợi ý này sẽ được tiếp tục trong khóa họp vào tháng 2 năm 2020.

4. Thượng Hội đồng giám mục thế giới lần XVI sẽ được tổ chức vào năm 2022.

Theo thông cáo của phòng Báo chí Tòa Thánh hôm 15 tháng 02 năm 2020, Thượng Hội đồng giám mục thế giới lần thứ XVI sẽ được tổ chức vào mùa thu năm 2022. Ðề tài của Thượng Hội đồng sẽ được Ðức Thánh Cha chọn từ một trong 3 đề tài được Ủy ban Thư ký Thượng Hội đồng đệ trình cho ngài.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định về thời gian diễn ra Thượng Hội đồng XVI khi ngài chủ trì phiên họp ban chiều ngày 06 tháng 02 năm 2020, trong khóa họp đầu tiên của Ủy ban Thư ký Thượng Hội đồng giám mục lần thứ XV.

Thông cáo Tòa Thánh nói rằng Ðức Giáo hoàng chọn triệu tập khóa họp lần tới vào năm 2022, cách Thượng hội đồng giám mục thế giới lần trước 4 năm thay vì 3 năm “để bảo đảm toàn thể Giáo hội tham gia nhiều hơn vào việc chuẩn bị và tổ chức Thượng Hội đồng lần tới.”

Buổi làm việc của Ủy ban Thư ký Thượng Hội đồng hôm 07 tháng 02 năm 2020 đã đề nghị với Ðức Thánh Cha các đề tài có thể được thảo luận trong Thượng Hội đồng sắp tới. Ủy ban cũng xem xét lại các vấn đề khác, ví dụ như các bước được thực hiện sau Thượng Hội đồng giám mục về người trẻ năm 2018 và các phản hồi đối với Tông huấn hậu Thượng Hồi đồng, “Christus vivit”.

Ủy ban Thư Ký Thượng Hội đồng đã đệ trình Ðức Thánh Cha “một bộ ba chủ đề có thể” cho Hội nghị năm 2022. Ban làm việc cũng lưu ý về nhu cầu cấp thiết bày tỏ tình liên đới với các anh chị em bị rơi vào thảm kịch di dân bắt buộc.

Khóa họp của Ủy ban Thư ký diễn ra trong hai ngày 06 và 7 tháng 02 năm 2020, bắt đầu với thông báo của Ðức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng giám mục, về việc Ðức Hồng Y Joseph Coutts, Tổng Giám mục Karachi, Pakistan, sẽ là thành viên mới của Hội đồng thường trực, thay thế Ðức Hồng Y Luis Antonio Tagle, đã được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc.

Trong khóa họp, Ðức Hồng Y Baldisseri đã trình bày kết quả của các cuộc tham vấn do văn phòng của ngài thực hiện vào năm 2019 về các vấn đề có thể thảo luận tại Thượng hội đồng lần tới. Các cuộc tham vấn liên quan đến các Hội đồng Giám mục, Thượng hội đồng của các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương, các Bộ của giáo triều Roma và Hiệp hội các bề trên tổng quyền.

Ðức Hồng Y Kevin Joseph Farrell, Tổng trưởng của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cũng đã trình bày các hoạt động hậu Thượng hội đồng mà Phân bộ Giới trẻ đang thực hiện để giúp thực hiện Tông hậu Thượng hội đồng.

5. Di tích khảo cổ Magdala được ủy thác cho các tình nguyện viên Ý.

Dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa đã ủy thác di tích khảo cổ Magdala, nơi sinh của thánh Maria Magdalena, cho các tình nguyện viên người Ý để tổ chức cho các khách hành hương thăm viếng nơi này.

Khu khảo cổ Magdala nằm ở bờ tây của hồ Tiberia, được mở cửa cho khách hành hương. Nhờ một thỏa thuận được ký kết cách đây 6 năm giữa dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa và giáo phận Vicenza, các tình nguyện viên của giáo phận Vicenza sẽ quản lý địa điểm này.

Trước hết, khu khảo cổ được dọn sạch và xây dựng chỗ ở cho các tình nguyện viên. Các tình nguyện viên sẽ làm việc theo nhóm 4 người, phục vụ trong một tháng với tư cách là quản thủ. Họ sẽ phụ trách sắp xếp lịch trình cho các yêu cầu cử hành phụng vụ và canh gác nơi này. Cùng điều phối chương trình này có hai linh mục của giáo phận Vicenza, đó là cha Raimondo Sinibaldi, giám đốc Văn phòng truyền giáo, và cha Gianantonio Urbani, nhà khảo cổ của Học viện Kinh thánh dòng Phanxicô ở Giêrusalem.

Những nghiên cứu khảo cổ đầu tiên tại Magdala được thực hiện vào những năm 1970 dưới sự điều phối của hai nhà khảo cổ dòng Phanxicô, cha Virgilio Corbo và cha Stanislao Loffreda. Năm 2006, dòng Phanxicô tại Thánh Ðịa, chủ sở hữu của khu đất nơi một phần còn sót lại của thành phố Magdala được tìm thấy, đã tiếp tục lại công việc khai quật. Một phần lớn của thành phố với các dinh thự, đường phố sỏi đá, các vật dụng, đồ gốm, đồ trang sức, tiền xu và các vật dụng khác được tìm thấy, phác họa bức tranh về đời sống hàng ngày của thành phố Magdala vào thời của Chúa Giêsu. Một phần khác của trung tâm thành phố cổ được tìm thấy ở khu vực liền kề, thuộc sở hữu của dòng Ðạo binh Chúa Kitô. Một nhà thờ và một trung tâm đón tiếp khách hành hương đã được xây dựng tại đây.

6. Khóa họp thường niên của các giám mục La tinh và vùng Arập.

Từ ngày 17 đến 20 tháng 2 năm 2020, các giám mục thuộc Hội đồng Giám mục La tinh các miền Arập, gọi tắt là CELRA, nhóm họp thường niên tại Roma, dưới quyền chủ tọa của Ðức Tổng giám mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông tòa Tòa Thượng phụ Công Giáo La tinh Jerusalem.

Tổ chức CELRA được thành lập cách đây 57 năm, tức là vào tháng 10 năm 1963, qui tụ các giám mục Công Giáo la tinh thuộc các nước như Iraq, Djibuti, Oman, Yemen, và các tiểu vương quốc Arập, Ai Cập, Syria. Liban, Thánh Ðịa, Giordani, đảo Cipro.

Trong số các vấn đề sẽ được bàn thảo trong khóa họp năm 2020, có tình hình chiến tranh tại Sira, Iraq, Yemen, cuộc xung đột Israel-Palestine, đặc biệt dưới ánh sáng kế hoạch hòa bình do Tổng thống Trump của Mỹ và thủ tướng Netanyahu của Israel đề ra, nhưng không được sự đồng thuận của Palestine.

Sau khóa họp tại Roma, các giám mục vùng Arâp sẽ đến thành phố cảng Bari, nam Italia, để tham dự cuộc gặp gỡ các giám mục khác, với chủ đề: “Ðịa Trung Hải, biên cương hòa bình” do Hội đồng Giám mục Italia tổ chức, từ ngày 19 đến 23/02/2020. Ðức Thánh cha sẽ đến chủ sự thánh lễ bế mạc sáng Chúa Nhật, ngày chót của cuộc gặp gỡ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Italia, Ðức Tổng giám mục Pizzaballa cho biết, trong cuộc gặp gỡ ở Bari, các giám mục thuộc các vùng Arập sẽ trình bày về tình hình đất nước và Giáo hội của các vị, không những trong viễn tượng chính trị, nhưng cả đời sống của các cộng đoàn Công Giáo liên hệ, tình trạng khó khăn và đau khổ vì chiến tranh, tại sao còn những tín hữu Công Giáo quyết định ở lại các vùng ấy, do ước muốn làm chứng và đối thoại như cộng đoàn. Ðó là ơn gọi chính yếu của Giáo hội tại các vùng Arập.

7. Thêm một linh mục Nigeria bị bắt cóc.

Tại Nigeria, bên Phi châu lại xảy ra vụ bắt cóc 1 linh mục, đó là cha Nicholas Oboh, thuộc giáo phận Uromi, thuộc bang Edo, hôm 14 tháng 02 năm 2020.

Trong cuộc họp báo sau đó, linh mục Osi Odenore, Chưởng ấn giáo phận Uromi, tuyên bố rằng “Chúng tôi chắc chắn cha Oboh còn sống và chúng tôi đã khởi sự ngay các biện pháp cần thiết để cha Oboh được trả tự do an toàn”.

Từ lâu, Nigeria bị nạn bắt cóc người đòi tiền chuộc mạng. Ðồng thời với vụ cha Oboh bị bắt cóc, cũng có 4 trẻ em bị bắt cóc tại Umelu, cùng thuộc bang Edo. Bọn cướp tấn công làng, và sau khi cướp bóc của dân, chúng tẩu thoát mang theo 4 trẻ em. Mặc dù tiền chuộc mạng đã trả sau đó, nhưng cho đến nay chỉ có 1 em được trả tự do.

Hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, truyền đi hôm 15 tháng 02 năm 2020, cho biết trong số những người bị bắt cóc ở Nigeria, cũng có các linh mục và tu sĩ nam nữ. Gần đây nhất là vụ 4 chủng sinh Ðại chủng viện Chúa Chiên Lành ở Kakau, bang Kaduna, bị nhóm người võ trang bắt cóc trong đêm 08 tháng 01 năm 2020: chủng sinh trẻ nhất Michael Nnadi, 18 tuổi bị giết, 3 thầy khác được trả tự do.

Trong lễ an táng chủng sinh Nnadi, Ðức cha Matthew Hassan Kukah, Giám mục giáo phận Sokoto sở tại, đã mạnh mẽ phê bình tổng thống Muhammad Buhari. Ông đắc cử với lời hứa hẹn tái lập an ninh cho người dân, nhưng cho đến nay đất nước Nigeria vẫn ở trong tình trạng bất an, và cả tình trạng chính trị cũng đào sâu thêm những chia rẽ về chủng tộc và tôn giáo giữa nam và bắc Nigeria.