Chúa Nhật thường niên II, Năm Phụng vụ A, tôi đi lễ ở Nhà thờ Regina Coeli tại Beverly Hills, được nghe đoạn Tin Mừng Gioan 1: 29-34, trong đó có câu Gioan Tẩy Giả công bố Chúa Giêsu là “Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần”.

Tôi vẫn thường được nghe nói Chúa Thánh Thần là Ngôi vị ít được nói đến nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đến nỗi có người còn cho rằng Người là Ngôi vị Thiên Chúa bị bỏ rơi hơn hết. Nên hôm nay, tôi tha thiết mong linh mục chủ tế nói đôi điều về Chúa Thánh Thần, để xem xem, Gioan Tẩy Giả hiểu Chúa Thánh Thần ra sao mà dám công bố Chúa Giêsu làm phép rửa trong Người.

Nhưng không, linh mục chủ tế, Cha Peter Kwak, nói về khía cạnh khác: làm mình nhỏ bé đi để người khác lớn lên, lớn hơn mình. Ngài kể câu truyện trong một cuốn phim ngài mới xem: hai vợ chồng ly dị vì họ lâm vào hoàn cảnh ngược với Gioan Tẩy giả: người chồng là một danh họa trong khi người vợ cũng là một nữ tài tử có hạng. Nàng được thiên hạ biết đến như “vợ của danh hoạ” không như “nữ tài tử có hạng” trong khi nàng muốn có “mảnh đất riêng” dù to dù nhỏ thế nào mặc lòng, miễn là của riêng!

Thành thử, về nhà, tôi đi tìm một vài nguồn xem Gioan Tẩy giả hiểu như thế nào về Chúa Thánh Thần, có phải cái hiểu của ngài cũng là cái hiểu của người Kitô hữu chúng ta hay không?

Bộ bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật quanh năm, năm A, của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng không nói gì về Chúa Thánh Thần, mà nhấn mạnh nhiều hơn tới ý nghĩa của tước hiệu “Chiên Thiên Chúa”. Tôi đành tìm đến hai chuyên gia Thánh Kinh: một Thệ Phản, một Công Giáo xem các vị hiểu thế nào về câu nói của Gioan Tẩy Giả.

Các giải thích khác nhau

Chuyên gia Công Giáo về Thánh Kinh nói ở đây là Linh mục Joseph A. Fitzmyer, Dòng Tên. Tôi không có cuốn nào của ngài bàn về Tin Mừng Gioan, nhưng có bộ 2 cuốn của ngài bàn về Tin Mừng Luca, do Anchor Book của Doubleday xuất bản (các trang 473-474).

Dị biệt duy nhất giữa Tin Mừng Gioan và Tin Mừng Luca (3:7-18) trong tình tiết đang bàn là “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” (Ga 1:33) và “rửa... bằng Chúa Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3:16). Thánh Luca thêm “và bằng lửa” giống Mt 3:11, khác Mc 1:8 và Ga trong đoạn này.



Theo Cha Fitzmyer, việc thêm này có thể căn cứ vào một truyền thống xưa hơn (nguồn “Q”). Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề tôi muốn tìm hiểu. Xin trở lại với “phép rửa trong Chúa Thánh Thần”. Cha Fitzmyer chú trọng nhiều hơn đến điểm dị biệt giữa phép rửa bằng nước của Gioan Tẩy Giả và phép rửa “trong Chúa Thánh Thần” của Chúa Giêsu.

Cha cho rằng đã có nhiều lối giải thích trong các thế kỷ qua. Câu này có thể có những ý nghĩa như sau:

1). Phép rửa của Chúa Giêsu sẽ ban ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, một việc tràn đổ Thần Khí Thiên Chúa bừng bừng và đầy ơn thánh. Cha cho rằng lối giải thích này hiển nhiên chịu ảnh hưởng của biến cố Hiện xuống trong Công vụ 2. Nó thường bị coi là lối giải thích lạc thời theo Kitô giáo, chưa thể có trên môi miệng Gioan Tẩy giả.

2). Phép rửa của Gioan sẽ ban Chúa Thánh Thần trên người ăn năn, nhưng mang lửa phán xét xuống kẻ không ăn năn. Lối giải thích này dựa vào câu 17: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt”. Cha cho rằng lối giải thích này xem ra nói đến hai loại phép rửa khác nhau, thực hiện cho hai nhóm người khác nhau, trong khi bản văn đề cập đến đối tượng duy nhất là “anh em” (hymas, Lc 3:16).

3). Phép rửa trong Chúa Thánh Thần và lửa của Chúa Giêsu là phép rửa phán xét, vì “Chúa Thánh Thần” phải được hiểu là ngọn gió cực mạnh của phán xét, được ngọn lửa giúp tiêu hủy mọi thứ bị nó cuốn đi (xem Lc 3:17). Cha Fitzmyer cho rằng lối giải thích này dù nối kết xác đáng các chức năng của Thần Khí và gió, nhưng lại có khuynh hướng hiểu phép rửa quá theo nghĩa phán xét hay thịnh nộ. Nếu phép rửa bằng nước của Gioan có mục đích mang lại “ăn năn thống hối”, thì ít nhất người ta cũng chờ mong phép rửa có Chúa Thánh Thần can dự vào phải mang đến một điều tích cực hơn mới đúng chứ!

4). Phép rửa của Chúa Giêsu có đặc tính kép: mang lại cho những người tiếp nhận nó cùng một lúc cả sự thanh tẩy lẫn sự tinh luyện (refinement). Cha cho rằng trong lối giải thích này, người ta có thể nại tới nhiều đoạn Cựu Ước trong đó cả Thần Khí Thiên Chúa lẫn lửa đều đóng một vai trò như thế Is 4:4-5; 32:15; 44:3; Edk 36:25-26; Mlk 3:2b-3. Ngoài ra, trong Thủ Bản Môn Đồ tìm thấy ở Hang 1 Qumran, người ta thấy một bản văn đặt cạnh nhau các thuật ngữ “Thần khí thánh”, “nước” và “tinh luyện” (bằng lửa) rất thích hợp với khung đồ của Gioan Tẩy giả:

“Lúc đó [mùa thăm viếng, khi sự thật của thế giới sẽ xuất hiện mãi mãi] Thiên Chúa sẽ thanh tẩy bằng sự thật của Người mọi việc làm của con người, tinh luyện [bằng lửa] cho chính Người một số trong nhân loại để loại bỏ mọi thần khí xấu xa khỏi xác thịt họ, tẩy rửa họ bằng Thần khí thánh khỏi mọi thực hành xấu xa và rẩy trên họ bằng thần khí sự thật giống như nước thanh tẩy” (1QS 4:20-21).

Ở đây, ta thấy “nước”, “Thần Khí thánh” và “tinh luyện” được gộp chung với nhau trong một hành vi Thiên Chúa thanh tẩy cộng đồng của Người. Gioan Tẩy Giả tách các yếu tố này ra, qui cho ông việc tinh luyện bằng nước và qui cho Chúa Giêsu việc tinh luyện mạnh mẽ hơn, tức tinh luyện bằng Chúa Thánh Thần và lửa.

Nhưng theo Cha Fitzmyer, cái hiểu trên rất có thể chỉ là cách hiểu của nguồn “Q”, cách hiểu mà cha gọi là của Giai Đoạn I trong truyền thống Tin Mừng. Sang đến Giai Đoạn II và nhất là Giai Đoạn III, tức giai đoạn của Thánh Luca, câu nói của Gioan Tẩy Giả có thể mang thêm nhiều sắc thái khác, chịu ảnh hưởng của Biến Cố Đổ Tràn Thần Khí Chúa Kitô xuống các môn đệ (Cv 2:33b-c) dưới hình lưỡi lửa, một biến cố thực hiện cuộc tinh luyện và thanh tẩy tròn đầy nhất.

Chuyên gia Thánh Kinh Thệ phản là Mục sư Leon Lamb Morris, viện trưởng Học viện Ridley, Melbourne, thuộc Hiệp Thông Anh Giáo. Trong cuốn “The Gospel According to John” do Nhà WM. B. Eerdmans Pubishing CO., Grand Rapids, Michigan xuất bản năm 1979, tác giả này bình luận ngắn gọn về “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” như sau:

“Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nói tới điểm này. Chúa Giêsu đến để con người được cơ hội tiếp xúc với Thần Khí Thiên Chúa. Nhưng phép rửa là hình tượng nhấn mạnh tới nguồn cung ứng dư dật. Nên Tin Mừng Gioan muốn nói rằng Thần Khí dẫn con người tới các nguồn tài nguyên thiêng liêng bất tận của Thiên Chúa. Việc này chưa thể có trước đây, vì có một phẩm tính sự sống mà chỉ có Chúa Kitô, chứ không một ai khác, có thể mang lại cho con người. Sự sống này là một ơn ban tích cực phát xuất từ Thần Khí Thiên Chúa. Phép rửa bằng nước, trong yếu tính, có một ý nghĩa tiêu cực. Nó là thứ thanh tẩy khỏi. Trong khi Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần có tính tích cực. Nó là việc ban sự sống mới trong Thiên Chúa” (tr.152-153).

Có người rằng Mục sư Morris giải thích câu nói của Gioan Tẩy giả hơi nhẩy vọt sang quan điểm Kitô giáo hơn là trong cái hiểu của chính vị tiên tri. Cách giải thích của Cha Fitzmyer có thể thích hợp hơn vì “ăn năn thống hối” vẫn có chiều kích tiêu cực của việc thanh tẩy hơn là tích cực của việc ban sự sống mới. Dĩ nhiên, nay ta hiểu Phép Rửa của Chúa Giêsu vừa tha tội vừa ban cho ra sự sống của Thiên Chúa, nhờ thế, ta trở thành con cái Người.

Gioan Tẩy giả hiểu thế nào về Chúa Thánh Thần

Gioan Tẩy Giả là vị tiên tri giữa Cựu Ước và Tân Ước. Nhưng có thể nói ngài được “huấn luyện” trong môi trường Cựu Ước. Nên điều thích đáng là tự hỏi ngài đã hấp thụ được gì từ Cựu Ước về Chúa Thánh Thần.

Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, trong cuốn “Chúa Thánh Thần Trong Kinh Thánh” do Nhà Xuất Bản Tôn Giáo xuất bản năm 2009, đã liệt kê rất nhiều câu trong Cựu ước nói về Chúa Thánh Thần: “lôi kéo vũ trụ ra khỏi tình trạng hỗn mang” (St 1:2); “ban sự sống thể lý cho con người” (G 33:4); “phục sinh kẻ chết về thể lý cũng như tinh thần” (Edk 37:14); “bảo tồn toàn thể sự sống trên trái đất” (G 34:14-15); “linh hứng các tác giả Cựu Ước” (Dcr 7:12); “Đavít, Môsê, các ngôn sứ... đều là dụng cụ của Chúa Thánh Thần” (Tv 110); “được Thiên Chúa ban cho những người được Ngài đặt lên cai trị” (Ds 11:16-17, 25-26; 27: 28-33); “sức mạnh và lòng can đảm cho một số trường hợp” (Tl 6:34); 11:29; 14:6...); “hiểu biết và sáng kiến trong khoa học và nghệ thuật” (Xh 35:30-35; 1Sbn 28:11-12); “Đấng Messia được đổ đầy Thần Khí để thi hành sứ vụ” (Is 11:2-3; 42: 1-2; Is 61:1-2); “đổ tràn Thần Khí trong những ngày của Đấng Messia” (Ge 3:1-5; Ds 11:29).

Như thế thì Thần Khí bàng bạc khắp Cựu Ước, đóng đủ mọi vai trò từ thể lý đến tinh thần, mặc dù, Đức Cha kết luận, “Theo ngôn ngữ Cựu Ước thì ‘chủ vị tính’của Thánh Thần chưa rõ nét” (tr. 13).

Chủ vị tính phải chăng đồng nghĩa với ngôi vị. Vì cuốn “Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh” do Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, ấn hành, dịch từ bộ “Vocabulaire de Théologie Biblique” do Linh Mục Xavier Léo-Dufour, Dòng Tên, chủ biên, nói rõ: “Trong Cựu Ước, Thần Thiên Chúa chưa được mạc khải như một ngôi vị” (mục Thần Thiên Chúa). Thực ra, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đọc Cựu Ước theo cái nhìn tổng thể của Kitô giáo, chứ thần khí trong Cựu Ước có một diễn trình biến hóa khá dài. Cuốn “Điển Ngữ” chúng tôi vừa nhắc cũng như cuốn “Dictionnaire de la Foi Chrétienne” của Olivier de La Brosse và một số tác giả soạn, được dịch sang tiếng Việt với tên là “Từ Điển Đức Tin Kitô Giáo” (in ở Sài gòn gần đây, không nêu tên nhà xuất bản và năm xuất bản), và cuốn The Oxford Companion To The Bible do Bruce M. Metzger và Michael D. Coogan chủ biên, nhà xuất bản Oxford University Press ấn hành năm 1993, thẩy đều nói đến diễn trình này.

Theo đó, trong ngôn ngữ Thánh kinh, không có hạn từ riêng biệt nào để chỉ thần khí; ý niệm này được phát biểu bằng cách sử dụng một cách ẩn dụ các chữ có nghĩa chiểu tự là gió và hơi thở (tiếng Do Thái là rûaḥ, tiếng Hy Lạp là pneuma). Chữ Anh spirit là theo tiếng Latinh chỉ hơi thở, spiritus.

Gió là một sức mạnh vô hình, không thể đoán và không thể kiểm soát. Nói theo cuốn “Điển ngữ”, khi thì gió phá đổ nhà cửa, cây cối, tàu bè ngoài khơi một cách dữ dội không thể chống cự (Edk 13:13; 27:26), khi thì len lỏi thì thầm (1V 19:12); khi thì làm nước biển dồn lại chừa đất khô ráo (Xh 14:21) khi thì đổ xuống mặt đất làm nẩy sinh sự sống (1V 18:45).

Hơi thở là gió thu nhỏ và từ nghĩa này, việc sử dụng từ ngữ một cách ẩn dụ có được một hướng đi chính xác và tích cực hơn, vì hơi thở cần thiết cho sự sống (St 6:17).

Cũng theo cuốn “Điển Ngữ”, bao lâu còn nơi con người, hơi thở này thực sự thuộc về con người, nó biến nhục thể bất động thành một hữu thể hoạt động, một linh hồn sống động (St 2:7). Vả lại, tất cả những gi động đến linh hồn, tất cả các cảm giá và cảm xúc của con người đều được biểu lộ qua hơi thở: sợ hãi (St 41:8), nóng giận (Tl 8:3), vui mừng (St 45:27), tất cả đều biến đổi hơi thở con người. Như thế, từ ngữ rûaḥ cũng diễn tả lương tâm con người, thần khí. Giao trả thần khí này trong tay Thiên Chúa (Tv 31:6), vừa là trút hơi thở cuối cùng vừa là giao trả cho Người kho tàng độc nhất là chính hữu thể của mình.

Chưa hết, lương tâm con người đôi khi như bị một sức mạnh bên ngoài xâm chiếm và không còn thuộc về mình nữa. Một cái gì khác ngự trị trong nó, và cái đó chỉ có thể là một thần khí mà thôi. Có thể đó là một mãnh lực độc hại như ghen tương (Ds 5:14-30, bản tiếng Việt không nói đến thần khí ghen tương, nhưng bản Latinh nói rõ: spiritus zelotypiæ), hận thù (Tl 9:23), gian dâm (Hs 4:12, bản tiếng Việt không nói gì đến thần khí, nhưng bản Latinh nói rõ: spiritus enim fornicationum decepit eos)... Cũng có thể đó là một thần khí tốt lành, thần khí công minh (Is 28:6), thần khí cầu khẩn (Dcr 12:10, bản tiếng Việt không nói gì đến thần khí, nhưng bản Latinh nói rõ spiritum gratiæ et precum).

Điều đáng lưu ý, theo cuốn “Điển Ngữ”, là “vì không thể dò thấu tận đáy sâu thẳm của Satan bao lâu công cuộc cứu chuộc chưa hoàn tất, nên Cựu Ước do dự trong việc gán những thần khí xấu cho một kẻ khác không phải là Thiên Chúa”. Nói cách khác, Cựu ớc gán chúng cho Thiên Chúa (xem Tl 9:23; 1Sm 19:9; 1V 22:23). Cuốn “Điển Ngữ” viết tiếp “nhưng dù sao khẳng định rằng các thần khí tốt lành trực tiếp đến từ Thiên Chúa và linh cảm sự hiện hữu của một thần khí thánh thiện và thánh hóa, nguồn mạch độc nhất của mọi biến đổi bên trong”. Cuốn này trích hai câu Is 11:2 “Thần khí Thiên Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa” và Edk 36:26 “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt...”.

Đối với “Điển Ngữ”, đó mới chỉ là một “linh cảm” chưa hẳn là một mặc khải dứt khoát. Như thế cũng đủ để Gioan Tẩy Giả lấy làm nền tảng để nói đến “thần khí” như một ngôi vị, ngự xuống trên Đấng Messia, và “phép rửa trong Chúa Thánh Thần” (in Spiritu Sancto). Có thể nói, được như thế vì ngài đã được ánh sáng Chúa Kitô chiếu sáng lúc còn trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, cuốn “Điển Ngữ” cho hay “Chúa Thánh Thần”(Spiritus Sanctus), “Thần Thiên Chúa” (Spiritus Dei) thực ra đã có ngay trong Cựu Ứớc, chứ không chỉ nói đến Thần Khí chung chung.



Chính Thần Thiên Chúa đã thúc đẩy các thủ lãnh như Samson, Ghiđêon, Saolê giải phóng Israel; tấn phong cho Đavít; ngự xuống và lưu lại trên Đấng Messia (Is 11:2), mở ra một kỷ nguyên hạnh phúc và thánh thiện (Is 11:9). Nhất là xuống trên các tiên tri, “ép buộc họ phải nói Lời Thiên Chúa dù họ không muốn (Am 3:8). Thần khí không còn chỉ là sự “thông minh” và “sức mạnh” nhưng là sự “hiểu biết của Thiên Chúa” và những đường lối của Người (xem Is 11:3).

Các vai trò giải phóng và ngôn sứ trên dĩ nhiên là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là vai trò thánh hóa. Vai trò này sẽ được thực hiện trọn vẹn nơi Người Tôi Tớ Giavê. Bởi vì Thiên Chúa “đã đặt Thần khí nơi Người”, nên Người sẽ loan báo sự công chính cho chư dân” (Is 42:1; xem 61: 1tt). Người Tôi Tớ “sẽ công chính hóa muôn dân bằng nỗi khổ của mình” (Is 53:11). Thánh Linh vì thế là Đấng Thánh Hóa.

Và lúc ấy, Thần Khí được tuôn đổ trên muôn dân, như cơn mưa đem sự sống cho vùng đất khô cằn (Is 32:15), như sinh khí đến làm sống động những bộ xương khô (Edk 37). Sự tuôn đổ này giống như một cuộc sáng tạo mới làm phát khởi quyền lợi và công bằng trong một xứ sở đổi mới (Is 32:16), làm phát khởi lòng nhậy cảm đón nghe tiếng Chúa trong con tim được biến đổi, khiến họ mau mắn trung thành với Lời (Is 59:21) và Giao ước của Người (Edk 36:27), làm cho việc khẩn cầu (Dcr 12:10) và ca tụng (Tv 51:17) có ý nghĩa. Được Thần khí tái sinh, Israel sẽ nhận biết Thiên Chúa của mình và Thiên Chúa sẽ gặp lại dân Người: “Ta sẽ không dấu chúng mặt Ta nữa, bởi vì Ta đã đổ tràn Thần khí Ta trên nhà Israel” (Edk 39:29).

“Điển Ngữ” vẫn coi tất cả những điều trên “mới chỉ là hy vọng. Trong Cựu Ước, Thần Khí không thể ở lại, ‘Người chưa được ban’ (Ga 7:39)”. “Điển ngữ” quả quyết rằng “ngay từ đầu, từ lúc qua Biển Đỏ... Thánh thần đã tác động nơi Môisen và đem Israel đến nơi nghỉ ngơi (Is 63: 9-14), nhưng Israel luôn “làm buồn lòng Thánh Thần” (Is 63:10) và làm tê liệt tác động của Người. Thành thử, để “ân huệ được trọn vẹn và vĩnh cửu, Thiên Chúa phải thực hiện một việc phi thường, bằng cách “đích thân can thiệp vào”, đáp lại tiếng nài van của nhân loại “Ôi ước chi Ngài xé vòm trời cao ngự xuống...” (Is 63: 19). Vòm trời quả đã được xé ra, “một Thiên Chúa là Cha, một Thiên Chúa ngự xuống trên trái đất, các tâm hồn được hoán cải, đó là công trình của Thánh Thần, và sự biểu lộ vĩnh viễn của Người nơi Đức Giêsu Kitô”.

Gioan Tẩy Giả, được linh hứng, đã phát biểu trong viễn tượng ấy. Trong phát biểu ấy, Phép Rửa của Chúa Kitô quả có nghĩa tích cực hoàn toàn: tẩy rửa và thánh hóa, tha tội và cho ta thông phần vào sự sống Thiên Chúa. Thiển nghĩ cách giải thích của Cha Joseph A. Fitzmyer có phần bất cập và giải thích của mục sư Leon Lamb Morris có phần tích cực hơn và nói lên bối cảnh hấp thụ của Gioan Tẩy Giả. Tẩy giả quả xứng đáng được gọi là “ngôn sứ của Đấng Tối Cao” như lời Bố Dacaria thân thương và hãnh diện đặt cho ngày chịu cắt bì.