Xem hình ảnh

Chiều Chuá Nhật 17/2/2019 vừa qua, hội Gia Đình Đa Minh USA ở Garland TX đã một lần nữa họp mặt rất đông tại nhà Dòng Nữ Đa Minh ở Garland TX để ăn mừng năm mới Kỷ Hợi.

Đây là điểm bắt đầu cuả chương trình gây quĩ năm thứ 6 trong việc trợ giúp cho Ơn Gọi tại Hoa Kỳ và cho các công việc từ thiện cuả Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp tại Việt Nam.

Tuy mục đích đầu là trợ giúp Ơn Gọi tại Hoa Kỳ, nhưng từ đó đến nay hầu hết số ngân khoản thu được đã gửi về Việt Nam để giúp đỡ các công việc từ thiện cuả các Sơ Đa Minh Tam Hiệp đang thực hiện tại Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên, Mái Ấm Martino, Viện Ung Bướu ở Saigon, giúp các anh chị em dân tộc ở Kon Chro và ở Miền Tây.

Năm nay các công việc từ thiện ấy lại được mở rộng thêm để trợ giúp các đồng bào Việt Nam nghèo khó sống không có ngày mai ở bên Campuchia, giúp tổ chức các Bữa Cơm Thánh Martino cho giới di dân lao động mà phần nhiều đã bỏ bê công việc đạo đức, giúp các em tập sinh cuả nhà dòng và giúp các Sơ già yếu đã về hưu.

Theo lời cuả bà hội trưởng thì những số tiền mà hội viên đóng góp 5 năm vừa qua, tuy chỉ có 5 đô la một tháng mà thôi, là rất khiêm nhường, nhưng đã mang lại nhiều thành quả đáng khích lệ không ngờ, lấy thí dụ ở vùng Cao Nguyên, nhờ vào “những gói mì, hạt gạo, bát nước, manh áo cái mền chiếc mũ mà việc truyền giáo nơi đây có được như ngày hôm nay: từ 7 gia đình giấu kín niềm tin trong làng, hôm nay 107 gia đình dám công khai niềm tin: đặt bàn thờ tại gia đình, đọc kinh liên gia, tham dự thánh lễ. Năm ngoái có hơn 10 gia đình được rửa tội, năm nay, đang dạy giáo lý dự tòng cho 8 gia đình nữa…”

Nhiều lá thư khác cuả các Sơ từ Việt Nam gửi qua cũng đã được một số các hội viên đọc lên để san sẻ niềm vui truyền giáo. Từ trước đến nay số tin tức thường là để ‘bá cáo’ số tiền đã nhận được và sử dụng với mục đích nào, hôm nay ngoài những việc đó ra, các Sơ còn cho biết những hoa trái đã gặt hái được sau 5 năm kiên trì, như thí dụ ở Cao Nguyên vừa được kể trên, và còn nhiều niềm vui và hy vọng khác đã mang đến cho những người Việt Nam xấu xố sống ở các vùng xa xôi như Miền Tây và Campuchia… Những lá thư cảm động đó đều được đăng trên tờ Bản Tin số 6, là phương tiện thông tin liên lạc cuả hội (Chúng tôi xin đăng lại sau đây Cảm Nhận cuả Sơ Maria Đinh Thị Ngát sau một cuộc thăm viếng những người Việt Nam sống ở Campuchia.)

Như những lần trước mỗi khi đăng các loại tin này thì đều có những vị hỏi thăm địa chỉ và liên lạc, vậy đây là thông tin về hội Gia Đình Đa Minh USA và Dòng Nữ Đa Minh Tam Hiệp tại Garland TX:

DOMINICAN SISTERS OF TAM HIEP

2934 Landershire Lane

Garland TX. 75044

Tel: 972 530 5068















Phần phụ lục:

CẢM NHẬN TỪ CHUYẾN VIẾNG THĂM SỨ VỤ TẠI CAMPUCHIA

Sơ Ngát

TÌM ĐÂU CHO HỌ MỘT LỐI THOÁT?

Trong chuyến đi thi hành công tác bác ái xã hội (28/5/2018), chúng tôi ghé thăm một cộng đoàn của các nam tu sĩ thuộc Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu Việt Nam. Có 4 tu sĩ đang hoạt động sứ vụ tại đất nước Campuchia. Chúng tôi được Thầy Giuse Nguyễn Thanh Tùng hướng dẫn tới thăm những nơi các Tu sĩ đang thi hành sứ vụ. Xin ghi lại cảm nhận của chúng tôi nhân chuyến viếng thăm này.

Người Việt trên đất Campuchia

A. Về mặt xã hội:

Trên đất nước Campuchia, có rất đông người Việt Nam sinh sống. Hầu hết người Việt Nam sống tại Campuchia không có giấy tờ tùy thân vì không được chính quyền công nhận. Họ sống ven bờ sông Mêkong, thu nhập chủ yếu dựa vào việc thả lưới bắt cá để sống qua ngày hoặc đi làm thuê, mướn. Bờ sông dần sạt lở, nhà cửa bị dòng nước cuốn trôi, đất ở bị thu hẹp, họ sống chen chúc trong những căn nhà tạm bợ, lụp xụp tồi tàn. Không quyền công dân, không học hành, không nghề nghiệp, họ là thành phần cùng đinh trong xã hội nên bị khinh ghét, bị trù dập, thậm chí bị giết hại. Tình cảnh nghèo đói này dẫn đến một thực trạng đau lòng khác: các bé gái chừng khoảng 12 – 13 tuổi bị cha mẹ đem bán, mua vui cho những người đàn ông lắm của nhiều tiền, sau khi trở về nhà các bé tiếp tục làm nghề mại dâm, rồi lây nhiễm HIV. Một số trong họ chết khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại những đứa con bệnh tật đáng thương, bơ vơ kiếm sống nơi đầu đường xó chợ.

B. Về mặt tôn giáo:

Campuchia là quốc gia của Phật giáo, người Công Giáo chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dân số. Dọc theo quốc lộ từ cửa khẩu giáp ranh giới Việt Nam dẫn vào thủ đô Phnom Penh, rất hiếm tìm thấy một ngôi nhà thờ Công Giáo. Giáo hội Campuchia không có Giám mục bản xứ, số linh mục lại càng hiếm hoi. Vì thế, tại các xứ đạo xa thành phố, Thánh lễ chỉ được cử hành mỗi tháng một lần.

Trong bối cảnh trên, người Việt Nam, cách riêng người Công Giáo Việt Nam tại Campuchia là những người nghèo trong tất cả mọi lãnh vực: tâm linh, tinh thần, văn hoá, vật chất... họ hoàn toàn bị bỏ rơi, sống bên lề xã hội và cũng chẳng có một tia hy vọng lạc quan về tương lai cho chính họ cũng như cho con cháu họ. Đó là số phận bi đát, bế tắc đáng thương của những con người nhỏ bé, không có tiếng nói trong xã hội.

Trở về, chúng tôi không nguôi ray rứt trước những điều mắt thấy tai nghe. Tìm đâu cho họ một lối thoát? Mong sao họ có được một mức sống xứng đáng hơn hoặc sự thay đổi ý thức hệ trong xã hội. Thật khó biết bao! đó phải chăng là điều không tưởng? Nó quá lớn lao để chúng ta hoài bão. Tuy nhiên “Đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được”(Lc 1,37). Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa làm điều Ngài thấy là cần thiết cho họ; phần chúng ta hãy làm cho họ những gì có thể làm trong tầm tay chúng ta.

C. Tại giáo xứ Thánh Martinô, giáo phận Mêkông

Giáo xứ Thánh Martinô thuộc Giáo hạt Mêkong là một xứ đạo người Việt Nam chịu chung số phận đáng thương này. Các nam tu sĩ thuộc Tu đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu – Việt Nam được sai đến đồng hành, chia sẻ cuộc sống với họ. Trong 10 năm phục vụ, các tu sĩ dấn thân vào các lãnh vực: dậy văn hoá cho trẻ em (vì các em không được đến trường), dậy giáo lý; giáo dục đức tin cho những gia đình Công Giáo (giáo xứ không có linh mục); qua sự giúp đỡ của một số ân nhân, các tu sĩ giúp sửa sang những căn nhà đã xiêu vẹo, tồi tàn để người dân có được một chỗ ở tương đối an toàn và bảo đảm sức khoẻ tối thiểu cho cuộc sống.

2. Viện mồ côi Mêkong, Cambodia – Nơi ấp ủ ước vọng loan báo Tin Mừng

Ngoài ra, các tu sĩ đã thành lập một Viện Mồ Côi mang tên Viện Mồ Côi Mekong Cambodia để đón nhận và nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi, những trẻ này không còn cha mẹ hoặc bị vất bỏ từ khi mới sinh. Qua chia sẻ của các Thầy, chúng tôi được biết: Hiện nay, Viện Mồ Côi Mekong Cambodia đã đón nhận và nuôi dưỡng tất cả 24 em (14 nam, 10 nữ), em lớn nhất 18 tuổi, em nhỏ nhất 10 tháng tuổi. Các em đa phần là các cặp anh/chị em ruột, với những hoàn cảnh gia đình khác nhau, gồm trẻ em người Việt và người Khmer. Trong số này có 3 em đã nhiễm HIV. Ước mong của các tu sĩ là nuôi nấng và giáo dục các em trở nên những con người tốt, hữu ích cho xã hội; đặc biệt huấn luyện các em trở nên những tông đồ bản xứ, cộng tác trong công cuộc loan báo Tin Mừng giữa lòng dân tộc Campuchia. Việc đầu tiên trong tiến trình giáo dục này là lo cho các em có giấy khai sinh, có quyền đến trường học hành để có khả năng tham gia vào sứ mạng tông đồ sau này. Trong số 24 em đang được nuôi dưỡng tại viện, ngoại trừ 7 em nhỏ chưa tới tuổi đến trường, có 17 em đã có giấy khai sinh và đang đi học. Tới thăm Viện, dấu ấn đầu tiên chúng tôi ghi nhận là nét vui tươi, hạnh phúc thể hiện trên gương mặt của các em. Điều đó cho chúng tôi cảm tưởng các em đã được yêu thương và nuôi dạy rất chu đáo.

Một trong những khó khăn lớn nhất đối với các Tu sĩ phục vụ nơi đây là vấn đề tài chính. Mỗi tháng, chi phí cho các nhu cầu cuộc sống: cơm ăn, áo mặc, thuốc men, học hành, di chuyển, các nhu yếu phẩm và những nhu cầu cấp thiết khác là không hề nhỏ. Hiện nay, nguồn tài chính chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ từng lần của quý ân nhân; vì nơi này chưa được nhiều người biết đến nên sự giúp đỡ còn rất giới hạn; đã có những thời điểm, cuộc sống của các em lâm vào cảnh thiếu thốn trầm trọng. Cũng vì thế, các Tu sĩ chưa dám nghĩ đến việc tiếp tục nhận thêm những trẻ mồ côi khác dù đối tượng này còn rất nhiều.

Chúng tôi thật sự cảm phục tinh thần dấn thân cao độ của các tu sĩ đang phục vụ nơi đây. Cần nói thêm, người Việt Nam vốn bị dân bản xứ thù ghét do các cuộc bành trướng mở rộng lãnh thổ trong quá khứ, nên việc các tu sĩ hiện diện ở đất nước này cũng là một thách đố cho sự an nguy của họ. Nhưng các Thầy đã bất chấp khó khăn, nguy hiểm để phục vụ bằng tấm lòng quảng đại hy sinh; đặc biệt qua việc tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi vốn dĩ chỉ phù hợp đối với người nữ. Thực tế, các Thầy đã làm tròn cả hai vai trò làm cha và làm mẹ, để đem lại yêu thương và hạnh phúc cho các trẻ em bất hạnh.

Chúng tôi cảm phục hơn nữa vì dự phóng nhắm đến mục đích cao hơn, xa hơn của các tu sĩ. Dự phóng mang tính lâu dài, khả thi, được định hướng rõ ràng, cụ thể của là đào tạo các em trở thành những tông đồ bản xứ. Quả thật, trong bối cảnh một Giáo hội còn quá non trẻ, một đất nước còn quá ít người Kitô hữu và người Việt Nam bị khinh ghét; thì mục đích trên, thiết tưởng không còn gì ý nghĩa và phù hợp hơn. Hy vọng dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các Thầy đủ khôn ngoan, nghị lực cộng tác vào sứ mệnh loan báo Tin Mừng đã được Chúa Giêsu uỷ thác “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19a).

Nguyện xin Chúa thương nâng đỡ đoàn dân nghèo của Chúa. Xin Chúa chúc lành và ban Chúa Thánh Thần hướng dẫn để các dự phóng đạt đến sự thành toàn, cho Nước Chúa trị đến và nhiều người được hưởng ơn Cứu độ.

Note:

Trong chuyến viếng thăm nơi các Tu sĩ thuộc Tu đoàn Thừa sai Thánh Mẫu đang hoạt động, chúng con đã:

Hỗ trợ để sửa sang 2 căn nhà dân thuộc giáo xứ Thánh Martinô. Kinh phí sửa chữa: $2.000/2 căn nhà (nhà cửa thường không làm kiên cố do bờ sông dần sạt lở cuốn trôi. Do đó chỉ sửa chữa ở mức tương đối an toàn chắc chắn, nên kinh phí không cao)

2. Hỗ trợ 6 em học sinh mồ côi Việt Nam thuộc Viện mồ côi Mêkong, Cambodia. Mức hỗ trợ $600/em trong 1 năm. Tổng cộng: $3.600/năm